Cuộc chạy đua

Cuộc chạy đua

Trong khi phần lớn nền kinh tế Hoa Kỳ đang di chuyển chậm lại do đại dịch Covid-19 thì Chris Kiple cùng đội ngũ của mình đang bận rộn hơn bao giờ hết, sức nặng của cả thế giới đang đè nặng lên vai họ. Công ty bảy năm tuổi ở tiểu bang Washington (gần thành phố Seattle) do Kiple dẫn dắt, Ventec Life Systems, đang đốc thúc 135 nhân viên làm việc ngày đêm (24/7) nhằm gấp rút thực hiện các đơn đặt hàng đang gia tăng chóng mặt từ các hệ thống bệnh viện trên khắp thế giới. Sản phẩm của họ là VOCSN, máy trợ thở (ventilator – gọi tắt là ven) đa chức năng  vừa được FDA chuẩn thuận cách đây hai năm – với tầm giá từ 5000$ cho thiết bị chăm sóc cơ bản tại nhà (hoặc xe cứu thương) tới 50,000$ cho mô hình chăm sóc đặc biệt (ICU) tại bệnh viện.

Ventec hiện phải chuyển đổi để tăng quy mô sản xuất từ 150 máy/tháng lên 1000 máy/tháng. Trước khi vắc-xin có thể tìm ra, Ventec cùng nhóm các công ty sản xuất thiết bị y tế toàn cầu phải tham gia vào một cuộc chạy đua nước rút nhằm hỗ trợ cho khoảng 10% bệnh nhân Covid-19 đang chống chọi với biến chứng đường thở. Sự khan hiếm máy trợ thở (máy thở y tế) hiện tại đang là một vấn đề toàn cầu. Theo một khảo sát cách đây mười năm, nước Mỹ khi đó có khoảng 162 ngàn máy (100 ngàn máy cơ bản, 62 ngàn máy nâng cao).

Các cơ quan quản lý y tế đang gấp rút thu thập dữ liệu mới – ước tính tầm 200 ngàn tuy nhiên 80 – 90% lại đang được sử dụng bởi các bệnh nhân khác “ngoài covid-19”. The Economist ước tính, nếu tốc độ lây lan virus diễn ra như hiện tại thì số máy hiện có chỉ phục vụ đủ trong 4 tuần. Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, số lượng bệnh nhân cần sử dụng máy ven ở Mỹ có thể tăng vọt lần tầm 960 ngàn người đòi hỏi hệ thống y tế phải bổ sung hơn 700 ngàn máy với tổng trị giá hàng chục tỷ $ (cụ thể như ở New York, thống đốc Andrew Cuomo tiết lộ thành phố hiện chỉ có 5 ngàn máy mà nhu cầu sắp tới có thể vọt lên 30 ngàn).

Khoảng trống thị trường là rất lớn trong khi khả năng của các nhà sản xuất máy ven toàn cầu (năm 2019) chỉ dao động tầm khoảng 40-50 ngàn ICU (theo ước tính của Getinge). Địa hạt này không dành cho những tay mơ, Ventec là công ty hiếm hoi trong số khoảng 5 công ty sản xuất máy ven nội địa (12 trên toàn cầu) được “chuẩn thuận” tại Hoa Kỳ (Medtronic, Hamilton Medical, Philips, Zoll và Ventec).

Nhu cầu bức bách sắp tới đòi hỏi khu vực công (chính phủ) và tư phải đồng thời vào cuộc. Tổng thống Trump gần đây đã tuyên bố sẽ mở lại Đạo Luật Sản xuất Quốc phòng (Defense Production Act) vốn được sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950), cho phép chính quyền thúc ép các ngành công nghiệp Mỹ chuyển đổi sản xuất sang địa hạt thiết bị và vật tư y tế (như máy thở, khẩu trang và đồ bảo hộ).

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cũng tuyên bố sẽ kêu gọi các đối tác bổ sung thêm 2000 máy cho Hoa Kỳ. Cùng lúc đó. chủ tịch của General Catalyst, quý ngài Chenault đã khởi xướng phong trào #StoptheSpread (Ngăn chặn sự lây lan) nhằm cổ súy tinh thần “stakeholder capitalism” (chủ nghĩa tư bản vì mọi người, các bên liên quan) hay “compassionate capitalism” (chủ nghĩ tư bản trắc ẩn) (một khái niệm được cha đẻ của Diễn đàn kinh tế thế giới, giáo sư Klaus Schwab tập trung quảng bá tại Davos2020, đồng thời được dẫn dắt bởi Business Roundtable, BlackRock và B Corporation) trong đó kêu gọi hàng ngàn CEO, các nhà quản lý và lãnh đạo khu vực tư cam kết đóng góp tài chính cho nỗ lực chống chọi thảm họa Covid-19, cụ  thể là các nhu cầu y tế cấp thiết như máy Ven. Dưới ánh sáng của #StoptheSpread, GM nhà sản xuất ô tô lớn nhất Hoa Kỳ đã cho phép Ventec được quyền tiếp cận mạng lưới chuyên gia sản xuất, mua bán và giao vận của gã khổng lồ.

