Hệ điều hành của nền tài chính thế giới đang được kết nối lại

Hệ điều hành của nền tài chính thế giới đang được kết nối lại

Phần tiếp theo trong báo cáo đặc biệt (Special Report) của The Economist đề cập đến hai vòi bạch tuộc quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực tái cấu trúc thị trường tài chính toàn cầu: Alipay của Ant Financial (hay Alibaba) và WePay của Tencent, đồng thời xoáy sâu vào những điểm yếu của nền tảng SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và tài chính quốc tế) đang được dùng để kết nối mạng lưới ngân hàng và tổ chức tài chính thế giới mà Mỹ có nhiều ảnh hưởng. The Economist cũng phân tích sự trổi dậy gần đây của nhóm fintech, các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính, mà Trung Quốc có dự phần. “Cường quốc” này tạo ra CIPS, một hệ thống tương tự như SWIFT đồng thời tập trung nuôi dưỡng nhiều công ty fintech gà nhà để số hóa và kiểm soát giao dịch tài chính trong mạng lưới dân số khổng lồ của họ, cụ thể qua AliPay và WePay (chiếm 92% thị trường thanh toán nội địa). Sau đó, bằng sức mạnh thương mại, Trung Quốc có thể ép các nước xung quanh tham gia hệ thống tài chính do họ thiết kế, góp phần lan tỏa ảnh hưởng “bá quyền” ngoài đại lục. Phân tích rất đáng đọc:

Các nhà điều hành của OneConnect, một hãng công nghệ Trung Quốc, đón chuyến bay đến New York hai tuần trước thời điểm Giáng Sinh. Khi ấy, máy bay đáp xuống Mỹ trong bầu không khí rất ảm đạm: các nhà làm luật Hoa Kỳ đã gần như cấm cửa Huawei, gã khổng lồ viễn thông, do nghi ngờ một nhà cung cấp phía Mỹ của hãng này đang làm gián điệp cho Bắc Kinh. Nhưng OneConnect vẫn phải thực hiện công việc quan trọng của mình: niêm yết lên sàn chứng khoán New York vào ngày 13/12. Nỗ lực này giúp họ kêu gọi được 312 triệu $, đưa định giá công ty lên tới 3,7 tỷ $. Các nhà phân tích kỳ vọng cổ phiếu của hãng công nghệ đang thua lỗ này sẽ leo nhanh lên 70% trong 12 tháng tới.

OneConnect cung cấp bộ não nhân tạo (artificial brain) cùng hệ “điều hành” (hay thần kinh – nervous system) cho các hãng tài chính mong muốn số hóa. Họ phục vụ tất cả những nhà cho vay hàng đầu của Trung Quốc và 99% các tầng kế tiếp phía dưới với quy mô mở rộng ra khắp châu Á. Hãng này cũng đang tiến hành tuyển dụng ở Hoa Kỳ, nơi họ vận hành một phòng nghiên cứu (research lab) mà có lẽ chỉ một vài người biết đến. Công ty này thuộc nhóm fintech Trung Quốc mới tạo dựng nhằm phục vụ mục đích đưa các ống cung cấp tiền (pipes channelling money) đến khu vực đang phát triển. Huw van Steenis thuộc ngân hàng UBS nhận xét: “Nhóm này cũng đồng thời gây ra một “cuộc chiến ủy nhiệm” (proxy battle) chống lại các gã khổng lồ tài chính của Hoa Kỳ.”

Trung Quốc đang ra sức đầu tư thời gian và tiền bạc để xây dựng một lộ trình riêng của mình (private track) trước hành động chặn đứng dòng thanh khoản hung hãn nếu cần thiết của Hoa Kỳ (liquidity taps) nhằm đè bẹp đối thủ. Nước này đang tạo dựng một “hệ thống truyền tin” (messagging system) riêng để đối trọng với nền tảng SWIFT, thậm chí thay thế nó. Trong khi đó, Alibaba và Tencent, hai hãng công nghệ khổng lồ của nước này, cũng tiến hành xây những “hệ thống ngân hàng song song” (parallel banking systems), một thuật ngữ do Paco Ybarra thuộc Citigroup đặt tên. Ví điện tử của hai công ty này đang có trên 1 tỷ người dùng, chiếm một nửa các thanh toán tại cửa hàng và gần như 3/4 thương mại trực tuyến (hay bán hàng trên mạng) ở Trung Quốc.

