Từ nông trại đến đầu tư tư nhân PE [Phần 1]

Từ nông trại đến đầu tư tư nhân PE [Phần 1]

Postcard "Trao đổi thẳng thắn" (Straight talk) của Hank Paulson thực sự đáng để bất cứ ai quan tâm đến các dòng chảy lớn trên thế giới (cũng như hệ thống tài chính) theo dõi, một kênh thông tin giúp vị cựu Bộ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ truyền tải suy tư của mình cùng với các khách mời nổi tiếng trong mạng lưới đầu tư của ông. Mình đã xem nhiều phần, nhưng vấn ấn tượng nhất với buổi song kiếm hợp bích trên Straight Talk có lẽ là giữa Hank và nhà sáng lập TPG - Jim Coulter. Hai tượng đài trong giới tài chính dẫn dắt thính giả vào thế giới quan của mình.

Hank Paulson có một sự nghiệp ấn tượng: trước khi trở thành Bộ trưởng Ngân Khố lần thứ 74 của Hoa Kỳ, ông là chủ tịch và CEO của đại ngân hàng Goldman Sachs. Để tránh cho nền kinh tế sụp đổ năm khủng hoảng 2008 (thời điểm chỉ số Dow Jones rớt xuống 30% và hoảng loạn lan khắp thị trường toàn cầu), ông thúc đẩy cơ quan lập pháp chuẩn thuận Bộ Ngân Khố sử dụng 700 tỷ đô để ổn định lại hệ thống tài chính, một sự can thiệp chưa từng có tiền lệ. Sau khi rời khỏi chính trường, Hank vận hành Paulson Institute, một tổ chức học thuật (think & do tank) với mục tiêu thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường xanh sạch hơn đồng thời tham gia làm Chủ tịch Điều Hành cho quỹ TPG Rise Climate của Jim.

Jim Coulter đồng sáng lập tổ chức tài chính nổi tiếng TPG vào năm 1992 cùng với luật sư David Bonderman, một sự cộng hưởng “tín ngưỡng” thú vị: Coulter - Tin Lành (thuộc Phong trào Giám lý - Methodism) và David - Do Thái (dù vậy ông rất ham tìm hiểu về Hồi Giáo). Jim, với mình, là một triết gia tài chính, người am hiểu sâu rộng về sự tiến hóa của các ngành công nghiệp. Ông đã dẫn dắt TPG trở thành một trong những cái tên định hình thị trường đầu tư thay thế (alternatives - có nghĩa là các khoản đầu tư thay thế cho thị trường chứng khoán) – giúp cho loại hình đầu tư này trở nên phổ biến trong cộng đồng những người nắm giữ vốn lớn. Tất nhiên, ngón nghề lão luyện nhất của TPG chính là PE - đầu tư tư nhân (private equity - một hình thức rót vốn và can dự vào quản trị các doanh nghiệp tư nhân). TPG cũng chuyển hóa song song thành tổ chức nghiên cứu, thông qua việc theo dõi dữ liệu của hàng trăm ngàn công ty trên khắp thế giới. Mỗi năm, TPG chỉ đưa ra một vài quyết định đầu tư sau khi phân tích đầu tư kĩ lưỡng (investment memos: mô hình kinh doanh, bản đồ thị trường). Sau gần hai thập kỉ, danh sách đầu tư của TPG đã mở rộng ra gần 250 công ty trong 12 lĩnh vực với phổ địa lý kéo dài qua 29 quốc gia. Doanh thu hàng năm từ hệ sinh thái của họ là vào khoảng trên 169 tỷ $.

Sự xuất hiện của Jim trên Straight Talk giống như buổi trò chuyện của hai người bạn cũ cùng ôn lại những hỷ nộ ái ố của ngành. Trong đó, tái hiện lại dòng chảy lịch sử của ngành PE, từ một ngách nhỏ bé trong thế giới đầu tư trong thập niên 80 - vài trăm triệu $ - đến một ngành khổng lồ có độ lớn gần 8 nghìn tỷ $, dự báo tăng đến 12,5 nghìn tỷ $ trong 2025. Đồng thời, các bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng 2008, thời điểm Hank ngồi trên chiếc ghế nóng để lèo lái con tàu hệ thống tài chính. Hai nhân sinh quan rộng lớn va chạm cùng nhiều bài học sâu sắc.

