Nền kinh tế của việc "gây chú ý"

Nền kinh tế của việc "gây chú ý"

Warren Buffett chia sẻ thẳng thắng quan điểm về Bitcoin nói riêng và crypto nói chung tại Hội nghị thường niên 2022 của Bershire Hathway như sau: "nếu tất cả mọi người trong khán phòng này sở hữu tất cả đất nông nghiệp (farmland) ở Hoa Kỳ và muốn bán cho tôi 1% với mức giá thương lượng là 25 tỷ $, tôi sẽ không ngần ngại mua ngay. Tương tự, tôi cũng sẽ đồng ý nếu bạn nắm tất cả các căn hộ (apartment) tại Hoa Kỳ và bán tôi 1% với giá cũng 25 tỷ $. Tuy nhiên nếu các bạn đang nắm toàn bộ bitcoin và muốn bán đi tất cả với giá chỉ 25$, chắc chắn tôi sẽ không mua. Thực sự nên làm gì với đống coin đó, thế nào rồi tôi cũng phải tìm cách bán lại cho các bạn theo cách này hay cách khác. Căn hộ có thể cho thuê, nông trại có thể sản xuất thức ăn. Nếu tôi nắm toàn bộ bitcoin, người tạo ra nó, dù tồn tại hay không tồn tại (ám chỉ Satoshi Nakamoto, cha đẻ bitcoin) 15 năm trước, sẽ tạo ra nhiều câu chuyện bí ẩn hay thuyết âm mưu quanh đó. Khi né tránh địa hạt crypto, nhiều người cứ luôn hỏi sao tôi không mua một ít bitcoin, tại sao không đầu tư cái gì đó kiểu như Buffett Coin. Cần chân nhận rõ sự khác biệt giữa các tài sản sinh lợi/sản xuất (productive asset) với những thứ phụ thuộc vào việc trông chờ người khác sẽ trả cho bạn cao hơn. Nếu quan sát toàn bộ thị trường, bạn sẽ thấy rất nhiều khoản hoa hồng (commissions) đã được trao tặng. Có rất nhiều chi phí ma sát (frictional costs - tổng các chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến việc thực hiện một giao dịch tài chính) mà mọi người phải trả cho những người đang vẽ ra cuộc chơi này. Bạn hãy hình dung một căn phòng có nhiều người ra vào, cụ thể một đám đông gồm nhóm sở hữu coin và người mới, tiền được trao tay qua lại - rất nhiều sự lừa dối (fraud) và chi phí liên quan, bạn sẽ đánh mất nhiều thứ nếu dính líu vào. Những thứ cụ thể có giá trị phải tạo ra cái gì đó hữu hình (tangible) - hãy suy ngẫm về giá trị của một bức tranh tuyệt vời (vài trăm tuổi - bạn mua vì cảm giác yêu thích) hay một ai đó bán vé cho bạn tham quan kim tự tháp (Ai Cập), thứ tồn tại nghìn năm qua (bạn mua vì tò mò muốn hiểu về lịch sử chẳng hạn). Rõ ràng, các tài sản có giá trị phải tạo ra cái gì đó cho một ai đó (deliver something). Chỉ có duy nhất một loại tiền tệ được chấp nhận (Buffett cầm trên tay đồng đô la), thứ tôi đang cầm trên tay. Bạn có thể nghĩ ra nhiều thứ điên rồ như Bershire Money chẳng hạn, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề nếu gọi nó là tiền. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không để yên cho thứ gì thay thế đô la, kiểu như Berkshire Money thay thế đô la. Những gì diễn ra trong năm hay mười năm tới khó có thể đoán, ai cũng tin là có phép màu gì đó với Bitcoin. Tuy nhiên, từ xa xưa đến giờ, con người luôn gắn phép màu tới rất nhiều thứ tầm thường."

Quan điểm của Buffett phần nào phản ánh nguyên tắc cốt lõi của ông: "Không đầu tư vào những thứ mình không hiểu rõ". Mình không đồng tình hoàn toàn góc nhìn của ông về Bitcoin. Tuy nhiên, Buffett đã phản ánh khá chính xác thị trường crypto "hoang dã" hiện tại - một căn phòng người vào vào ra ra liên tục để mua bán ngắn hạn chụp giựt. Rất nhiều chiến dịch quảng bá, chiêu trò, nhiều phần thưởng (airdrop) từ trên trời rơi xuống, nhiều KOL (hay thầy bà) chèo kéo các cộng đồng các nhà giao dịch nhỏ lẻ (traders) - nhằm hút đi một thứ tài nguyên cực kỳ khan hiếm trên không gian mạng - sự chú ý (attention). Trong cuốn sách "Luật lệ của mạng" (Rules of the Net - xuất bản 1996), Thomas Mandel và Gerard Van der Leun đã đề cập: "sự chú ý chính là tiền tệ của không gian mạng". Một khi truy cập internet, người dùng bắt đầu trao đổi sự chú ý với các nền tảng hay người khác qua việc trò chuyện, tranh luận, khuyên bảo hay học hỏi điều gì đó - một nơi để con người bày tỏ nhiều mong muốn của mình (desires).

