Jack Ma và hệ thống tài chính mới

Jack Ma và hệ thống tài chính mới

Vào tháng 10/2020, Jack Ma đăng đàn tại Hội nghị Bund -Thượng Hải, nơi hội ngộ nhiều bộ óc tài chính cao cấp của Trung Quốc, nhằm chia sẻ một số góc nhìn đúc kết từ sự nghiệp huy hoàng của mình: từ một nhóm khởi nghiệp trẻ dưới 20 thành viên làm việc quần quật tại căn hộ nhỏ ở Hàng Châu(1999 ) đến bộ máy công nghệ khổng lồ Alibaba có doanh thu đến 71 tỷ $ (trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3, 2020) – đồng thời đưa giá trị của Ma lên đến 48 tỷ $. Ngay sau đó, dự tính niêm yết công chúng vào tháng 11 của Ant Group (nhánh tài chính của Alibaba), IPO có giá trị lớn nhất thế giới đã bị các nhà làm luật chặn đứng. Trong một buổi gặp gỡ, chính quyền gửi đến Jack Ma, Eric Jing (chủ tịch điều hành của Ant) và Simon Hu (CEO của Ant) thông điệp: “các hoạt động cho vay trực tuyến sẽ đối diện với sự giám sát chặt chẽ hơn của nhà nước.” Tại thời điểm Giáng sinh 2020, Trung Quốc tiếp tục ra quyết định điều tra chống độc quyền Alibaba đẩy giá cổ phiếu Alibaba rớt xuống 8.1%. Jack Ma cũng dần biến mất khỏi tầm mắt công chúng trong hai tháng vừa qua, hình ảnh “truyền cảm hứng” của ông rất có thể sẽ thay đổi vĩnh viễn bởi một số thông điệp tại Bund. Cụ thể bài phát biểu tại Bund (được lược dịch dưới đây) mô tả viễn kiến của Jack Ma về một nền tài chính mới với vai trò chủ đạo của đồng tiền số, một nền tín dụng (credit system) dựa trên dữ liệu lớn, quá trình tương hỗ giữa sáng tạo (innovation) và quy định của nhà nước (regulation). Rất thú vị:

Xin cảm ơn ban tổ chức hội nghị vì lời mời rất nhiệt thành. Thật vinh dự khi có cơ hội được học hỏi, trao đổi quan điểm và đào sâu vấn đề cùng tất cả các bạn. Vào năm 2013, cũng tại thành phố này, tôi đã thuyết trình về khái niệm “tài chính internet” (internet finance), đồng thời đưa ra tầm nhìn mà mọi người gọi là “chuyến bay mơ mộng (flights of fancy) tại hội nghị tài chính Luijiazui ở Thượng Hải. Bảy năm đã trôi qua, hôm nay, với tư cách một người “nghiệp dư” và không mang bất cứ chức danh hành chính nào, tôi quay trở lại Thượng Hải, xuất hiện tại hội nghị Bund cùng với một vài góc nhìn khác, hy vọng sẽ đem đến cho quý vị vài liều thuốc bổ tâm trí (food for thought).

Thật kỳ lạ, tôi đã có chút lo lắng liệu mình có nên đến đây để trình bày bài thuyết trình này. Tuy nhiên, khi cân nhắc lại, rõ ràng những người như tôi nên có trách nhiệm suy tư về tương lai. Thế giới này đem đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội, nhưng chỉ một hoặc hai trong đó thực sự đóng vai trò quan trọng – tôi tin chúng ta (hay nhân loại) đang đi đến giai đoạn chuyển giao cốt yếu. Chính vì vậy tôi chọn có mặt ở Bund để chia sẻ quan điểm của mình, cụ thể hơn một vài kết luận được đúc kết từ 16 năm đong đầy kinh nghiệm thực tiễn. Hơn nữa, tôi đã có cơ duyên được cùng ngồi vào chiếc ghế điều hành Ủy Ban Cấp Cao về Hợp Tác Số của Liên Hiệp Quốc (UN) (Digital Cooperation) đồng thời là người vận động cho ủy ban Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững (SDGs) cũng thuộc UN – điều này cho phép tôi được khám phá và xem xét các vấn đề với các học giả, chuyên gia và những người cố gắng đưa ý tưởng vào thực tiễn ở khắp nơi trên thế giới.

