OYO, Covid-19 và hòn tuyết lăn

OYO, Covid-19 và hòn tuyết lăn

Bàn tay lông lá của giới đầu tư mạo hiểm (VC) tham gia định hình mạnh mẽ bức tranh khởi nghiệp toàn cầu đồng thời nhào nặn lên các huyền thoại, một trong số đó là Ritesh Agarwal, nhà sáng lập nền tảng OYO, với thành tựu phi thường: từ xuất phát điểm khiêm tốn ở vùng Orissa, Ấn Độ anh kêu gọi những đồng vốn đầu tiên ở tuổi 22, nắm gần 50 nhân sự ở tuổi 21, đưa 500 khách sạn vào trong nền tảng ở tuổi 22, gọi vốn cả tỷ đô ở tuổi 24, đồng thời đẩy giá trị đế chế của mình lên 10 tỷ $ trước tuổi 30. Nhờ cảm hứng từ chuyến đi phượt vòng quanh Ấn Độ, năm 2013, chàng lập trình viên trẻ sáng tạo ra một mô hình kinh doanh rất đơn giản: tìm kiếm các khách sạn cỡ nhỏ (budget hotel) chưa có nền tảng và tiêu chuẩn quản lý chuyên nghiệp để hỗ trợ họ cải tiến dưới thương hiệu OYO. Bằng phân tích dữ liệu, OYO giúp tối ưu hóa tỷ lệ đặt phòng và quay trở lại (occupancy and repeat) của khách hàng (có thể từ 30% tăng lên 60% khi áp dụng OYO). OYO cũng tham gia trực tiếp đầu tư cải tạo phòng cho các khách sạn trong hệ thống (tầm 500$/phòng ở Ấn Độ và Trung Quốc, 1000$/phòng ở Mỹ), tư vấn thiết kế nội thất (như việc treo tranh của Marilyn Monroe giúp tăng RevPar – doanh thu/phòng), đồng thời hỗ trợ quảng bá trực tuyến. Qua đó, OYO có thể giúp tối ưu chi phí cho phòng “full service” (dịch vụ đầy đủ) để đẩy giá thành xuống thấp (như còn 25$/đêm ở Ấn Độ). Mạng lưới đối tác được quản lý thông qua hệ thống thưởng phạt 3C (incentives and penalties), những khách sạn đạt yêu cầu có thể được thưởng bằng những voucher nghỉ dưỡng cho nhân viên, hỗ trợ thanh toán nhanh và ngược lại có thể bị phạt tăng phí hoặc thậm chí xóa khỏi nền tảng. Doanh thu chính yếu của OYO đến từ chia sẻ lợi nhuận (hoa hồng) hoặc thu phí từ chủ khách sạn.

Tốc độ tăng trưởng thần tốc của nền tảng OYO được nuôi dưỡng bởi hai người gạo cội trong làng VC: Peter Thiel và Masayoshi Son. Peter Thiel là thành viên của nhóm Mafia Paypal (những người sáng lập nền tảng thanh toán Paypal), một trong những nhà đầu tư bên ngoài đầu tiên của Facebook. Ý tưởng của Agarwal được lựa chọn tham gia chương trình Thiel Fellowship do ông bảo trợ (mỗi năm chỉ chọn từ 20 đến 25 người, tỷ lệ chọn là 1%). Với nguồn lực 100k $ cung cấp liên tục trong 2 năm cùng mạng lưới hỗ trợ, các tài năng trẻ dưới tuổi 23 trong chương trình phải tìm cách tạo dựng các công ty khởi nghiệp. Thiel rất mát tay, bên cạnh Agarwal, chương trình này cũng hỗ trợ cho Vitalik Buterin, người tạo ra tiền số nổi tiếng Ethereum, và khoa học gia trẻ Taylor Wilson, người tạo ra phản ứng hạt nhân khi chỉ mới 14 tuổi. Cựu chủ tịch Harvard, Larry Summer từng ví von đây là chương trình đánh cắp người trẻ khỏi môi trường đại học bằng cách đẩy họ dấn thân thực tế từ rất sớm. Mô hình của Agarwal đạt thành công nhanh chóng ở quê nhà Ấn Độ và nhanh chóng lọt vào mắt xanh của tỷ phú Nhật Masayoshi Son – nhân tố giúp đẩy công ty khởi nghiệp khiêm tốn bùng nổ toàn cầu. Ông tin rằng Oyo sẽ dần thay thế những chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới chỉ sau một vài năm, thậm chí vượt qua gã khổng lồ Marriott International Inc (sáng lập năm 1927). Trong suốt từ 2015 tới 2017, quỹ Vision Fund của Son đã phối hợp cùng các quỹ khác như Lightspeed, Sequoia và Greenoak Capital tiến hành bơm vốn liên tục cho OYO như Series B (100 triệu $), Series C (90 triệu $) và nhất là Series D (250 triệu – lúc này SoftBank/Vision Fund nắm khoảng 42% của OYO), kéo theo 10 triệu $ ăn theo của China Lodging (trước kia gọi là Huazhu Hotels Group, nhóm này cũng nắm một chuỗi đối thủ của Oyo là H Hotel do IDG Capital bảo trợ). Giai đoạn 2018 – đầu 2019, Vision Fund xúc tiến gọi gần 1 tỷ $ cho OYO, trong đó có 600 triệu $ phục vụ cho tham vọng chinh phục thị trường tỷ dân Trung Quốc. Series E này có sự tham gia của các ông trùm ngành gọi xe như Grab (rót 100 triệu $ vào tháng 12/2018) và DiDi của Trung Quốc (rót 100 triệu $ vào tháng 2/2019) thông qua quỹ Star Virtue Investment do họ kiểm soát (mà Didi cũng đầu tư vào Grab hay mua lại Uber China, một cấu tứ hợp tác phức tạp do Son dàn xếp). Từ tháng 4/2019, đại gia “lưu trú” Airbnb tham gia rót tiếp 100 triệu $ cho OYO, tạo đà cho công ty này dấn thân vào thị trường châu Âu và Mỹ. OYO sau đó bỏ 415 triệu $ mua lại Leisure Group từ Axel Springer đồng thời cam kết rót 335 triệu $ vào thị trường “nhà nghỉ mát” (vacation rental) châu Âu. Bên cạnh đó, OYO mua lại Hooters Casino Hotel ở Las Vegas với giá 135 triệu $ nhằm xâm nhập thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới – Hoa Kỳ (cũng cam kết rót tầm 300 triệu $ vào Mỹ). Lúc này OYO đã được định giá tới 5 tỷ $ và là chuỗi khách sạn lớn thứ 6 thế giới: bao phủ 280 thành phố, với 5000 khách sạn và 260 ngàn phòng.