Cobie, trong bài viết rất hay dưới đây đã đào sâu hơn vào chiến lược gây chú ý của một số dự án crypto nổi tiếng sau Bitcoin và Ethereum như Doge (thổi lên nhờ Elon Musk), $SOS, Loop, Cyberpunks (NFT punk), BAYC (NFT con khỉ), ADA (Cardano - từng xem có thể thay thế ETH). Qua đó, cảnh báo thói đu theo các xu hướng, chạy theo cảm xúc bốc đồng của những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ là những người không thể tự đánh giá được những khía cạnh căn cơ (fundalmentals) hay kĩ thuật của một dự án mà dựa hoàn toàn vào các tín hiệu xã hội, nói thẳng ra là các thầy bà trên mạng.

Mọi người bàn tán rất nhiều về sự hiếm có trong thế giới crypto (scarcity). Cụ thể như tạo ra sự hiếm có trong thế giới số (digital scarcity) thông qua các NFT (viết tắt của Non-Fungible Token, nghĩa là các token có tính độc nhất và không thể thay thế) hay ý tưởng kiểu như "có 55 triệu nhà triệu phú ngoài kia nhưng chỉ có 21 triệu bitcoin". Một câu nói của Nayib Nukele, tổng thống của El Salvador, người ủng hộ Bitcoin nhiệt thành.

Thực ra, chỉ có một nguồn lực duy nhất hiếm hoi trong thế giới crypto: sự chú ý (attention).

Nguồn vốn (capital) dùng để đánh cược với rủi ro (risk-seeking) thì chắc chắn không hiếm. Những người tham dự vào thế giới crypto trong mùa hè 2021 đã kêu gọi được nguồn quỹ hàng tỷ đô la để khám phá cái gọi là "metaverse" (vũ trụ siêu hình) và hướng đến mục tiêu phi tập trung hóa Uber. Một tỷ đô la không còn có vẻ như rất nhiều tiền nữa.

Các tài sản crypto cũng không thực sự quá hiếm. Dĩ nhiên, đây là một tuyên bố có chút không thành thực (nếu có hiểu biết về crypto). Bản thân Bitcoin và Ethereum khá khan hiếm do nguồn cung hạn chế và hệ thống kinh tế token (tokenomic) được thiết kế chống lại lạm phát (deflationary - giảm nguồn cung tiền). Crypto Punks cũng hiếm có bởi nguồn cung cố định và hữu hạn; vâng, chỉ có duy nhất 5200 Crypto Dickbutts (bạn có thể mua trên sàn OpenSea). Tuy nhiên, số lượng những thứ (things) mà chúng ta có thể đặt cược (speculate) trong thế giới crypto đang gia tăng nhanh chóng và về lý thuyết thì kéo dài gần như vô tận (interminable).

Cụ thể hơn, hàng tỷ đô la "vô tận" nằm trong nguồn vốn đánh cược rủi ro (risk-seeking capital) không hoàn toàn chỉ nhắm đến việc mua lại các giỏ crypto truyền thống (bags) từ các OGs mà còn nhiều token mới mẻ khác. OG (Original Gangsters) là những nhà giao dịch và đầu tư vào thị trường mã hóa crypto vẫn tồn tại sau khi đi qua mùa đông crypto  (thị trường gấu) căng thẳng 2013 và 2014, đây là những người đã vượt qua được cơn cuồng loạn mua mua bán bán của đám đông, thu được miếng bánh lớn sau cùng và rất bí ẩn.

Điểm đến của những đồng đô la mới chảy vào thị trường crypto bị loãng ra rất nhiều (dilution), đặc biệt trong giai đoạn thị trường "bò" (tăng trưởng), hướng cụ thể đến những nơi có độ phấn khích cao (thrill-stages), khi mà các giá trị dài hạn trượt khỏi nhận thức của các nhà quản lý tiền bạc (money managers), như kiểu họ đột nhiên khám phá mình là thiên tài đầu tư "ngắn hạn" trong thị trường mới mẻ này.