Điều tồi tệ hơn có thể đến (Plumping new depths)

Hệ thống thanh toán được thiết kế tập trung chủ yếu vào di chuyển thông tin hơn là tiền bạc. Chu trình này thường liên quan đến các ngân hàng ở cả hai phía, cụ thể như trao đổi thông tin về danh tính người gửi (identity) hoặc xem xét liệu nguồn quỹ (funds) có khả dụng (đủ tiền để thanh toán). Các ngân hàng trong lòng một quốc gia có thể nói cùng một ngôn ngữ, đồng thời quá trình chuyển tiền được sắp đặt dựa trên cập nhập các ledger (sổ cái) do ngân hàng trung ương quản lý. Tuy nhiên, thanh toán quốc tế thì đau đầu hơn nhiều do luật lệ cùng tiêu chuẩn khác biệt giữa các quốc gia. Thế giới đang thiếu vắng một hệ thống ngân hàng trung ương chung, do đó sẽ không có ledger “toàn cầu” để ghi nhận các giao dịch.

Đối với các khoản thanh toán giá trị lớn, hệ thống ngân hàng “đại lý” (correspondent) vẫn nắm vai trò cố định trong thế giới tài chính. Dưới một số sắp đặt tương hỗ (reciprocal arrangements), ngân hàng (1) ở đất nước nào đó tiến hành giữ lại khoản “deposit” (tiền gửi) do ngân hàng (2) ở nơi khác nắm, khi khách hàng ở nước (2) muốn chi trả cho ai đó ở nước (1), thì ngân hàng sẽ hướng dẫn đại lý sử dụng khoản “deposit” này. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng “địa phương” không thiết kế được kết nối trực tiếp hiệu quả. Trước khi đến địa điểm cuối cùng, tiền buộc phải dừng qua nhiều chặng (stopovers), điều này đòi hỏi phải có ID (mã nhận diện) cho mỗi ngân hàng, hệ thống truyền tin (messaging system) cùng một ngôn ngữ chung.

Nền tảng SWIFT có khả năng cung cấp tất cả các nhu cầu trên và do được xây dựng qua nhiều thập kỷ, mạng lưới này rất khó sao chép hay tạo dựng lại. Tuy nhiên, đại đa số thế giới có hai động lực (incentives) để bỏ qua nó. Thứ nhất là yếu tố chính trị, mặc dù tổ chức này không phải của Mỹ, nhưng chú Sam lại có thể gây áp lực mạnh lên các thành viên hoặc loại bỏ ai đó họ không ưa. Điển hình như việc Hoa Kỳ đe dọa phản ứng nếu SWIFT không loại các ngân hàng Iran ra khỏi hệ thống năm 2018, buộc họ nhanh chóng đáp ứng. Thứ hai nằm ở tính phức tạp của mạng lưới khiến việc chuyển tiền xuyên biên giới trở nên chậm chạp và đắt đỏ. Điển hình như các công việc liên quan đến kiểm tra khách hàng xem họ có phải tội phạm hay bị trùng lặp. Các ngân hàng buộc phải giữ các quỹ tạm (idle funds) chứa tiền tệ nước ngoài (foreign currency) (tổng toàn cầu khoản 10 nghìn tỷ $) để đáp ứng các nhu cầu được tiên đoán. Thêm nữa, hệ thống này không hoàn toàn có thể chống chọi với tội phạm công nghệ (hacker), như cách các hacker Bắc Hàn ăn trộm xác thực từ SWIFT để cướp đi 81 triệu $ từ một tài khoản của ngân hàng trung ương Bangladesh đặt ở New York.

Các công ty khởi nghiệp đang cố gắng loại bỏ các khó khăn trên (pain) bằng cách giảm đi các tương tác mà các ngân hàng và công ty phải xoay sở với SWIFT. Một số trong đó làm việc với các hãng “tập trung” (hub firms) ở một số quốc gia “nhận tiền” (recipient countries) nhằm chia nhỏ tổng tiền gửi, kiểu như lương bổng, thành các khoản thanh toán nhỏ. Một số khác tiến hành gộp các khoản tiền chuyển lại để chia sẻ chi phí cố định. Lucy Liu, đồng sáng lập của Airwallex, một công ty fintech chuyên về thanh toán quốc tế (thuộc câu lạc bộ kỳ lân khởi nghiệp tỷ đô), tiết lộ việc công ty mình chuyển từ Úc sang Hồng Kong là nhằm phục vụ nhu cầu đang tăng cao của các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Một số công ty khởi nghiệp fintech đã hoàn toàn vượt qua SWIFT. Ripple, một công ty Mỹ, đã tạo ra một đồng tiền số có thể sử dụng như một trung gian thanh toán giữa các quốc gia với đồng tiền khác nhau (currencies).

