Nguyên lý và anh hùng

Nguyên lý và anh hùng

Trong cuốn sách nổi tiếng “Người hùng với một ngàn khuôn mặt”, giáo sư Joseph Campell đã hệ thống hóa lịch sử để minh họa cấu trúc monomyth, hay motif quen thuộc trong tạo dựng các anh hùng: rời khỏi thế giới thường nhật để gia nhập vào một cuộc phiêu lưu, nhờ sự giúp đỡ của những người cố vấn hay đồng minh, người anh hùng vượt qua các giới hạn để tìm đến thế giới siêu nhiên, nơi những luật lệ quen thuộc không được áp dụng đi kèm các trải nghiệm đớn đau (ordeal) tôi rèn ý chí, phần thưởng lớn dành được (như kho báu hay mặc khải nào đó) khi vượt qua thách thức sẽ được mang về cải thiện thế giới thường nhật của họ. Điển hình như câu chuyện của Osiris (Ai Cập), Prometheus (Hy Lạp), Đức Phật (Phật Giáo), Jesus (Công Giáo), hay Mohammed (Hồi Giáo).

Trong địa hạt quản trị hay đầu tư, quá trình tìm kiếm các nguyên lý “ra quyết định” giữa ma trận thông tin tạo bởi mạng lưới nhân sự trong tổ chức (hay hòa hợp các não trạng khác biệt) đặt nhà lãnh đạo vào vị thế tương đồng với hình ảnh anh hùng “Campell”. Ray Dalio, nhà sáng lập của hãng đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater, đã dùng hình ảnh so sánh trên để nêu bật “thách thức” của quá trình áp dụng các phương pháp trong “kinh thánh” quản trị do mình biên soạn “Principles/Các nguyên lý”.

Vấn đề lớn nhất của nhân loại hay con người thực ra nằm ở quan điểm hay nhận thức sai lầm liên quan đến công việc mà họ gắn bó, một thứ gì đó nằm sâu trong não trạng vốn chỉ có thể được cải thiện khi kinh qua áp lực thực tế (stress-test). Khi các tổ chức hay cá nhân khai mở nhận thức, chân nhận điểm mạnh và yếu thực sự của mình, họ mới có thể chuyển hóa quá trình ra quyết định truyền thống bằng một chuỗi các tiêu chuẩn (criteria) hay nguyên tắc (principles) điều chỉnh. Nội dung trọng tâm trên của Principles được Ray Dalio đúc kết qua các sai lầm trong nhiều thập kỷ đầu tư của mình. Ông tham gia đầu tư rất sớm, năm 12 tuổi đã tiến hành mua cổ phiếu của Northeast Airlines với giá 300$ (sau đó thu về gấp ba lần giá trị khi hãng này sáp nhập với một công ty khác). Sau khi tốt nghiệp MBA Harvard (1973), ông đến làm việc ở sàn giao dịch của NYSE, phát triển kỹ năng giao dịch “giá trị tương lai của hàng hóa” (commodity futures), rồi tham gia Dominick & Dominick LLC, một trong những công ty dịch vụ tài chính lâu đời nhất Hoa Kỳ cùng ngân hàng đầu tư Shearson Hayden Stone. Năm 1975, ông khởi nghiệp bằng cách thành lập hãng Bridgewater ngay tại căn hộ mình ở Manhattan, ban đầu cung cấp dịch vụ tư vấn “rủi ro” liên quan đến lãi suất và tiền tệ quốc tế sau đó mở rộng sang tư vấn “kinh tế” cho chính quyền và các tập đoàn (Nabisco và McDonald). Ray Dalio được rót vốn 5 triệu $ đầu tiên từ quỹ hưu trí của World Bank vào năm 1987 thông qua Hilda Ochoa Brillembourg, CIO người Venezuela của định chế tài chính này.

