Luật Moore cho tất cả

Luật Moore cho tất cả


Tại hội nghị Forbes Business Forum 2023 (Việt Nam) diễn ra vài ngày trước tại Gem Center, anh An Nguyên, nhà sáng lập của Trusting Social (công ty AI hàng đầu tại Đông Nam Á), đã đề cập đến khái niệm "Nền kinh tế Agent" - thế giới mà các AGI Agent (Trí tuệ nhân tạo tổng hợp) sẽ làm phần lớn các công việc của con người. Quá trình này đi qua năm cấp độ: (1) AI Giao tiếp (Converstional AI, các giải pháp chatbot) (2) Đi sâu vào miền kiến thức (Domain Knowledge - vượt qua các thiên kiến) (3) Các kĩ năng công việc (Job Skills - thực thi một số công việc cần kĩ năng) (4) Tự học hỏi (Self Learning - thu thập và tổng hợp kiến thức) (5) Người hỗ trợ hoàn toàn (Full Agency - có khả năng thay thế con người trong một số công việc).

Các agent này sẽ biến tất cả người tiêu dùng (consumers) hiện tại thành "prosumer" (người tiêu dùng chuyên nghiệp), ai rồi cũng sẽ có bác sĩ, nhà tư vấn tâm lý, luật sư và các nhân viên ngân hàng (banker) AI phục vụ nhu cầu chuyên biệt của cá nhân mình. Một viễn cảnh mà các chi phí tri thức (knowledge work) hay chi phí trí tuệ (cost of intelligence) cùng chi phí năng lượng sẽ giảm xuống đáng kể. Công nghệ đóng vai trò như một lực đẩy "công bằng" mạnh mẽ (equalizing force) sẽ khiến thế giới trở nên ít bất bình đẳng và thịnh vượng hơn trạng thái hiện giờ.

Các thông điệp khiến mình liên tưởng đến nhân sinh quan của Sam Altman về AGI, cựu chủ tịch vườn ươm nổi tiếng Y Combinator. Tổ chức này do huyền thoại Paul Graham sáng lập, vừa đối trọng vừa hợp tác trong việc thu hút nhân tài hay công ty khởi nghiệp trẻ với Thiel Fellowship của nhóm Mafia Paypal, do Peter Thiel dẫn dắt. Sam khởi sự OpenAI cùng với nhân vật nổi tiếng khác trong giới công nghệ là Elon Musk (trùng hợp thay dòng vốn đầu tiên rót vào cũng từ Peter Thiel, Elon sau này rút khỏi OpenAI). Mạng lưới Stanford đã kiến tạo nên những kết nối đầu tư hay hợp tác công nghệ cần thiết. YC đã cho ra lò hơn 3000 công ty, trong đó có những cái tên nổi tiếng như Airbnb, Coinbase, Cruise, DoorDash, Dropbox, Instacart, Quora, PagerDuty, Reddit, Stripe and Twitch. Ngôi nhà của Atman là nơi tụ tập của nhóm chuyên gia có cái tên là Covenant (đặt theo kinh điển Do Thái - lời hứa mà Chúa cam kết với Abraham), một tập hợp các lãnh đạo hay chuyên gia trong những ngành quan trọng như AI, robot, điều khiển học (cybernetics), máy tính lượng tử quantum computing), AI và sinh học tổng hợp (synthetic biology), nghiên cứu gen (genomics), du hành vũ trụ (space travel) cùng các triết gia. Họ thường xuyên trao đổi về tiến bộ công nghệ, mối liên hệ với đạo đức của con người cùng viễn cảnh tương lai nơi AI và một phiên bản con người nâng cao (enhanced homo sapiens) cạnh tranh hay thay thế lẫn nhau.