Ventec cũng đồng thời từ chối các đơn hàng cá nhân đến từ nhóm HNWI ( High-net-worth individual – những người “giàu có” mong muốn sự an toàn cho gia đình mình trước) nhằm tập trung nguồn lực cho những nhu cầu cấp bách hơn. Đại dịch cũng là cơ hội cho những công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon như One Breath được tạo dựng bởi nhóm kỹ sư ở đại học Stanford – chuyên sản xuất máy ven giá rẻ (4000$) vượt qua các rảo cản pháp lý và tiêu chuẩn thông thường của FDA để gia nhập thị trường. Song song với Mỹ, rút kinh nghiệm từ Ý, các nước châu Âu cũng quyết liệt gia nhập cuộc đua (số lượng máy ven ở Ý không đáp ứng đủ 1/4 nhu cầu cấp thiết và chỉ có một công ty sản xuất máy ven nội địa là Siare).

Các công ty sản xuất thiết bị y tế ở lục địa già đang gia tăng tốc độ sản xuất 24/7: Halminton Medical (Thụy Sĩ – tăng lên gấp 50% so với năm ngoái), Getinge (Thụy Điển – tăng 60%), Dragerwerk (Đức – dưới áp lực đặt hàng 10 ngàn máy từ chính phủ), Philip Health Care (Hà Lan) hay OES Medical (Anh) với sự trợ lực của mạng lưới các nhà sản xuất ô tô và máy bay. Chính phủ của Boris Johnson ở Anh đã kêu gọi hơn 60 nhà sản xuất gia nhập nỗ lực cấp tốc chế tạo 20 ngàn máy ven để bổ sung cho số lượng hiện có khoảng 5900 máy của NHS (Dịch vụ Y Tế Quốc Gia ở Anh), áp lực này buộc các kỹ sư đường đua Công thức 1 (do Nhóm McLaren dẫn dắt), nhà sản xuất xe hơi như Rolls-Royce Holdings (hay Jaguar, Ford, Honda) cùng hàng không (dẫn dắt bởi FTSE1000 Meggitt – trong đó có Airbus) nhảy vào địa hạt thiết bị y tế mà mình không quen thuộc.

Trước mắt, nhóm này có thể hỗ trợ nhân sự, chuỗi cung ứng, cùng tham gia sản xuất các bộ phận nhỏ của máy (cần tiêu tốn thời gian để thích nghi). Trong thời khắc ngặt nghèo hiện tại, các công ty nắm bản quyền sáng chế máy ven có thể buộc phải cung cấp thiết kế “bộ phận máy” ra ngoài (open-sourcing schematics) cho nhóm “ngoài ngành”nghiên cứu (như đưa vào các hệ thống “in 3D” – 3D printing). Tuy nhiên nỗ lực trên cũng vướng phải khó khăn trong chuỗi cung ứng do các quốc gia bị đóng cửa, như việc nhập khẩu các bảng mạch (circuit board) từ Trung Quốc của một số nhà sản xuất máy ven.

Thêm nữa, việc vận hành hệ thống máy ven cần một đội ngũ nhân sự tương ứng (như tùy chỉnh mức độ oxy bơm vào bệnh nhân hay vận hành bảo dưỡng máy) không thể đào tạo nhanh chóng. Do đó, áp lực quá tải tại hệ thống bệnh viện là khó tránh khỏi, New York và Úc đã tiên phong soạn thảo văn bản hướng dẫn “nhân viên y tế” cách thức ưu tiên các trường hợp cần được cứu chữa, hỗ trợ trả lời câu hỏi hóc búa: Liệu bệnh nhân này có cần máy ven?, tránh rủi ro của việc ra quyết định dựa trên “đến trước làm trước” (first come, first serve). Tất nhiên, máy ven luôn phải được ưu tiên cho đội ngũ y bác sĩ nếu chẳng may họ nhiễm bệnh. Cùng lúc đó nhiều “bí kíp” đang được các bác sĩ chia sẻ trên Twitter như việc chia máy ven cho các bệnh nhân (thay vì 1 người thì sử dụng cho 4 người) đang gây tranh cãi gay gắt.