Trong thập niên 80, Dalio cùng các nhà đầu tư “bò” (bullist – những người tin chứng khoán tăng giá) tranh cãi gay gắt quanh khoản vay nợ khổng lồ nước Mỹ dành cho các nước châu Mỹ Latin. Khu vực này năm 1982 được 9 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ rót vào 327 tỷ $ nợ với niềm tin khoản kích cầu kinh tế sẽ đem về lợi nhuận lớn sau này. Tuy nhiên, trong tháng 8 cùng năm, bộ trưởng tài chính của Mexico đã đến Fed New York trần tình về khả năng vỡ nợ 80 tỷ $ của nước này (trong đó ngân hàng Mỹ nắm từ 20-30 tỷ), tin tức này đã kéo giá dầu giảm, đồng peso mất giá, lãi suất tăng nhanh đè bẹp giấc mơ kinh tế Mexico. Dalio tin rằng khi Mexico tiến hành tái cấu trúc nợ, hiệu ứng domino sẽ diễn ra tương tự với 15 nước châu Mỹ Latin còn lại, kéo theo sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khoản đặt cược lớn vào niềm tin này đã hoàn toàn tan biến khi Fed tiến hành cắt giảm lãi suất, đẩy hiện thực diễn ra theo hướng ngược. Ông đánh mất toàn bộ tiền của chính mình và khách hàng gửi gắm vào Bridgewater, thậm chí phải mượn bố mình 4000$ để tạm thời trang trải chi tiêu gia đình. Thất bại này đã thay đổi cách tiếp cận đầu tư của Dalio: bớt tin vào trực giác, phát triển các nguyên lý, tận dụng thuật toán máy tính. Ông cũng đi qua kinh nghiệm đau thương như Larry Fink, gã tài phiệt thuộc tổ chức BlackRock, người tạo dựng cỗ máy phân tích tài chính Aladdin sau biến cố thua lỗ 100 triệu đô (do tiên đoán sai lãi suất 1986) khi còn làm việc cho First Boston. Bridgewater sau đó đã phát triển các nguyên tắc đầu tư cùng bộ công cụ phân tích (tận dụng sức mạnh máy tính) giúp họ trở thành tượng đài tài chính vào năm 2005 – quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới. Đến tháng 10/2017, tổ chức này quản lý tổng cộng 160 tỷ $ tài sản đẩy tài sản ròng của Ray Dalio lên 18 tỷ $. Thất bại 1982 thực ra lại là điều tuyệt vời nhất từng đến với ông.

Sách "Các Nguyên Lý" của Ray Dalio

Ray Dalio tự nhận mình là một người hoàn toàn bình thường, đạt thành công nhờ nỗ lực hoàn thiện bản thân qua thử thách và lầm lỗi. Cụ thể, ông nguyên tắc hóa sáu khía cạnh trong cuộc đời: Kinh tế, Đầu tư, Công việc, Tự nhiên (DNA), Nuôi dạy con cái, Vật lý/Vũ Trụ – một chu trình cải tiến “5 bước” lặp lại liên tục theo thời gian: (1) bắt đầu bằng một mục tiêu táo bạo, (2) thất bại – xác định vấn đề (3) học hỏi/phân tích nguyên lý (4) cải thiện/thiết kế hướng đi (5) thực thi – đặt một mục tiêu táo bạo khác cao hơn. Trong “Principles” ông công thức hóa gọn gàng thành: Nỗi đau (Pain) + Quá trình phản ánh (Refelction) = Sự tiến bộ (Progress). Trong quản trị doanh nghiệp, thách thức lớn nhất là phải trả lời được câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể biết được mình đúng ?” đồng thời “lãnh đạo phải hành xử thế nào với những điều mình không biết ?”. Tổ chức nào cũng ra sức tập hợp những người thông minh nhất giúp bù đắp điểm yếu lẫn nhau, nhưng cũng đi kèm những bất đồng quan điểm gay gắt. Để tăng xác suất đúng trong ra quyết định, những nhà tư duy độc lập trong tổ chức cần xây dựng văn hóa dựa trên “honest” (sự thành thật), “thoughtful disagreement” (tạm dịch là bất đồng dựa trên suy tư sâu sắc) đi kèm với “idea meritocracy” (tìm kiếm/tôn trọng ý tưởng tốt nhất). Giao thức ra quyết định (protocol) trong tổ chức cần phải xây dựng trên nền tảng “sự minh bạch duy lý” (radical transparency) hay “sự thành thật duy lý” (radical truthfulness), một quá trình đánh giá dựa vào mức độ khả tín “credibilities/believabilities” của nhân sự trong tổ chức.

