VC, đánh bạc hay đầu tư

VC, đánh bạc hay đầu tư


Ben Gilbert và David Rosenthal, hai đồng sáng lập của Acquired (podcast hàng đầu về mảng công nghệ) đã có cơ hội tham dự một buổi ăn tối thân mật cùng với Charlie Munger thông qua sự sắp đặt của Andrew Marks (con trai của Howard Marks, nhà đầu tư sừng sỏ của Oaktree Capital). Cả Ben và David đều dự phần sâu rộng trong địa hạt đầu tư, thông qua các quỹ như Kindergarten Ventures và PSL Ventures, nên đây quả là một vinh dự hiếm có để học hỏi. Charlie Munger là một huyền thoại trong giới đầu tư, nổi danh với vai trò Phó chủ tịch của Berkshire Hathaway. Ông đã cùng với người bạn (người em) thân thiết, Warren Buffett, dự phần trong nhiều thương vụ đầu tư phi thường. Hai ông đều theo đuổi triết lý đầu tư giá trị (value investing): cụ thể tập trung vào các thương vụ dài hạn, rót vốn vào những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh mà họ hiểu rõ và đang bị định giá thấp (thay vì chạy theo các khoản lợi nhuận rủi ro cao và ngắn hạn). Charlie cũng góp phần phổ biến khái niệm "thông thái trần thế" (worldly wisdom), một tập hợp các mô hình tâm trí tạo nên tấm lưới nhận thức (latticework) để xử lý dữ kiện trước khi ra quyết định đầu tư (ông đào sâu đề tài này trong cuốn sách nổi tiếng "Almanack của Charlie nghèo khó"). Nhờ duyên kỳ ngộ này mà Ben và David có thể thuyết phục Charlie lần đầu xuất hiện trên podcast để chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư gặt hái được xuyên suốt 99 năm hiện diện trên trần thế (vào ngày 01/01 tới ông sẽ chạm mốc 100 tuổi). Nội dung chủ đạo của podcast xoay xung quanh sự khác biệt giữa đánh bạc (gambling) và đầu tư (investment), cụ thể là sự nhập nhằng giữa hai khái niệm này trong địa hạt chứng khoán và đầu tư mạo hiểm (VC). Charlie không ngừng lặp đi lặp lại về mức độ khó khăn của công việc đầu tư (đòi hỏi trí tuệ cao nhất chứ không trông có vẻ dễ dàng như trên Shark Tank) trong một thế giới mà các cơ hội đang ngày càng trở nên hiếm hoi hơn. Ông không ngại nhắc nhở (nhẹ) các nhà quản lý quỹ đang làm giàu bằng cách lợi dụng các nhà đầu tư (qua các khoản phí) và nhận định ngành đầu tư mạo hiểm Hoa Kỳ (VC) đã cực kỳ tệ hại trong việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn sơ khai (tất nhiên cũng có ngoại lệ, Munger từng gửi lời khen đến quỹ Sequoia Capital, tổ chức đứng phía sau Apple, Google và Airbnb).

Ben khởi đầu bằng câu hỏi: "Khi xem NFL (giải bóng bầu dục) cuối tuần rồi, tôi quan sát thấy hầu hết các quảng cáo quanh sân vận động đều liên quan đến cá cược thể thao (sports betting). Liệu đây có phải là điều tốt cho Hoa Kỳ? Charlie phản pháo thẳng thắng: "những hình thức bài bạc phổ biến như đặt cược vào cuộc đua chó hay mọi loại hình đua tranh (racetracks) hay casino đều cực kỳ nguy hại". Dù Warren Buffet cũng dự phần vào các cuộc đua, tuy nhiên ông không bao giờ điên cuồng đánh bạc (gambled) như một kẻ thừa thải tiền bạc. Warren luôn muốn những thứ dị biệt (odds) tách khỏi đám đông cuồng nộ, ông đơn giản là vậy. Warren muốn là nhà cái (house) chứ không phải con bạc (punter). Những người dự phần vào giao dịch chứng khoán nhỏ lẻ (retail stock trading) thực chất là đang tham gia đánh bạc. Với Charlie, thị trường chứng khoán vốn dĩ được tổ chức theo cách như vậy. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ phần lớn không hiểu biết về các công ty mình đầu tư, họ đánh bạc theo giá lên xuống (thường rơi vào cạm bẫy của các tổ lái). Charlie bông đùa, nếu ông được quyền vận hành thế giới này, ông sẽ đánh thuế vào những khoản lợi nhuận ngắn hạn (short-term gains) và không bù đắp cho khoản thua lỗ khi họ tham gia đánh cược vào những thứ như thế này (no offset for losses). Chúng ta phải tìm cách giải thoát nhóm đầu tư nhỏ lẻ khỏi cơn cuồng loạn say máu đầu tư này.