Tôi cho rằng, trong vai trò một người đã nghỉ hưu (retired man), tôi có thể chia sẻ suy tư trong tâm trí mình một cách tự do và không bị hạn chế tại diễn đàn không chính thức này, nói cách khác chia sẻ một vài quan điểm không chuyên (non-professional) từ một người không chuyên. May mắn thay, tôi đã tìm thấy rất nhiều chuyên gia cũng không còn nói về những vấn đề chuyên sâu nữa. Tại khán phòng này, tôi có ba góc nhìn hay quan điểm để các bạn suy tư. Nó có thể rất non trẻ (immature), thiếu chính xác hoặc thậm chí nực cười. Bạn có thể lắng nghe mà không cần xem xét một cách nghiêm túc và hãy quên nó đi nếu không chính xác.

Góc nhìn thứ nhất là chúng ta đang mắc kẹt trong cách thức tư duy dựa trên thói quen. Ví dụ như, chúng ta luôn cảm thấy mình phải bắt kịp với các tiêu chuẩn quốc tế và xem điều này tối cần thiết để Trung Quốc có thể đạt tầm như những nước phát triển ở châu Âu và Mỹ. Chúng ta luôn xem những thứ mà mình không có như một khoảng trống phải lấp đầy. Đồng thời xem việc “lấp đầy” này chính là mục tiêu của mình. Tôi đã từng xem lối nói chuyện “lấp đầy khoảng trống” như một vấn đề, điều này càng thể hiện rõ trong tình hình phức tạp của năm nay (2020). Mọi thứ ở Châu Âu hay Hoa Kỳ không hẳn là cao cấp hay xứng đáng đại diện cho địa hạt mà chúng ta phải chạy đua. Thật ra, trong thời đại ngày nay, chúng ta không nên đua đòi với điều này hay điều kia, phải đạt được tiêu chuẩn này hay kia, lấp này khoảng trống này hay kia. Điều chúng ta nên suy tư là làm sao có thể kết nối với tương lai, làm sao đạt được các tiêu chuẩn tương lai, và làm thế nào để lấp đầy khoảng trống tương lai. Chúng ta cần phải hình dung hình ảnh tương lai rõ ràng và điều gì chúng ta thực sự muốn làm, sau đó quan sát cách người khác thực hiện điều đó. Nếu lặp lại ngôn ngữ của người khác liên tục và thảo luận về những chủ đề được lựa chọn bởi người khác, chúng ta không chỉ đánh mất hiện tại mà cũng sẽ mất luôn tương lai.

Sau Thế Chiến II, công việc của thế giới là tái thiết sự thịnh vượng kinh tế. Việc tạo ra hệ thống Bretton Woods là một lực chuyển chính yếu cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Sau Khủng Hoảng Tài Chính Châu Á, sự tập trung kiểm soát rủi ro ngày càng gia tăng, đó là mục tiêu của các Thỏa ước Basel (Basel Accords). Thỏa ước này đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho việc kiểm soát rủi ro. Hiện tại, xu hướng tập trung gia tăng kiểm soát rủi ro có xuất hiện trên thế giới, nhưng không trên đà phát triển. Điều này khiến rất ít người dám bàn về cơ hội cho thế hệ trẻ hoặc tìm kiếm các địa điểm ẩn chứa nhiều cơ hội tại các nước phát triển. Thật ra, đây lại là nguồn gốc của nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối diện ngày nay. Thỏa ước Basel thực ra đã hạn chế rất nhiều sáng tạo tại một số địa hạt ở châu Âu như tài chính số (digital finance), nó giống như một câu lạc bộ những gã đàn ông già cỗi. Mục tiêu của nó là để giải quyết vấn đề của hệ thống tài chính lớn tuổi đã kinh qua vài thập kỷ. Hệ thống Châu Âu này đặc biệt phức tạp. Nhưng Trung Quốc lại đang đối diện với vấn đề ngược lại, vốn không nằm ở rủi ro tài chính có tính hệ thống bởi vì nước này không có hệ thống tài chính thực sự. Thực tế, vấn đề Trung Quốc đang đối mặt chính là rủi ro “thiếu vắng một hệ thống tài chính”.