Dot Collector là công cụ được Bridgewater tạo ra nhằm hỗ trợ quá trình thu thập “quan điểm” tại các cuộc họp doanh nghiệp, một nỗ lực thúc đẩy “minh bạch duy lý”. Ứng dụng này cho phép các thành viên trong cuộc họp tạo ra danh sách các thuộc tính đánh giá quan điểm. Khi một cá nhân nêu lên ý kiến, nhóm còn lại có thể chọn các thuộc tính gắn với góc nhìn đó để chấm theo thang từ 0 đến 10. Dot Collector sẽ tự động xây dựng ma trận điểm số đánh giá hay một bức tranh quan điểm để khi nhân sự quan sát, họ sẽ thoải mái chuyển dịch góc nhìn cá nhân theo tương quan nhóm thay vì cố chấp bảo thủ như trước kia. Nhờ sức mạnh của máy tính, Dot Collector tạo dựng hệ thống dữ liệu “cuộc họp” hay “quan điểm”, qua đó giúp tổ chức xác định tính tương hợp hay năng lực của nhân sự trong tổ chức thông qua “merit” (thành tựu) và “believability” (mức độ khả tín). Ray Dalio tin rằng bộ công cụ ông xây dựng không dựa trên các giá trị như dân chủ (democracy) hay chuyên quyền (autocracy) mà dựa trên thuật toán (algorithm) – 98% các quyết định của Bridgewater đều dựa trên quá trình số hóa này. Hệ thống trên còn có ưu điểm giúp loại bỏ sự phân tầng (non-hierarchical), nhân sự dù ở cấp độ nào trong tổ chức cũng có quyền chỉ trích các quan điểm trái ngược trên ma trận. Ray Dalio tin tưởng năng lực cá nhân được tăng cường khi làm việc trong tổ chức mang đến cho họ cảm giác công bằng, hay quyền được cất tiếng nói. Có như vậy, tổ chức mới hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình theo thời gian đồng thời kiến tạo những công việc và mối quan hệ có ý nghĩa cho nhân sự (meaningful work and meaningful relationships).

Thách thức lớn nhất đe dọa cách tiếp cận của Ray Dalio nằm ở hai phiên bản “nhận thức” mâu thuẫn trong mỗi cá nhân – một thiên về logic (hướng tổ chức), một thiên về cảm xúc (mang tính cá nhân). Tưởng tượng khi chúng ta đối diện với câu hỏi: “Bạn có muốn biết điểm yếu của mình?” hay “Bạn có muốn biết tôi nghĩ gì về bạn? (dù điều tôi sắp nói chỉ trích thẳng thắng bạn). Rõ ràng, khía cạnh “logic” thôi thúc chúng ta tìm kiếm đáp án còn khía cạnh “cảm xúc” ngược lại ra sức hãm phanh (Đừng nói về điểm yếu, đừng bàn về thất bại). Do đó, rất có thể, phiên bản thứ hai sẽ đẩy chúng ta rơi vào bẫy lợi ích ngắn hạn mà bỏ rơi “món quà” lớn hơn ở chân trời xa (the great trick of life). Hầu hết mọi tổ chức đều phải vật lộn với hai mặt đối nghịch trên. Khi áp dụng thực tế, “sự minh bạch duy lý” phải đối diện với rào cản kiểm duyệt thông tin, chính trị văn phòng cùng thói quen thiếu thành thật của mạng lưới nhân sự, đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp rất nhiều dũng cảm để vượt qua, họ phải trở thành một kiểu anh hùng Campell.