Tâm lý "bài bạc" cũng chảy vào địa hạt đầu tư mạo hiểm (VC). Với Charlie, đầu tư là địa hạt đòi hỏi trí tuệ cao nhất và cực kỳ thách thức. Ngành VC gần như bất khả trong việc đưa ra các lựa chọn đúng hết lần này đến lần khác (time after time), thỉnh thoảng một thương vụ quá nóng (hấp dẫn) có thể lôi kéo tâm trí các nhà đầu tư sừng sỏ trong địa hạt VC phải ra quyết định nhanh. Họ cũng chìm ngập trong cảm giác FOMO như các nhà đầu tư nhỏ lẻ (cảm giác sợ bỏ lỡ, như Temasek trong vụ FTX). Đây thực chất cũng chỉ là một hình thức bài bạc. Ben hỏi xoáy Charlie Munger về vai trò của đầu tư mạo hiểm (VC) trong xã hội và làm thế nào có thể thiết kế một hệ thống cấp vốn hoàn hảo cho các ý tưởng mới hay sự sáng tạo. Charlie nhấn mạnh: "công việc đầu tư cần được làm đúng cách bởi nó mang trên vai sứ mệnh chính đáng (thiêng liêng): trao nguồn lực cho đúng người, nuôi dưỡng, tăng cường sức mạnh và hỗ trợ cho những phát kiến". Tuy nhiên, cuộc chơi VC có quá nhiều thủ thuật (tricks) láo cá, các nhà đầu tư thay vì thực sự giúp đỡ các nhà sáng lập vận hành doanh nghiệp lại can thiệp sâu quá mức khiến cho họ ghét bỏ luôn nhà cấp vốn (hay dụ dỗ nhà sáng lập ủ mưu để lùa các nhà đầu tư khác). Va chạm với không ít nhân vật trong ngành cấp vốn mạo hiểm, Charlie đã nhận ra về cơ bản (orginary rule), nhóm này chỉ đang làm công việc "kiếm tiền" của mình, phần lớn không xem mình là đối tác tham gia trợ giúp công ty mà ích kỷ cho bản thân, tìm cách can thiệp sâu khiến các nhà sáng lập ngỡ ngàng. Cách tiếp cận trên không bao giờ diễn ra ở Berkshire, các nhân sự ở đây không cố dụ dỗ các nhà sáng lập vào những thỏa thuận hứa hẹn hời nhất hay giá trị cao nhất (highest bid). Nếu có một nhóm chuyên gia ngân hàng đầu tư (investment banker) đề nghị mức lợi nhuận gấp 20 lần hay quan tâm đến một doanh nghiệp ồn ào nào đó (lousy business), Berkshire sẽ không bao giờ dự phần (mua bán). Quỹ của Charlie và Warren chỉ bán doanh nghiệp khi phát hiện một vấn đề nào đó thực sự các bên không thể tháo gỡ, còn nếu doanh nghiệp đang lưng chừng trở thành một tổ chức kinh doanh hiệu quả, Warren và Charlie sẽ không bao giờ bán bất cứ thứ gì. Rõ ràng, danh tiếng của Charlie và Warren được xây dựng dựa trên việc bám vào những thương vụ hay ho nhất (staying with things) trong dài hạn.

Việc mua và nắm giữ lâu dài, không chỉ về mặt tâm lý (mentality) mà còn ở kết quả gặt hái trên đường dài (demonstration), đã giúp kết nối sâu sắc các nhà đầu tư (investors) với những người quản lý quỹ (managers). Tuy nhiên cách tiếp cận này thường ít khi khi diễn ra trong thực tế. Mọi người đều có tiêu chuẩn làm việc riêng (a standard way of doing things), như cách các luật sư sử dụng biểu mẫu theo chuẩn của mình. Tất nhiên, nếu ai ai trong giới đầu tư cũng chạy theo các biểu mẫu chuẩn như vậy thì kết quả tạo ra nếu trông giông giống nhau theo thăng trầm của chu kỳ đầu tư cũng là điều dễ hiểu. Berkshire không bao giờ muốn kiếm tiền bằng cách vặn vẹo các nhà đầu tư nhưng đây là cách mà nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) hay tư nhân (PE) tiến hành. Thế giới này đầy rẫy những đối tác (partners) xuất phát điểm là cựu nhân sự tại Goldman Sachs (ex-Goldman Sachs partners), họ tạo lập các quỹ tư nhân (private fund), quản lý hàng tỷ đô la và tính phí theo mô hình "2 và 20" chẳng hạn. Cụ thể, họ sẽ lấy phí quản lý là 2% (trên tài sản đang quản lý/ AUM) và phí kết quả (performance fee) là 20% doanh thu (hoặc mô hình "3 và 30"). Họ có cuộc sống sung túc nhờ khoản phí này trong khi các quỹ thuộc định chế (endowments, thường là các trường đại học) luôn phải vắt óc (hay vật lộn) để kiếm lợi nhuận tốt. Charlie thực sự không thể chấp nhận việc các quỹ lại tính phí trên đầu trên cổ nhà đầu tư khi thị trường xuống hay khó khăn (bad strech). Cách tính phí này đã khiến nhiều kẻ "đầu tư" tinh quái giả vờ gặt hái thành quả tốt thay vì nỗ lực thực sự (nhằm duy trì khoản phí thu được) kèm theo nhiều chiêu trò phi đạo đức diễn ra nhiều vô kể ngoài kia. Cuối cùng, việc rót vốn vào các sáng tạo đa phần thu hút sai người (wrong people), những người có vốn đầu tư rót vào sai chỗ (không rót vào những quỹ theo đuổi giá trị sâu sắc) và những người kiếm tiền nhiều nhất từ địa hạt VC lại trông giông giống các chuyên gia ngân hàng đầu tư (investment bankers) hơn (nhóm ra quyết định về việc dự phần vào địa hạt nóng bỏng nào). Nhóm này chẳng phải là các nhà đầu tư vĩ đại hay giỏi giang về bất cứ thứ gì, chúng ta đừng ngộ nhận.

Charlie nhận định việc lợi dụng các nhà đầu tư (rót vốn vào quỹ) gần như đã trở thành bản chất (nature of the wedges) và cách thức ngành hoạt động. Nếu không thực sự tạo kết quả khác biệt (unusual results) thì việc tính phí là không thể chấp nhận được, người đi tư vấn trước hết phải có năng lực trí tuệ dò xét con đường làm giàu (vốn dĩ cực kỳ khó), rõ ràng tại sao phải trả tiền cho ai đó khuyên bảo mà bản thân họ chả giàu có gì. Thêm nữa, nếu thực sự giàu thế thì tại sao họ không đặt tiền xuống để cùng các nhà đầu tư cưỡi con sóng thị trường lên và xuống. Trong thực tế, các quỹ đầu tư định chế (endowments, thường là các trường đại học) và các bể vốn lớn (large pools of capital) đã bắt đầu lên tiếng thách thức những "kẻ tính phí": "chúng tôi sẵn sàng trả phí ban đầu cho mô hình "3 và 30" (hoặc bất cứ con số nào khác "2 và 20" chẳng hạn) và bỏ gấp đôi số tiền. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó (the next half), bạn sẽ không nhận được đồng nào. Chúng ta hãy cùng nhau cưỡi con sóng đầu tư một cách công bằng sòng phẳng với nhau (pari passu)." Điều này đã khiến các khoản phí buộc phải rơi rụng một nửa (giảm 50%, điều này đang diễn ra khắp nước Mỹ) kéo theo nhiều câu chuyện nực cười. Các quỹ giờ đây trở nên lạc lối, tức giận và ngu ngốc trước mặt các nhà đầu tư. Charlie cho rằng cấu trúc phí chí tình đạt lý hơn nằm ở hệ thống Warren (Buffett Partnership), cụ thể mô hình 0/6/25 đã hình thành từ thập niên 60 (ông học hỏi từ thầy mình là Ben Graham). Warren không thu phí quản lý (0%), đặt mức lợi tức tối thiểu để bắt đầu thu phí là 6% (hurdle rate) và khi vượt ngưỡng 6% thì mới tính phí 25% trên phần lợi nhuận đó (khoản phí này dựa hoàn toàn trên năng lực đầu tư). Công thức này đủ công bằng cho các đối tác (limited partners) và các nhà quản lý (managers), Charlie mong muốn phổ biến công thức này rộng khắp trong thế giới đầu tư.

Charlie Munger đã gần chạm mốc 100 tuổi. Cách đó vài chục năm (tầm 70 tuổi), ông đã nhận ra mức độ khó khăn của công việc đầu tư qua nhiều trải nghiệm đau thương. Ông đã nhận ra những ai tham gia vào mô hình "2 và 20" hay "3 và 30" mà tuyên bố đoan chắc về mức độ dễ dàng của công việc này thì chỉ đang dẫm lên đống phân của chính mình. Charlie tin, nếu quay về độ tuổi 30 hay 40, thì ông vẫn dự phần vào công việc đầu tư (nó gắn với bản chất bên trong ông), dĩ nhiên không bao giờ tham gia cái gọi là "2 và 20" hay "3 và 30". Ông chỉ muốn vận hành bằng tiền của chính mình (và trí tuệ của mình) chứ không phải dưới áp lực phải bán, phải tiến hành thỏa thuận với các chuyên gia ngân hàng đầu tư, với các nhà cố vấn, hay buộc phải thương thảo với dòng vốn mạo hiểm đâu đó. Charlie nhấn mạnh "hãy tống họ xuống địa ngục" (to hell with them), ông tin rằng điều mấu chốt của việc làm giàu là đừng phủ quanh mình lu xu bu nhiều người (đừng bám theo quá nhiều người hay ảnh hưởng bên ngoài). Dĩ nhiên, dù lội ngược dòng quá khứ để xây dựng lại Berkshire, Charlie thừa nhận "việc đạt được thành công như hiện tại là bất khả". Hầu như mọi thứ đều được cấu thành bởi ba yếu tố: trí tuệ hay sự thông minh, lao động chăm chỉ và may mắn. Phải có cả ba thứ này mới có thể thành công vượt trội. Tất nhiên, chúng ta làm sao có thể can thiệp vào cái gọi là "may mắn", thứ ngoài tầm kiểm soát (hãy cầu nguyện ơn trên phù hộ).