Chính phủ các nước cũng đang ra sức khám phá sức mạnh của tiền số (digital coins), một nỗ lực mà Trung Quốc đang dẫn đầu. Nước này đã đăng ký hơn 120 bằng phát minh liên quan đến đồng tiền số công (sovereign digital currency), lớn hơn bất cứ quốc gia nào khác. Điều này khiến diều hâu chính trị Mỹ lo ngại các nước BRI (Brazil, Nga, Ấn Độ) có thể áp dụng hệ thống này như nhận xét của Tim Morrison, cựu cố vấn cho Tổng Thống Trump: “Giá trị của chúng ta đang đứng trước mối nguy lớn”. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đang tập trung chủ yếu cho các mục tiêu sân nhà. Do nền kinh tế nước này phần lớn là phi tiền mặt nên họ xem tiền số (digital coin) (được kiểm soát chặt) như một cách thức để phòng ngừa rủi ro (fail-safe) cho hệ thống thanh toán nội địa, đồng thời là đối trọng chống lại nỗ lực len lõi vào túi tiền công chúng của Libra, một loại tiền số mà Facebook dự định ra mắt.

Các nước khác cũng đã xem xét ứng dụng “tiền số” cho hoạt động quốc tế, cụ thể Singapore và Canada, hay Hong Kong và Thái Lan, đã dẫn dắt một số thí nghiệm chung nhằm đánh giá xem tiền số tạo ra bởi ngân hàng trung ương có thể sử dụng bởi ngân hàng thương mại để giao dịch xuyên biên giới. Một số thử nghiệm diễn ra thành công, tuy nhiên các kỹ sư tham gia vẫn nghi ngờ khả năng hệ thống này có thể xử lý khối lượng lớn giao dịch.

Mã hóa và đồng tiền số Petro (Crypto and Petro)

Các quốc gia bị bài xích (pariah states – ám chỉ các quốc gia bị bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập ngoại giao) đã sử dụng tiền số để giao dịch mà không bị chú ý. Bắc Hàn đã tiến hành hack (can thiệp) các “trao đổi mã hóa” (crypto-exchanges) nhằm chi trả cho vũ khí nhập khẩu. Nước Nga sử dụng bitcoin để thanh toán hạ tầng công nghệ, vốn được sử dụng để tấn công vào máy chủ (servers) của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ trong kỳ bầu cử 2016. Tuy nhiên, nền kinh tế ngầm trên rất bé nhỏ. Jonanthan Levin của Chainalysis, tổ chức phân tích dữ liệu, chia sẻ thông tin: các giao dịch liên quan đến đồng tiền số petro do Venezuela tạo ra đã đạt đỉnh vào quý cuối của 2019 – 8 triệu $ (ra mắt vào tháng 2/2018).

Châu Âu thay vì thế tiến hành thử nghiệm “barter” – trao đổi hàng hóa và dịch vụ phi tiền tệ. Năm ngoái, Anh, Đức và Pháp đã cho ra mắt Instex, một hệ thống nhằm kết nối thanh toán giữa các hãng mua dầu (oil) hay thực phẩm từ Iran với các hóa đơn do công ty “bán hàng hóa” phát hành. Về nguyên tắc, hàng hóa có thể chảy mà không cần di chuyển tiền. Phải mất tới 14 tháng đển Instex có thể thực hiện phi vụ đầu tiên. Tuy nhiên điều này khiến các công ty châu Âu, nhiều trong số đó làm ăn với Mỹ nhiều hơn Iran, lo ngại có thể bị đưa vào danh sách đen.