Sam, một người theo chủ nghĩa sống còn (survialism/preppers), đã để lại một tuyên bố gồm 22 từ (tiếng Anh) cảnh báo về mối nguy của AI: "Xóa bỏ mối nguy diệt chủng từ AI nên trở thành một ưu tiên toàn cầu bên cạnh các mối nguy xã hội to lớn khác là dịch bệnh và chiến tranh hạt nhân." Các công nghệ hay ho hoàn toàn có thể được sử dụng một cách hết sức nguy hiểm cho nhân loại. Tuy nhiên, không ai có thể ngăn cản dòng chảy tiến bộ cùng trí tò mò khai phá của con người. Sự tiện lợi hay ưu thế mà AI đem lại cho con người cũng to lớn không kém (upsides). Viễn kiến của Sam hay các nhà kĩ trị thung lũng Silicon về thế giới tương lai (đặc biệt tại Hoa Kỳ) đã được Sam mô tả trong bài viết cô đọng dưới đây với tựa "Luật Moore cho tất cả", trong đó đào sâu vào các khía cạnh kinh tế xã hội mà AI có thể tác động cùng một số đề xuất để nhân loại có thể bước vững vàng vào kỷ nguyên mới. Rất thú vị.

Công việc tại OpenAI nhắc nhở tôi mỗi ngày rằng các chuyển đổi kinh tế xã hội (socioeconomic change) to lớn có thể đến sớm hơn chúng ta hình dung. Các phần mềm có thể suy tư và học tập sẽ ngày càng tham gia nhiều hơn vào các công việc mà con người đang tiến hành hiện tại. Thêm nữa, quyền lực sẽ chuyển dịch từ sức lao động (labor) sang vốn (capital). Nếu các chính sách công không thích nghi tương xứng, đại đa số loài người sẽ có cái kết tệ hại hơn tình hình hiện tại.

Chúng ta cần thiết kế một hệ thống có thể tận dụng (embraces) tương lai công nghệ (technological future) và đánh thuế (taxes) hợp lý các tài sản (những thứ giá trị nhất trên thế giới này) như công ty và đất đai để đảm bảo sự phân phối công bằng sự giàu có được tạo ra sắp tới (coming wealth). Điều này sẽ khiến cho xã hội tương lai ít bị chia rẽ hơn và cho phép mọi người tham gia cạnh tranh công bằng trên nền lợi thế công nghệ mới này (its gains).

Trong vòng năm năm tới, các chương trình máy tính có khả năng tư duy sẽ tham gia đọc các tài liệu pháp lý và đưa ra các lời khuyên y tế. Trong thập kỷ tới, chúng sẽ tham gia vào các công việc liên quan đến dây chuyền lắp ráp và thậm chí còn có thể tâm tình như những bạn đồng hành đáng tin cậy. Vài nhiều thập kỷ sau đó, hệ thống này có thể làm bất cứ công việc nào bao gồm khám phá khoa học (scientific discoveries), từ đó khái niệm của chúng ta về mọi thứ (concept of everything) sẽ mở rộng thêm ra.

Không ai có thể dừng cuộc tiến hóa công nghệ này cũng như vòng lặp liên tục của sáng tạo (đệ quy), chính các cỗ máy thông minh lại giúp chúng ta tạo thêm các cỗ máy thông minh hơn khác, từ đó thúc đẩy tốc độ tiến hóa. Có ba hậu quả tạo ra sau đó:

1> Cuộc tiến hóa này sẽ tạo ra sự giàu có to lớn (phenomenal wealth). Giá cả của nhiều loại hình lao động (labour) vốn cấu thành nên chi phí hàng hóa và dịch vụ sẽ rơi rụng về không khi mà cỗ máy AI đầy sức mạnh nào đó tham gia lực lượng lao động.

2> Thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng và quyết liệt kéo theo một sự thay đổi tương xứng trong chính sách để phân phối của cải hợp lý và cho phép nhiều người hơn theo đổi cuộc đời họ mong muốn

3> Nếu chúng ta lèo lái hai điều trên một cách đúng đắn, tiêu chuẩn sống của đại đa số mọi người sẽ tốt hơn trước kia

Đứng ở điểm khởi đầu của công cuộc chuyển dịch to lớn, OpenAI có một cơ hội hiếm có để lèo lái đường hướng tương lai (pivot toward the future). Các thử nghiệm tiên phong này không thể giải quyết ngay các vấn đề xã hội và chính trị hiện tại, nhưng nó phải được thiết kế nhằm tạo ra các thay đổi xã hội một cách duy lý (hay hợp lý) trong tương lai. Các chính sách không đếm xỉa hay quan tâm đến các chuyển đổi trước mắt này (imminent transformation) sẽ thất bại y như cách các xã hội tiền nông nghiệp hay phong kiến sụp đổ trước đó. Các chỉ dẫn dưới đây sẽ mô tả chi tiết hơn những gì diễn ra sắp tới cùng các kế hoạch liên quan để chúng ta bước đi vững vàng trong viễn cảnh mới.

Phần 1: Cuộc cách mạng AI

Khi phóng nhỏ (zoomed-out) bức tranh công nghệ theo quy mô thời gian, ta sẽ thấy các tiến bộ công nghệ đi theo hàm số mũ (exponential curve). Cụ thể, hãy so sách thế giới 15 năm trước đây (khi chưa có điện thoại thông minh) với 150 năm trước đây (không có động cơ đốt trong, không có điện khí hóa), 1500 năm trước đây (không có máy móc công nghiệp) và 15000 năm trước đây (không có nông nghiệp).

Các thay đổi sắp tới bám theo những khả năng ấn tượng nhất của con người: suy tư (think), sáng tạo, thấu hiểu (understanding) và duy lý (reason). Sau ba cuộc cách mạng công nghệ liên quan đến nông nghiệp (agricultural), công nghiệp (industrial) và máy tính (computational), chúng ta đó nhận cuộc cánh mạng thứ tư - trí tuệ nhân tạo (AI). Cuộc cách mạng này sẽ đem đến lợi ích cho tất cả nếu xã hội hiện tại quản lý xu hướng này một cách có trách nhiệm.

Các tiến bộ công nghệ sẽ khiến những gì tạo ra trong 100 năm tới to lớn hơn những gì con người tạo ra trước đó, như cái thời điểm loay hoay kiểm soát lửa hay chế tạo ra bánh xe. Chúng ta đã xây dựng nên các hệ thống AI có thể học và làm một số thứ hữu dụng. Dù vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, nhưng đường hướng này (trendlines) đã dần trở nên rõ ràng.

Phần 2: Luật Moore cho mọi thứ

Một cách tổng quan, có hai con đường để chạm đến một cuộc sống tốt đẹp (a good life): các cá nhân kiếm thêm nhiều tiền (hay trở nên giàu có hơn), hoặc giá cả phải giảm xuống (khiến mọi người đều giàu hơn). Giàu có có thể mua được quyền lực: bao nhiều thứ chúng ta có thể thu về với nguồn lực mình đang có.

Cách tốt nhất để gia tăng sự giàu có cho xã hội là giảm chi phí hàng hóa, từ thực phẩm đến trò chơi video. Công nghệ sẽ khiến cho giá cả nhiều hạng mục giảm xuống nhanh chóng. Hãy xem xét ví dụ về ngành công nghệ bán dẫn (semiconductors) hoạt động theo Định luật Moore: qua nhiều thập kỷ, con chip (vi xử lý) luôn mạnh hơn gấp hai lần dù giá cả không đổi sau mỗi hai năm.

Trong vài thập kỷ vừa qua, chi phí tivi, máy tính và các thiết bị giải trí ở Hoa Kỳ đã giảm đáng kể. Tuy nhiên cũng có các chi phí khác gia tăng, điển hình như nhà cửa, chăm sóc y tế và giáo dục bậc cao. Quá trình tái phân phối của cải không thể hiệu quả nếu các chi phí trên tiếp tục tăng.

