Paypal Mafia, cạnh tranh và giáo dục

Paypal Mafia, cạnh tranh và giáo dục

Thế giới công nghệ mà chúng ta dự phần ngày nay khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng nhóm nhỏ các chuyên gia công nghệ và nhà sáng lập từng làm việc cho một trong những ngân hàng trực tuyến đầu tiên trên thế giới có tên gọi X.com, vốn khởi phát bởi Harris Fricker, Christopher Payne, Ed Ho và cái tên rất nổi tiếng Elon Musk vào năm 1999. X.com sau đó hợp nhất với Confinity Inc., đổi tên thành Paypal và được ebay mua lại vào năm 2002 với mức giá khủng 1,5 tỷ $. Do không thích nghi được với văn hóa tập đoàn cồng kềnh của eBay, một loạt nhân sự đầu tiên của PayPal lần lượt rời bỏ công ty, họ tiếp tục trao đổi thông tin, hình thành các nhóm khởi nghiệp và cho ra đời một loạt các công ty công nghệ khác rất đỗi quen thuộc như Tesla, Inc., LinkedIn, Palantir Technologies, SpaceX, Affirm, Slide, Kiva, YouTube, Yelp, and Yammer. Tên gọi của nhóm là Paypal Mafia và nhân vật thường được xem đứng đầu nhóm này (don) chính là Peter Thiel, song hành cùng các bộ óc kiệt suất khác như Max Levchin và Elon Musk. Thiel theo đuổi "triết học" tại trường Stanford và bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tinh thần "chủ nghĩa cá nhân" của nhà văn Ayn Rand (tác giả của "Suối nguồn", bạn thân của cựu chủ tịch FED Alan Greenspan) và lý thuyết bắt chước (mimetic theory) của triết gia Rene Girard. Cụ thể: "nhờ khả năng quảng bá đáng kinh ngạc về năng lực cạnh tranh trong một khuôn khổ nào đó mà xã hội và các cá nhân tin rằng mình có thể đạt được những thành tựu to lớn trong thế giới hiện đại." Tuy nhiên, quá trình cạnh tranh này chạm phải lối mòn riêng của nó, "các đối thủ cạnh tranh dường như quên đi các mục tiêu (sản phẩm hay dịch vụ) cội nguồn của sự cạnh tranh mà chỉ nhìn chăm chăm vào động thái của người khác." Thiel áp dụng điều này trong cuộc sống cá nhân cũng như đầu tư mạo hiểm: "vấn đề lớn của cạnh tranh là nó khiến chúng ta quá tập trung vào mọi người xung quanh, dù cạnh tranh giúp chúng ta tốt hơn, nó khiến ta quên đi điều gì thực sự quan trọng (important), có ý nghĩa (meaningful) và chạm đến tầng siêu việt (trenscendent).

Thiel có viết một tiểu luận ảnh hưởng mình sâu sắc mang tên “The Straussian Moment” (Khoảng khắc Strauss) trong đó ông cảnh báo công chúng về quá trình chuyển dịch tâm thức đang diễn ra nhanh chóng trong thế kỷ 21 (nhận định có thể đi ngược số đông): con người ngày càng đặt niềm tin vào sức mạnh của ý chí (will – sự kiên gan bền chí) thay vì tri thức (intellect), tư duy (mind), và sự duy lý (rationality). Chuyển dịch này bắt nguồn từ một số sự kiện diễn ra 1969: nước Mỹ đưa người lên mặt trăng và sự kiện âm nhạc Woodstock khơi mào cho thế hệ phản văn hóa (counterculture – hay phong trào hippies). Do không còn tin tưởng vào năng lực tư duy quanh một số vấn đề, con người đẩy nền văn hóa theo hướng thiền hành (yoga), cải thiện tâm lý (psychological retreat) hay chìm đắm trong giải trí (entertainment). Quá trình thoái hóa khả năng “duy lý” (năng lực suy diễn logic) được thể hiện bởi niềm tin của công chúng đặt vào trí tuệ tập thể (wisdom of crowds), dữ liệu lớn (big data) hay một số tiến trình cơ học nào đó trong suy tư (mechanistic process – như lập trình tư duy NLP) – đặc biệt là sự xuất hiện của AI (Trí tuệ nhân tạo), với niềm tin tạo ra các cỗ máy tương lai có khả năng tư duy thay cho con người. Sau khoảng 40 tới 50 năm (từ thập niên 60), từ chung tay kiến tạo mọi thứ trong thế giới thực bên ngoài (extornality), con người chạy sâu vào bên trong (interiority) – thứ mà Thiel đóng khung như cuộc di cư từ địa hạt “chính trị” (politics) sang “giải trí” (entertainment – như sự kiện Woodstock). Ông nhắc lại quan điểm của Carl Schmitt (nhà lý luận chính trị của Đức Quốc Xã) trong tiểu luận : “không bao giờ tìm được sự đồng thuận về những vấn đề quan trọng nhất hay các băn khoăn tôn giáo, đức hạnh và bản chất của nhân loại. Chính trị là một chiến trường không ngừng thúc đẩy quá trình chia rẽ mà con người bị buộc phải chọn phe: bạn bè hay kẻ thù.” Do đó đa số chúng ta dần từ bỏ tham gia chính trị: “Thay vì chiến tranh chết chóc, chúng ta có trò chơi video bạo lực; thay vì vượt qua các thử thách có tính anh hùng, chúng ta đến các công viên giải trí kịch tính/mạo hiểm; thay vì suy tư nghiêm túc, chúng ta rơi vào ma trận thông tin mơ hồ của các chương trình giải trí truyền hình (soap opera). Một thế giới mà chúng ta chìm đắm trong tiêu khiển cho đến chết.”