Cuộc đời con người về cơ bản chỉ có ba giai đoạn: (1) bạn phụ thuộc vào người khác (2) làm việc chăm chỉ, theo đuổi sự thành công bởi nhiều người phụ thuộc vào bạn (3) mong muốn người khác thành công mà không cần bạn bên cạnh. Ray Dalio quả nhiên đã trải qua đủ ba cung bậc trên, mục tiêu giai đoạn (3) đã thôi thúc ông cho ra đời cuốn sách “Principles” nhằm cổ súy phương pháp của mình: khi một biến cố bất ngờ xảy ra với bạn, hãy quan sát nó ở góc nhìn rộng hơn (bởi nó có thể đã xảy ra lặp đi lặp lại với ai đó ở một nơi nào đó) đồng thời ra sức tìm kiếm các nguyên tắc xử lý vạn năng (universial) và vượt thời gian (timeless). Dalio khuyến khích chúng ta nhận thức rõ về giới hạn hiểu biết của bản thân đồng thời xoay sở khôn ngoan với nó. Đồng thời, sách sẽ dẫn dắt chúng ta bước vào chén thánh đầu tư của Dalio: một bản danh mục đầu tư cân bằng (balanced portfolio) với tài sản được đa dạng hóa (hay phân bố tài sản có chiến lược). Điều này giúp giảm rủi ro đầu tư mà không phải hy sinh doanh thu đồng thời gia tăng RRR (tỷ số doanh thu/rủi ro).

Bên cạnh đầu tư, Dalio còn dành mối quan tâm rất thú vị cho tự nhiên, kinh tế, giáo dục. Không như Jeff Bezos, Richard Branson và Elon Musk, những người muốn khai phá không gian, Dalio đầu tư tiền vào một tàu ngầm có sức chứa ba người cùng Alucia, một tàu nghiên cứu (vessel) với đầy đủ thiết bị khoa học phục vụ cho các nhà khoa học trong nỗ lực khai phá đại dương, niềm đam mê rất lớn của ông. Thế giới mà chúng ta quan sát hàng ngày được chia làm hai phần: trên mặt biển (chiếm 1/3) và dưới mặt biển (chiếm 2/3 do biển cả chiếm đến 72% bề mặt trái đất). Phần thứ hai vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn cần được khai phá, do đó theo ông con người thay vì đi đến hành tinh khác thì hãy đi sâu hơn xuống biển (nơi cũng có rất nhiều sinh vật lạ lùng như ngoài hành tinh), nếu xét tới khía cạnh biến đổi khí hậu, biển cả là một tài sản tối quan trọng với nhân loại. Dalio cùng con trai mình, Mark, đã cho ra mắt sáng kiến OceanX nhằm mục tiêu đưa khai phá đại dương sang một tầm cao mới. Ông cũng đồng hành với nhà bảo tồn “sinh vật biển” người Pháp Jacques Cousteau và đạo diễn nổi tiếng James Cameroon (phim Titanic và Avatar) trong nỗ lực nâng cao nhận thức “bảo vệ biển cả” đến công chúng.