Vâng, chỉ có 10,000 Crypto Punks nhưng cũng có 10,000 BAYC, MAYC, kennel one (dự án crypto), một đống ArtBlocks dễ thương, Cool Cats, Meebits, và Hashmasks - bạn hiểu vấn đề rồi phải không. Tất nhiên, Ethereum cũng ra mắt EIP1559, một đề xuất nhằm thay đổi hoàn toàn cách tính phí của Ethereum, cùng với đó là giảm thiểu nguồn cung của Ethereum trên thị trường. Ethereum cũng đốt hàng tỷ đô la ETH khiến mức độ hiếm có tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, đối với những ai cảm thấy mình đã trễ hẹn với ETH, thì còn có một loạt token khác như AVAX, SOL, LUNA, ONE, NEAR, thậm chí ADA.

Theo thời gian, những tài sản mã hóa thực sự có giá trị càng minh chứng mức độ hiếm có đặc biệt của mình. Các tài sản mã hóa vượt qua được Bitcoin trên một chu kỳ bò/gấu thì rất hạn chế, đại đa số sẽ chết hoàn toàn. Không quá phi thực tế khi hình dung những thứ tương tự sẽ diễn ra lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian trung hạn (medium-term - từ 3 đến 10 năm). Tuy nhiên, khi sự tán tụng biến mất (exultation), chúng ta dần trở nên trần trụi và quay về bản chất thật. Kết thúc một chương phấn khích, có lẽ những người dự phần sẽ ngồi suy ngẫm lại những quyết định đưa ra vội vàng không có căn cứ, một sự chân nhận sâu sắc về hiện thực cùng cảm giác xấu hổ lân mẫn. Vốn (capital) dần dần quay về với giá trị thật của nó. Có vẻ như bể "giá trị" (pool of "value") thì nhỏ hơn những gì mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ hình dung, khác với suy nghĩ khi còn trong cơn say phấn kích về tiền bạc.

Có một quỹ mới trị giá hơn 1 tỷ $ được sáng lập bởi cựu nhân sự "đầy sáng tạo" tại Citibank (wagmi-punk-2383) để rót tiền vào crypto. Điều này cho thấy sự quyến rũ của việc rót tiền vào "hố xí" (toilet bowl) các cơ hội đầu tư "crypto" vốn không ngừng được mở rộng và pha loãng. Họ có những thành viên góp vốn LP (Limited Partners) sẵn sàng gõ cửa để rót tiền cùng 100 nhà sáng lập đang xây dựng các học bổng chơi game (kiểu như tài trợ cho các nhân vật hay vật dụng phải mua để tham gia) trong thế giới metaverse với tài chính phi tập trung (Defi) và các chuỗi chéo (cross-chain:  giải pháp giúp chuyển các tài sản điện tử từ blockchain này sang blockchain khác để tối ưu khả năng liên kết giữa các blockchain).

Cụ thể, quỹ 1,5 tỷ Hivemind Capital Partners chuyên đầu tư vào các công ty crypto, các tài sản số, và tập trung vào chiến lược chơi-để-kiếm-tiền (play-to-earn) trong ngành game. Quỹ này là con đẻ của Matt Zhang, người từng là trưởng bộ phận giao dịch các sản phẩn được cấu trúc (structured products), cũng là người tạo ra đội ngũ đầu tư Sprint tại Citibank. Ngay tại thời điểm ra mắt, Hivemind đã chọn Algorand, nền tảng blockchain layer-1, làm đối tác chiến lược để chia sẻ năng lực công nghệ và hạ tầng hệ sinh thái mạng lưới (network ecosystem).

Thứ duy nhất thực sự khan hiếm trong địa hạt này chính là sự chú ý.

Sự chú ý

Sự chú ý chính là tiền tệ trong thế giới web hiện đại. Các công ty web2 đã khám phá ra điều này cách đây nhiều năm. Người dùng chi trả cho dịch vụ nhờ chú ý vào thông điệp hay nội dung nào đó. Các công ty tìm cách thu hút sự tập trung hay chú ý về để bán hàng đến người dùng tại một thời điểm nào đó. Thông thường các công ty không tự bán đến khách hàng mà chỉ như một nhà môi giới giữa sự chú ý của người dùng với các doanh nghiệp có thứ gì đó để bán.

Sự chú ý như một hình thức tiền tệ càng trở nên rõ ràng và trực diện trong nền kinh tế token. Có hơn 50 IDO (Initial DEX Offering – phát hành coin lần đầu trên sàn DEX - sàn giao dịch phi tập trung) diễn ra mỗi ngày, tất cả buộc phải cạnh tranh với nhau để dành lấy từng đồng $ của bạn cũng như hấp dẫn bạn gia nhập cộng đồng của họ. Một loạt các airdrop (cho miễn phí token, kiểu như “từ trên trời rơi xuống”) diễn ra không ngừng trong suốt 12 tháng vừa qua, thưởng cho người dùng các khoàn tiền kích thích (financial incentives) vì đã sử dụng hay ủng hộ sản phẩm của họ.

