Kết cục của tương lai [Phần 1] [Giới thiệu]

Kết cục của tương lai [Phần 1] [Giới thiệu]



Trong kiệt tác "Điều ẩn dấu kể từ khi thế giới hình thành", triết gia Pháp Rene Girard đã khai phá cơ chế cốt lõi chi phối các tương tác xã hội: hành vi của con người đa phần dựa trên sự bắt chước (mimetic theory), mà quá trình này lại dẫn đến tích tụ xung đột (mimesis crisis), để rồi leo thang thành "bạo lực" (violence) hung hãn. Lúc này đây, giải pháp để quay về ngưỡng cân bằng là phải có một vật tế thần (scapegoat). Cơ chế trên đã góp phần hình thành nên các định chế (institutions), các nghi thức (rituals) và văn hóa (culture) con người nói chung theo dòng lịch sử.

Cụ thể hơn: chúng ta đa phần thực hiện điều gì đó chỉ bởi vì người khác cũng đang làm nó. Điều này dẫn đến việc mọi người nhảy vào cạnh tranh dành giựt cùng một thứ: vị trí trong trường học, công việc tại một công ty nào đó, thị trường mục tiêu. Có hai lý do cho điều này diễn ra: (1) các đối thủ cạnh tranh bị ám ảnh quá mức về nhau, khiến mục tiêu quan trọng cuối cùng bị lu mờ (2) cường độ cạnh tranh căng thẳng không cho chúng ta biết nhiều về các giá trị ngầm ẩn phía dưới. Sự cạnh tranh có thể leo thang đến mức độ hung hãn rồi dẫn đến bạo lực. Rất khó có thể thoát hoàn toàn khỏi ham muốn bắt chước, nhưng nếu thấu hiểu về cơ chế này, cách thức chúng ta tiếp cận mọi thứ sẽ thay đổi. Đây chính là nền tảng tư tưởng cho tác phẩm "Từ 0 đến 1", bàn về cách thức xây dựng tương lai của Peter Thiel.

Peter Thiel đưa ví dụ buồn cười sau tại thung lũng Silicon vào trong cuốn sách "Từ 0 đến 1". Khi nền tảng thanh toán Square phát kiến ra giải pháp máy đọc thẻ tín dụng nhỏ gọn hiệu quả, các đối thủ ngay lập tức nhảy vào để bắt chước làm những thứ tương tự, chỉ khác biệt chút xíu về hình dáng: tam giác hay nửa vầng trăng thay vì hình vuông. Một hiện tượng nguy hiểm khác đi kèm là việc dành giựt các vị trí trong công ty khởi nghiệp: quy mô nhỏ, di chuyển nhanh, các vai trò trong công ty linh hoạt, và tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn lợi ích. Đối với "vật tế thần", chúng ta có thể hình dung về cuộc chiến chống độc quyền (anti-trust) với Microsoft, Bill Gates bị cả ngành phần mềm liên hiệp lại để đổ lỗi (hay với Facebook sau này).

Peter Thiel là tỷ phú công nghệ tại thung lũng Silicon, thành viên của Mafia Paypal, nhóm đứng phía sau một loạt các công ty công nghệ ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới mà chúng ta dự phần ngày nay như Paypal, Tesla, Inc., LinkedIn, Palantir Technologies, SpaceX, Affirm, Slide, Kiva, YouTube, Yelp, and Yammer. Ông là con trai của Klaus Friedrich Thiel, kĩ sư hóa chất người Tây Đức làm việc trong ngành khai thác mỏ (mining). Klaus đã đưa Peter đến Nam Phi và Tây Nam Phi (bây giờ là Namibia) vào năm 1977 khi ông dự phần trong dự án khai thác uranium tại đây (uranium là nguyên liệu trong ngành hạt nhân và Namibia là một trong những quốc gia có trữ lượng uranium lớn nhất trên thế giới). Elon Musk, đối tác quan trọng của Peter Thiel sau này, cũng có nền tảng gia đình giông giống Peter. Elon sinh tại Nam Phi trước đó 6 năm (1971) (còn Peter Thiel sinh năm 1967 ở Đức). Errol Musk, bố của Elon, là kỹ sư điện từ cũng hoạt động trong ngành khai mỏ. Cụ thể, ông sở hữu một nửa mỏ ngọc lục bảo (emerald) gần hồ Tanganyika, Nam Phi. Do đó, cả hai nhân vật khuynh đảo giới công nghệ sau này đều trải qua những năm tháng định hình tính cách (formative years) dưới chế độ tàn bạo apartheid, một hệ thống phân chia chủng tộc gay gắt giữa thiểu số người da trắng và phần đông dân số người da đen. Peter Thiel từng gây tranh cãi khi nhận định sự hiệu quả về mặt kinh tế của chế độ apartheid mặc cho vấn đề đạo đức (bình đẳng). Tất nhiên, rõ ràng nhờ tham gia bộ máy apartheid, gia đình mới có thể tạo đà đưa Peter và Elon đến thung lũng Silicon. Khi dấn thân vào địa hạt VC, dòng vốn 1 triệu $ ban đầu chảy vào Thiel Capital Management năm 1996 được Peter gọi từ chính gia đình mình và những người bạn thân thiết. Nguồn lực này đã được rót vào một loạt các công ty khởi nghiệp mà ông bắt gặp tại trường Stanford, trong đó có Confinity (1998), tiền thân của Paypal. Nhóm Mafia Paypal đã hình thành từ dòng tiền này, nghịch lý thay, phần nào đến từ apartheid.