Paypal Mafia

Ngày này cách đây 11 năm, Peter Thiel cùng với Jim O'Neill, giám đốc điều hành tại quỹ Mithril Capital của ông đã cùng tạo dựng ra một vườn ươm nhân tài rất thú vị mang tên Thiel Fellowship với sự mệnh cứu các tài năng trẻ khỏi rơi vào cái bẫy nợ "đại học" . Một vườn ươm giúp vẽ ra con đường sự nghiệp hoàn toàn khác biệt với hệ thống giáo dục chính ngạch Hoa Kỳ đồng thời phục hưng lại năng lực sáng tạo "ga-ra" mà Hoa Kỳ đã đánh mất khi bước vào thập niên 70. Một cách đưa bộ khung tư duy của Thiel về "cạnh tranh" và phát triển năng lực duy lý của thế hệ trẻ. Hành trình trên Jim đã tóm lược dưới bài viết ngắn sau:

"Cách đây 10 năm, chúng tôi cùng nhau tạo dựng Thiel Fellowship. Ý tưởng này được nảy sinh trong các cuộc thảo luận về nỗ lực hiểu biết về thế giới, chứ không phải để cải thiện nó. Thật ra, tôi rất nghi ngờ khả năng thành công trong việc thiết kế một dự án "đầu tư" mới trong giai đoạn này. Lúc đó, Thiel Foundation chỉ có một chương trình nội bộ, về mặt nguyên lý, đại đa số công việc của chúng tôi khi đó chỉ nhằm hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận như Human Rights Foundation (Quỹ nhân quyền), the Seasteading Institute, SENS Research Foundation, và the Committee to Protect Journalists (ủy ban bảo vệ nhà báo).

Điều này diễn ra khi tôi đang ở New York cho một số cuộc họp và bữa ăn tối. Thật tình cờ, Peter Thiel, Jonathan Cain, Luke Nosek và tôi cùng trở về San Francisco trên cùng một chuyến bay. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cùng thảo luận về một lý thuyết của Peter Thiel: sau hơn một thế kỷ sáng tạo không ngừng trong nhiều địa hạt công nghệ, cỗ máy của tiến trình sáng tạo gần như đã ngưng trệ trong đầu thập niên 70, ngoại trừ máy tính và viễn thông. Chúng tôi hầu như đều tán thành sự thật đúc kết từ quan sát này, tuy nhiên nguyên nhân thì vẫn còn là ẩn số.

Sự trỗi dậy của các quy định chính phủ (regulations) chắc chắn đã kiềm hãm sự sáng tạo, nhưng vượt lên trên đó, thật khó để đổ lỗi cho tinh thần bi quan yếm thế (pessimism) hay tại giá dầu bởi sự trì trệ kinh tế đã hiển hiện trong nhiều thập kỷ. Mức lương ngưng trệ rõ ràng là một hậu quả liên đới (effect) chứ không phải là nguyên nhân tạo ra (cause). Nhóm chúng tôi đều tán thành việc các tài năng là một yếu tố ẩn dật (hidden factor). Trong thập niên 50 và 60, những người trẻ thông minh nhất đã dấn thân tới rất nhiều chân trời khám phá (frontiers of discovery). Tuy nhiên, trong thập niên 70, ngược lại, họ trở thành bác sĩ, trong thập niên 80, họ trở thành luật sư, và trong thập niên 90, họ muốn đi đến phố Wall. Một loạt các con đường sự nghiệp được định nghĩa một cách rõ ràng (well-defined careers) đã mở ra những cánh cổng sáng chói mời gọi đám đông chạy theo những con đường dễ đi.

