Xứ cát, tiên đoán tương lai và anh hùng

Xứ cát, tiên đoán tương lai và anh hùng

Vào năm 1933, Tổng thống Franklin D Roosevelt tiến hành tập hợp một nhóm cố vấn thân cận quanh mình với tên gọi "Brain Trust" (Bộ óc sừng sỏ), gồm các giáo sư đến từ trường danh tiếng như Columbia và Harvard (trường luật) nhằm định hình các chính sách sẽ triển khai trong First New Deal (Chính sách Kinh Tế Mới thứ 1 - năm 1933) và sau này là Second New Deal (Chính sách kinh tế mới thứ 2). Mục tiêu của nhóm này tham gia giúp nhà nước thò bàn tay lông lá vào điều tiết vĩ mô nền kinh tế Mỹ một cách hiệu quả. Ngoài ra, nhóm còn thảo luận và đưa ra các tiên đoán cho sự phát triển của khoa học và xã hội trong vòng 25 năm tới (cụ thể là tới năm 1958). Thú vị thay, nhóm này đã không thể tưởng tượng đến sự xuất hiện của các phát kiến như linh kiện bán dẫn (transistors, dùng chế tạo chip), năng lượng nguyên tử, thuốc kháng sinh, di chuyển siêu thanh, khám phá không gian (space probes) hay thậm chí Thế Chiến 2 (War World II).

Nhà tương lai học nổi tiếng Herman Kahn, đồng sáng lập Viện Hudson, cũng đã đưa ra một số tiên đoán vào năm 1967, cụ thể nhân loại sẽ định cư hoàn toàn dưới nước vào năm 2000, các mặt trăng nhân tạo sẽ được đưa lên bầu trời để thắp sáng mọi nơi. Kahn còn đi xa hơn khi đưa ra viễn cảnh xã hội sẽ có lãi suất bằng 0, thu nhập tăng gấp nhiều lần, không còn lo lắng khan hiếm năng lượng, robot sẽ thay người làm mọi công việc lặt vặt và con người khi đó sẽ thử nghiệm những hình thức hôn nhân khác lạ khác như "kết hôn theo nhóm" (group marriages) chẳng hạn. Nhiều tiên đoán hoàn toàn trật lất. Cùng với RAND Corp, Kahn đã tiên phong đào sâu vào phương pháp "lên kế hoạch viễn cảnh" (scenario planning/ SP), thứ sau này tiếp tục được SRI hệ thống hóa/ công thức hóa các kỹ thuật liên quan nhằm hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các tổ chức tư nhân hay chính phủ, cách tiếp cận này hiện đang được các tập đoàn lớn áp dụng như Royal Dutch Sell, ARCO và DuPont (Stanford Research Institute, một tổ chức do ủy ban tín thác trường Stanford thành lập nhằm tiến hành R&D cho các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và quỹ tư nhân). Cụ thể, SP mô hình hóa các điều kiện kinh doanh (hay vận hành) trong tương lai nhờ phân tích các dữ liệu liên quan đến tiến bộ công nghệ, hành vi tiêu dùng, các chuyển dịch kinh tế xã hội (socio-economic shifts). Dịch vụ này hiện đang được cung cấp bởi Stategic Business Insights (một công ty con của SRI). SRI trước đó đã vẽ ra viễn cảnh những ngôi nhà thông minh được điều khiển bằng giọng nói, sự thống trị của các ngành công nghệ cao (trước địa hạt sản xuất nặng vốn), cùng sự phổ biến của thức ăn nhanh. Tổ chức này có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thế giới mà chúng ta dự phần ngày nay, cụ thể nhiều sáng kiến phi thường đã khởi phát từ SRI như ứng dụng Siri (trên iphone), ARPANET (làm nền cho sự ra đời của Internet) và Motobot (robot mang hình dáng người). PARC (thuộc Xerox, tổ chức trụ cột khác của Thung Lũng Silicon), nơi khơi nguồn cảm hứng cho Steve Jobs và đội ngũ các kĩ sư ban đầu của Apple xây dựng Macintosh, cũng đã hợp nhất với SRI.