AI sẽ làm giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ bởi sức lao động (labor) là yếu tố quyết định chi phí ở nhiều cấp độ trong chuỗi cung ứng. Nếu robot có thể xây dựng nhà trên mảnh đất bạn sở hữu và dựa trên các nguồn lực tự nhiên khai thác và xử lý tại chỗ, cụ thể như năng lượng mặt trời chẳng hạn, các chi phí xây dựng nhà sẽ giảm xuống bằng chi phí thuê robot. Và nếu robot có thể được chế tạo bởi các robot khác, chi phí thuê sẽ giảm xuống thấp hơn nhiều so với chế tạo bởi con người.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể hình dung các bác sĩ AI chuẩn đoán các vấn đề sức khỏe tốt hơn bất cứ con người nào, và các giáo viên AI có thể phân tích và giải thích chính xác những gì mà sinh viên không thể hiểu.

"Luật Moore cho mọi thứ" nên trở thành một đòi hỏi mạnh mẽ của thế hệ, đặc biệt từ những ai còn gặp nhiều rào cản (ví dụ như thu nhập) để tiếp cận một số thứ. Trông có vẻ như một thế giới địa đàng (utopian) trong tưởng tượng, tuy nhiên công nghệ hoàn toàn có thể khiến viễn cảnh này thành hiện thực. Hãy tưởng tượng một thế giới, sau nhiều thập kỷ, mọi thứ từ nhà ở, giáo dục, thực phẩm và thời trang ... đều rẻ hơn một nửa sau mỗi hai năm.

Khi đó, chúng ta sẽ khám phá những công việc mới mẻ hơn xuất phát từ sau một cuộc cách mạng công nghệ, rõ ràng với sự sung túc mà viễn cảnh mới đem lại, chúng ta sẽ có thêm chút tự do để sáng tạo xem nên làm cái gì hay ho khác.

Phần 3: Chủ nghĩa tư bản cho mọi người

Một hệ thống kinh tế ổn định đòi hỏi hai yếu tố: tăng trưởng (growth) và phục vụ tất cả (inclusivity). Tăng trưởng kinh tế rất quan trọng bởi ai ai cũng mong muốn cuộc sống của mình cải thiện hàng năm. Trong một thế giới có tổng bằng không, nghĩa là có rất ít hoặc không tăng trưởng, bầu không khí dân chủ có thể trở nên rất hung hăng bởi mọi người đều tìm cách bình bầu dựa trên tiền bạc thay vì nhiều yếu tố khác. Trạng thái đối kháng kéo theo sự mất niềm tin (distrust) và phân cực mạnh mẽ (polarization). Trong thế giới tăng trưởng các cuộc đối đầu hung hãn ít hơn hẳn (dogfights), bởi mọi người đều có cảm giác ai cũng có thể dành thắng lợi.

Nền kinh tế dành cho tất cả (inclusivity) đảm bảo ai ai cũng có cơ hội hợp lý để chạm đến các nguồn lực cần thiết, từ đó họ có thể theo đuổi cuộc đời mình mong muốn. Điều này hết sức quan trọng vì nó đảm bảo sự công bằng, nuôi dưỡng sự ổn định của xã hội và tạo ra các miếng bánh lớn rải ích lợi ra cho đại đa số, đồng thời rõ ràng nó cũng thúc đẩy tăng trưởng.

Chủ nghĩa tư bản (capitalism) là một cỗ máy mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế bởi nó tưởng thưởng cho những ai dám liều lĩnh đầu tư vào các tài sản tạo ra giá trị lớn theo thời gian, rõ ràng là một hệ thống tạo động lực hiệu quả (effective incentive system) giúp kiến tạo và phân phối lợi ích công nghệ (technological gains). Tuy nhiên, cái giá của chủ nghĩa tư bản chính là sự bất bình đẳng.

Một chút bất bình đẳng thì ổn, đôi khi cũng là rất quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển. Các xã hội cố gắng chạm đến sự bình đẳng hoàn hảo (perfecly equal) đều gặp nhiều vấn đề (đánh mất sự ganh đua và tranh đấu). Tuy nhiên, một xã hội mà không cung cấp đủ cơ hội công bằng hợp lý cho mọi người thì cũng cực kỳ khó tồn tại lâu dài.