Điều gì đã diễn ra với hình mẫu rất Mỹ (archetype) "rời bỏ công việc để sáng tạo thứ gì đó trong ga-ra nhà mình"? Chúng tôi cho rằng lý do chính yếu nằm ở chữ "nợ" (debt). Trước đây, tôi đã mất một người đồng sáng lập vì vấn đề trả nợ học phí (student debt payments), và chúng tôi nhận ra rằng khoản nợ trên khiến cho việc rời bỏ công việc và khởi sự một công ty mới trở nên cực kỳ khó khăn. Phí học tập (tuition) đã tăng nhanh chóng trong nhiều thập kỷ trước đó, kéo theo gánh nặng nợ của sinh viên. Lạm phát chứng chỉ (credential inflation) đã khuyến khích nhiều người trẻ ở Mỹ lo đi kiếm thật nhiều bằng cấp hơn thế hệ cha mẹ để có thể duy trì mức sống tương tự.

Đó là vấn đề mà chúng tôi muốn thay đổi. Cụ thể, hãy cứu một số ít tài năng hàng năm khỏi rơi vào khoản nợ và những con đường sự nghiệp "huy hoàng" vẽ bởi các trường đại học, tạo điều kiện cho họ khởi sự những công ty mới. Chúng tôi cũng có thể gửi tín hiệu đến cho thế hệ các bạn trẻ rằng đại học chỉ có thể hiệu quả với khoản chi phí và lợi ích đo lường được và việc trì hoãn quá trình sự nghiệp để mua lấy "bằng cấp" không nên chuyển thành khoản nợ dai dẳng đeo bám. Chúng tôi giải quyết điều này bằng cách tạo ra một chương trình fellowship kéo dài 2 năm, gọi nó là 20 under 20 Thiel Fellowship (20 người dưới 20 tuổi), và cho mỗi ứng viên khoản tiền trị giá 100 nghìn đô. Máy bay đáp xuống SFO (San Fran) và chúng tôi công bố thông tin này ra công chúng ngay sau đó.

Thiel và tôi nhanh chóng kéo hai nhân sự đầy ấn tượng mà mình gặp tại Ephemerisle vào cuộc chơi bởi những kinh nghiệm liên quan của họ. Michael Gibson vừa rời khỏi trường đại học và Danielle Lynne Strachman, người vừa xây dựng một ngôi trường" đặc cách" (charter school). Chúng tôi thiết kế một bản ghi danh (application) với 2 câu hỏi mở. Tôi đã quên mất từ ngữ chính xác mà mình dùng cho câu hỏi xoáy khi đó, nhưng phiên bản mà tôi thích là

(1) Có sự thật (hay ý tưởng) nào mà thế giới bõ lở hay từ chối

(2) câu hỏi căn cơ nền tảng là - bạn muốn thay đổi thế giới này như thế nào?

Không cần phải mua quảng cáo để đưa chương trình mới đến nhiều người, các thông tin gây tranh cãi thì thường lan nhanh miễn phí (scandal). Việc nhận định các trường đại học bị tính phí quá mức (overpriced), đồng nghĩa với việc xem thường bằng cấp của họ, điều này khiến nhiều nhà báo với tấm bằng bên mình cảm thấy bị tổn thương. Cuộc nổi loạn của họ thu hút tất cả sự chú ý mà chúng tôi muốn, hàng trăm học sinh tuổi teen dũng cảm đã nộp đơn cho chương trình.

Chúng tôi đã tập hợp hơn một trăm người bạn từ địa hạt công nghệ và khoa học trong vai trò cố vấn tình nguyện, và họ đã giúp chúng tôi đánh giá các hồ sơ và chọn ra 50 người vào vòng cuối. Để lựa chọn và hoàn thành chương trình fellowship, một cách tự nhiên, chúng tôi tạo ra Ủy ban Elrond gồm Peter, Jonathan, Danielle, Mike, Deepali, Roy và tôi. Quá trình xem xét của chúng tôi được giữ bí mật, tuy nhiên có thể nói chúng tôi đã có khoảng thời gian vui vẻ với nhau.

Các ứng viên (Fellow) của chương trình đã tạo dựng các giải pháp công nghệ, hình thành đội ngũ, khởi xướng, thất bại, và thử đi thử lại. Giờ đây, bạn có thể nghe đến các tên tuổi như Figma, Luminar, FOSSA, Ethereum, Freenom, Upstart, Augur hay Workflow (mà bây giờ trở thành một phần của Siri). Nhìn chung, họ đã tạo ra nhóm các công ty trị giá trên 90 tỷ $, con số này phủ nhiều địa hạt từ đồ họa (animations), ngôn ngữ máy tính, phi lợi nhuận và các quỹ mạo hiểm, đến vật lý, sinh học, công cụ phần mềm họ tạo ra. Nó không bao gồm ảnh hưởng lan ra đến các cộng đồng những con người mơ mộng "không thích nghi được với môi trường hiện tại" (misfit) khác.

Đó là cách mà nhóm chúng tôi bắt đầu."

Các bạn cũng có thể tìm xem bộ phim rất thú vị của CNBC mang tên 20 Under 20: Transforming Tomorrow để đào sâu hơn vào Thiel Fellowship.