Bố già CZ, cú sụp FTX và các nhà làm luật

Bố già CZ, cú sụp FTX và các nhà làm luật


Trong bất cứ ngành nghề nào, các doanh nhân thường bước qua chu trình ba bước (three-step process). Đầu tiên phải đi tìm sản phẩm phù hợp thị trường (product market fit - PMF): cụ thể có một ý tưởng, thực hiện chúng và quan sát thấy nó dính kết theo cách nào đó với thị trường. Có nhiều cách khác nhau để đo lường điều này, thông qua tỷ lệ phần trăm thể hiện người mức độ rời bỏ của người dùng đối với sản phẩm/ dịch vụ của bạn (churn rate) và mức độ gắn kết (stickiness) - kiểu như nếu có được một người dùng mới, thì liệu họ có giới thiệu thêm người thứ hai tham gia cùng. Nếu làm được điều này, thì có nghĩa doanh nhân đó đã chạm được PMF, hoặc khi gặt hái được lợi nhuận (productivity) hay tăng trưởng (growth) - đồng nghĩa với việc làm ra sản phẩm đúng. Trước khi chạm được mốc này, bắt buộc doanh nhân hay nhà sáng lập đó phải đi qua giai đoạn thử nghiệm - thông thường thử nghiệm với khoản tiền nhỏ từ VC (quỹ đầu tư mạo hiểm). Khi sản phẩm phù hợp thị trường, họ bắt đầu mở rộng lớn ra (scale) để bước vào giai đoạn hai. Trong giai đoạn mở rộng quy mô này, tiền chảy vào dễ dàng và nhiều hơn, do đó ngân sách marketing tăng lên. Lúc này, có thể dùng blockchain để phát hành coin (tiền số) hay token, bởi xác suất thất bại sẽ thấp hơn khi sản phẩm đã phù hợp thị trường rồi. Một khi đã phát hành token rồi thì rất khó để thay đổi mô hình kinh doanh, bởi khi quyết định thay đổi được đưa ra, thị trường sẽ phản ứng lên xuống và người dùng sẽ liên tục phàn nàn. Tiếp theo, giai đoạn ba là trưởng thành (maturing phase), khi lớn đến một quy mô nào đó, các nhà làm luật (regulators) sẽ nhảy vào để quan sát cách thức công ty được quản trị. Blockchain và crypto là những công cụ rất hữu dụng để thúc đẩy chu trình thứ hai, không phải là giai đoạn đầu, khi còn đang loay hoay đi tìm chỗ đứng hay sự phù hợp thị trường - đặc biệt tệ hơn chỉ để lùa gà.

Thông điệp trên là lời khuyên nhủ dành các nhà sáng lập/doanh nhân trẻ của CZ tại Hội nghị Fintech Indonesia (lần thứ 4) tại Bali, sự kiện bên lề hội nghị G20 (nơi các nhà lãnh đạo khối G20 tụ họp). Ông khéo léo chọn diễn đàn để xuất hiện trả lời trước công chúng sau cú cụp của sàn FTX. Phần tham luận bên lề G20 (nơi các nhà làm luật hay lãnh đạo thế giới hội tụ) cho thấy CZ quả là "bố già" thực sự của ngành crypto, dù ngôn từ có phần khiêm tốn, nhưng không khó để cảm nhận cách Binance thò bàn tay lông lá để định hình ngành, ngay cả cách tư duy của nhóm nhà làm luật với crypto.