Cách thức truyền thống để xử lý vấn đề bất bình đẳng là tiến hành đánh thuế thu nhập. Do một vài lý do, điều này đã không diễn ra hiệu quả và càng tệ hại theo thời gian. Con người hiện đại vẫn phải tiến hành các công việc, tuy nhiên đa phần trong đó không tạo ra các giá trị kinh tế theo cách chúng ta nhìn về giá trị ngày nay. Khi AI tham gia vào quá trình sản xuất đại đa số hàng hóa và dịch vụ cơ bản, con người sẽ được tự do dành thời gian thêm với những thứ khác như gặp gỡ bạn bè, chăm sóc người thân, tôn vinh nghệ thuật và tự nhiên, hay thực hiện các công việc xã hội hay từ thiện.

Chúng ta do đó nên tập trung đánh thuế vốn (capital) thay vì lao động (labor), và nên sử dụng khoản thuế này như một cơ hội để trực tiếp phân phối quyền sở hữu (ownership) và sự sung túc (wealth) đến cho mọi công dân. Nói cách khác, cách tốt nhất để cải thiện chủ nghĩa tư bản là cho phép mọi người hưởng lợi từ nó trực tiếp như những người sở hữu phần bánh thực sự (equity owner). Đây không phải là một ý tưởng mới, nhưng sẽ dễ đạt được hơn khi AI ngày càng trở nên mạnh mẽ, kéo theo sự sung túc tạo ra từ đó. Có hai nguồn của cải đến từ đó: (1) các công ty, cụ thể là những nhóm tận dụng AI hiệu quả (2) đất đai, với nguồn cung cố định.

Có rất nhiều cách để thực hiện việc đánh thuế này cùng các băn khoăn trong việc sử dụng nguồn lực thu được hiệu quả. Theo khung thời gian dài, có lẽ các hình thức đánh thuế khác sẽ bị xóa bỏ và viễn cảnh mô tả trong phần đầu bài viết này sẽ thành hiện thực (in the spirit of a conversation starter).

Chúng ta có thể tạo ra cái gọi là American Equity Fund. Quỹ này sẽ thu tiền (capitalized) từ việc đánh thuế các công ty trên một mức định giá cụ thể nào đó, ví dụ trên 2,5% giá trị thị trường mỗi năm (a certain valuation 2.5% of their market value each year). Cụ thể các khoản chi trả bằng cổ phiếu (payable in shares) được chuyển thẳng đến quỹ, còn các khoản đánh thuế 2,5% giá trị đất đai sở hữu tư nhân thì được trả bằng đô la.

Tất cả các công dân trên 18 tuổi đều có thể nhận được một khoản phân phối thường niên, bằng đô la và cổ phiếu công ty, đưa thẳng vào tài khoản của họ. Mọi người được trao niềm tin và khuyến khích sử dụng hợp lý nguồn lực này cho bất cứ thứ gì họ muốn, ví dụ như giáo dục, y tế, nhà ở, xây dựng công ty khởi nghiệp chẳng hạn. Lúc này, các ngành công nghiệp được tài trợ bởi chính phủ với chi phí gia tăng sẽ đối diện với áp lực mạnh mẽ bởi khách hàng (hay người dùng) nhanh chóng tìm đến các dịch vụ khác phục vụ riêng họ tốt hơn (own services) nhờ môi trường cạnh tranh.

Miễn là quốc gia vẫn vận hành tốt, mỗi công dân sẽ có thêm tiền từ quỹ mỗi năm (rõ ràng, vẫn có những chu kỳ kinh tế nhất định lên xuống). Do đó, mỗi công dân sẽ có phần bánh nhiều hơn: tự do, quyền lực, sự chủ động, và các cơ hội gắn với khả năng tự chủ về kinh tế. Nghèo đói sẽ bị suy giảm tột bậc và nhiều người chạm đến điều họ mong muốn trong cuộc đời hơn.