Nền tài chính của Trung Quốc hiện nay giống y hệt như ở các nước đang phát triển yếu kém (fledgling). Khi xét đến ngành tài chính, chúng ta vẫn còn trẻ người non dạ. Chúng ta chưa có được một hệ sinh thái vận hành đầy đủ, trưởng thành (fully-fledged). Trung Quốc có rất nhiều ngân hàng lớn, như những dòng sông khổng lồ hay động mạch chuyên chở máu trong cơ thể, nhưng ngày nay một nhu cầu to lớn hơn (vượt ngoài hệ thống trên) đã xuất hiện – mạng lưới hồ, bình chứa nước, suối và sông nhỏ, cùng tất cả các thể loại đầm lầy nông cạn. Nếu thiếu vắng những thành phần trên của một hệ sinh thái, chúng ta sẽ chết ngập lúc lũ lụt và chết khát lúc khô hạn. Nói cách khác, đất nước chúng ta đang đối diện với rủi ro thiếu vắng một hệ thống tài chính hiệu quả – chúng ta cần xây dựng một hệ thống tài chính hiệu quả (sound financial system) chứ không phải tìm cách hệ thống hóa rủi ro tài chính (system financial risks). Hai hình thức rủi ro trên giống như hai căn bệnh hoàn toàn khác nhau. Có thể lấy ví dụ như bệnh Alzheimer (hội chứng suy giảm trí nhớ) và bại liệt (poliomyelitis), chúng trông có vẻ giông giống nhau (đều gây mất trí nhớ) nhưng thực ra lại rất khác nhau. Cách thức trị liệu theo độ tuổi cũng khác nhau, một đứa trẻ khi điều trị bệnh Alzheimer sẽ gánh một số triệu chứng có ở người già mắc bệnh đi kèm một số dấu hiệu riêng biệt khác.

Thỏa ước Basel sinh ra để giải quyết vấn đề của những hệ thống già cỗi, nói cách khác những vấn đề bị phức tạp hóa quá mức bởi nhóm người già. Chúng ta cần phải suy tư xem điều gì có thể học từ nhóm già trên nhưng phải thấu hiểu người già và trẻ có những mối bận tâm khác nhau. Người trẻ có thể lo lắng liệu thành phố có trường học hay không, còn đối với người già, bệnh viện mới thực sự đáng lưu tâm. Thế giới trong vài tháng vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng và phi thường. Ngay tối qua ở Thượng Hải, chúng tôi đã đưa ra quyết định về mức giá IPO của Ant Group – một con số được thiết lập cho IPO lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Hơn nữa, lần đầu tiên nó được đưa ra ở thành phố này chứ không phải New York. Không một ai có thể hình dung viễn cảnh này năm năm, hay thậm chí ba năm về trước. Nhưng điều kỳ diệu đã diễn ra theo cách như vậy.

