Ác mộng Libra

Ác mộng Libra

[US – New York]

Chuyến đi công tác New York cách đây hai tuần là cơ hội để mình tìm hiểu một số dự án “tiền mã hóa và blockchain” do các “shaper” ở New York Hub tiến hành, cụ thể như Bitsian - một nền tảng dùng để quản lý tất cả các tài khoản tiền mã hóa ở các sàn giao dịch khác nhau do Raakhee Tharani Miller sáng lập (người có hơn 10 năm kinh nghiệm ở Goldman Sachs) và bạn mình Marvin J Mathew phụ trách “Sản phẩm và Chiến lược”.

https://bitsian.io/

Bitsian giúp giao dịch đa sàn nhanh chóng, tổng hợp phân tích dữ liệu chuyên sâu đồng thời hỗ trợ báo cáo thuế với các hệ thống “ngân hàng”. Trụ sở của nhóm Bitsian nằm trong tòa nhà lịch sử Equitable, chỉ cách phố Wall vài bước chân – một con đường ngắn chỉ gồm 8 dãy nhà nhưng thu hút khối lượng khổng lồ “tiền bạc” của “nhân loại” đổ về – cụ thể như ở hai sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất hành tinh NYSE (thành lập đầu thế kỷ 19 – 1817) và Nasdaq (thành lập thế kỉ 20 – 1971) – một minh chứng cho sự bùng nổ của cuộc cách mạng tiền tệ mang tên “chứng khoán” khởi phát ở Bỉ từ thế kỷ 15.

Cùng với Marvin J Mathew tại văn phòng của Bitsian trong lòng phố Wall

Nhiều chuyên gia đã ví von “cryto” sẽ là cuộc cách mạng kế tiếp – thứ sẽ đả phá khả năng tập trung kiểm soát (centralized) của các định chế nhà nước sang cơ chế phi tập trung (decentalized) – một hệ thống dựa vào “niềm tin số” (digital trust) như Thomas Lee (đồng sáng lập của Fundstrat, một tổ chức nghiên cứu dữ liệu độc lập) đã phân tích ở hội nghị Upfront Summit 2018 – khi niềm tin vào khả năng kiểm soát của chính phủ giảm sút (như vụ Ngân hàng trung ương Mã Lai vô tình chuyển 50 triệu USD cho một nhóm hacker) – công chúng sẽ tìm đến các hệ thống đáng tin cậy hơn (Thống kê đã chỉ ra 92% thế hệ Millennials – gần 96 triệu người sinh từ năm 1981 tới 2000 – không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng truyền thống).

Tiền mã hóa cùng các công nghệ liên quan đang len lỏi ở mọi ngóc ngách ở Hoa Kỳ nói chung và New York nói riêng – từ những nhóm khởi nghiệp “mới” như Bitsian đến các nhóm “kỳ cựu” hơn như Gemini, một sàn giao dịch “ether” (tiền mã hóa) được cấp phép đầu tiên trên thế giới, thành lập cách đó năm năm do anh em sinh đôi nhà Winklevoss khởi xướng (nổi tiếng với vụ kiện tụng “phát minh” Facebook) – người dùng Gemini có thể trao đổi tiền mã hóa và tiền pháp định ở một thị trường mở đồng thời chuyển hóa thành USD tới tài khoản ngân hàng của mình. Rất dễ bắt gặp bảng quảng cáo của Gemini ở nhiều nơi công cộng ở New York như ga tàu điện ngầm hay ở các công trình lịch sử như nhà ga trung tâm (Grand Central Terminal).