Series F diễn ra vào tháng 10/2019 của OYO rất đặc biệt bởi sự dàn xếp của những người trong cuộc, chính bản thân nhà sáng lập Argarwal bỏ ra 700 triệu $ (thông qua công ty do mình sở hữu RA Hospitality) cùng 800 triệu $ từ các nhà đầu tư khác nhằm tái cơ cấu lại tỷ lệ cổ phần OYO (như mua lại cổ phần của Lightspeed và Sequoia). Khoản tiền tổng cộng 1,5 tỷ $ giúp Softbank tăng sỡ hữu lên tới mức tối đa 49,99% (trước đó là 42%) và Argarwal tăng lên 30% (trước đó là 10%). Tuy nhiên, số tiền khổng lồ mà Argarwal rót vào OYO thực ra lại đến từ khoản nợ 2-2.3 tỷ $ từ các định chế tài chính ở Nhật như Nomura Holdings và Mizuho Bank, một trường hợp hiếm hoi nhà sáng lập đi vay nợ để đầu tư ngược vào công ty mình sở hữu, giúp các nhà đầu tư ban đầu dễ dàng thoái vốn. Tới tháng 12/2019, OYO đã trở thành chuỗi khách sạn lớn thứ hai thế giới với 44 ngàn khách sạn, gần 125k nhà nghỉ (vacation homes), và 1,2 triệu phòng (có thể đạt vị trí số một vào 2023). Giá trị công ty tăng lên gấp đôi 10 tỷ $ so với Series E, trở thành một trong những công ty có giá trị cao nhất trong danh sách đầu tư (portfolio) của Softbank, niềm tự hào Ấn Độ (sau Paytm, nền tảng thanh toán và Flipkart – công ty thương mại trực tuyến). Ritesh Agarwal cũng đồng thời trở thành tỷ phú trẻ giàu có thứ hai thế giới, sau Kylie Jenner nhà Kardashians.