Dù rất giỏi toán nhưng Peter Thiel lại chọn theo đuổi ngành triết học tại trường Stanford. Tại ngôi trường nổi tiếng, ông bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tinh thần "chủ nghĩa cá nhân" của nhà văn Ayn Rand (tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng "Suối nguồn") và triết gia Rene Girard, cụ thể là tác phẩm "Điều ẩn đấu" (như đã đề cập ở trên). Trong tác phẩm, triết gia đã nỗ lực theo dấu các nguồn minh triết từ nhiều quyển sách (book), các huyền thoại (myth) và nền văn hóa (culture). Đây là cách tiếp cận khác biệt với giới học thuật đương thời đang bị chia rẽ giữa hai hướng: (1) các nghiên cứu bị chuyên biệt hóa quá mức (specialized research), đôi khi xoay quanh những câu hỏi hay vấn đề tầm thường (2) chọn các đề tài to lớn nhưng lại tin việc chạm đến kiến thức là bất khả (hư vô - nihilistic). Girard đi ngược cả hai hướng: ông thúc đẩy các tranh luận quanh những câu hỏi lớn dựa trên góc nhìn toàn thế giới. Từ đó, Girard đúc kết: việc bắt chước (hay cạnh tranh) là nguồn gốc của hành vi con người.

Peter Thiel đã áp dụng điều học được từ Girard trong cuộc sống cá nhân cũng như đầu tư mạo hiểm (VC). Ông nhận xét "vấn đề lớn của cạnh tranh là nó khiến chúng ta quá tập trung vào mọi người xung quanh, dù cạnh tranh giúp chúng ta tốt hơn nhưng cũng khiến ta quên đi điều gì thực sự quan trọng (important), có ý nghĩa (meaningful) và chạm đến tầng siêu việt hay cao hơn trong nhận thức (trenscendent). Peter tin rằng chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà tiến bộ công nghệ bị tắc nghẽn (stagnation). Công chúng bị phân tâm quá mức vào các phiên bản điện thoại sáng chói, như iphone với độ phẳng hay kích cỡ màn hình thay đổi từng năm, và đánh đồng đó là tiến bộ công nghệ. Đây là thông điệp chủ đạo trong bài nói chuyện với đề tài "Kết cục của tương lai" của Peter Thiel gần đây tại hội nghị "Tự do học thuật" của trường Stanford.

Trong phần nói chuyện dài 50 phút này, Peter đã chia sẻ những trăn trở của mình về dòng chảy công nghệ hiện tại cùng lý do cho sự tồn tại của ngành đầu tư mạo hiểm (VC), dưới ánh sáng tư tưởng của Rene Girard. Dưới đây là tóm lược sơ bộ:

Peter khởi đầu với so sánh tương phản giữa hai khái niệm, nghe có vẻ không liên quan nhau, đa đạng (diversity) và đại học (university),để minh họa các mối nguy đến môi trường tự do học thuật. Tiếp theo, ông liên tưởng đến cuộc chiến văn hóa diễn ra trong những năm 1980, thông qua Stanford Review, tờ báo do mình sáng lập, ông tin mình đã gián tiếp đưa nhà hoạt động Rigoberta Menchu ở Guatemala đến với giải Nobel Hòa Bình. Trường Stanford nổi tiếng với văn hóa tranh luận nhưng màu sắc (hay cách thức tranh luận) đã thay đổi theo thời gian, từ nặng tính kĩ thuật (technocratic) nó đã chuyển hướng sang màu sắc nhân văn (humanities) hời hợt nhiều hơn. Chất lượng các buổi tranh luận đã liên đới đến cả tiến trình phát triển công nghệ và khoa học mà theo Peter Thiel đã chậm lại. Ông trích dẫn câu nói nổi tiếng của mình: "sau những hứa hẹn hay ho như việc tạo ra xe hơi bay, tất cả những gì chúng ta nhận được là 140 ký tự (ám chỉ Twitter, hiện tại đã tăng lên 280)". Đa phần các quỹ VC hiện nay chỉ chăm chú vào chữ vốn (capital) thay vì mạo hiểm (venture). Thay vì rót vốn vào những dự án tham vọng, có khả năng chuyển hóa cuộc sống nhiều người như xe hơi bay chẳng hạn, thì họ lại đặt cược vào những thứ an toàn hơn (như đầu tư vào Twitter, dù Peter cũng rót vốn vào đối thủ Facebook, nhưng ông đã thoái vốn). Dòng chảy trên khiến cho tiến bộ công nghệ trong mắt công chúng ngày nay đa phần xoay quanh thế giới "bits", ám chỉ môn khoa học máy tính thay vì một phổ rộng ngành như: điện tử, tên lửa, cách mạng nông nghiệp xanh, sóng siêu âm, hàng không. Dù điện thoại iphone có tân tiến thế nào (màn hình phẳng hay rộng ra sao) thì con người vẫn chưa thể đi đến được sao Hỏa.

Trước thập niên 60, sách khoa học viễn tưởng (science fiction) thường mô tả tương lai công nghệ rất tích cực, kiểu như một nền văn minh đã đi đến tầng nấc cao hơn và gieo rắc ích lợi đến nhân loại. Kể từ đó trở đi, các tác phẩm này chuyển dịch dần sang dạng thức phản địa đàng (dystopian), một hình thức xã hội mất nhân tính, suy đồi, chuyên quyền và đầy thảm họa (như môi trường). Tại sao các hình ảnh tích cực về tương lai lại dần biến mất ? Điển hình như tác phẩm 1984 của George Orwell hay Thế giới mới dũng cảm (Brave New World) của Aldous Huxley. Dường như, niềm tin của tôn giáo xưa về ngày tận thế (apocalypse/ doomsday) đã chảy vào địa hạt công nghệ. Nỗi sợ hãi về sự nguy hiểm của AI/AGI (Trí tuệ nhân tạo/Trí tuệ nhân tạo tổng hợp) thường xuất phát từ quan điểm hay niềm tin kiểu Darwin (thuyết tiến hóa) hay Machiavelli (xem xét mọi thứ không qua lăng kính đạo đức, mà chỉ là trò chơi cờ với các quy tắc được thiết lập). Nick Bostrom, một triết gia tại trường đại học Oxford chuyên nghiên cứu về các mối nguy sinh tồn (existential risk), tin AI đặc biệt nguy hiểm cho con người. Người phổ biến khái niệm siêu trí tuệ (superintelligence) đã nhấn mạnh: "chúng ta giống như những đứa trẻ đang chơi với quả bom (AI)". Do đó, Bostrom tin phải có những chính sách giới hạn việc phát triển AI trước khi đạt ngưỡng siêu trí tuệ. Theo Peter, bất cứ công nghệ hay ho nào đều đối diện với vấn đề "lưỡng dụng" (dual use): cho việc tốt (good) và cả việc xấu (devil). Vấn đề này không phải là điều chúng ta nên sợ hãi, bởi nó không thể giúp nền văn minh đi về phía trước. Hãy nhìn vào nỗ lực phi hạt nhân hóa (nonproliferation - bố của Peter có làm trong lĩnh vực này) diễn ra trên quy mô toàn cầu khi vũ khí này xuất hiện. Tương tự như sự xuất hiện của mRNA, điều này sẽ cứu chúng ta thoát khỏi việc vũ khí hóa virus. Nhân loại sẽ luôn biết cách cân bằng các mối nguy. Peter tin mức độ ổn định của xã hội chỉ có thể duy trì khi khoa học công nghệ phát triển.