Điều thứ hai, sáng tạo luôn đi kèm chi phí, đồng thời thế hệ chúng ta phải chứng minh sự cam kết “sáng tạo” của mình. Chủ tịch Tập từng nói: “thành công trước mắt không quyết định bản thân chúng ta”. Tôi hiểu câu nói này như một cách bày tỏ trách nhiệm. Đó là việc gánh trên vai trách nhiệm của tương lai, ngày mai và thế hệ kế tiếp. Nhiều vấn đề trên thế giới ngày nay – bao gồm cả ở Trung Quốc – chỉ có thể được giải quyết thông qua sáng tạo. Tuy nhiên, sáng tạo thực sự phải được tiến hành và khai phá (trailblazing) bởi những người có cam kết lớn. Đồng thời sự sáng tạo luôn đi kèm nhiều sai lầm. Băn khoăn đặt ra không phải là nên né tránh các sai lầm trên như thế nào; mà liệu chúng ta có thể cải thiện và hoàn thiện bản thân, đồng thời tiếp tục dấn thân sáng tạo sau khi đã mắc sai lầm. Sáng tạo mà không đón nhận rủi ro là một sự sáng tạo bị bóp nghẹt (strangle). Không có cái gọi là sáng tạo phi rủi ro trong thế giới này. Việc cố gắng tối thiểu hóa rủi ro về “0” thực ra mới là rủi ro lớn nhất.

Một ví dụ thú vị, khi ngược dòng lịch sử về Đại Chiến Xích Bích (Battle of Red Cliffs), Tào Tháo (Cao Cao) đã tiến hành buộc chặt tất cả chiến thuyền của mình lại với nhau (from stem to stem). Theo quan điểm của tôi, đây có lẽ là ý tưởng đầu tiên về hàng không mẫu hạm (aircraft carrier) ở Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới. Một ngàn năm sau khi kết cấu trên bị thiêu cháy thành cát bụi, không một ai ở Trung Quốc dám suy tư về điều này nữa. Bất cứ khi nào bức màn lửa Xích Bích kia chảy vào tâm can, rất khó để ai đó dũng cảm nghĩ về việc xây dựng một con tàu lớn hơn, hoặc đưa ý tưởng này vào trong các hệ thống.

Cách đây bảy hoặc tám năm, tôi có đề xuất ý tưởng về “tài chính internet” cũng chính tại thành phố Thượng Hải này. Cụ thể, nhấn mạnh ba thành tố cốt lõi cần thiết cho tài chính internet. Trước tiên, một khối lượng thông tin khổng lồ. Thứ hai, kĩ thuật kiểm soát rủi ro dựa trên khối lượng dữ liệu lớn đó. Thứ ba, một hệ thống tín dụng (credit system) đi kèm. Dựa trên những tiêu chuẩn này, P2P (cho vay ngang hàng) không thực sự là tài chính internet. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua vai trò sáng tạo của công nghệ trong địa hạt tài chính chỉ bởi sự cố P2P tại Trung Quốc. Thật ra, hãy quan tâm đến điều này: làm thế nào mà hàng ngàn công ty tài chính internet xuất hiện đột ngột chỉ trong một vài năm gần đây ở Trung Quốc? Liệu chúng ta có nên tìm hiểu lý do đằng sau sự ra đời của hàng ngàn công ty tài chính internet, hay còn gọi là các công ty P2P? Việc bỏ qua (oversight) dòng chảy này ngày nay là rất khó, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới này.

Sáng tạo thường đến chủ yếu từ thị trường, những người rất đỗi bình thường (grassroots) và những người trẻ tuổi. Các quy định chính phủ (regulations) đang đối diện với những thách thức ngày càng to lớn hơn. Nhưng thật ra, các quy định trên có thể chia thành hai phần: “giám sát” (monitoring) và “kiểm soát” (controlling) – hai thứ hoàn toàn khác nhau. Giám sát là cách thức theo dõi và chú ý đến sự phát triển, trong khi đó kiểm soát được tiến hành khi có một thứ gì đó đi chệch hướng hoặc được dự đoán đi chệch hướng. Tuy nhiên, lực “kiểm soát” (force) của Trung Quốc hiện nay đang trở nên rất mạnh, trong khi lực “giám sát” lại quá lạc lõng. Các sáng tạo tốt có thể cùng đồng hành với các quy định, nhưng không phải là những quy định lỗi thời (regulations of yesterday). Chúng ta không thể quản lý sân bay theo cách chúng ta quản lý trạm tàu điện, cũng như chúng ta không thể quản lý tương lai theo cách của ngày hôm qua hay quá khứ.