Sự tăng trưởng của OYO đã gieo thêm hy vọng cho SoftBank, đặc biệt là sau khi WeWork bị Wall Street từ chối định giá 47 tỷ $ cùng sự trượt dài của Uber. Tuy nhiên, họa vô đơn chí, không ai ngờ con cưng của Son lại tiếp tục hứng chịu cơn bão mang tên Covi-19. Chỉ trong vòng vài tháng đại dịch vừa qua, hoạt động của OYO gần như đóng băng, kéo theo sự sai thải của hàng ngàn nhân viên toàn cầu tạm thời trong từ 2 tới 3 tháng, những nhân sự còn lại đều phải chịu cắt giảm lương bổng (25% ở Ấn). Doanh thu toàn hệ thống sụt giảm gần như 50- 60%. Mô hình kinh doanh của OYO bị ảnh hưởng rất nhiều bởi kẻ thù vô hình. Để thu hút chủ khách sạn tham gia hệ thống, OYO phải đảm bảo cho họ một mức thu nhập tối thiểu, được căn cứ dựa trên sức mạnh của hệ thống đặt phòng trực tuyến cùng danh tiếng OYO, doanh thu bán hàng (sales) phải đủ để trang trải chi phí vận hành khách sạn. Nếu con số này sụt giảm, OYO vẫn phải cung cấp một khoản tiền đảm bảo (guarantees) cho chủ khách sạn để duy trì hợp tác. Đại dịch Covid-19 sẽ khiến toàn hệ thống OYO phải tiến hành thương thảo lại hoàn toàn với các đối tác về khoản guarantees này. Trước đó, OYO cũng đã gánh chịu nhiều chỉ trích giữa đánh đổi mở rộng – chất lượng, bê bối các khoản phí cùng rắc rối thuế từ chính quyền. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy thoái, hệ thống ngân hàng Nhật đã cho Agarwal vay rất có thể đòi hỏi thêm điều kiện như tăng thế chấp để bảo vệ khoản tiền của họ, gia tăng thêm áp lực cho OYO – một công ty đang hoạt động trên cơ sở tăng trưởng mạnh nhưng thua lỗ. (doanh thu năm tài khóa 2019 là 951 triệu $, thua lỗ 335 triệu $, gấp 6 lần so với 2017/18). Rủi ro ập đến với OYO sẽ phá hoại danh tiếng mà Son nhọc công xây dựng trong nhiều thập kỷ: từ một doanh nhân viễn thông thành công sang nhà đầu tư mạo hiểm sắc sảo với các con cá lớn như Alibaba Group Holding Ltd và Yahoo!Inc. Mỗi thương vụ mà SoftBank thất bại sẽ thiêu đốt hàng tỷ $, gây tức giận cho những ai ở thung lũng Silicon theo đuôi ông mà cụ thể gần nhất là WeWork, Brandless Ince (đóng cửa), OneWeb (phá sản). Tờ Economic Times ví von những cú bước hụt và mất mát của Son ngày càng bồi đắp như một quả cầu tuyết lăn, dần biến thợ săn “khởi nghiệp” thành kẻ bị săn. Quỹ Vision Fund của ông vốn được hình thành từ các đồng $ dầu mỏ, nợ giá rẻ từ Wall Street cùng các giấc mơ tỷ đô khác thường đang dần dần gia tăng áp lực cho tỷ phú người Nhật trước mạng lưới rót tiền vào quỹ như các nhân vật sừng sỏ của giới dầu mỏ Trung Đông (PIF của Ả Rập Saudi, Mubadala Investment Company từ Abu Dhabi, rót vào ở Quỹ Vision Fund I), hay Microsoft, Apple, Hon Hai Precision Industry CO Ltd (Foxconn), SWF của Kazakhstan (rót vào Quỹ Vision Fund 2). Ngoài ra, chi phí con người mà Son phải trả cũng rất lớn, những người trẻ giàu hoài bão dấn thân, hy sinh mồ hôi nước mắt cho cuộc chơi tăng trưởng nhanh chóng dưới áp lực nặng nề của Son khó có thể hồi phục sau khi sảy chân. Vision Fund trong những năm qua đã gây tranh cãi không hồi kết giữa đầu tư thận trọng (như rót vốn nhỏ giọt cho các công ty sơ khai để thăm dò) và tung tiền đè dẹp đối thủ cạnh tranh, gia tăng thị phần, đồng thời thay đổi thói quen khách hàng (ăn, mặc, ở, kết nối, chơi bời). Cụ thể như cách Son rót tiền vào Paytm (cao gấp 48 lần so với cách của Google đầu tư vào các công ty tiền niêm yết), Dehivery (gấp 6 lần so với cách Sequoia rót vào Whatsapp), Ola Cabs (gấp 7 lần so với cách Salesforce rót vào các khoản VC) – khoản tiền bung ra này rất có thể không dựa trên quá trình định giá cẩn thận cùng kế hoạch thoái vốn rõ ràng sau 2 hoặc 3 năm mà chỉ đơn thuần đốt tiền đeo đuổi tham vọng. Covid-19 đang nhấn chìm Son dần dần – những lời hứa hẹn của ông về cách mạng năng lượng sạch ở Ấn Độ hay Ả Rập Saudi cũng mờ dần. Thực tế khó khăn đã dần kích khởi làn sóng thoái vốn (divestments) do tâm lý tiêu cực của những người góp vốn cho quỹ, 3 quý liên tục trước tháng 4/2020, Vision Fund đã đánh mất 12,5 tỷ $. Thiệt hại được Son dự tính khi đưa vào các con số tính toán của OneWeb và OYO sẽ còn tăng lên đến gần 17 tỷ $.