Ngay khi mới bắt đầu tọa đàm, câu hỏi đầu tiên ập đến chính là vấn đề nóng: vụ FTX liệu có phải là một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu 2008 trong thế giới crypto hay không? CZ thẳng thắn thừa nhận đây là sự so sánh chính xác. Lại một gã khổng lồ crypto sụp đổ, cách đó vài tháng là Luna, 3 Arrows rồi đến CS Voyager (hai cái tên sau có quy mô nhỏ hơn). Tuy nhiên FTX có quy mô rất lớn, giá trị của sàn trước đó tầm 30 - 40 tỷ đô (nhờ kêu gọi tiền từ quỹ), sau đó còn thu hút thêm vài tỷ đô từ quỹ người dùng (user funds). Tất cả đều có thể biến mất. Những sự kiện kiểu như thế này là thảm họa cho ngành, khiến niềm tin của mọi người vào ngành bị lung lay, một cú lùi có thể kéo dài vài năm. Các nhà làm luật lúc này sẽ có cớ để giám sát chặt chẽ hơn ngành - và có khi đây lại là một điều tốt. Trước đó, các quy định thường tập trung chủ yếu vào xác thực người dùng (kYC) và chống rửa tiền (AML). CZ nhấn mạnh nên tập trung vào giám sát hoạt động của các sàn giao dịch (exchange operations), mô hình kinh doanh (business models) và bằng chứng dự trữ (proof of reserve - kiểu như dự trữ ngân hàng, mức tiền mặt tối thiểu mà các tổ chức tài chính phải giữ lại để dự phòng các chi phí và thanh toán các khoản phát sinh) - cách quản lý quỹ người dùng (user funds). Biến cố vừa rồi sẽ tạo ra bước lùi cho ngành, khiến mọi ngóc ngách bị soi xét kỹ hơn (scrutiny) nhưng đây thực ra điều này lại rất tốt, dù đau đớn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong ngắn hạn nhưng lại là sự thức tỉnh (wake up call) cho ngành trong dài hạn: crypto là ngành mới với rất nhiều rủi ro, và chúng ta cần học cách làm sao để xử lý các rủi ro này đồng thời xây dựng ngành khỏe mạnh hơn.

CZ đào sâu hơn vào những gì xảy ra trong ba ngày trước đó - khoản thời gian ngắn ngủi chỉ 96 giờ đồng hồ để vấn đề hay mâu thuẫn hiển lộ ra (revelation of problems). Trục trặc này vốn dĩ đã xuất hiện từ rất lâu, không phải chỉ mới được tạo ra ba ngày vừa qua. FTX đã lạm dụng hay sử dụng sai mục đích các quỹ người dùng. Có lẽ việc này được châm ngòi bởi Coindesk một tuần trước đó (khi CZ đăng đàn tại Singapore Fintech Festival 2022 mà mình có tham dự). Một số nhân sự thân tín đã cảnh báo CZ về việc Binance còn nắm giữ rất nhiều token FTT và thắc mắc liệu có nên bán chúng (CZ phản hồi tại sao không). Sau đó một ngày, Whale Alerts đã thông báo về một giao dịch lớn trị giá đến 580 triệu đô Mỹ của FTT được chuyển đến Binance (cụ thể: 22,999,999 FTT (584,818,174 USD) transferred from unknown wallet to Binance).

Rõ ràng đây là giao dịch của CZ, cộng đồng bắt đầu bàn tán ồn ào và Binance phải có động thái minh bạch điều gì đang diễn ra. Cụ thể phải gửi thông điệp gì đó trên Twitter - dù rất nhạy cảm. Để có được số tiền 580 triệu FTT trên, Binance không mua từ thị trường thứ cấp (secondary markets) mà lấy từ việc thoái vốn (equity exit) khỏi FTX một năm rưỡi trước đó. Ngay sau đó, điện thoại của CZ bùng nổ tin nhắn xuyên suốt buổi chiều. Sang tới hôm sau, CZ vẫn không nhận ra câu chữ của ông đã gây ra một chuỗi hỗn loạn (straw that broke the camel's back). Nhà sáng lập của FTX, Sam (SBF) đã buộc phải gọi điện cho CZ ngay sau đó vài giờ. CZ đã nghĩ Sam sẽ thực hiện một thương vụ OTC để dập tắt các lời bình luận tiêu cực và khôi phục niềm tin cho ngành. Tuy nhiên, Sam lại đưa ra các đề xuất không hiệu quả ở nhiều khía cạnh: tài chính, người dùng (bởi FTX và Binance có sự trùng lặp nhau nhiều, chia sẻ nhau nhiều địa bàn), công nghệ (CZ tin sản phẩm của mình vượt trội hơn nhiều). Ý định ban đầu của CZ là phải cứu lấy người dùng nhưng các tin tức xấu ập đến liên tục như hành xử sai trái của Sam với quỹ người dùng và việc điều tra của chính quyền Hoa Kỳ (US Regulatory Agencies) đã khiến CZ không thể can thiệp vào hố đen này thêm nữa. Do đó, bằng mọi giá, phải thông báo rằng Binance hay CZ nói "không" với Sam và FTX, và phải nói "không" một cách nhanh nhất có thể (một nguyên tắc của CZ trong kinh doanh) để xóa bỏ các nghi ngờ và bất an của cộng đồng. Sự không chắc chắn (uncertainty) lái thị trường theo hướng tệ hại hơn tin tiêu cực (negative) rất nhiều. Thông tin (dù tiêu cực) nhanh chóng khiến cộng đồng hiểu sự việc đã diễn ra như vậy và không hành động thiếu kiểm soát.