Trung Quốc là nước đi xa nhất trong nỗ lực trên. Năm 2015, họ cho ra mắt CIPS, một hệ thống truyền tin (mesaging system) nội bộ ngân hàng nhằm tối ưu hóa thanh toán quốc tế bằng đồng yuan (Nhân dân tệ). Sử dụng cùng một ngôn ngữ với SWIFT, nền tảng này cho phép hệ thống thanh toán giữa các quốc gia có thể giao tiếp với nhau. Hiện tại có tổng cộng 950 định chế đang sử dụng CIPS, con số này nhỏ hơn 10% tổng thành viên của SWIFT. Eswar Prasad, nhà kinh tế thuộc đại học Cornell e ngại: “một hệ thống tài chính mới đã dần hiện diện”.

Cuộc cách mạng thực sự đang diễn ra trong lòng hệ thống tài chính là giao dịch giá trị thấp (low-value transfers). Giống như SWIFT, mạng lưới thanh toán bằng hệ thống thẻ (card schemes) của Mỹ rất khó bị thay thế. Các ngân hàng thành viên cùng nhóm thương gia tin tưởng nhau vì họ cùng dựa trên các luật lệ đã được kiểm chứng đồng thời yêu thích sự thuận tiện của nền tảng thanh toán (schemes’ settlement platforms) do hệ thống này tạo dựng, cụ thể là khả năng tính toán vị thế “ròng” (net postitions) giữa các ngân hàng mà họ thanh toán nợ (square up) cuối ngày. Do đó, các hệ thống đối thủ của Mỹ phải vận lộn để dành thị phần (make a dent). Vào năm 2014, lo ngại cấm vận có thể ngăn cản Nga sử dụng hệ thống thanh toán của Hoa Kỳ, nước này đã tạo cho riêng mình một nền tảng mới, hiện đang chiếm 17% thanh toán thẻ nội địa, tuy nhiên quy mô 70 triệu $ của nó thì quá nhỏ bé so với 5 tỷ $ của VISA và Mastercard. Kích cỡ không phải là vấn đề với Union Pay, con cưng của Trung Quốc, trong tổng 7,6 tỷ $ giá trị thẻ trong hệ thống, có 130 triệu $ được phát hành ngoài đại lục, mà đại đa số được sử dụng bởi khách du lịch Trung Quốc.

Còn một mối đe dọa to lớn hơn đến từ nỗ lực sữa chữa hệ thống thanh toán nội địa của các nhà nước theo quy mô toàn cầu. Với mong muốn dành lại quyền kiểm soát hạ tầng tài chính chính yếu, hiện có khoảng 70 quốc gia đã xây dựng lại ống bơm tiền nội địa (plumbing) nhằm tăng cường khả năng giao dịch tức thời chỉ qua vài cú chạm trên màn hình. Châu Âu là khối tân tiến nhất, đã kết nối mạng lưới 35 quốc gia với hơn 500 triệu người. Khu vực Đông Nam Á cũng đang cố gắng theo đuôi gắn kết hệ thống với nhau. Vào ngày 5 tháng 3, lần đầu tiên Singapore và Ấn Độ đã nối thông hệ thống với nhau.

Mặc dù Trung Quốc có vẻ chậm nhịp với các hàng xóm khi không kịp cài cắm bộ công cụ do họ thiết kế. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề lớn, bởi trong vai trò kẻ bá quyền thương mại của khu vực, họ có lợi thế vượt trội (free ride). Phil Heasley, cựu chủ tịch của VISA Mỹ chia sẻ: “Một khi Malaysia đẩy hệ thống tài chính chạy, họ sẽ buộc phải tìm cách làm việc với Trung Quốc.” Trung Quốc cũng đặt cược vào việc xây dựng một lộ trình “tài chính” riêng (private track) trong nước. Cách đây 5 năm, việc mua sắm ở các thành phố cấp hai (second-tier – cấp thấp hơn trực thuộc trung ương) rất khó khăn, chỉ có một vài cửa hàng chấp nhận thanh toán thẻ. Doanh nghiệp hay cửa hàng không thích trả phí đồng thời thiếu các kết nối hạ tầng cần thiết (thậm chí cả ổ cắm điện). Thời điểm đó, việc thanh toán các sản phẩm ngoài nhu cầu thiết yếu có thể cần tới cả sấp tiền mặt cồng kềnh (wad). Ứng dụng rộng rãi của điện thoại thông minh, dĩ nhiên, giúp chuyển hóa khách hàng, họ thậm chí mang cả trạm sạc di động (hay pin sạc – energy bank) đi khắp nơi. Cùng lúc đó, mã QR ra đời đã cho phép khách hàng thanh toán ngay cả khi không có internet (offline). Hai yếu tố trên kết hợp lại đã xóa bỏ tất cả các cản trở trước kia. Riêng năm ngoái, khách hàng Trung Quốc đã chi trả tổng cộng 374 nghìn tỷ yuan (49 nghìn tỷ $) thông qua điện thoại, cao hơn 35 lần so với năm 2013. Có hai gã khổng lồ chiếm tới 92 % thị trường. Thứ nhất là WeChat Pay, do Tencent sỡ hữu, hiện đang thống trị giao dịch ngang hàng (peer-to-peer). Thứ hai là Alipay thuộc Ant Financial, nhánh tài chính của Alibaba, một nhóm thương mại điện tử đang kiểm soát thanh toán trực tuyến. Sau khi tải ví số lên điện thoại, từ tài khoản của mình, người dùng có thể thanh toán hầu như mọi thứ, từ chi phí đi xe taxi đến hóa đơn hẹn gặp bác sĩ. Hệ thống ví số này không tính phí người dùng nhưng sẽ đánh thuế khi họ có ý định chuyển tiền ra ngoài, do đó người dùng thường chỉ muốn ở mãi trong vũ trụ tài chính này.