“Giám sát” và “Kiểm soát” hoàn toàn khác biệt nhau, cũng như thực thi chính sách thì không giống như văn bản giấy tờ (documents). Hàng ngàn thứ nằm ngoài luật (outlawed) ngày nay liên quan đến “documents”. Các chính sách là các tòa nhà cơ chế (building of mechanisms), mục tiêu của chúng là phải thúc đẩy phát triển. Thế giới ngày nay, đặc biệt là Trung Quốc, cần rất nhiều chuyên gia “chính sách”, chứ không phải chuyên gia “giấy tờ”. Hình thành chính sách là một kĩ năng. Thật ra, khi đề cập đến việc giải quyết các vấn đề phức tạp thuộc hệ thống, tôi có thể chia sẻ cách thức chúng tôi tiến hành với Taobao. Cách đây 17 năm, không có công nghệ cũng như thông tin cần thiết cho nhóm khởi nghiệp chúng tôi. Các tiên đoán về tương lai dường như không chính xác và chúng tôi phải đối diện với nhiều quy định cấm đoán điều này hay điều kia. Hiện tại, mọi thứ đã có thể giải quyết qua công nghệ và những vấn đề có tính hệ thống được xử lý hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lại có nhiều người trẻ ngày nay luôn cố gắng đưa ra những quy định mới nói rằng không nên làm điều này hay điều kia – não trạng của họ gắn với “bộ khung quy định” (regulatory bodies). Sau đó, tôi buộc phải đi đến giải pháp có tên gọi “một vào ba ra”. Khi bạn thêm vào một quy định, bạn phải xóa đi ba điều khác. Điều này sẽ giúp văn bản quy định ngày càng trở nên ngắn hơn. Nếu chúng ta không bỏ đi một vài quy định, quyển sách luật lệ sẽ ngày một dày hơn. Điều này không khác nào ép mọi người phải phá luật và khiến tình hình trở nên rối ren.

Lý thuyết thì khác xa với hệ thống thực tế. Một chuyên gia thì khác xa với học giả. Tại quốc gia này, chúng ta thường xuyên nhầm lẫn giữa học giả với chuyên gia. Con người chỉ có thể trở thành chuyên gia qua thực tiễn – hay những người xử lý vấn đề giỏi giang và không nhất thiết phải có khả năng tổng hợp kinh nghiệm. Nhiều học giả không dấn thân sâu vào bất kỳ địa hạt nào – nhưng họ có năng lực đúc kết kinh nghiệm của người khác để đưa ra các lý thuyết. Chỉ có đem chuyên gia và học giả đến với nhau chúng ta mới có thể tích hợp lý thuyết với thực tiễn và sáng tạo với nguồn cảm hứng thực sự (sense) rằng mình đang giải quyết các vấn đề của hiện tại và tương lai. Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần có các lý thuyết đến từ thực hành hay thực tiễn, không phải từ tổng kết bởi các nhà lý thuyết suông (armchair). Xét theo nhiều góc độ, P2P hình thành từ hướng dẫn thực hành tổng hợp bởi các nhà lý thuyết tháp ngà. Tôi cho rằng chúng ta nên thấu hiểu các bài học lớn từ P2P một cách đúng đắn. Chúng ta không được bỏ qua công nghệ internet. Đồng thời quan trọng hơn, không cho phép thực hiện những hướng dẫn thực hành tạo bởi nhóm các nhà lý thuyết suông.