Xu hướng này cũng diễn ra ở Việt Nam nơi nhiều nhóm “blockchain và crypto” đang âm thầm kiến tạo một cuộc cách mạng “tiền mã hóa” (như cách “chứng khoán” đến Việt Nam năm 2000). Quan sát các chuyển động của “blockchain” hay “cryptocurrency” sẽ giúp chúng ta tư duy tốt hơn về cách công nghệ mới định hình dòng chảy “tài chính” cùng những xung đột của nó với hệ thống truyền thống. Charlie Munger, nhân vật số hai ở Berkshire Hathaway sau Warren Buffett (một trong những người giàu nhất thế giới) trong buổi phỏng vấn với Yahoo Finance vào tháng 2/2019 đã nhận xét “bitcoin” là ngu ngốc và phi đạo đức – đồng tiền số này đã tạo ra cơn sốt mua dựa trên kỳ vọng “bán giá cao” dù nó không có giá trị nội hàm/intrinsic values thực sự.

Sự xuất hiện của đồng Libra do Facebook phát hành (đồng tiền số dựa trên tài sản đảm bảo – như một giải pháp cho băn khoăn của Charlie) đánh dấu một kỷ nguyên mới, như David Marcus (người phụ trách dự án Libra) đã chia sẻ với The Economist: “một kỷ nguyên đột phá đang đến sẽ đánh dấu “khoảnh khắc” mà chúng ta chân nhận ra có một vài thứ không nên bị kiểm soát và các cách thức truyền thống vận hành chúng sẽ dần bị từ bỏ. Đồng Libra hứa hẹn sẽ giúp việc chuyển tiền (wire) trở nên dễ dàng như “nhắn tin” – cụ thể hơn những rào cản trong dòng chảy của tiền sẽ được hạn chế tối đa như chi phí (fees – có thể rẻ hơn cả TransferWise hay Western Union) và thời gian trì hoãn (delays – có thể xử lý 1000 giao dịch/giây). Quan trọng hơn, Libra sẽ giúp dân chủ hóa hệ thống tài chính toàn cầu (nơi các nước kém phát triển hơn cũng thể dễ dàng truy cập được), trở thành phương tiện đảm bảo đồng lương nhọc nhằn kiếm được tránh khỏi lạm phát đồng thời khích khởi “làn sóng sáng tạo” trong tài chính (như cách internet làm với dịch vụ online).

Cuối cùng sức mạnh thực sự của Libra là ở tiềm năng “thương mại” phi thường của nó. Thử hình dung nếu như mỗi 2,4 tỷ người dùng Facebook chuyển một phần nhỏ khoản tiền tiết kiệm của họ thành Libra để giao dịch, nó sẽ chuyển thành dòng lưu thông “thương mại” khổng lồ. Liên doanh Libra, đóng đô ở Geneva, Thụy Sĩ do Facebook dẫn dắt bao gồm 28 thành viên sáng lập sừng sỏ với quyền biểu quyết ngang bằng nhau: Các hãng tài chính (VISA, Stripe, Paypal, Mercado Pago), dịch vụ trực tuyến (Spotify, Uber), ví tiền điện tử (Anchorage, Coinbase), các nhà đầu tư mạo hiểm (Andreessen Horowitz, Union Square Ventures) và quỹ từ thiện (Kiva, Mercy Corps) sẽ tạo thành một nhóm “Siêu nhân” Avengers với mục tiêu đưa đồng Libra vào thực tế (thuyết phục các thương gia/merchants chấp nhận Libra) đồng thời quản lý các khoản dự trữ “đồng tiền mạnh” (hard-currency reserves – đồng tiền dễ dàng chuyển đổi với một tỷ giá ổn định).