Sau khi đưa ra thông báo chấn động, CZ cố gắng giữ im lặng nhiều nhất có thể, cụ thể không tham gia phỏng vấn truyền hình hay báo chí. Khi mọi thứ đã rõ ràng ông mới xuất hiện trở lại ở Bali. Để xây dựng lại niềm tin cho ngành crypto, với tư cách dẫn đầu trong ngành, Binance cần phải nêu gương (lead by example). Trước hết, phải minh bạch nhiều nhất có thể, Binance làm mọi thứ có thể để trở nên minh bạch hơn. Cụ thể thông qua bằng chứng dự trữ (proof of reserves), sẽ mất vài tuần để làm điều này vì các nhà buôn (vendor/merchant) đang rất bận rộn. Tiếp theo phải công bố tất cả các địa chỉ ví "code" mà mọi người quan tâm (code wanted addresses), dù từng được công bố trước đây, nhưng CZ đã công bố lại danh sách chỉ một ngày trước đó - 6 đồng coin chiếm tới 80 hay 90% của quỹ người dùng. Hiện tại ai cũng có thể xem chỉ trong một trang giấy các địa chỉ ví nào là "code wallet". Binance cũng muốn giúp cho các nhà làm luật trên khắp thế giới làm thế nào để làm "kiểm toán" (Audits) trên sàn giao dịch crypto, không chỉ KYC hay AML mà còn kiểm tra code wallets, làm thế nào để kiểm soát đối chiếu cân bằng (balance reconciliations), làm sao để kiểm tra các ghi nhận giao dịch (transaction logs), làm sao để sử dụng các công cụ giám sát không thuộc chuỗi khối (unchain monitoring tools). Tất cả các phương thức trên đều được Binance sử dụng nội bộ và theo đối soát cân bằng theo thời gian thực (real-time reconciliations) xuyên qua nhiều ngóc ngách của tổ chức. Nếu sự cân bằng biến mất, các cảnh báo theo thời gian thực cần được đưa ra. Những hệ thống kiểu như vậy được mở ra cho công chúng quan sát. Trong dài hạn, sức khỏe của ngành sẽ được cải thiện.