Các khoản chi trả thuế (tax payable) dưới dạng cổ phiếu thường gắn với động lực của cả công ty, nhà đầu tư, và công dân trái ngược (hay khác biệt) với khoản thuế dựa trên lợi nhuận (tax on profits). Tạo ra động lực rất quan trọng (incentives are superpowers). Rõ ràng, lợi nhuận của tập đoàn có thể được ngụy trang, trì hoãn hay đưa ra nước ngoài (offshored), và thường mất kết nối với giá cổ phiếu (bất cứ ai sở hữu cổ phiếu Amazon đều muốn giá cổ phiếu tăng). Các tài sản cá nhân tăng gắn chặt với tình hình quốc gia, do đó phần sở hữu của họ (literal stake) giúp quan trắc xem quốc gia đã vận hành tốt như thế nào.

Henry George, một nhà kinh tế và nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ, đã đề xuất ý tưởng về đánh thuế giá trị đất vào cuối những năm 1800. Một ý tưởng đã được ủng hộ rộng rãi trong giới kinh tế gia khi đó. Giá trị của đất đai được đánh giá cao bởi những thứ được xây dựng trên đó: một hiệu ứng mạng lưới của các công ty vận hành trên nền đất đi kèm hạ tầng vận chuyển công giúp mọi người tiếp cận mảnh đất (public transportation), cùng hệ sinh thái nhà hàng hay quán cà phê gần đó. Cấu trúc thiên nhiên xung quanh mảng đất cũng khiến nó trở nên đáng giá hơn. Rõ ràng, người chủ đất không thể làm tất cả các công việc trên nên sẽ công bằng hơn nếu giá trị của nó được chia sẻ ra xã hội rộng lớn bên ngoài.

Nếu mỗi người đều nắm một phần bánh từ quá trình tạo giá trị của Hoa Kỳ (American value creation), ai ai cũng mong muốn quốc gia này trở nên tốt hơn: việc sỡ hữu tập thể (collective equity) trong sáng tạo và theo đuổi thành công của quốc gia sẽ gắn chặt với (hoặc nuôi dưỡng) động lực của mỗi cá nhân. Một khế ước xã hội mới (new social contract) sẽ làm nền cho một xã hội công bằng hơn (in exchange for a ceiling for no one) và một niềm tin rằng công nghệ có thể tạo ra chu kỳ đạo đức của xã hội thịnh vượng (virtuous circle). Chúng ta sẽ tiếp tục cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ từ chính quyền để đảm bảo ham muốn đẩy giá cổ phiếu duy trì cân bằng với việc bảo vệ môi trường và nhân quyền.

Trong thế giới mà mọi người đều hưởng lợi từ chủ nghĩa tư bản trong vai trò người sở hữu (owner), sự tập trung tập thể (collective focus) cần hướng đến việc kiến tạo một xã hội tốt hơn (more good) thay vì ít tồi tệ hơn (less bad). Cách tiếp cận sẽ tạo ra khác biệt to lớn hơn chúng ta hình dung (than they seem). Nói một cách giản đơn, tốt hơn (more good) nghĩa là tối ưu hóa việc làm ra miếng bánh sao cho to nhất có thể, còn ít tồi tệ hơn (less bad) nghĩa là chia miếng bánh công bằng nhất có thể. Hai cách đều có thể gia tăng tiêu chuẩn sống, nhưng việc tăng trưởng liên tục chỉ có thể xảy ra khi miếng bánh lớn lên (the pie grows).

Phần 4 - Quá trình thực thi và các vấn đề

Khối lượng của cải (wealth) khả dụng để đưa vào American Equity Fund là rất lớn, giá trị của nó đâu đó vào khoảng 50 nghìn tỷ đô la ($), căn cứ trên việc đo lường giá trị vốn hóa các công ty Hoa Kỳ. Giả sử đây là con số trung bình đạt được của thế kỷ vừa qua (past century), nó ít nhất sẽ tăng gấp đôi vào thập kỷ tới.

