Bitcoin đấu với Web 3 hay Jack Dorsey đấu với a16z

Bitcoin đấu với Web 3 hay Jack Dorsey đấu với a16z

Công nghệ blockchain tồn tại một tam giác bất khả thi (blockchain trilemma) - một quan điểm cho rằng các mạng lưới phi tập trung chỉ có thể cung cấp hai trong ba lợi ích cùng một lúc (chứ không thể cả 3) cụ thể: tính phi tập trung (decentralization), bảo mật (security) và tính mở rộng (scalability - hay khả năng ứng dụng). Có rất nhiều sáng kiến "đầy tranh cãi" được đề xuất nhằm xây các lớp giải pháp 1 và 2 (layer 1 & layer 2) giúp vượt qua tam giác trên - nhưng việc chạm tới cả 3 đỉnh tam giác trên dường như là bất khả. Bitcoin không phải là một phép màu - để đạt được mục tiêu hay tính hiệu quả (như một loại tiền tệ đáng tin cậy), nó phải hy sinh rất nhiều yếu tố, mà thường đi ngược trực giác của con người (intuition) (cùng nhiều cách làm tốt hơn - best practices) nhằm bảo vệ đặc tính đặc biệt của nó. Mượn lời của anh Hugo Nguyễn (người ủng hộ bitcoin):

Bitcoin thực sự kém hiệu quả nếu xét theo hai khía cạnh:

* Nó bắt buộc tốc độ tạo ra các khối (block) phải diễn ra thật chậm
* Nó phải áp dụng quá trình giao tiếp theo quy mô rất rộng

Điều này phản trực giác bởi có khi nào mà bạn lại:

* Làm cho công việc chậm lại một cách có chủ đích, thậm chí ngay cả khi bạn biết cách làm cho nó nhanh hơn
* Luôn phải báo cáo cho mọi người về bất cứ mọi điều mà bạn làm, cứ mỗi phút trong ngày

Nỗ lực xây dựng một mạng lưới như thế này quả thật vô vọng. Không chỉ bạn phải chuyển động chậm và tất cả mọi người cũng phải di chuyển chậm. Không chỉ bạn phải hét lớn tới mọi người khác mà mọi người cũng phải hét vào mặt người khác. Với một mạng lưới có hàng trăm ngàn người, cách làm của Bitcoin dường như bất khả. Bitcoin cố tình làm như vậy nhằm khiến việc lừa lọc/can thiệp hay phá vỡ hệ thống trở nên đắt đỏ (costly to cheat). Việc tận dụng trao đổi thông tin theo diện rộng giúp tối thiểu hóa việc phải đặt niềm tin vào các cá nhân trong mạng lưới hay tối đa hoá "fault tolerance" - một khái niệm đề cập đến khả năng của một hệ thống (computer, network, cloud cluster) có khả năng tiếp tục hoạt động mà không bị gián đoạn khi một hoặc nhiều thành phần của nó gặp sự cố. Hay nói cách khác Bitcoin giải được bài toán "Vấn đề của các tướng lĩnh Byzantine" (Byzantine Generals' Problem) - một sáng tạo bứt phá trong khoa học máy tính. Tuy nhiên, Bitcoin đang đi trên một đường kẻ mỏng manh (hay đường băng mỏng manh - thin ice) giữa "lỗi lạc" (brilliance) và vô dụng (uselessness). Do đó, các hệ thống blockchain chỉ làm việc hiệu quả khi dữ liệu (data) chảy vào bùng nổ theo một tốc độ kiểm soát được.

Điều này đi ngược hoàn toàn với cách tiếp cận của Ethereum, có vẻ như những gì bitcoin từ chối thì Ethereum lại tận dụng. Nếu bỏ qua tất cả những thông tin quảng bá eth (hay hợp đồng thông minh) ầm ĩ và đào sâu vào những lớp sâu phía dưới của công nghệ. Vấn đề lớn nhất của Ethereum nằm ở việc kiến trúc Ethereum được dựa trên một ý tưởng đầy vấp váp và không có khả năng mở rộng: "nó giả sử "hợp đồng thông minh" có năng lực tính toán để bắt chước nhiều cỗ máy (Turing Complete)". Kiến trúc "rich statefulness" (giàu trạng thái) của Ethereum là một ý tưởng đáng quan ngại. Các "states" (trạng thái) của Eth phục vụ cho mục đích tích toán (computation purposes) sẽ khiến số lượng token tăng lên với tốc độ hoàn toàn không thể kiểm soát.

Thế giới crypto đang chia thành 2 phần bitcoin (btc) và altcoin, đặc biệt là ethereum (eth). Những người tạo dựng eth (như Gavin Wood) đã cổ súy cho khái niệm web 3, sau đó được các công ty công nghệ lớn cùng các quỹ đầu tư mạo hiểm VC bơm đẩy - một khái niệm khá mơ hồ dựa trên blockchain, tập hợp các hệ thống phi tập trung và công nghệ có tiềm năng to lớn thay thế khái niệm internet mà chúng ta biết đến này nay. Việc giao dịch NFT trên các chuỗi khối như Ethereum và Solana là những minh chứng rõ nét nhất - điển hình như trò chơi nổi tiếng xuất phát từ Việt Nam Axies Infinity.