Nhìn chung, thị trường tài chính đang dần bị phân rẽ (cornered), đi kèm với việc các siêu ứng dụng bước chân ra toàn cầu. Alipay hiện đang được chấp nhận ở các cửa hàng trải khắp 56 quốc gia và khu vực, chủ yếu để phục vụ khách du lịch Trung Quốc. Nền tảng này cũng đồng thời mua phần bánh nhỏ của thị trường “ví số” ở 9 quốc gia châu Á khác (ở khía cạnh lập pháp), cho phép Alipay ảnh hưởng ngành công nghiệp này mà không phải lo lắng về các giấy phép “địa phương”. Douglas Feagin, người phụ trách “quốc tế hóa” của Ant Financial dù biện minh kết nối “ví số Alipay” ở những nơi đầu tư không phải là ưu tiên quan trọng, nhưng nhiều người e ngại hãng này sẽ chờ cho ví số địa phương đạt quy mô lớn hơn để mưu đồ bá quyền. Zennon Kapron, thuộc hãng tư vấn Kapronasia cảnh báo:” Ví số địa phương sẽ không được đặt tên theo Ant Financial nhưng một trong những mục tiêu cuối cùng của họ là xây dựng nền tảng ví số thanh toán xuyên quốc gia.” Alipay cũng tìm kiếm các hãng xa xôi để kết hợp, sáu “ví số di động” ở châu Âu hiện đã đưa mã QR (QR format) của Alipay vào trong lõi của mình.

Các công ty fintech của Trung Quốc không phải lúc nào cũng thành công, như thất bại của họ ở địa hạt thẻ tín dụng hay hệ thống liên ngân hàng. Thực ra, trận chiến “phương pháp thanh toán” còn che dấu một cuộc chạy đua lớn hơn về phần cứng và phần mềm vốn là nền tảng tăng cường sức mạnh cho nỗ lực trên. Trung Quốc có lẽ đang thắng thế nếu xét theo khía cạnh này. Dưới áp lực lãi suất thấp cùng chi phí cố định cao trong nỗ lực số hóa, các ngân hàng châu Á buộc phải mở rộng quy mô bằng cách “di chuyển lên mây”. Họ lưu trữ dữ liệu ở các máy chủ lớn sở hữu bởi các nhà cung cấp chuyên biệt (specialist providers). Dave Bartoletti thuộc hãng nghiên cứu Forrester, xem khu vực này như một “sàn đấu quan trọng nhất” cho đám mây tài chính (cùng với châu Âu). Alibaba lại đang dẫn đầu thị trường phần cứng (top dog), hãng này cung cấp 1/5 hạ tầng đám mây ở châu Á Thái Bình Dương, quy mô này to hơn cả hai đối thủ Amazon và Microsoft kết hợp lại.