Cũng có đâu đó khoảng 30 nghìn tỷ đô la $ giá trị đất đai tư nhân ở Hoa Kỳ (không tính đến các hoạt động phát triển diễn ra trên mảnh đất đó). Cũng giả sử như giá trị này tăng gấp đôi trong thập kỷ tới - điều này diễn ra nhanh hơn so với tốc độ lịch sử, nhưng rõ ràng thế giới đã thực sự hiểu ra các chuyển dịch to lớn mà AI tạo ra, giá trị của đất đai, như một trong những tài sản có giới hạn, sẽ gia tăng với tốc độ nhanh hơn.

Dĩ nhiên, nếu chúng ta gia tăng gánh nặng thuế má lên phần đất nắm giữ (holding land), giá trị của nó sẽ suy giảm tương quan với các tài sản đầu tư khác, điều này tốt cho xã hội bởi nó khiến cho các nguồn lực cơ bản dễ tiếp cận và khuyến khích đầu tư thay vì đầu cơ. Giá trị của công ty sẽ suy giảm trong ngắn hạn, mặc dù chúng vẫn tiếp tục hoạt động tốt theo thời gian.

Giả thuyết hợp lý là phần thuế này sẽ tạo ra một cú rơi rụng về giá trị của đất đai và tài sản tập đoàn 15% (và chỉ mất một vài năm để hồi phục).

Dưới một tập các giả thuyết trên (giá trị hiện tại, tăng trưởng tương lai và suy giảm giá trị từ thuế mới), trong vòng một thập kỷ tính từ bây giờ, mỗi người trưởng thành (adults) trong 250 triệu người Mỹ sẽ có khoảng 13,500$ mỗi năm. Khoản cổ tức này có thể cao hơn nếu AI thúc đẩy tăng trưởng, dù thậm chí nếu điều này không diễn ra thì khoản tiền 13,500$ cũng có sức mua cao hơn hiện tại bởi công nghệ sẽ khiến cho giá cả dịch vụ và hàng hóa suy giảm. Đồng thời, sức mua cũng sẽ tăng đáng kể hàng năm.

Các công ty sẽ chi trả thuế dễ dàng hơn mỗi năm bằng cách phát hành cổ phiếu mới đại diện cho 2,5% giá trị. Rõ ràng, điều này cũng tạo động cơ cho các công ty trốn khỏi thuế của American Equity Fund bằng cách chuyển ra nước ngoài (off-shoring), nhưng một bài kiểm tra đơn giản liên quan đến phần trăm doanh thu khởi phát từ Hoa Ký có thể giải quyết vấn đề này. Vấn đề lớn hơn với ý tưởng này là: tạo động cơ cho các công ty trả giá trị về cho cổ đông thay vì tái đầu tư vào tăng trưởng.

Thêm nữa, nếu chỉ thu thuế các công ty đại chúng thì sẽ thúc đẩy các công ty giữ mình trong trạng thái tư nhân. Đối với các công ty có doanh thu hàng năm vượt quá 1 tỷ $, chúng ta có thể thu thuế dưới dạng cổ phần khấu trừ theo một số năm giới hạn cho đến khi họ niêm yết công chúng (equity accrue for a certain number of years). Nếu họ duy trì trạng thái tư nhân quá lâu, chúng ta có thể để họ giải quyết khoản thuế bằng tiền mặt.

Tiếp theo, cần thiết kế một hệ thống ngăn cản việc quần chúng bình bầu dựa hoàn toàn trên động cơ tiền bạc (more money), cụ thể một tu chính án (Amendment) điều chỉnh các khoản thuế hợp lý có thể dõi theo việc này mạnh mẽ (strong safeguard). Điều quan trọng là các khoản thuế không được phép quá lớn bởi nó sẽ ngăn trở tăng trưởng (cụ thể khoản thuế áp lên các công ty phải nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng trung bình).

Chúng ta cũng cần có một hệ thống linh hoạt trong việc định lượng các giá trị thực sự của đất đai (quantifying the actual value of land). Có hai cách, thứ nhất là dựa vào phương pháp của các cơ quan định giá liên bang quyền lực (corps of powerful fedetal assessors), thứ hai là dựa vào việc tự định giá của chính quyền địa phương, như cách họ quyết định thuế tài sản (property taxes). Tất nhiên, khoản thuế địa phương thu về phải căn cứ trên giá trị được xem xét theo cùng cách thức (same assesed value). Thêm nữa, nếu giá trị của tài sản lên xuống phần trăm nào dựa trên việc buôn bán trên thị trường thì chúng cần được chính quyền định giá lại cao lên hay thấp đi (reassessed up or down).