Các nhà làm luật (regulators) đóng vai trò quan trọng. CZ không nghĩ rằng xã hội đã phát triển tới mức tồn tại mà không cần luật lệ, cần có ai đó tạo ra luật. Tất nhiên, không phải tất cả luật lệ đều tốt hay tất cả đều xấu. Luật lệ cần phải hợp lý (sensible). Nếu các nhà làm luật nói rằng chúng ta phải cấm toàn bộ crypto trên lãnh thổ Indonesia, theo quan điểm của tôi, là kiểu ra luật tồi tuy nhiên nếu thả nổi, nhiều kẻ hành xử xấu xa sẽ khai thác lùa gà (scammers). Bí kiếp là phải tạo ra sự cân bằng. Còn với ngành crypto, những ai đang nắm giữ tài sản số hay mong muốn trở thành ngân hàng của chính họ (be their own bank), CZ tin, công nghệ rồi sẽ biến điều này trở nên khả dĩ. Tuy nhiên, hiện tại việc này không dễ dàng, công nghệ đã có sẵn đó nhưng không dễ để sử dụng. Một người bình thường làm sao có thể biết cách lưu các "private key" với nhiều sao lưu một lúc (backups), nếu mất máy tính hay ổ cứng thì luôn có cách khôi phục. Trong trường hợp tồi tệ nhất như khi chúng ta chết đi, làm thế nào con cái chúng ta có thể thừa hưởng tài sản này. Dù các công nghệ đã có sẵn nhưng 99% vẫn không biết cách sử dụng. Cũng dễ hiểu, bởi 99% chúng ta không ai biết mã hóa sao lưu USB an toàn như thế nào (securely encrypt the USB backup). Do đó, khi các công cụ cần trở nên dễ sử dụng hơn nhưng vẫn an toàn (quả là tiến thoái lưỡng nan) thì sẽ có nhiều người tham gia vào hơn. Hiện tại, thực tế, đa phần mọi người rất tùy tiện trong việc sử dụng email, password - họ gọi đến bộ phận chăm sóc khách hàng khi quên thông tin nào đó. Binance đã có những khách hàng mà khi qua đời, để chuyển giao tài sản lại cho thế hệ kế tiếp trong nhà của họ, cần phải tiến hành quá trình xác thực phức tạp (để đảm bảo người chết không tự dưng sống dậy). Dù vẫn qua các bước KyC (xác thực người dùng) hay AML (chống rửa tiền), người dùng khi tham gia Binance đã cảm thấy thoải mái dễ dàng hơn trước nhiều - nhưng đó vẫn không phải là bước tiến gì to lớn (giant leap forward).

Các nhà làm luật, sau vụ FTX, sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng tài khoản (account balances) và các khoản dự trữ (reserves). Rõ ràng, ngành phải học hỏi từ các sai lầm đã xảy ra. Tương tự chỉ vài tuần trước đó, các công ty cho vay cũng bị theo dõi rất kỹ bởi các vấn đề phát sinh. Chính quyền sẽ quan tâm nhiều hơn đến các tài sản người dùng (user assets) cùng các vấn đề khác như: an toàn ví (wallet security) - cách các sàn giao dịch đảm bảo an toàn ví, làm sao để xử lý các khúc mắc của khách hàng (customer disputes), có cho phép thực hiện các ICO.

Vai trò chính của Binance là cung cấp thanh khoản cho người dùng và các dự án liên quan, một phần hạ tầng của hệ sinh thái crypto giúp nhiều người có thể tiếp cận ngành. Do đó, Binance phải rất trung lập, rất an toàn, và phải bám sát theo luật sở tại (compliant), phải dễ sử dụng và phải bảo vệ người dùng nhiều nhất có thể. Đó là vai trò đúng nghĩa của một sàn tập trung (CEX). Nhưng bên cạnh đó, Binance cũng đầu tư nhiều vào tài chính phi tập trung (DeFi), để đồng hành và hỗ trợ hệ sinh thái mở rộng. Finance Labs hiện tại đã rót vốn vào khoảng 150 dự án - danh mục đầu tư đang chạy rất tốt. Trong vai trò nhà đầu tư thiểu số (minority investor), một số dự án Binance chỉ đơn thuần rót tiền chứ không tham gia vận hành cùng, không có cổ phần (equity) hay token. Binance muốn khuyến khích ai đó làm điều gì đó hay ho. CZ nhắc lại lời khuyên của một người thầy về cách làm kinh doanh của Google trong những ngày đầu. Cụ thể, Google cung cấp một số dịch vụ hạ tầng miễn phí cho người dùng, mà họ không hề hay biết. Mỗi khi mở điện thoại lên, thông thường chúng ta sẽ đồng bộ với time server (máy chủ thời gian) của Google - Google làm điều này miễn phí. Bất cứ khi nào chúng ta gõ địa chỉ url của trang web, DNS lookup (hệ thống phân giải tên miền) thông thường chúng ta sẽ thấy dãy số 8. 8. 8. 8 DNS tạo bởi Google. Binance cũng nên giống như Google - xây dựng nhiều dịch vụ miễn phí để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái. Điều này đã trở thành triết lý kinh doanh của Binance - tương tự như Google - "không làm điều xấu" (Don't be evil), Binance tập trung vào cụm từ "Bảo vệ người dùng" (protect users). Về định hình ngành, Binance ra sức tìm kiếm các xu hướng đang diễn ra (để hỗ trợ) chứ không dự đoán. Các khái niệm như NFTs hay GameFi không xuất hiện trong đầu CZ vào đầu 2021, cũng như DeFi (đầu 2020) hay ICOs (2017), tất cả những khái niệm trên chỉ xuất hiện một vài năm gần đây. Rất khó để tiên đoán điều gì diễn ra trong ngành. Thậm chí CZ còn không hiểu khái niệm "metaverse" nghĩa là gì? Chắc cũng nhiều người không hiểu khái niệm này là gì. Nhưng nếu có một dự án nào hiện thực hóa điều này rộng khắp, Binance cần phải ra sức ủng hộ như rót tiền đầu tư hay hỗ trợ phát hành token, cần thanh khoản hay niêm yết trên Binance.