Tôi cũng để ý đến một hiện tượng khác. Khi các cơ quan làm luật (regulatory departments) không phải đối diện rủi ro (risk free – xu hướng đang phổ biến trên thế giới), thì toàn bộ nền kinh tế cũng như toàn xã hội lại rơi vào trạng thái cực kỳ rủi ro. Cuộc chạy đua của tương lai sẽ là cuộc chạy đua sáng tạo, không phải là năng lực ra luật lệ (regulatory capabilities). Có vẻ như hầu hết các quốc gia đều chạy đua để trở thành nhà thiết kế luật lệ nhẫn tâm nhất và biến mọi thảo luận về phát triển trở nên trống rỗng. Những luật lệ quy định điều này hay điều kia trở nên sắc như dao cạo. Tôi cho rằng thông điệp “cải thiện năng lực quản trị” từ Chủ tịch Tập nhấn mạnh vào sự phát triển bền vững và lành mạnh dưới sự điều chỉnh của luật lệ hay quy định có lý (orderly regulations). Không phải cứ đặt ra luật lệ là không còn sự phát triển. Đề ra luật lệ bản thân không quá khó, điều khó ở đây là làm sao giúp duy trì sự phát triển bền vững và lành mạnh.

Thứ ba, ngành tài chính về bản chất chính là quản lý tín dụng. Chúng ta phải giảm thiểu hiện tượng tâm lý “cầm đồ” trong nền tài chính hiện nay (pawnshop mentality – PM) và chuyển sự tập trung vào phát triển hệ thống tín dụng. Hệ thống ngân hàng ngày nay tại Trung Quốc vẫn chỉ là một sự tiếp nối PM. Tiệm cầm đồ vận hành chủ yếu dựa vào thế chấp và cam kết (pledges & collaterals). Trong quá khứ, tiệm cầm đồ là một ý tưởng cách tân. Nhưng nếu không có sáng tạo quanh thế chấp và cam kết thì sẽ không có các định chế tài chính ngày hôm nay, đồng thời nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể phát triển xuyên suốt 40 năm qua. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên bản chất của tài sản và thế chấp, rất có thể chúng ta sẽ đi đến trạng thái cực đoan. Là chủ tịch của Câu Lạc Bộ Doanh Nhân Trung Quốc và Hiệp hội Doanh Nhân Zhejiang, tôi đã trao đổi góc nhìn này với nhiều doanh nhân. Nhờ vậy, tôi phát hiện ra tâm lý cầm đồ (PM) là một vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc và đã ảnh hưởng nhiều doanh gia. Đặc biệt là khi họ phải đặt cược toàn bộ tài sản mình sở hữu, dưới áp lực khổng lồ trên, công việc của họ thường trở nên biến dạng.

Cũng có những người vay mượn thiếu cẩn trọng và tiếp tục phá hủy đời sống tài chính của họ bằng đòn bẩy (leverage). Chúng ta đều biết rằng khi bạn vay 100 ngàn yuan, bạn rất sợ ngân hàng. Khi bạn vay 10 triệu yuan, cả bạn và ngân hàng sẽ đều sợ hãi. Nhưng khi vay tới 1 tỷ yuan, ngân hàng sẽ sợ hãi bạn. Ngân hàng cũng có thói quen cho vay những tập đoàn hoạt động tốt và những người không có nhu cầu vay. Họ luôn cố gắng hết mức có thể để cho vay. Kết quả cuối cùng, nhiều tập đoàn tốt trở nên tồi tệ, các khoản cho vay trở thành một loại hình đầu tư. Trong một số trường hợp, tiền bạc được tiêu vào những thứ hoàn toàn xa lạ với các hoạt động thường ngày của các tập đoàn trên. Quá nhiều tiền cũng gây ra rất nhiều vấn đề.

Tâm lý cầm đồ – thế chấp (pawnshop mentality of collaterals) không thể góp phần cho sự phát triển nhu cầu tài chính toàn cầu trong 30 năm kế tiếp. Chúng ta phải tận dụng năng lực công nghệ ngày nay và xây dựng một hệ thống tín dụng dựa trên dữ liệu lớn tại những nơi mà PM còn phổ biến. Hệ thống tín dụng này không nên dựa trên hạ tầng IT hiện tại hoặc mạng lưới xã hội quen thuộc xưa cũ. Nó nên được dựa trên dữ liệu lớn để đảm bảo tín dụng thực sự gắn liền với mức độ giàu có (wealth). Thậm chí ngay cả một người ăn mày cũng cần có tín dụng (chữ tín) tốt, nếu không rất khó cho họ có thể xin được thức ăn. Tôi cho rằng bất cứ người ăn xin nào cũng cần có tín dụng tốt (good credit). Một hệ thống tài chính mới mà trong đó sự sáng tạo và luật lệ chính phủ hòa hợp với nhau.

Cuối cùng, tôi cho rằng thế giới ngày nay đang nỗ lực tạo dựng một hệ thống tài chính mới với thiết kế dành cho tương lai. Hệ thống tài chính hiện tại là sản phẩm của kỷ nguyên công nghiệp và được tạo dựng để đáp ứng nhu cầu của quá trình công nghiệp hóa nhằm thỏa mãn luật 20/80. Luật 20/80 là gì? Nghĩa là chúng ta chỉ mới đầu tư vào nhóm 20% để giải quyết vấn đề của 80% còn lại. Hệ thống tài chính tương lai phải hỗ trợ lý thuyết 80/20, nghĩa là giúp cho 80% các công ty nhỏ và những người trẻ tuổi có nguồn lực để dẫn dắt 20% dân số còn lại. Quá trình tìm kiếm nguồn tiền trước đây của công chúng và tập đoàn phải được chuyển hóa và thay đổi, cụ thể tiền nên tự tìm đến con người hay tập đoàn (có kết quả kinh doanh tốt). Tiêu chuẩn duy nhất để tiếp cận hệ thống mới là nó phải gắn kết nhiều người (inclusive), bao dung (tolerant), xanh và bền vững. Dữ liệu lớn, điện toán đám mây và blockchain, những công nghệ hiện có sẽ hỗ trợ cho hệ thống mới này, đi kèm trách nhiệm kiểm soát lớn lao.

Ngay cả sau Thế Chiến II, nhân loại không hề có tầm nhìn về một hệ thống tài chính tốt phục vụ thế hệ kế tiếp và tương lai. Ngày nay, chúng ta có trách nhiệm phải suy tư và xây dựng một hệ thống tài chính thực sự thuộc về tương lai, những người trẻ, thế hệ kế tiếp và kỷ nguyên của riêng họ. Không phải chúng ta không thể làm được điều trên, mà là chúng ta chưa tiến hành làm nó mạnh mẽ. Sự phát triển của công nghệ ngày nay cho phép chúng ta làm được điều này. Điều đáng tiếc là có quá nhiều người chưa sẵn sàng dấn thân thay đổi.

Hệ thống tài chính ngày nay phải được cải cách. Nếu chúng ta thất bại trong việc này, chúng ta không chỉ đánh mất cơ hội, mà thế giới này cũng sẽ chìm sâu vào hỗn loạn. Sự sáng tạo hay phát kiến phải đi trước luật lệ. Tuy nhiên, khi sáng tạo đi quá xa mạng lưới các quy định và chiều kích sáng tạo vượt xa hình dung của nhà làm luật, trong tình huống khác thường này, rất có thể xã hội và thế giới sẽ rơi vào hỗn loạn. Hãy xem xét ví dụ về đồng tiền số (digital currencies). Nếu chúng ta xây dựng một hệ thống tài chính mà thế giới cần 30 năm sau đó với tầm nhìn: đồng tiền số đóng vai trò cốt lõi. Rõ ràng hiện tại, tiền số không quá cần thiết trong nền tài chính ngày nay, nhưng rất có thể chúng sẽ trở nên tối cần thiết trong tương lai. Biết đâu, hàng chục triệu người ở các nước phát triển và người trẻ sẽ cần chúng. Chúng ta nên hỏi bản thân mình: đâu là các vấn đề thực tiễn trong tương lai cần phải giải quyết bằng đồng tiền số?