Các công ty truyền thống thường trả 5-10$ để bạn sử dụng sản phẩm của họ. Kiểu như: "Đăng ký và bạn sẽ được giàm 10$ cho chuyến đi Uber đầu tiên". Trong web3, cuộc chiến dành giật sự chú ý quá căng thẳng khiến cho việc đưa ra các chương trình khích cầu với 9 con số 0 (số tiền) trở thành một bình thường mới, khoản tiền trao tặng qua "airdrop" với 5 con số 0 tới người dùng trở nên không có gì xa lạ. Những người có tầm ảnh hưởng trong giới crypto trên youtube còn đòi chi phí quảng cáo từ 5 tới 6 con số 0. Sự chú ý trở nên quá khan hiếm và luôn trong tình trạng cầu rất cao (high demand).

Định giá tài sản dựa trên sự chú ý (attention-based)

Trong các bài viết trước, tôi đã đề cập đến thị trường crypto vận hành nhờ tăng trưởng kiểu bò (bull-run) thì trông như một trò chơi video hơn là đầu tư. Nếu crypto là một trò chơi khổng lồ đa người tham gia nơi điểm số được thể hiện dưới dạng đồng độ la, thì sự chú ý quyết định phần lớn các cuộc chơi mang tính ngắn hạn này.

Phần lớn những ai tham gia trò chơi này không thể tự bản thân đánh giá được những khía cạnh căn cơ hay kĩ thuật của một dự án. Thay vì thế, các nhà đầu tư nhỏ lẻ phần lớn dựa hoàn toàn vào các tín hiệu hay bằng chứng xã hội hay cộng đồng trong quá trình ra quyết định. Nếu chúng ta đơn giản hóa giá crypto qua một số công thức kiểu cung/người bán và cầu/người mua vốn thay đổi theo thời gian thì hoàn toàn có thể hình dung về ảnh hưởng của việc khan hiếm "sự chú ý" (attention scarcity).

Rõ ràng, giá cao lên nếu cầu tăng hoặc có ít người bán hơn. Nhưng các yếu tố ẩn phía dưới ảnh hưởng đến cung và cầu không thay đổi nhanh như các đợt (cadence) tham dự vào trò chơi video trong thị trường "bò" này của công chúng. Thêm nữa, việc phát triển các giao thức và tạo dựng "giá trị" thường mất một vài năm, trong khi đó những game thủ-nhà giao dịch trong thị trường crypto "bò" (tăng trưởng) thường chỉ xu thời trong khung thời gian theo tuần, đôi khi còn ngắn hơn như vậy.

Sự chú ý là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến biến số cung và cầu (variables), thay đổi theo các đợt tham dự của công chúng. Các biến số này bị ảnh hưởng và kiểm soát bởi người tham dự hay người chơi.

Trở nên được ưa thích (favoured)

Trong giai đoạn hưng phấn của thị trường bò, những người chơi giỏi không cố để mua tài sản tốt nhất. Thay vì vậy, họ cố gắng mua các tài sản đã vượt qua được cơn cuồng loạn của việc gây chú ý (attention chasm), và chân nhận ra tiềm năng thực sự. Bức tranh đầu tư trong thị trường crypto được thể hiện qua ma trận góc tư sau:

Dự án tốt Dự án tồi
Phổ biến Chiến thắng (winner) | Bẫy đầu tư nhỏ lẻ (Retail Trap)
Chưa được biết đến Ngách (niche ) Thảm họa (rekl)

                                     

Những nhà giao dịch giỏi chân nhận rõ họ muốn mua "Chiến thắng" (winners) để tối đa hóa lợi nhuận (returns). Họ muốn mua các dự án sẽ di chuyển từ "Ngách" sang "Chiến thắng". Họ cũng có thể muốn mua các dự án có tiềm năng đi từ "Thảm họa" (rekl) sang "Bẫy nhỏ lẻ - Retail Trap", mặc dù chân nhận rõ mức độ rủi ro cao của khoản đầu tư này, bởi các dự án tồi khó có thể trở nên phổ biến. Các dự án cũng có thể di chuyển từ "Rekl" sang "Niche" khi thay đổi chiến thuật sản phẩm (product pivot), thay đổi trong công nghệ, hoặc thay đổi dàn lãnh đạo. Các nhà giao dịch hiểu rõ các dự án có khả năng đi lên trên và đi sang trái ma trận trên là cơ hội để đầu tư.