Ray Dalio thẳng thắn thừa nhận, chủ nghĩa tư bản không phục vụ cho số đông dân số dù nền tảng này giúp ông trở nên cực kỳ giàu có. Nhân loại đang bước vào một giai đoạn phân cực giàu nghèo căng thẳng chưa từng có (haves and havenots), có thể so với giai đoạn tương tự trong thập niên 30s. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng như 1929 hay 2008, ngân hàng trung ương đẩy lãi suất về 0 sau đó in thật nhiều tiền, nhanh chóng mua lại tài sản tài chính nhằm đẩy giá lên, tăng thanh khoản cho hệ thống. Điều này kéo theo sự tăng giá của nhiều tài sản sau đó vô hình trung khiến khoảng cách giàu nghèo càng kéo ra xa hơn. Ngoài ra, sự căng thẳng trên còn có sự góp phần của phát triển công nghệ (tự động hóa) cùng bức tranh phân kỳ tài sản khủng khiếp (divergence): hiện tại tài sản ròng của 1/10 nhóm 1% giàu có nhất (top) bằng tới 90% tài sản của nhóm dưới đáy (bottom). Khi tăng trưởng kinh tế đạt đỉnh mới kéo theo căng thẳng xã hội tương xứng (chúng ta đã trải qua 9 năm trong giai đoạn mở rộng), theo chu kỳ kinh tế, các ngân hàng trung ương có thể thắng nền kinh tế lại bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ. Cần phải rất cẩn thận, bởi chúng ta đang ở trong trạng thái mà nếu xảy ra suy thoái (downturn), sự phân cực giàu nghèo sẽ càng khủng khiếp hơn nữa. Theo nghiên cứu của Fed, hiện tại có tới 40% dân số Hoa Kỳ không thể xoay sở để có được 400$ trong tình huống khẩn cấp (quan sát thảm họa Covid-19 ở Mỹ là cách chúng ta có thể kiểm chứng điều này). Thêm nữa, cán cân kinh tế thế giới đang có một đối trọng mạnh ngang ngửa Hoa Kỳ – lần đầu tiên kể từ thập niên 30 – con rồng Trung Quốc. Ông tin tưởng sắp tới các nỗ lực hợp tác công tư PPP sẽ giúp điều chỉnh khoảng cách giàu nghèo (wealth gap) và khoảng cách cơ hội (opportunity gap) .

Vợ của Dalio, Barbara, đóng góp rất nhiều cho giáo dục công ở Connecticut. Bà là hậu duệ của nhà điêu khắc nổi tiếng Gertrude Vanderbilt Whitney – thuộc hai gia tộc giàu có nhất nhì nước Mỹ Vanderbilt và Whitney. Barbara hỗ trợ cho các nỗ lực nghiên cứu hai nhóm “yếu thế” ở trường học – những người bỏ học (disconnected) hoặc thiếu gắn kết ở trường học (disenagaged), chiếm tới 22% học sinh ngay trong lòng nước Mỹ giàu có. Giáo dục phản ánh rất rõ bức tranh phân cực giàu nghèo mà Dalio dành nhiều quan tâm, những người bỏ học hoặc đến trường trong môi trường tồi tệ, cuối cùng có thể dạt ra lề đường, gia nhập các băng đảng, nghiện hút cùng một tương lai mờ mịt. Cụ thể, nước Mỹ hình thành hai hệ thống kinh tế song song: 20% tốt và 80% tồi tệ tương xứng với hai hệ thống giáo dục, quốc gia này chưa bao giờ nhìn nhận giáo dục như một ưu tiên quốc gia mà phân bổ theo tiểu bang. Nếu bạn may mắn sinh ra trong quận giàu có, nhờ tiền thuế tốt, bạn được thụ hưởng hệ thống giáo dục tốt và ngược lại cho những quận nghèo hay những người kém may mắn. Hệ thống giáo dục hoàn toàn có thể tái cấu trúc mà không tốn kém nhiều chi phí, bởi như Dalio tính toán, câu hỏi hoàn thành hay không hoàn thành trung học có giá trị triệu $, bởi nếu một người thất học trở thành tội phạm, cả xã hội sẽ phải gánh chi phi liên đới cho họ vào khoảng 80k USD đến 120k USD (chi phí tội phạm, chi phí giam giữ, chi phí xã hội). Giáo dục công bằng sẽ góp phần vào giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo.