Hạnh phúc trong thế giới đổi thay
Bertrand Russell gợi ý ba điều (có thể gây tranh cãi gay gắt) để làm thế giới tốt đẹp (hay hạnh phúc) hơn: (1) tạo dựng chính quyền thế giới (world government), (2) đảm bảo công bằng kinh tế toàn cầu (economic equality) và (3) duy trì dân số ổn định (stationary population). Điều thứ nhất liên quan đến việc xây dựng một chính quyền liên bang toàn cầu đứng ra bảo vệ thỏa thuận tự do “phi thường” dành cho các các quốc gia thành viên – chỉ có tổ chức này được quyền kiểm soát các nguồn lực như lực lượng vũ trang (armed forces), vũ khí (weapons of war) nhằm đảm bảo hạn chế tối đa chiến tranh (hay mâu thuẫn). Nhân loại chỉ có thể tiến về phía trước khi chiến tranh không thể diễn ra, bởi khi đó mọi phát kiến khoa học sẽ không còn hướng đến mục đích giết chóc hàng loạt. Điều thứ hai được chân nhận dựa trên khoảng cách kinh tế giữa Á-Phi nghèo khó với châu Âu hay Hoa Kỳ sung túc (hay dưới góc nhìn vật chất). Khi một số người có giáo dục phát hiện ra dữ kiện này (facts), cảm giác ghen tỵ hình thành bên trong là khó tránh khỏi, điều này sẽ dẫn đến bất ổn và hòa bình thế giới lại càng trở nên mong manh. Vấn đề này chỉ có thể chữa lành bằng liều thuốc “bình đẳng kinh tế”. Điều thứ ba đặc biệt tối quan trọng nếu nhìn vào chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu – vốn dựa trên canh tác đất đai (có giới hạn), tất nhiên phát kiến công nghệ có thể hỗ trợ tăng năng suất nhưng chắc chắn không thể đuổi kịp miệng ăn nếu vấn đề gia tăng dân số gắn với công bằng kinh tế.
Là một trong những học giả vĩ đại nhất của Anh, bá tước Russell ghi lại góc nhìn trên trong “Niềm hy vọng mới cho một thế giới đổi thay”, một tác phẩm xuất bản năm 1951 (thời kì chiến tranh Lạnh nhưng có nhiều liên hệ đến hiện tại) bộc bạch những suy tư về nhân loại (và hạnh phúc) sau hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc Một và Hai. Mình đã dặn lòng giai đoạn này chỉ tìm đọc các sách chuyên sâu về tài chính để làm nghề, vậy mà đã không thể ngừng ngấu nghiến khi cầm trên tay cuốn sách xưa cũ này. Tác phẩm của Russell viết về mâu thuẫn: giữa con người và tự nhiên (man-nature), giữa người với người (man-man) và đấu tranh nội tâm (man-himself) đồng thời đi tìm câu trả lời cho niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp (hay duy lý) giữa một thế giới bất định đong đầy sợ hãi. Một cuốn sách dễ cho công chúng tiếp cận hơn nhiều tác phẩm phức tạp khác của ông về logic, toán và triết học. Ông viết: “Dù cảm thấy thế giới đang dịch chuyển đến một cuộc chiến mới không ai mong muốn (bởi nó đe dọa sự tồn vong nhân loại), nhưng giống như con thỏ béo bở trong mắt sói – chúng ta quan sát chăm chú thảm họa mà không biết mình nên làm gì để đảo ngược tình hình. Các câu chuyện về bom hạt nhân, bom nhiệt hạch, thành phố bị phá hủy, sự hung hãn của Xô Viết, nạn đói và sự tàn bạo phủ đầy mỗi buổi gặp gỡ, dù lý tính thôi thúc chúng ta run rẩy trước viễn cảnh trên nhưng một phần trong tâm khảm lại mong muốn tận hưởng cảm giác kịch tính, do đó quyết tâm đảo ngược tình thế không duy trì lâu và tâm hồn con người bị chia đôi giữa phần lành mạnh (sane) và vô vọng (insane).”
Thế giới đổi thay mà Russell đề cập chính là sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Sức mạnh to lớn của cách mạng công nghiệp hiện đại vừa góp phần “xây dựng” (construction) vừa gia tăng phá hủy (destruction). Tiến trình trên đã thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm nguyên vật liệu ở khắp nơi trên thế giới góp phần tăng tốc quá trình toàn cầu hóa. Mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên (man-nature) nay được giải quyết bằng công nghệ, nhưng phải dựa trên sự chấm dứt mâu thuẫn giữa con người với con người (man-man). Khi đó, chúng ta chỉ còn phải giải quyết mâu thuẫn bên trong (conflicts of man with himself). Trong quá khứ, mâu thuẫn nội tại này (man-himself) thường phản ánh hai mâu thuẫn kia (man-nature, man-man) thì nay lại trở thành nguồn cơn. Để loại bỏ hoàn toàn mọi mâu thuẫn, chúng ta cần thúc đẩy cảm giác: “hạnh phúc và ý nghĩa của hạnh phúc phụ thuộc vào cách chúng ta sống hòa hợp với người khác. Nếu con người chân nhận ra điều trên, họ không những giải quyết được vấn đề cá nhân mà thậm chí mọi thách thức chính trị khó nhằn nhất”. Bước chân vào bộ óc thiên tài của Berttrand Russell qua các trang sách thật là một cảm giác hưng phấn, cả một vùng trời nhận thức được khai sáng dù rất thách thức để có thể thấu hiểu toàn bộ lập luận của ông. Sách có một chương kế cuối rất thú vị, trong đó Russell cũng mô tả kỹ càng trải nghiệm của những con người hạnh phúc lý tưởng: khởi đầu bằng thời thơ ấu với cha mẹ yêu thương mà không chịu áp lực quá nhiều bởi chữ “don’t” (con không được phép), đứa bé kết nối với bạn bè cùng lứa, sinh hoạt vui chơi ngoài trời; có chân trời tự do riêng để thể nghiệm những hoạt động mới. Khi lớn lên, con người cần được trang bị một nền tảng giáo dục để sẵn sàng bước vào thế giới văn minh (nhưng tuyệt đối không được phép gắn với học hành trâu ngựa quen thuộc), chúng phải được tham dự vào các thảo luận tri thức thay vì máy móc theo các chỉ dẫn (mà theo Russell là di sản của nền học thuật cổ Hy Lạp), đồng thời tự do chạm đến các cấu tứ văn hóa như nghệ thuật, âm nhạc, văn học, phim ảnh. Con người hạnh phúc trong mắt Russell đong đầy tri thức, tự do và cởi mở – tận hưởng thế giới bên ngoài gắn với tâm tính hình thành bởi quá trình nuôi dưỡng thông thái và tràn đầy yêu thương. Còn khi về già, những cá nhân hạnh phúc không chìm đắm trong quá khứ hay mắc kẹt trong sự so sánh với tuổi trẻ, không sợ hãi cái chết và coi quá trình “hiển nhiên” trên như cách dòng sông nhập vào biển lớn.
Tuy nhiên, Russell nhắc nhở công chúng cần tiếp cận “suy tư” của ông với sự ngờ vực nhất định. Ông nhận định: “nếu một trường phái triết học hay tư tưởng đem đến hạnh phúc, nó cần phải được truyền cảm hứng bởi cảm giác tử tế (kindly feeling).” Ông chỉ trích trực diện Karl Marx, triết gia có ảnh hưởng bậc nhất trong thế kỷ 20: cảm hứng của Marx không đến từ sự tử tế, ông ta giả vờ mong muốn đem đến hạnh phúc cho giới cần lao (proletariat) nhưng điều ông ta thực sự muốn lại là đem đến bất hạnh cho giới tư sản. Bởi yếu tố tiêu cực và thù hằn đó, triết học của ông ta đôi khi gây ra thảm họa. Triết học (tư tưởng) nhằm khuyến khích con người làm điều tốt và phải được truyền cảm hứng từ cảm giác tử tế (kindly feeling) chứ không phải theo hướng ngược lại. Russell đặt hy vọng rất nhiều vào thế giới – dù nhân loại có đi qua giai đoạn khó chịu như thế nào với bao đau đớn và khó khăn, cuối cùng cũng sẽ vượt qua và phát triển (emerge) để chạm đến trạng thái hạnh phúc hơn quá khứ. Thế giới tương lai cần được xây bởi những con người trân trọng cả hai khía cạnh tri thức (intellect) và đạo đức (moral) – như thông điệp ông gửi thế hệ tương lai trong một bài phỏng vấn vào năm 1959 (với BBC): cần quan tâm nuôi dưỡng hai khía cạnh tri thức (intellect) và đạo đức (moral). Về mặt trí thức: khi học bất cứ vấn đề gì (matter) hoặc xem xét bất cứ triết lý nào (philosophy), bạn hãy đặt câu hỏi cho bản thân mình, đâu là dữ kiện (facts) cần lưu tâm và sự thật (truth) nào có thể rút ra từ đó. Đừng bao giờ để bản thân mình bị chệch hướng bởi những thứ bạn ước mình sẽ tin hay những thứ tin chỉ để gây hiệu ứng xã hội. Chỉ nên nhìn vào những dữ kiện hàm chứa tri thức trong đó. Còn khía cạnh đạo đức được gói gọn đơn giản: tình yêu là thông thái (wise), hận thù là ngu ngốc (foolish) – trong một thế giới đang ngày càng trở nên kết nối (interconnected) chúng ta phải học cách dung thứ cho những người khác và chấp nhận việc có người nói những điều mình không thích. Chúng ta chỉ có thể tồn tại cùng nhau theo cách như vậy bởi tuy chúng ta sống với nhau nhưng rõ ràng khó có thể chết cùng thời điểm – con người cần phải học cách cho đi (charity) và tha thứ (tolerance) – điều này là tối quan trọng cho sự sống tiếp nối của nhân loại trên hành tinh này.