Khu vực "Chiến thắng"(Winners) là tài sản tốt nhất dành cho các nhà đầu tư dài hạn và ngẫu hứng (casuals), đồng thời rất dễ để nhận diện (vì đã nổi tiếng). Tuy nhiên, các game thủ của trò chơi crypto đa phần sẽ khó tìm được các cơ hội hay ho này (với mức giá rẻ), kinh nghiệm có lẽ chỉ giúp họ tìm được các dự án ở mức trung bình của thị trường, còn những người giao dịch giỏi giang sẽ nhìn cao hơn, vượt lên trên mức trung bình của thị trường. Một ví dụ thành công rõ rệt là Ethereum. Tất nhiên, nhóm "Chiến thắng" cũng có rủi ro suy thoái (downside risk), kiểu như di chuyển sang ô "ngách - niche" hoặc thậm chí thành "rekl - Thảm họa" dần dần theo thời gian khi bối cảnh crypto thay đổi.

"Bẫy đầu tư nhỏ lẻ" (Retail Trap) có vẻ như cũng không có quá nhiều các cơ hội đáng để đầu tư (opportunity) khi so với các dự án tầm trung bình thị trường (market average), nhưng lại có nhiều rủi ro hơn nhóm "Chiến thắng" bởi các dự án này có công nghệ tồi, đội phát triển yếu, và tầm nhìn dài hạn không rõ ràng. Nhóm này có thể trở thành các dự án tốt, nhưng rất hiếm khi xảy ra và tốn thời gian rất dài. Viễn cảnh lạc quan nhất là nhóm này có thể phát triển tiệm cận gần mức trung bình thị trường. Viễn cảnh tệ hơn là nhóm này sẽ chuyển từ "Retail Trap" sang "Rekl" khi thị trường nhận ra đây là dự án tồi và mất đi "sự quan tâm" gặt hái được trước đó (popularity).

Khi các dự án tăng mức độ phổ biến và được chân nhận bởi nhiều người, các nhà giao dịch sẽ để mắt đến. Giai đoạn "được quan tâm" (becoming favoured) là lúc mà quá trình định giá (asset-valuations) thường xuyên thay đổi.

Khi dự án được quan tâm, số lượng người tham gia vào thị trường nắm giữ tài sản này tăng đến mức bão hòa (saturation). Khi bão hòa rồi, nó đòi hỏi (a) toàn bộ thị trường crypto tăng lên để tài sản này có thể tăng theo (b) các yếu tố căn cơ (fundalmentals) đằng sau tài sản phải được cải thiện so với tương quan thị trường. Đó là lý do tại sao nắm giữ "Chiến thắng" (hay "Bẫy nhỏ lẻ") trong giai đoạn hưng phấn thì ít hấp dẫn đối với phần lớn những người tham dự lâu năm trong trò chơi crypto, bởi (a) và (b) di chuyển quá chậm đối trong mắt những con nghiện trò chơi video crypto. Cơ hội to lớn trong thị trường crypto luôn đi kèm chi phí cơ hội rất lớn.

Những người chơi crypto giỏi luôn cố tìm kiếm các dự án được định giá thấp hơn giá trị tiềm năng, sau đó bán những dự án tốt khi đạt được mức định giá phù hợp. Nhóm này ngồi ở ô "Chiến thắng" trong khi tìm kiếm các giao dịch khác tốt hơn. Những nhà đầu tư dài hạn không quan tâm nhiều đến trò chơi ngắn hạn này. Họ vui vì mua được trong ô "Chiến thắng" và đặt cược vào các dự án tốt phát triển vượt lên mức trung bình và trở nên quan trọng theo thời gian.

$SOS, Loot, BAYC

Có rất nhiều ví dụ về việc cố tình tạo ra sự chú ý đột ngột trên thị trường.

Khoản trao tặng (airdrop) gần đây của $SOS thì đáng để xem xét. $SOS được trao tặng (airdropped) bởi bên thứ ba tới các người dùng của Opensea dựa trên lịch sử mua sắm NFT trước đó. Rất thú vị, việc cho các game thủ crypto một khoản tiền miễn phí là cách gây chú ý nhanh chóng nhất trong cộng đồng này. $SOS là airdrop của OpenDAO, phân phối tới những ai đã từng thực hiện giao dịch trên OpenSea. Giá token này đã tăng lên 1000% chỉ trong vòng hai ngày. Dự án này thì không có liên hệ gì đến OpenSea, nhưng có tổng cộng 200 ngàn ví đã đăng ký nhận token $SOS, với tổng giá trị vốn hóa của hợp đồng (contract) vượt 200 triệu $.

Cần lưu tâm, trong giai đoạn này $SOS vẫn chưa có sản phẩm, không có bất cứ căn cơ nền tảng nào, chỉ đơn thuần là một thị trường của sự chú ý đặt cược may rủi (speculative attention) phủ bởi đám đông trên OpenSea mong muốn có token hoặc các đối thủ.

Khi các game thủ crypto hướng chú ý đến $SOS, họ có ba lựa chọn chính:

  1. Bán các đồng token được tặng đổi lấy Ethereum hay USD
  2. Nắm giữ các đồng token được tặng và quan sát xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo
  3. Mua thêm $SOS từ những người bán (đã tặng token cho mình)

Khi sự chú ý được hướng đến thị trường mới này, các game thủ crypto sẽ hỏi bản thân mình "làm thế nào để kiếm tiền từ thứ mới mẻ này" - rõ ràng đây là mục tiêu cuối cùng của việc chơi trò chơi video crypto. Nếu có đủ người chọn mục (2) và (3), bởi $ từ (3) thì lớn hơn (1), giá của $SOS sẽ tăng lên và đồ thị của $SOS trông rất tốt.

Nếu đồ thị trông có vẻ tốt, nhiều người sẽ tiếp tục bàn tán về $SOS, tiếp theo sẽ giới thiệu cơ hội này đến nhiều người hơn - tạo ra nhóm người mới chú ý đến dự án. Tiếp theo, những người tham gia thị trường chưa từng sử dụng OpenSea, hoặc không sử dụng đủ nhiều để có được khoản airdrop (tặng) tốt sẽ ra các quyết định tiếp theo:

  1. Mua $SOS và tham dự
  2. Chờ hoặc bỏ qua thị trường này hoàn toàn

Một vài người sẽ chọn số (1), giúp cho giá tăng lên cao hơn. Khi giá cả lên, mọi người kiếm được tiền nên sẽ tiếp tục bàn tán về thứ mới mẻ thời thượng này. Những người sở hữu dự án (ownership) nhận ra mình đang được chú ý nhiều, dự án di chuyển từ mức phổ biến tầm niche/rekt sang mức winners/retail trap.

Với giá cao hơn, nhiều người quyết định mình sẽ vui vẻ bán đi phần airdrop. Lúc này các đồ thị bị ngưng trệ lại và sự chú ý giảm sút, số lượng người quyết định mua $SOS giảm. $SOS trở nên không còn mới và tỏa sáng, chỉ là token mà không có sản phẩm gì cụ thể, ít người bàn tán về nó hơn và những nhân tố "k" (k-factor - yếu tố tăng trưởng) của tài sản suy giảm. Sự chú ý ở giai đoạn ban đầu không còn bền vững, đại đa số mối quan tâm còn lại chủ yếu đền từ những người còn nắm token.

Một khi tài sản đã đi vào nhận thức của nhiều người chơi, việc khiến họ suy nghĩ một lần nữa về tài sản này dễ hơn nhiều, nhưng để có được sự chú ý bền vững khi không có sản phẩm và người dùng thực sự thì khó hơn nhiều.

Tiếp theo là dự án Loot, một dự án NFT tạo ra 8000 túi thiết bị độc đáo (bags), trong đó có chứa các vật phẩm theo phong cách nhập vai (RPG-style). Dự án được phát hành bởi Dom Hofmann, đồng sáng lập của nền tảng mạng xã hội VINE. Mỗi  "Loot bag" bao gồm 8 mẫu vật phẩm trong bộ thiết bị du hành đảm bảo nhà phiêu lưu có đầy đủ những gì cần cho chuyến đi: găng tay, áo giáp, giàu, vòng cổ, nhẫn, các loại vũ khí ... Những NFT này được phân phối miễn phí đến cho người dùng (users), họ chỉ phải trả khoản phí gas (phí giao dịch) để săn được (minting). Túi có số từ 1 đến 7777 dành cho công chúng, còn túi 7778 đến 8000 dành cho đội ngũ sáng lập của dự án. Không có trò chơi, luật lệ hay một hệ thống chính thức nào liên quan đến Loot Bags. Các NFTs này được tạo ra như các vật phẩm có thể sài trong game hay các dự án nào đó làm bởi cộng đồng. Điều này đã tạo ra thế hệ các cộng đồng, các công cụ phát triển, tập hợp nhóm người chơi (guilds), cơ quan theo dõi thị trường (market trackers), cùng các dự án phái sinh mới sử dụng Loot Bags trong thế giới của họ. Bản chất sáng tạo (tự do) của Loot đã gây sự chú ý lớn.