Ông cho rằng các nhà đầu tư có lẽ phải bắt đầu dự phần sơm sớm, hướng đến các mục tiêu dài hạn và nếu may mắn có thể gặt hái được một hay hai thứ hay ho trên đường đi. Là tín đồ trung thành của Ben Graham (cha đẻ của đầu tư giá trị), Charlie chỉ quan tâm tìm hiểu hai loại công ty. Thứ nhất, nếu một công ty dù tồi tệ (crappy company) nhưng giá quá rẻ, ông cũng có thể xem xét mua lại (hình thức công ty "xì gà hút dở/ cigar butt"). Ông thỉnh thoảng cũng dự phần vào các thương vụ kiểu này, tuy nhiên chỉ một hay hai trong số đó thu lời lớn (không giống như Howard Marks) chứ không phải trăm phi vụ đều thành công mỹ mãn, hiện thực không dễ dàng như vậy. Tiền dễ dãi (easy money) không bày ra trước mắt chúng ta hàng trăm lần. Thứ hai, Charlie quan tâm đến các công ty hoạt động tốt và trở thành hình mẫu về "đức hạnh" để noi theo (virtues). Đó là những công ty đã xây dựng được thương hiệu tốt và có giá hợp lý. Thủ thuật ở đây là phải nhìn ra được các cơ hội hiếm hoi các công ty như vậy được rao bán rẻ (nếu mua Costco với giá như hiện tại thì khoản đầu tư này có thể vẫn ổn, tuy nhiên không còn là cơ hội quá lớn nữa).

Các nhà đầu tư cần hiểu rõ, thế giới đã trở nên giàu có hơn (nhiều cạnh tranh hơn) nhưng dòng vốn lại chỉ chảy đến một số ít các cơ hội hiếm hoi bởi đây là bản chất của mọi thứ. Hãy quan sát các tiến trình sinh học (biology) góp phần tạo ra một sinh vật cao cấp giống như chúng ta (có thể tham dự vào các cuộc thảo luận tri thức về nhiều chủ đề). Điều này diễn ra thông qua một cuộc cạnh tranh sinh tồn khốc liệt kéo dài hàng trăm nghìn năm. Nói cách khác, hệ thống để tự nhiên thúc đẩy trí tuệ (smart) thì rõ ràng không thoải mái/dễ chịu cho những kẻ thua cuộc. Kỷ nguyên "điếu xì gà hút dở" (cigar-butt), giai đoạn mà Charlie và Warren có thể tìm kiếm các cơ hội đầu tư định giá thấp dễ dàng hơn, đã đi qua. Trong môi trường kết nối sâu rộng ngày nay, các cơ hội hay ho càng trở nên hiếm có hơn.

Một trong những cơ hội hiếm hoi mà Charlie tìm ra trong đời chính là Costco (nhà bán lẻ lớn thứ ba trên thế giới, tiền thân là Price Club). Warren từng bông đùa về phi vụ này trong một buổi họp cổ đông của Berkshire cách đây 10 năm. Cụ thể trên một chiếc máy bay bị không tặc tấn công, kẻ cướp chọn ra hai người đại diện cho những nhà tư bản bẩn thỉu là Charlie và Warren. Chúng chĩa súng vào đầu và hỏi hai ông có đòi hỏi gì cuối cùng trước khi chết hay không. Charlie phản hồi: "tôi có thể một lần nữa trình bày về đức hạnh của Costco hay không" (nghe có vẻ hợp lý với không tặc). Tuy nhiên khi quay sang Warren, câu trả lời là: "hãy bắn tôi trước" (ý là không muốn nghe Charlie lải nhải về Costco nữa). Warren bông đùa về thói quen lặp đi lặp lại đề tài Costco của Charlie. Trong cuộc đời của một con người, chúng ta không có quá nhiều lần ra quyết định đúng (như đầu tư vào Costco), có thể là năm hay sáu lần gì đó. Tuy nhiên, nếu thành công nhiều lần đến quá sớm, nhà đầu tư sẽ trở nên kiêu ngạo và thường đánh mất tất cả sau đó (vì tưởng mọi thứ đều dễ dàng).

Charlie chân nhận ra sự thật: những cơ hội như Costco là cực kỳ hiếm có. Điều này thể hiện qua một số yếu tố. Thứ nhất, họ bán giá rẻ hơn bất cứ ai ở Hoa Kỳ và thực hiện điều này ở các cửa hàng lớn (rất hiệu quả) có chỗ đỗ xe rộng hơn quy chuẩn thông thường (10 feet, giúp cải thiện trải nghiệm mua hàng). Costco khuyến khích người mua theo số lượng lớn qua các cơ chế điểm thưởng (reward points) cùng một mô hình kinh doanh "vốn nhẹ" (capital-light business model). Costco không đầu tư lưu kho (inventory), họ bắt các nhà cung cấp chờ đến khi họ nhận được các khoản thanh toán hàng hóa từ người mua, sau đó lên kế hoạch chi trả đợt tiếp theo chỉ khi đã rõ ràng về kế hoạch bán hàng trong tương lai. Đế chế này hiện có trên 900 nhà kho luôn phủ đầy hàng hóa chất lượng cao sẵn sàng bán ngay (merchandise) và không hề tốn công nằm trên sổ sách (sitting on their books). Sự kết hợp giữa việc "hướng đến khách hàng", "vận hành hiệu quả" và "sử dụng vốn hiệu quả" đã khiến Charlie nhận ra cơ hội đầu tư có một không hai này. Thêm nữa, từ Costco, nhiều cơ hội đầu tư trực diện khác đã hình thành từ việc bắt chước mô hình để áp dụng trong các địa hạt khác. Điển hình như trường hợp của Home Depot (trong thị trường gia dụng gia đình). Khi giai đoạn "cigar-butt" qua đi thì có lẽ nên tìm kiếm các cơ hội mới dựa trên tham chiếu các mô hình đã thành công rồi (như Costco).

Trong podcast, Charlie cũng chia sẻ góc nhìn của ông về quỹ định lượng nổi tiếng nhất thế giới Renaissance, sáng lập bởi nhà toán học Jim Simons. Quỹ định lượng (quant funds) tập trung vào các giao dịch ngắn hạn (thứ mà Charlie xem là đánh bạc). Cụ thể, họ tìm ra một nhóm các thuật toán tinh vi và có giá trị trong việc tiên đoán thị trường (predictive value). Các tiên đoán này thường sai lệch khi tiên đoán chứng khoán dài hạn, còn trong địa hạt "ngắn hạn" thì đối diện với nghịch lý: nếu lạm dụng thuật toán quá nhiều, lợi thế ban đầu của quỹ định lượng sẽ mất dần (do thị trường điều chỉnh, kéo theo số tiền kiếm được luôn bị giới hạn trong khung thời gian nào đó). Trong trường hợp Renaissance, theo Charlie, thuật toán rất đơn giản. Họ khai thác dữ liệu trong quá khứ để ra quyết định, kiểu như giá "lên và lên" trong hai phiên gần nhất hay "xuống và xuống", hay phổ biến hơn "xuống và lên" hay "lên và xuống". Một khi chân nhận ra một dòng chảy "ý định" cụ thể nào đó, sâu hơn cả tâm lý con người (psychology of man, thứ luôn bám theo các xu hướng tự nhiên và nhiệt tình đặt cược ngắn hạn), Renaissance sẽ lập trình các máy tính để tự động mua các mã cổ phiếu trước đó một ngày và bán trước khi kết thúc ngày thứ hai (giao dịch hộp đen). Họ lặp đi lặp lại việc này ngày qua ngày. Mỗi ngày trung tâm thanh toán bù trừ (central clearing agent) sẽ thông báo, kiểu như khoản tiền (check) hôm nay là 8,5 triệu đô và ngày mai là 9,4 triệu đô. Renaissance kiếm tiền bằng đòn bẩy (đòn bẩy giữa ngày/ midday leverage) qua việc áp dụng thuật toán "tiên đoán". Nếu tiền còn chảy đều đều thì đòn bẩy ngày càng bị đẩy lên cao hơn (đẩy khối lượng giao dịch tăng lên bởi lợi nhuận sẽ ngày càng ít đi theo cách thị trường điều chỉnh). Cách làm dựa trên "đòn bẩy" này là không chấp nhận được với Charlie, nó có thể khiến người ta phát điên khi nắm trong tay nhiều tiền. Thực tế cho thấy thuật toán của Renaissance đã không còn hiệu quả khi đại dịch Covid xuất hiện trong năm 2023, có gần 15 tỷ đô đã rút khỏi quỹ của Simons trong năm 2022 sau những kết quả đầu tư tồi tệ (gọi là Renaissance Exodus).

Ben và David cũng giới thiệu đến thính giả bản sao của Berkshire trên Internet (đơn vị đứng phía sau tài trợ cho podcast), một ví dụ cho thấy tầm ảnh hưởng to lớn của Charlie và Warren. Berkshire khởi đầu là một nhà máy dệt tại Massachusetts cách đây gần 200 năm. Gần 20 năm trước đây, nhà sáng lập của Tiny, Andrew Wilkinson cùng với đối tác của mình Chris, đã tạo ra phiên bản nhà máy dệt của mình trên Internet, một công ty thiết kế mang tên MetaLab, tổ chức đứng đằng sau trải nghiệm người dùng (UIs) của một loạt các công ty đình đám như Slack, Uber, Tinder, Headspace, Coinbase. Họ cũng tự hỏi bản thân mình, Charlie và Warren sẽ làm gì nếu họ là chúng ta. Điều này đã dẫn nhóm Tiny đến với nhận định, cũng giống như cách Berkshire khai phá thế giới vật lý (physical world), thế giới Internet cũng có những doanh nghiệp ngách (niche businesses) với dòng tiền tuyệt vời. Thật ra, chúng có khi còn tốt hơn cả những công ty xưa cũ (như See's Candies và Blue Chip Stamps) bởi các khoản tái đầu tư gần như bằng không (zero capital reinvestment), thêm biên lời từ phần mềm (software margin), và có thể xây dựng các thương hiệu toàn cầu nhanh như vũ bão (See phải mất 50 năm mới trở thành hiện tượng toàn cầu). Andrew và Chris đã lấy khoản tiền dư ra từ MetaLab để khởi tạo Tiny, một quỹ đầu tư chuyên rót vốn vào dài hạn vào những công ty Internet tiềm năng nhất. Không gian mạng không nghi ngờ gì là một cơ hội đầu tư rất lớn, tuy nhiên, không phải ai cũng có được sự kết hợp giữa kinh nghiệm, sự trầm tĩnh, vốn và danh tiếng để ra quyết định đúng như Berkshire. Andrew và Chris cũng dò dẫm theo chân Charlie Munger và Warren xuyên qua hai thập kỷ (Ben và David thực ra cũng có rót vốn vào Tiny cùng với Bill Ackman và Howard Marks). Tiny là người mua dài hạn những cơ hội ngóc ngách trong địa hạt Internet. Bất cứ ai tìm kiếm một ngôi nhà lâu bền vững chãi cho doanh nghiệp internet sinh lời của mình hay cần các đối tác góp vốn cùng các nhà sáng lập (hay các quỹ mạo hiểm) sẽ rất may mắn khi có cơ hội làm việc với Tiny. Gần đây nhất Tiny vừa mua lại một mạng xã hội dành cho những người thích xem phim (film buffs) với cái tên Letterboxd, tâm huyết suốt 12 năm của nhà sáng lập. Tập nguyên tắc của Tiny là chỉ làm việc với những công ty Internet tốt nhất, cam kết tiến hành thẩm định đơn giản (simple diligence) trong vòng 30 ngày để ra quyết định đầu tư, sau đó để yên cho doanh nghiệp vận động, nhà sáng lập phải tự vận hành hoặc bổ sung thêm dàn quản lý mới với định hướng dài hạn (tùy chọn). Quỹ này cũng vừa trở thành công ty đại chúng vào đầu năm nay và hiện tại có thể tiến hành các thương vụ trải từ 1 triệu đô đến 250 triệu đô.