Biểu tượng của Libra

Trong số nhiều bài viết chuyên sâu tràn ngập mạng xã hội về sự ra mắt đồng Libra của Facebook, mình tình cờ đọc được một bài viết “vĩ mô” rất hay của giáo sư Katharina Pistor đến từ trường luật Columbia mà nội dung của nó là sự đả phá trực diện dự án tham vọng của Facebook đồng thời đưa ra các cảnh báo quan trọng qua quan sát các cuộc khủng hoảng tiền tệ từng xảy ra trước đó do “khả năng kiểm soát” có giới hạn của con người (hay sự tham lam). Bà là một chuyên gia về luật doanh nghiệp, quản trị tập đoàn, tiền tệ và tài chính, luật sở hữu trí tuệ, luật so sánh và các định chế luật đồng thời là tác giả của cuốn sách rất thú vị mới ra mắt gần đây “Mã hóa của Vốn (Capital): Làm thế nào mà Luật lệ có thể tạo ra sự Giàu Có và Bất Công”.

Mình đã lược dịch bài viết dưới đây dưới sự đồng ý của giáo sư Katharina Pistor. Bà sẽ đến Việt Nam với vai trò khách mời tại “Hội nghị Kinh tế trẻ Toàn Châu Á” (YSI Asia Convening 2019) tại ĐHQG Hà Nội do Tiến sĩ Jenny Tue Anh Nguyen từ đại học Oxford (một người mình cũng rất ngưỡng mộ) dẫn dắt vào tháng 8 tới. Cảm ơn chị @Jenny đã kết nối mình với Giáo sư Pistor (các bạn trẻ nên theo dõi facebook của nữ tiến sĩ – một cổng thông tin giúp khai sáng nhiều vấn đề “kinh tế” hay “chính sách công” thú vị).

——–

Đồng Libra của Facebook phải bị ngăn chặn

Sau một vài năm tràn ngập bê bối trong việc bảo vệ quyền riêng tư, khai thác dữ liệu người dùng cùng thất bại trong việc kiểm soát nền tảng của mình, Facebook gần đây đã cho ra mắt một loại “tiền mã hóa” đi kèm với hệ thống thanh toán mới với nguy cơ có thể đè bẹp toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Do đó, các chính phủ cần phải nhanh chóng can thiệp trước khi một công ty “vận động cực nhanh và có khả năng đả phá mọi thứ” (move fast & break things) đi đến kết thúc bằng cách phá vỡ tất cả.

Facebook vừa ra mắt một tham vọng mới (bid) để chinh phục thế giới: Libra, một đồng tiền mã hóa được thiết kế để vận hành như một khoản “private money/tiền tư nhân” (khoản tiền cho vay đến từ các tổ chức tư nhân hoặc cá nhân) ở khắp mọi nơi trên hành tinh này. Để chuẩn bị cho sự mạo hiểm này, CEO của Facebook, Mark Zuckerberg đã thương thảo với các ngân hàng trung ương, các nhà làm luật cùng 27 công ty đối tác, mỗi một bên liên quan sẽ đóng góp ít nhất 10 triệu đô ($) phát triển dự án. Để hạn chế sự gia tăng “lo ngại” về tính an toàn, Facebook đã tránh làm việc trực tiếp với bất cứ ngân hàng thương mại nào.

Zuckerberg dường như hiểu rằng các phát kiến công nghệ một mình không thể đảm bảo sự thành công của Libra. Anh ta cũng cần các cam kết ủng hộ từ chính phủ để thực thi các nền tảng trực tuyến có nhiệm vụ xử lý các “quan hệ hợp đồng” (contractual relations) hỗ trợ các giao dịch của Libra đồng thời đẩy mạnh sử dụng đồng tiền “pháp định” của họ như một tài sản đảm bảo. Liệu Libra có phải đối diện với một cuộc chạy đua cung cấp thanh khoản từ các ngân hàng trung ương.

Liệu các chính phủ có chân nhận được những rủi ro “lớn” ảnh hưởng đến “ổn định tài chính” mà hệ thống này gây ra. Ý tưởng một hệ thống thanh toán có tính tư nhân, hoạt động mượt mà với gần 2,6 tỷ người dùng tích cực nghe rất hấp dẫn. Nhưng hầu như các chủ ngân hàng và nhà hoạch định chính sách tiền tệ đều biết: các hệ thống thanh toán đòi hỏi một mức độ “thanh khoản đảm bảo cao độ” mà không một “thực thể tư nhân” nào có thể cung cấp được.