Bài viết khá dài (nên mình chia làm nhiều phần) dưới đây là tổng hợp quá trình trao đổi giữa hai ông trên Straight Talk (cần đọc thật chậm để chiêm nghiệm).

[Phần 1] - Nông trại

Ai trong chúng ta cũng được định hình bởi bối cảnh mà mình lớn lên (như truyền thống Tin Lành Giám Lý của Jim) và những công việc đầu tiên (từ năm 12 tuổi đến 22 tuổi). Công việc đầu tiên của Jim Coulter chính là vận hành nông trại rau quả của gia đình tại Lockport, New York (gần Buffalo và thác Niagara). Một ngày tiêu biểu của ông là: 4:30 sáng, ông lái chiếc xe bán tải (dodge truck) đời 1956 đến khu chợ nông dân ở thác Niagara. Sau đó, bày hàng hóa (ngô, trái cây và rau củ) trên một chiếc bàn sao cho bắt mắt và cố gắng mời chào người qua lại mua. Tới trưa, khi trời bắt đầu nắng gắt, Jim lại quay về chăm sóc nông trại gia đình. Công việc cứ lặp đi lặp lại ngày qua ngày: 14 giờ mỗi ngày và 6 hay thậm chí 7 ngày trong tuần. Chu trình này kéo dài ba tháng liên tục (trong giai đoạn thu hoạch). Trải nghiệm có tính định hình lớn lao trên đã khiến Jim đúc kết ra hai bài học:

(1) Cần thấu hiểu bối cảnh của một công việc nặng nhọc (context of hardwork). Khi tham gia phỏng vấn tại Goldman Sachs (nơi Hank từng làm CEO), vị phó chủ tịch (VPs) của ngân hàng đã mô tả (hoặc rào trước) về mức độ nặng nhọc trong công việc tại đây. Nhờ kinh nghiệm vất vả trên, mà một giọng nói đã chạy qua đầu Jim lúc đó: "không có cái gọi là công việc nặng nhọc trong một căn phòng có điều hòa hay với bộ suit lịch lãm so với trải nghiệm nông trại". Thông điệp "tiềm thức" đó vẫn đi theo Jim tới tận hôm nay.

(2) Nông nghiệp đòi hỏi một sự kiên nhẫn lớn lao (immense patience), có những lúc, bạn phải dành cả tháng chăm chút không ngơi nghỉ cho nông trại, chỉ cần vài ngày lơ đễnh là có thể mất tất cả vốn liếng. Bài học về sự kiên nhẫn là cực kỳ quan trọng trong kinh doanh (cùng với hành động quyết liệt).

Jim một trong số ít ứng viên tại Lockport có thể bước vào khối Ivy League danh giá, cụ thể là trường Dartmouth, nơi Hank Paulson cũng theo học. Môi trường học thuật này đã định hình trong ông một sự pha trộn thú vị giữa khiêm nhường (humility) và tự tin (confidence). Khi bước chân vào sân trường, Jim nhận ra mình chỉ là con cá lớn trong một cái ao rất nhỏ, ngoài kia còn nhiều ao lớn hay thậm chí đại dương mênh mông mà ông không có bất cứ hiểu biết nào. Từ một sinh viên có chút xấu hổ về hạn chế của mình, Jim đã vươn lên đứng top 10 trong lớp và năng động tham gia nhiều hoạt động như chơi rugby hay tham dự lễ hội mùa động (winter carnical). Ông nhận ra mình hoàn toàn có thể cạnh tranh trong môi trường khắc nghiệt trên. Thái độ khiêm nhường đã luôn theo chân Jim vào mỗi cuộc họp sau này (bởi làm sao biết hết tất cả). Tất nhiên, phải luôn đi kèm niềm tin vào khả năng cạnh tranh của mình. Jim dù theo đuổi tấm bằng kĩ sư vẫn có cơ hội khám phá thêm các địa hạt khác như lịch sử nghệ thuật và tiếng Pháp, nhờ sự đa dạng học thuật của trường Dartmouth (thứ khó tìm ở trường khác). Các hiểu biết trái ngành trên ngày càng trở nên quan trọng khi ông leo lên các nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. Điều này cũng đúng với Hank, chương trình giáo dục nghệ thuật khai phóng (liberal arts education) đã giúp vị bộ trưởng học cách tư duy và biểu hiện bản thân, đồng thời tiếp xúc nhiều địa hạt khác nhau. Hank theo học ngành tiếng Anh (English major) nhưng sau này lại theo đuổi sự nghiệp tài chính.