Tiền số sau một thập kỷ nữa có lẽ sẽ hoàn toàn khác biệt với những gì chúng ta quan sát thấy hôm nay. Chúng ta không nên tìm hiểu nhu cầu tiền số mới từ quan sát lịch sử, các quy định (regulations) hoặc từ các viện nghiên cứu. Hãy quan sát thị trường, từ những ai có nhu cầu và từ tương lai. Đây là cách chúng ta xem xét điều gì là quan trọng nhất. Các viện nghiên cứu không nên đóng thay vai trò viện chính sách và các viện chính sách không nên chỉ dựa hoàn toàn vào các viện nghiên cứu. Tiền tệ số có thể tái định nghĩa lại khái niệm tiền tệ. Mặc dù chức năng chính yếu của đồng tiền sẽ mãi tồn tại, tiền số sẽ tái định nghĩa tiền tệ theo cách iPhones tái định nghĩa điện thoại, biến việc gọi điện thoại trở thành một chức năng đơn giản trên điện thoại thông minh. Thời điểm mà tiền số thiết lập tiêu chuẩn vẫn còn rất xa, hiện tại tiền số sẽ giúp tạo thêm giá trị và khiến chúng ta suy tư về cách thức tạo dựng một hệ thống tài chính mới thông qua tiền số. Chúng ta (người Trung Quốc) phải thay mặt thế giới tư duy về tương lai. Chúng ta phải tư duy về cách tiến hành thương mại toàn cầu. Quan trọng hơn cả, chúng ta phải tư duy về cách tiền số dựa trên công nghệ có thể đứng vững trước các thử nghiệm khắc nghiệt của thế giới. Nỗ lực đưa các yếu tố bền vững, thân thiện môi trường, tài chính dành cho tất cả (financial inclusion) vào trong nền thương mại toàn cầu là rất cần thiết.

Đó là lý do tại sao tôi muốn nói rằng xã hội loài người đã chạm đến giai đoạn chuyển giao tối quan trọng. Chúng ta không được đánh giá thấp đại dịch. Như một lực đẩy, nó đã đốc thúc xã hội tiến lên, quan trọng không kém ảnh hưởng của Thế Chiến Hai. Ở góc độ tài chính, khi xem xét việc Hoa Kỳ bơm tiền vào các nước khác nhau trên thế giới và Wall Street, rồi từ đó khiến mọi quốc gia đi theo khuôn mẫu trên, có bao giờ chúng ta dừng lại để suy nghĩ về những hậu quả liên đới, mà mức độ nghiêm trọng của nó có thể vượt qua các băn khoăn kĩ thuật mà chúng ta thảo luận hôm nay. Khi nhắc đến nhiều tổ chức quốc tế, chúng ta đừng nên chống đối họ một cách phi lý. Thay vì vậy, nên chất vấn giá trị ngày nay của họ. Thật vậy, các tổ chức Liên Hiệp Quốc (UN), WTO (Tổ chức Thương Mại Thế Giới) đến WHO (Tổ chức Y Tế Thế Giới) đều có những vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi đã từng thương thảo, làm việc và hợp tác với tất cả nhóm trên. Tuy nhiên, việc loại bỏ các tổ chức trên sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Chúng ta nên xem xét cách thức họ đối diện với tương lai, cải cách và tái định vị bản thân.

Một hệ thống tài chính mới là cách thức chúng ta phải hướng tới. Nó sẽ trỗi dậy cho dù chúng ta có vui vẻ với nó hay không. Trong tương lai xa, tôi tin quá trình cải cách luôn đi kèm với một số hy sinh, phải có một cái giá nào đó phải trả. Thế hệ chúng ta phải dẫn dắt cải cách này, định hình những thành quả mà có lẽ chỉ thế hệ kế tiếp mới tiếp cận đầy đủ. Chúng ta phải tuần hành tiến về phía trước với đôi vai mang đầy gánh nặng trách nhiệm. Đây là cơ hội được tạo ra từ lịch sử và trách nhiệm được trao gửi từ lịch sử. Trong suốt 16 năm vừa qua, sự phát triển của Ants Group đã xoay quanh các yếu tố: thân thiện môi trường, bền vững và tài chính dành cho tất cả. Nếu nền tài chính dựa trên ba giá trị trên là một sai lầm, tôi tin chúng ta sẽ lặp lại sai lầm này mãi mãi.