Tổng thống Roosevelt, Kahn cùng SRI đã dự phần vào việc tuyệt đối hóa tương lai (absolutists), họ đang “chơi đùa” với thứ năng lực bất khả “tiên đoán tương lai”, thường chỉ có trong thần thoại (myths). Giáo hội trưởng lão (Prysbyterian, một nhánh Kháng Cách/Tin Lành có nguồn gốc từ Scotland) cho rằng tương lai ở xa tít tắp để chúng ta tiếp cận dần dần, dù chuẩn bị tâm trí đón nhận nhưng thỉnh thoảng tương lai vẫn hiện ra một cách đầy kinh ngạc. Con người quả thật có rất ít khả năng kiểm soát với các sự kiện quanh mình (predestination). Tiểu thuyết gia Frank Herbert, cha đẻ của "Xứ Cát" (Dune), cũng dùng câu chữ điêu luyện của mình để dự phần trong cuộc chơi này. Ông quan sát cách con người đóng khung hay tuyệt đối hóa tương lai (absolute) cùng sự vô vọng của họ khi đối hiện với những chuyển dịch phi thường khó tiên đoán của nhân loại. Khi trò chuyện với các sinh viên của trường UCLA (vào năm 1985), ông đã thổ lộ: "mỗi người trong chúng ta đều có một tương lai riêng, và đôi khi một vài cá nhân sẽ có tầm ảnh hưởng to lớn lên tương lai của tất cả chúng ta, như Michelangelo hay Albert Einstein chẳng hạn. Các nhà khoa học hay nghệ sĩ tài ba này khẳng định với công chúng về con đường riêng độc đáo của mình (kiểu như tôi quá say mê địa hạt này, hãy chờ xem tôi sẽ khám phá ra điều gì). Xứ Cát, thành thực mà nói, cũng là một con đường khai phá tương lai như vô vạn con đường khác."

Frank Herbert tưởng tượng ra một vũ trụ kéo dài tới cả chục nghìn năm trong tương lai nơi du hành xuyên thời gian đã phát triển, nhờ vậy con người đã tiến hành thuộc địa hóa nhiều hành tinh khác nhau. Dù vậy, vũ trụ này không tồn tại máy tính, "những cỗ máy có khả năng tư duy hay trí tuệ nhân tạo" (thinking machine/ AI), chúng bị cấm tuyệt đối sau những xung đột người máy diễn ra trước đó trong lịch sử. Con người buộc phải dành năng lượng của mình cho những nhánh khoa học khác, cụ thể như ESP (khả năng ngoại cảm/ extrasensory perception) và những công cụ chiến tranh phục vụ việc tranh đoạt tài nguyên ở các hành tinh khác. Thế giới mà Frank xây dựng (world building) được kiểm soát bởi một đế chế chuyên chế xuyên hành tinh mang tên Imperium, cấu thành bởi các đại gia tộc đang kiểm soát những hành tinh khác nhau. Giữa họ luôn có xung đột ngầm kéo dài vài thiên niên kỷ xuất phát từ việc kiểm soát một hành tinh nhỏ mang tên Arrakis (hay còn gọi là Dune/ Xứ Cát) phủ đầy bởi cát, mà ẩn trong đó là loại tài nguyên quý giá mang tên "hương dược" (spice/ Melange) có thể giúp kéo dài tuổi thọ và tăng cường năng lực tinh thần cho loài người. Trên cái nền vũ trụ giả tưởng (world-building) trên, Frank muốn đào sâu vào băn khoăn đã theo đuổi ông từ lâu "các nhà lãnh đạo có sức hấp dẫn với công chúng (charismatic leaders) thường đi kèm với những mối nguy chuyên chế chực chờ". Đối với ông, một trong những Tổng thống nguy hiểm nhất của Hoa Kỳ chính là John F. Kennedy, người có sức hút quần chúng lớn, nhưng đồng thời là nhân tố chính khiến Mỹ sa lầy vào cuộc chiến tranh Việt Nam và ngược lại vị Tổng Thống có giá trị nhất trong mắt ông lại chính là Richard Nixon, người dính vào bê bối Watergate buộc phải từ chức, qua đó khiến công chúng hình thành thái độ nghi ngờ với các chính trị gia.