Là sinh viên đến Dartmouth nhờ các khoản hỗ trợ tài chính (financial aid), Jim phải kiếm việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống. Khi đó, số phận đã đưa đẩy ông làm một trong những công việc thú vị nhất trong sự nghiệp. Dù ban đầu rất ghét nhưng sự yêu thích đã phát triển dần theo thời gian. Cụ thể, trong suốt bốn năm theo học Dartmouth, Jim làm việc cho một người nông dân địa phương sau Lễ Tạ Ơn (bởi có nguyên tháng 12 được nghỉ ngơi): bán cây thông giáng sinh tại một khu chợ trong thị trấn Buffalo. Hãy hình dung việc đứng bên bờ hồ Erie cả ngày, trong tiết trời tháng 12 lộng gió, để bán cây thông noel. Jim dần yêu thích công việc này bởi những bài học đúc kết từ đó:

(1) Nếu muốn học cách một nhóm ra quyết định như thế nào, hãy chăm chú theo dõi cách một gia đình bước đến khu vực trưng bày cây thông và đưa ra các lựa chọn của mình. Ai là người ra quyết định thực sự? Mỗi khi bước vào phòng họp với ủy ban đầu tư, Jim luôn mang theo cái gì đó từ những trải nghiệm trên.

(2) Trải nghiệm bán thông đã dạy rất nhiều cho Jim về cách làm ăn. Những người nông dân địa phương từ chối gắn giá cố định lên cây thông. Họ tin vào cái mà ngày nay chúng ta gọi ra định giá linh hoạt (dynamic pricing). Công việc của Jim là dõi theo các gia đình đang đi vào khu vực bán cây và phải quyết định xem giá nào cần đưa ra với mỗi gia đình khác nhau (dựa trên quan sát). Tất nhiên khi càng đến gần ngày 25 (Giáng Sinh), giá cả càng trở nên linh động. Rất giống với cách các hãng hàng không định giá vé sau kỳ nghỉ giảm xuống. Giá trị của cây thông sang ngày 26 sẽ không còn nhiều (giống như hoa tết ở Việt Nam). Cách thức đánh giá con người (size people up) và ra giá linh động đã theo Jim rất lâu sau này.

Sau khi tốt nghiệp Dartmond, Jim đến làm việc tại Lehman Brothers ở New York. Lựa chọn đến Wall Street quả thực quá hấp dẫn (exotic job) với những ah chàng tỉnh lẻ như Jim. Khi đó, có hai lựa chọn công việc cho ông: đến Wall Street hoặc vận hành giàn khoan (rig) cho Schlumberger ở châu Phi (công việc này được trả lương cao nhất). Dù không có chút hiểu biết gì về ngân hàng đầu tư, Jim chọn đến phố Wall bởi bạn bè ông (người đi trước) nhấn mạnh: có nhiều người thông minh và cơ hội học hỏi ở đó. Ông dấn thân vào một công việc nặng nhọc, rất khác với sự vất vả cơ bắp của làm nông.