Không như nhà nước, phía tư nhân phải hoạt động trong phạm vi nguồn lực hạn chế, do đó không thể đơn phương đảm bảo trách nhiệm tài chính (financial obligations) với “khách hàng” khi cần thiết. Điều này có nghĩa là khi nguy cấp, họ không thể tự cứu lấy bản thân mình; sẽ bị nhà nước cứu vớt hoặc được cho phép “thất bại” (đăng ký phá sản – ngược với quá lớn để thất bại – too big to fail). Hơn nữa, ngay cả với nhà nước, chính sách tỷ giá hối đoái cố định/neo tỷ giá (Currency peg – chính sách tỷ giá hối đoái của chính phủ hoặc quốc gia gắn với đồng tiền của một quốc gia khác) chỉ cung cấp một ảo ảnh về tính an toàn. Rất nhiều quốc gia đã phải phá bỏ “sự neo” đó và luôn đi kèm với lời biện hộ “thời đại này thật khác thường” (khó đoán)

Điều khiến Facebook trở nên khác biệt với các nhà phát hành “tiền tư nhân/private money” khác là ở kích cỡ, khả năng phủ sóng toàn cầu, cùng ý chí “vận động nhanh và khả năng đả phá mọi thứ”. Rất dễ để hình dung một viễn cảnh trong đó việc giải cứu đồng Libra sẽ đòi hỏi “thanh khoản cao” hơn bất cứ khả năng một quốc gia nào có thể cung cấp. Hãy nhớ lại trường hợp của Ireland sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, việc chính phủ thông báo rằng họ sẽ nắm các khoản nợ của khu vực ngân hàng tư nhân đã dẫn đến việc cả quốc gia chìm ngập trong cuộc khủng hoảng nợ chính phủ (sovereign debt). Bám víu bên cạnh gã khổng lồ như Facebook, nhiều quốc gia có thể kết thúc giông giống như số phận của Ireland.

Facebook đang tăng tốc thiếu kiểm soát cứ như thể Libra chỉ là một doanh nghiệp tư nhân (private enterprise) “vô thưởng vô phạt” trong hệ thống của mình. Tương tự như nhiều trung gian tài chính (financial intermediaries) khác hoạt động trước Libra, công ty đang đưa ra các hứa hẹn mà không thể đảm bảo bằng nội lực của họ, cụ thể như cam kết bảo vệ giá trị đồng tiền. Libra sẽ được đưa vào rổ tiền tệ (tiền pháp định (fiat money) được phát hành bởi chính phủ) và có khả năng chuyển đổi theo yêu cầu dựa trên mức chi phí nào đó. Tuy nhiên sự đảm bảo này đang dựa trên một ảo ảnh, bởi vì Facebook hay bất cứ bên “tư nhân” (private party) liên quan nào đều không có quyền truy cập “không giới hạn” tới hệ thống “tiền tệ neo” (pegged currencies).

Để hiểu điều gì sẽ xảy ra khi các nhà làm luật không hành động mạnh mẽ (sit on their hands) vào thời điểm các “nhà sáng tạo tài chính” (financial innovators) chế ra quyền chọn bán (put options – là một hợp đồng tài chính giữa hai bên, theo đó người mua hợp đồng có quyền bán cho người bán hợp đồng một số cổ phần chứng khoán hay “chỉ số chứng khoán” nào đó tại một mức giá xác định vào trước ngày đáo hạn hợp đồng), chúng ta có thể xem xét sự thất bại của các quỹ đầu tư thị trường – MMF trong tháng 9 năm 2018 (Money Market Fund là quỹ đầu tư thị trường vốn ngắn hạn, mà bản chất là quỹ đầu tư tín thác hay quỹ mở tập trung vào các sản phẩm trái phiếu ngắn hạn với các đặc điểm an toàn, lãi suất cao, thanh khoản cao). Các nhà đầu tư vào MMFs được hứa hẹn rằng họ có thể xử lý miếng bánh của họ (holdings) như một tài khoản ngân hàng, có nghĩa là họ có thể rút ra tối đa phần tiền mà họ đã bỏ vào bất cứ khi nào họ muốn. Nhưng khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ khiến các nhà đầu tư MMF đã đồng loạt rút tiền (cash out) ra vào cùng một thời điểm, rõ ràng là không có nhiều quỹ có thể đáp ứng yêu cầu trên. Để giải quyết sự lan rộng “khủng hoảng” lên các MMF và ngân hàng đứng bảo kê phía sau, Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (FED) đã buộc phải nhảy vào để hỗ trợ thanh khoản. Do đó, cần có một khoản hỗ trợ ở quy mô còn lớn hơn rất nhiều để Libra có thể hoạt động thông suốt, đi kèm với đó là quá trình điều phối chặt chẽ giữa các ngân hàng trung ương – những định chế có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đồng tiền số trên.

Nhận thức được mối nguy to lớn trên, các chính phủ cần phải nhảy vào để ngăn cản việc phát hành Libra vào năm tới. Mặt khác, như Maxine Waters, nữ chủ tịch của Ủy Ban Hạ Viện Hoa Kỳ về Dịch vụ Tài Chính, đã cảnh báo: các chính phủ cũng nên bắt đầu phác thảo “Di chúc Sống” cho chính mình (Living wills – là một văn tự hoạch định sẵn những quyết định của bạn về việc có muốn duy trì mạng sống khi bạn chẳng may lâm vào tình trạng não bộ ngừng hoạt động và không còn khả năng nói lên những điều mình muốn). Theo cách hiểu của giới tài chính và ngân hàng, một “di chúc sống” là một bản kế hoạch được viết ra nhằm mô tả cách các ngân hàng sẽ “xử lý êm đẹp” (unwind) trong trường hợp vỡ nợ tới các nhà làm luật. Trong trường hợp của chính phủ, một bản “di chúc sống” sẽ giải thích cách mà các chính quyền liên quan sẽ phản ứng trong trường hợp Libra phá vỡ hết các cấu trúc “neo” của tiền tệ và kích khởi một cuộc khủng hoảng có tính chất toàn cầu.

Hiển nhiên, điều này sẽ làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan. Liệu các chính phủ có hành động bằng “tất cả những gì có thể” để đảm bảo sự sống còn của hệ thống tiền tệ? (tương tự như hành động của cựu chủ tịch FED (Cục dự trữ liên bang) Ben Bernanke vào tháng 9 năm 2008 và Chủ Tịch Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi vào tháng 7 năm 2012). Liệu họ có đủ khả năng để làm điều đó hay mạnh mẽ tự mình điều phối các hoạt động phức tạp đồng thời chia sẻ mất mát với những quốc gia liên quan? Liệu các chính phủ có thể nắm bắt quyền kiểm soát hệ thống mà tự nó đã chứng minh tính bất khả của khả năng tự duy trì?

Yên lặng không phản ứng lại các thông báo tuần này của Facebook thì tương đương với việc ủng hộ mối nguy hại to lớn đến từ dự án mạo hiểm này. Chính phủ không thể cho phép các “bên tư nhân” (private parties) đang tìm kiếm lợi nhuận đặt cả hệ thống tài chính vào hiểm họa có thể lường trước được. Nếu các ngân hàng “quá lớn để có thể thất bại” (too big to fail) , thì các nhà nước cũng tương tự như vậy. Nếu chính phủ thất bại trong việc bảo vệ chúng ta khỏi hành động “xấc xược” vừa rồi của Facebook thì tất cả chúng ta đều phải trả một cái giá nhất định cho sai lầm này.