Tuy nhiên, xu hướng web 3 cũng bị chỉ trích kịch liệt bởi một số tên tuổi công nghệ, điển hình là Jack Dorsey, cha đẻ của Twitter. Sau khi từ nhiệm vị trí CEO tại công ty do mình sáng lập (thay thế bởi CTO Ấn Độ Parag Agrawal), Jack dành toàn bộ thời gian của mình cho bitcoin. Cụ thể, ông dẫn dắt công ty Block Inc (trước kia là Square), mà nhánh crypto của nó - Spiral - đang phát triển Lighting Development Kit (LDK), lớp giải pháp (layer-two scaling solution) thứ hai cho Bitcoin nhằm tăng tốc cho mạng lưới Bitcoin (turbocharge) và biến bitcoin thành hệ thống thanh toán thực sự hay loại tiền tệ được ưu tiên sử dụng trên hành tinh (hay lãng mạng hơn phục vụ hòa bình thế giới).

Khi rapper nổi tiếng Cardi B đặt câu hỏi trên Twitter (vào ngày 21/12/2021) "Liệu crypto có thay thế được đồng đô la" thì Jack ngay lập tức phản hồi "Vâng, Bitcoin sẽ thay thế". Dòng tweet của Cardi B đến giờ đã có hơn 62,7 ngàn lượt likes và 4800 retweets. Trao đổi giữa celeb giải trí và celeb công nghệ đã làm dấy lên nhiều tranh cãi không hồi kết giữa đồng đô la và bitcoin, sau đó là những so sánh giữa btc và eth (hay web 3). Chỉ vài ngày sau đó, Jack bắt đầu tấn công web3: "Tôi tin tưởng vào các bạn và năng lực thấu hiểu các hệ thống. Điều tối quan trọng là chúng ta phải tập trung năng lượng của mình vào những công nghệ đã được đảm bảo và bền bỉ theo thời gian sỡ hữu bởi số đông chúng ta, không phải một vài cá nhân hay định chế. Chỉ có nền tảng này mới cung cấp các ứng dụng mà chúng ta nên sử dụng." Sau đó tấn công các nhóm VC đứng sau cổ suy web 3: "Các bạn không sở hữu web3 mà là các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và các partner của họ (LPs). Không gian này sẽ không bao giờ thoát khỏi ý chí kiểm soát của họ. Nó là một thực thể tập trung với một cái nhãn khác. Hãy hiểu rõ mình đang nhảy vào địa hạt gì?"

Thú vị hơn nữa khi tỷ phú Elon Musk (Tesla) tham gia vào cuộc thảo luận bằng câu hỏi: "Có ai từng thấy web3 hay chưa". Jack phản hồi: "nằm giữa a tới z" ẩn ý ám chỉ quỹ đầu tư mạo hiểm a16z tạo dựng bởi hai tỷ phú công nghệ Marc Andreessen và Ben Horowitz vào năm 2009 (thú vị thay quỹ này cũng từng đầu tư vào Twitter của Jack). Quỹ a16z là một trong những tổ chức cổ súy nhiệt thành nhất cho web3. Jack tiếp tục thể hiện sự khó chịu của mình bằng cách tweet lại hình ảnh một vòi nước web 3 đổ thẳng nước vào miệng các VC tham lam ở thung lũng Sillicon (trong khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ được vài giọt nước) mà có lẽ chính là a16z. Sự khó chịu của Jack với web3 (hay với a16z) đã khiến Chris Dixon, partner của quỹ phản hồi: "tôi là một fan lớn của Dorsey, hy vọng trong tương lai chúng tôi có thể thuyết phục Jack quan tâm đến eth và các blockchain khác." Tuy nhiên, ngay sau đó, Jack tiếp tục chụp ảnh màn hình một số thông điệp hàm chứa tham vọng của a16z như "chúng tôi đầu tư vào các phần mềm sẽ phủ sóng (ăn) khắp thế giới" (ám chỉ sự tham lam) đồng thời thông báo với các fan của mình rằng ông chủ của a16z Marc Andreessen đã thẳng tay block mình trên Twitter. Các tên tuổi sừng sỏ trong giới công nghệ cũng rất "người", nếu không thích thì block thẳng tay và không ngại cà khịa.

Có một thông điệp mà Jack, vị tỷ phú công nghệ với hàng râu rậm (trông như nhà tiên tri), retweet lại có nội dung rất thú vị - mình xin chia sẻ lại:

"Các dự án crypto hiện giờ: hàng triệu đô la rót bởi các quỹ đầu tư, đội ngũ marketing, chi trả cho các sàn giao dịch để được niêm yết, các thỏa thuận hợp tác giữa các thương hiệu, ...

Bitcoin: một cái tên nổi lên bởi một website giản đơn và tài liệu mô tả (whitepaper). Tài sản trị giá hàng ngàn tỷ $."

Cuộc chiến giữa những người cổ súy bitcoin và eth (hay web 3) sẽ còn diễn ra rất thú vị. Lợi ích nằm ở đâu thì quan điểm bị bẻ theo đó.