Các hãng công nghệ Trung Quốc cũng thống trị một phần địa hạt phần mềm. Nhu cầu xử lý nhanh chóng khối lượng giao dịch khổng lồ đã buộc Ant Financial và Tencent ra sức ứng dụng tự động hóa, máy học cùng khai thác dữ liệu – năm ngoái Alibaba từng xử lý 1 tỷ $ giao dịch bán hàng mất 68 giây trong Ngày Độc Thân, lễ mua sắm thường niên của Trung Quốc. Cả hai hãng trên đều sử dụng năng lực công nghệ trên để xây dựng ngân hàng số phản ứng nhanh (nimble digital banks), điều này đã dẫn đến cuộc chạy đua xác lập các tiêu chuẩn an ninh và xác thực khách hàng, điều tối quan trọng khi đưa hệ thống ngân hàng cùng nền tảng thanh toán lên mạng. Henry Ma, phó chủ tịch của WeBank, một đứa con của Tencent, tiết lệ công cụ nhận dạng khuôn mặt của họ có xác suất lỗi nhỏ hơn 1/1 triệu (trong khi mắt người là 1%).

Hai hệ thống ngân hàng “số” Trung Quốc đều đang tăng trưởng nhanh chóng. MyBank (đứa con của Ant Financial) đã phục vụ 20 triệu trong tổng số 100 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc (SMEs). Họ cũng cho thuê bộ công cụ (kit) mình thiết kế đến 200 ngân hàng khác, đồng thời hy vọng sử dụng Hong Kong và Singapore như một khu vực thử nghiệm “kỹ năng” ở nước ngoài. Các nhà đầu tư tin vào sự hứa hẹn của quá trình quốc tế hóa (internationalization), Ant Financial (chưa niêm yết) vừa được định giá 150 tỷ $ trong vòng gọi vốn gần nhất. WEBank cũng hướng đến mục tiêu khác, tạo dựng hạ tầng trên nền tảng nguồn mở (open-source), để các ngân hàng nước ngoài có thể xây hạ tầng dựa trên đó.

Ảnh hưởng to lớn của Tencent và Alibaba cũng đồng thời đánh thức một gã khổng lồ khác. Bình An (Ping An), gã khổng lồ ngành bảo hiểm với tài sản trị giá 1 nghìn tỷ, đã quyết định biến mình thành một công ty điện toán đám mây sau khi quan sát sự trỗi dậy như cồn trong lĩnh vực tài chính của nhóm trên (Thông tin do Jonathan Larsen, trưởng bộ phận sáng tạo của Bình An tiết lộ, đây cũng là công ty đứng phía sau One Connect ở đầu bài). Bình An thường đầu tư 1% doanh thu (trị giá 164 tỷ $ năm ngoái) vào nghiên cứu và phát triển, giúp nuôi dưỡng 32 công ty công nghệ con rồi từ đó đẩy mạnh xuất khẩu các công nghệ do mình thiết kế ngay tại sân nhà. Một nước đi chiến lược của Bình An là thông qua con cưng OneConnect, công ty vừa niêm yết trên sàn New York vào tháng 12 vừa rồi. Hãng này cung cấp dịch vụ đám mây bao phủ hầu như mọi thứ, từ hoạt động công sở (back-office) đến tiếp xúc đối tác (client-facing). Chi nhánh nước ngoài đầu tiên của họ được mở vào năm 2018 ở Singapore đã phát triển lên gần 200 nhân viên. Hiện tại, OneConnect đang phục vụ 47 khách hàng phủ ở 16 thị trường nước ngoài, bao gồm Thái Lan (nơi họ tham gia xử lý thanh toán thẻ tín dụng cho 3 ngân hàng lớn) và châu Âu.

Virus Covid-19 thực ra, cũng đang trợ lực cho Trung Quốc. Với hệ thống nhân sự bị kẹt trong nhà, các ngân hàng trên khắp thế giới đang ra sức tìm kiếm các đối tác có năng lực xử lý dữ liệu nhanh chóng kiểu như quản lý rủi ro trực tuyến. OneConnect, nhờ vậy đưa ra đòn tấn công hấp dẫn (charm offensive) nhằm thâu tóm thị trường mà không phải đón một chuyến bay gặp gỡ đối tác nào (do đại dịch)

Phần trước trong báo cáo của The Economist: Liệu có nên tin Trung Quốc là một thế lực tài chính có trách nhiệm

Liệu có nên tin Trung Quốc là một thế lực tài chính có trách nhiệm
Niềm tin là thành tố quan trọng gắn kết các hệ thống tài chính với nhau, đòi hỏi quá trình thuyết phục dần dần chứ không thể cưỡng ép các tổ chức hay cá nhân cấu thành hệ thống kinh tế (economic agents) tham gia.