Một hệ thống tối ưu về lý thuyết sẽ chỉ đánh thuế giá trị của đất đai, chứ không phải cả những thứ phát triển trên nền đó (improvements). Trong thực tiễn, do các giá trị này sẽ cực kỳ khó đoán định, chúng ta cần đánh thuế đất đai và các phần phát triển trên đó (với mức độ thấp hơn từ đó đẩy giá trị kết hợp lên cao).

Cuối cùng, chúng ta sẽ không được phép để công chúng vay mượn, buôn bán hay đầu cơ vào tương lai phân phối của quỹ (future Fund distribution, nếu không thì không thể giải quyết vấn đề của việc phân phối của cái công bằng theo thời gian. Chính quyền cần khiến các giao dịch như vậy không thể thực thi (unenforeable).

Phần 5 - Chuyển dịch sang hệ thống mới

Một tương lai tươi sáng thì trông không quá phức tạp: chúng ta cần có công nghệ để tạo ra thêm nhiều của cải (wealth) và một chính sách hợp lý để phân phối chúng. Những thứ thiết yếu cần phải được giữ ở mức giá rẻ để mọi người có đủ khả năng để chạm đến. Khi mà hệ thống kiểu như trên trở nên phổ biến, các nhà hoạch định chính sách nào càng đón nhận nó sớm thì càng được tưởng thưởng: họ sẽ ngày càng trở nên được lòng công chúng (popular).

Trong thời kỳ Đại Suy Thoái (Great Depression), Franklin Roosevelt đã triển khai một bộ lưới an sinh xã hội to lớn (huge social safety net) mà không ai nghĩ là nó có thể thực hiện được năm năm trước đó. Chúng ta cũng đang ở trong khoảng khắc tương tự như vậy. Một phong trào vừa ủng hộ kinh doanh (pro-business) vừa ủng hộ con người (pro-people) sẽ có khả năng hợp nhất các cử tri theo diện rộng

Để ra mắt American Equity Fund thuận lợi về mặt chính trị (giảm cú sốc chuyển dịch - transitional shock), quá trình làm luật hay thiết lập chính sách (legislation) cần di chuyển tăng từ từ tới tỷ lệ 2,5%. Con số 2,5% chỉ áp dụng hoàn toàn khi toàn bộ GDP tăng lên 50% tại thời điểm luật được chuẩn thuận. Khởi đầu với các khoản phân phối nhỏ sẽ tạo động lực và có ích trong việc khiến mọi người thoải mái với tương lai mới. Việc đạt được tăng trưởng 50% GDP nghe có vẻ như mất thời gian dài (cần đến 13 năm để nền kinh tế tăng trưởng đến mức 50% như năm 2019) nhưng một khi AI xuất hiện, tăng trưởng sẽ diễn ra siêu nhanh. Các hình thức thuế má phức tạp sẽ giảm dần, và chỉ quay quanh hai loại tài sản cơ bản như đề cập ở trên (đất đai và công ty)

Gần như không thể ngăn cản các thay đổi diễn ra sắp tới. Việc lên kế hoạch kĩ càng xẽ giúp chúng ta tạo ra một xã hội thịnh vượng công bằng hơn, hạnh phúc hơn. Tương lai thì tuyệt vời hơn chúng ta có thể tưởng tượng rất nhiều.

Bài khác về Sam Altman:

Sam Altman, ChatGPT và cuộc đua của các phòng lab AI
Sự trỗi dậy của AI đã khấy động mọi thứ trở lại. Các tập đoàn lớn không phải là người chơi duy nhất trong địa hạt này. Các công ty khởi nghiệp như Anthropic và Character AI đã xây dựng nên các đối thủ của ChatGPT.