Rõ ràng, Loot cũng phần nào đi theo các bước căn bản như $SOS trên (blueprint). Chiến thuật gây chú ý cũng lý giải phần nào tại sao dự án chuỗi ảnh hồ sơ NFT PFP (Picture for Profile) thành công nhất trong năm - BAYC - vẫn có thể "flip" (chiến lược đầu tư vào token trước khi niêm yết trên sàn, sau đó nhanh chóng bán để kiếm lời) trên sàn Punks (Punks floor) trong khi các đối thủ khác phát hành cùng thời điểm đã rơi rụng về 0. Bored Ape Yacht Club (BAYC) là một bộ sưu tập tập hợp 10.000 con Vượn NFT, mỗi con đều có những đặc điểm hoàn toàn độc đáo. Một số con vượn sở hữu đặc điểm hiếm hơn những con khác và thường được săn lùng. Bất cứ ai sở hữu NFT BAYC, sẽ có quyền truy cập độc quyền vào các bộ sưu tập mới của BAYC trong tương lai cùng các đặc quyền khác. Tương tự như dự án NFT đầu tiên trên thế giới CryptoPunks với 10000 punks (hình ảnh nhỏ 8 bit) không trùng lặp. (dự án đã thúc đẩy việc phát triển tiêu chuẩn token ERC-721 cho các bộ sưu tập kỹ thuật số sau này). Các punks này hiện giờ đang cực kỳ đắt giá. BAYC cực kỳ tập trung vào việc xây dựng cộng đồng, do đó mạng lưới BAYC trở nên rất gắn kết, họ trở thành những nhà quảng bá liên tục cho dự án, giúp gia tăng sự chú ý về BAYC một cách bền vững.

Doge

Doge là một ví dụ điển hình khác về việc gây chú ý rất thú vị trong năm 2021

Xuyên suốt lịch sử của nó, Doge vọt lên theo Bitcoin khá thường xuyên. Tuy nhiên, từ khi hình thành cho đến cuối năm 2020, những khoản vọt lên (pumps) duy trì trong một phạm vi giới hạn. Sơ đồ giá của Doge cho thấy từ 2014 đến cuối 2020, biểu đồ duy trì theo hình zig zag trong suốt 7 năm.

Khi mọi người biết về Dogecoin, họ có hai lựa chọn:

  1. Mua doge
  2. Bỏ qua doge

Bạn có thể hình dung trong 7 năm qua, tỷ số "quyết định đầu tư doge" duy trì không đổi. Có thể nói, trong 100 người thì có 90 bỏ qua và 10 người mua doge. Tuy nhiên, năm 2021 đã xuất hiện một lực hút sự chú ý về: Elon Musk trở thành người cổ vũ nhiệt thành cho Dogecoin.

Điều này khiến hai thứ thay đổi:

  1. Có thêm nhiều người trong giới crypto bị thuyết phục mua Doge
  2. Nhiều người mới gia nhập thị trường hoàn toàn bị thuyết phục mua crypto lần đầu, bắt đầu với Doge

Do đó, việc Elon bắt đầu rót thông tin (shilling) về Doge là điều rất thú vị trên thị trường. Bạn có thể nhắn nhủ bản thân: nếu Elon tiếp tục thu hút chú ý về việc này, thì lượng khán giả tối đa có thể tiếp cận là bao nhiêu? Tỷ số mua/bỏ qua sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Các suy tư trên khiến cho việc đặt cược vào Doge trông dễ dàng hơn. Nếu Elon tiếp tục quảng bá Doge, sự chú ý được gia tăng sẽ thay đổi cung/cầu rất lớn, giúp rất nhiều cho những ai đang nắm giữ Doge. Có thể ước tính mức độ tăng 5x hoặc 10x. Nếu Elon không làm như vậy, có lẽ nên cắt lỗ ở mức âm 33% với khoản đầu tư này. Một bức độ bất cân bằng hợp lý về rủi ro/phần thưởng.

Cuối cùng, dường như hầu hết những ai từng ra quyết định mua Doge trên thế giới đều biết về câu bông đùa của Elon trên SNL. Khi đó, mối quan tâm về Doge đã đi ngang lại, có một sự bão hòa về lượng người biết đến Doge, còn những người ra quyết định mua thì đã mua rồi. Sự chú ý hiện tại tập trung quanh những người còn đang phân vân (có nên mua Doge) và những ai đã mua nhiều Doge nhất có thể. Tỷ lệ "chú ý" đã rơi rụng khiến cho lượng người muốn mua giảm, chỉ còn được quan tâm hay chú ý bởi những người đang nắm giữ túi crypto Doge (bagholders).