Cú sụp của FTX sẽ khiến cho sự hợp nhất trong ngành diễn ra (consolidation). Trước hết là hiệu ứng sụp đổ liên hoàn, như trường hợp BlockFi, phá sản một lần nữa, thương vụ Voyager cũng không rõ sẽ diễn tiến tiếp theo như thế nào. FTX chiến thắng thương vụ đó nhưng bây giờ thì đào đâu ra 1,4 tỷ đô để chi trả. Chúng ta sẽ quan sát thấy nhiều dự án nữa sụp đổ trong vài tuần sắp tới. Cuộc khủng hoảng FTX sẽ còn kéo dài liên đới một hai năm tới và sẽ có nhiều người giảm thiểu rủi ro bằng cách rút khỏi địa hạt crypto. Tuy nhiên, về khía cạnh sáng tạo (innovation), những người đang xây dựng hay theo đuổi ý tưởng vẫn sẽ tiếp tục làm điều này nhiệt thành (builders are still building). Một số nhà phát triển (developers) sẽ chuyển dịch sang blockchain khác, như trường hợp rời bỏ hệ sinh thái Solana (vốn có thể bị ảnh hưởng nặng nề). Mọi người sẽ quan sát nhiều lựa chọn khác. Dù tiền rót vào giảm hay chậm hơn, thì công nghệ luôn tồn tại ở đó, như internet hay blockchain. Khi có một cú sụp gây đau đớn cho nhóm nào đó, thì những người chơi khác sẽ nhanh chóng lấp đầy lỗ hổng và họ là những người mạnh mẽ hơn, kinh nghiệm hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn.

Các nhà làm luật, dù thuộc các nước phát triển G20, có hiểu biết về ngành crypto còn nhiều hạn chế. Bởi đa phần, họ được đào tạo theo lối tư duy tài chính truyền thống. Các nhà làm luật ngân hàng thường quen thuộc với khái niệm "dự trữ một phần" (fractional reserves) do đa phần ngân hàng trên thế giới dựa trên mô hình này. Các nhân vật cấp cao trong ngành tài chính thường có tư duy bị định hình bởi cấu trúc truyền thống này. Crypto là khái niệm không tồn tại trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp của họ, do đó họ phải tìm hiểu thêm qua tài liệu trên mạng chẳng hạn, đa phần chưa ai từng sở hữu crypto, chưa từng tải ví hay có tài khoản Binance. Họ có hiểu biết lý thuyết tổng quát về ngành, đa phần rất thô sơ. Tuy nhiên, cũng có những nhóm nhà làm luật thực sự hiểu rất thấu đáo crypto, như ở Dubai hay ở Pháp - họ không hỏi crypto là gì mà làm thế nào chúng ta có thể tiến về phía trước.