Góc nhìn trên khiến Frank muốn đào sâu hơn vào một tác phẩm giả tưởng xoay quanh các nhân vật anh hùng, nhà lãnh đạo có sức hút hay đấng cứu thế (messiah) - cụ thể ở đây là hình tượng Paul Atreides, người thừa kế của gia tộc Atreides trong vũ trụ "Xứ Cát", một anh hùng (hay kẻ tội đồ) được sinh ra từ chương trình tinh lọc dòng máu (breeding program) của Bene Gesserit, một nhóm kín chỉ có các nữ thành viên được huấn luyện cả thân-tâm nhằm điều hướng nhân loại trên con đường khai sáng hay Hoàng Kim (enlightened path). Xứ Cát ngập tràn mâu thuẫn bởi thứ chủ nghĩa cuồng tín cao độ (fanaticism) hình thành trong lòng các gia tộc (vũ trụ này dường như không có chỗ cho sự thương xót) và lịch sử dài hàng chục thiên niên kỷ cấu thành bởi va đập của các âm mưu thâm sâu (ruthless conspiracies). Cụ thể, gia tộc Harkonnen đã tận diệt bất ngờ toàn bộ người Atreides (thế lực vừa tiếp quản Arrakis) từ đó biến Paul trở nên thành cậu thiếu niên mồ côi cha, bước đi trên con đường thử thách phục hưng gia tộc. Tận dụng lời tiên tri phổ biến trong cộng đồng Fremen (sinh sống trên Arrakis, trông rất giống người Ả Rập Bedouin), Paul biến mình thành đấng cứu thế của họ, nhờ vậy tận dụng được thế lực sa mạc này cho mục đích riêng của mình. Đây là motif anh hùng quen thuộc mà giáo sư Joseph Campell đã từng hệ thống hóa: người anh hùng rời khỏi thế giới thường nhật để gia nhập vào một cuộc phiêu lưu, nhờ sự giúp đỡ của những người cố vấn hay đồng minh, người anh hùng vượt qua các giới hạn để tìm đến thế giới siêu nhiên, nơi những luật lệ quen thuộc không được áp dụng đi kèm các trải nghiệm đớn đau (ordeal) tôi rèn ý chí, phần thưởng lớn dành được (như kho báu hay mặc khải nào đó) khi vượt qua thách thức sẽ được mang về cải thiện thế giới thường nhật của họ. Điển hình như câu chuyện của Osiris (Ai Cập), Prometheus (Hy Lạp), Đức Phật (Phật Giáo), Jesus (Công Giáo), hay Mohammed (Hồi Giáo). Tuy nhiên, tác phẩm của Frank còn xoáy vào các câu hỏi thâm sâu như: liệu các mưu đồ bí mật có đang lèo lái tương lai chính trị của loài người? Liệu việc kiểm soát chi phối nguồn cung gen (dòng máu) có tạo ra những con người gần nhất với Thiên Chúa (có những khả năng phi phàm)? Liệu tranh đoạt đổ máu có tạo ra tiến bộ cho nhân loại (hay sẽ lặp đi lặp lại như một quy luật tất yếu của lịch sử, đặc biệt tác phẩm còn đề cập đến kho vũ khí hạt nhân của nhà Atreides có thể tận diệt toàn bộ hành tinh)? Liệu con người có thấu hiểu tương lai đến mức chả còn động cơ gì để tạo ra sự khác biệt nào cho viễn cảnh đó (khi đó về cơ bản mọi động cơ biến mất và chúng ta chỉ tồn tại vật vờ)? Liệu việc phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên quý giá như hương dược (hay với thế giới thực chúng ta chính là dầu mỏ và nước) có thể khiến đa số nhân loại phải quỳ gối trước những ai đang kiểm soát (hay có thể tiêu diệt hoàn toàn nguồn tài nguyên này)? Khả năng khôi phục lại cơ thể sống từ tế bào người chết (ghola) và gieo ký ức vào trong đó sẽ thay đổi thế giới ra sao? Có phải việc lợi dụng tôn giáo cho các mục đích chính trị đang áp dụng tương tự trong địa hạt công nghệ? (trong "Xứ Cát và Triết học", tác giả Jeffery Nicholas đã cố công đào sâu vào những câu hỏi trên qua việc phân tích các câu chữ của Frank).

Paul Atreides, nhờ sự giáo dưỡng của Bene Gesserit, đã phát triển khả năng thị kiến (nhìn thấu tương lai của mình, càng được tăng cường nhờ hương dược tại Arrakis). Thị kiến hay những hình ảnh tương lai liên tục xuất hiện trong trí óc Paul, anh nhìn thấy vô vàn những ngã rẽ tương lai mà mình phải phân tích để đánh cược. Tương tự như bố mình, công tước Leto Atreides đã đặt cược số phận gia tộc khi tiếp quản hành tinh Arrakis (kết quả là đại thảm sát toàn gia tộc), Paul đánh cược hành trình phục hưng gia tộc vào việc trở thành đấng cứu thế của người Fremen (đấng Muad'Dib) và chấp nhận mình sẽ thành một phần của Thánh Chiến có thể sát hại hàng tỷ tỷ người trong vũ trụ "Xứ Cát", dù luôn khiếp đảm trước những hình ảnh tương lai đẫm máu cuồn cuộn trong tâm trí. Năng lực viễn kiến, đến và đi đầy ngẫu hứng, đã đày đọa Paul. Cuối cùng, dù ngần ngại trước viễn cảnh "Thánh Chiến", anh vẫn uống Nước Sự Sống để mở khóa những ký ức xa xưa của tổ tiên ở trong gen, chấp nhận trở thành Kwisatz Haderach (danh hiệu của Bene Gesserit dành cho người có sức mạnh kết nối không gian và thời gian, nhìn thấu quá khứ vị lai) và bước vào dòng chảy "cuồng tín" đã hình thành mạnh mẽ trong lòng cộng đồng Fremen. Nói cách khác, anh chấp nhận kết cục bi thảm sắp đến với mình. Phải chăng đây là bi kịch của những ai dám chơi đùa với việc "tiên đoán tương lai". Người anh hùng trong "Xứ Cát" không có chiến thắng (happy ending) cuối cùng. Frank qua đó, nhấn mạnh sự nguy hiểm của việc thần tượng hóa các anh hùng, và khuyến khích độc giả hãy phát triển năng lực phán xét của riêng mình.

Phần chuyển thể của "Xứ Cát" trên màn ảnh rộng (Phần 2) hiện đang được chiếu rộng rãi trên các cụm rạp (mình khuyến khích các bạn không nên bỏ lỡ). Một tác phẩm điện ảnh không dễ nuốt cho những ai thích những câu chuyện đơn giản hay giải trí đơn giản (bởi những ai có tâm thế này sẽ không đủ kiên nhẫn để xem trọn vẹn), bạn sẽ được sống ba tiếng đồng hồ trong một thế giới đầy đủ cung bậc: nhanh và chậm, nhỏ bé và hùng vĩ, lắng đọng và kịch tính, giản đơn và rực rỡ trên cái nền triết lý đậm sâu (với rất nhiều tầng nghĩa và biểu tượng). Mình phải ngả mũ thán phục khả năng chuyển thể và thẫm mĩ phi thường của đạo diễn Denis Villeneuve (Phần 1 của phim đã đoạt sáu giải Oscar)