Những người giao dịch thông minh bắt đầu bán phần sở hữu của mình và giá trị này bám theo mức độ chú ý mà token đạt được.

ADA

Cardano là một ví dụ thú vị khác. Token này đã hoạt động rất khác biệt so với Avalanche, Solana và Luna trong năm 2021, mặc dù lý thuyết cốt lõi ẩn sau mỗi loại tài sản này đều giống nhau. Cardano đã thu hút được sự chú ý rất lớn khi thị trường "bò" (tăng trưởng) bắt đầu diễn ra. Nó trở thành một coin được yêu thích của cộng đồng Crypto trên Youtube, nhiều gương mặt nổi tiếng đã xếp coin này vào danh sách Top 3 tài sản cần nắm giữ. Dĩ nhiên, nhà sáng lập đồng coin này cũng là một Crypto Youtuber, mỗi lần stream của Charles Hoskinson (một trong các đồng sáng lập của Ethereum) thường có khoảng 50k người xem. Nhưng, vào đầu năm 2021, giá trị của Cardano đã rơi rụng 93% khi so với SOL (token của Solana). Chúng ta có thể lý giải hiện tượng này giống như những gì xảy ra với $SOS hay BAYC đề cập ở trên.

Khi các dự án được bơm thổi gây chú ý lớn vượt lên trên nhóm sở hữu hiện tại (ownership), giá sẽ tăng vọt lên. Cuối 2020 và đầu 2021, Cardano là dự án dẫn đầu trong việc gây chú ý tới công chúng nhỏ lẻ qua thông điệp "thay thế eth" (eth killer). Thêm nữa, thị trường "bò" đang đà tăng tốc, khiến cho nhiều người mới gia nhập, thúc đẩy thêm nhiều chú ý.

Tuy nhiên, xuyên suốt 2021, các dự án L1 (Level 1 - lớp blockchain ban đầu như Bitcoin và Ethereum) như Avalanche và Solana đã tạo ra được hệ sinh thái đầy gắn kết và năng động, tương tự như cách BAYC làm. Họ liên tục thu hút sự chú ý của người dùng, các nhà phát triển cũng như những người đặt cược may rủi (speculators) và gây bàn tán xôn xao về sản phẩm. Một loạt dự án và cơ hội mới để kiếm tiền nhanh chóng được ra mắt trên các nền tảng L1. Các cộng đồng này đã quảng bá nhiệt thành cho các token mới. Không ai chơi crypto muốn bị bỏ lại phía sau (idle), một vòng lặp phản hồi tích cực chảy vào các dự án DeFi/trò chơi/hoặc bất cứ hình thức crypto nào khác - một sự chú ý bền vững. Vì sự chú ý rất khan hiếm, nên tất cả các dự án L1 phải cạnh tranh với nhau để đi vào tâm trí khách hàng (mindshare) cùng một lúc. Việc Solana và Avalanche dành phần bánh trong cuộc chiến này đồng nghĩa với mất mát cho các dự án L1 khác.

Cardano rất được quan tâm, tuy nhiên, vì người dùng (users) không tương tác đủ nhiều trong giai đoạn đó và không có hệ sinh thái của người chơi crypto (players) hoạt động thường xuyên ngày này qua ngày khác, nên Cardano (ADA) dường như đã trượt xuống ô "Bẫy nhỏ lẻ - Retail trap" thay vì "Chiến thắng - Winner".

Tổng kết

Sự chú ý là nguồn lực hiếm hoi duy nhất trong thế giới crypto.

Tốc độ thay đổi sự chú ý và bão hòa về sỡ hữu là những thang đo (metrics) hữu dụng để quan sát và ước lượng giá trị tài sản crypto hoặc chơi cuộc chơi giao dịch cryto với nhiều người khác (như trò chơi video).

Những nhà giao dịch giỏi nhất chuyên săn lùng các tài sản có mức độ phổ biến nhất định còn bị đánh giá thấp và có nhiều cơ hội tăng trưởng - nếu vượt qua được cái hố mờ nhạt để trở nên nổi tiếng. Họ sẽ bán nếu phần sỡ hữu (ownership) đuổi kịp mức độ chú ý.

Nắm giữ những token "Chiến thắng" (winners) qua giai đoạn tăng trưởng chỉ dành cho những ai có khả năng giữ tâm trí ổn định, những cá thể với cuộc sống siêu cân bằng. Có lẽ tôi cũng chỉ là một trong số họ vào một ngày nào đó (phần lớn vẫn cảm xúc bốc đồng).

À, đừng nghe các thầy bà crypto trên youtube. Họ đang chuyển sự chú ý của bạn thành sản phẩm cho hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình.