Bitcoin và Ngưỡng số Dunbar

Bitcoin và Ngưỡng số Dunbar

[Chia sẻ] [Hugo Nguyen]

Những ai chơi với mình sẽ biết là trong “crypto” mình chỉ quan tâm đến Bitcoin là chính, chứ không quan tâm mấy đến những dự án “blockchain” khác – thứ mà bây giờ bị người ta thổi phồng lên một cách quá đáng. Mình có thể hình dung ra một tương lai mà một vài “tài sản số” (digital assets) ngoài Bitcoin có thể song song tồn tại. Nhưng so về tầm ảnh hưởng, những dự án ngoài Bitcoin theo mình sẽ chỉ đóng vai trò rất nhỏ.


Đi vào lý do tại sao hầu hết các dự án crypto không có tính khả thi và giá trị lâu dài (alt coins, Proof-of-Stake, ICOs, NFTs, v.v.) thì mình đã viết rất nhiều trên Twitter/Medium. Nhưng trong bài này mình muốn đề cập đến một vấn đề rộng hơn. Bitcoin sẽ giúp con người chúng ta liên kết, tổ chức xã hội ở một tầm cao hơn và một cách hiệu quả hơn. Nói chính xác hơn, Bitcoin sẽ giúp chúng ta vượt qua ngưỡng số Dunbar hiện tại.


Ngưỡng số Dunbar là gì? Và Bitcoin thì liên quan gì tới nó? Chúng ta sẽ tìm hiểu chúng qua 4 câu chuyện sau đây.

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: COLOMBO VS. NHÀ MINH

Sinh ra ở thời này, chúng ta coi việc phương Tây văn minh và phát triển hơn phương Đông là chuyện hiển nhiên. Những thành tựu phương Đông đạt được trong những thập kỷ qua chỉ xảy ra khi phương Đông chịu mở cửa và đón nhận những giá trị tinh hoa của phương Tây. Đi đầu là Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2. Sau đó đến Hàn, Đài, Sing, Hong Kong (4 con hổ châu Á). Sau cùng là Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Cứ nhìn quanh ở xã hội Việt Nam vào thời điểm này, trong cuộc sống hàng ngày, từ chiếc điện thoại, Internet, ô tô tới cái toilet hiện đại sạch sẽ, mọi sự phát triển đều mang đậm dấu ấn của phương Tây.
Thế nhưng, hiện tượng này thực ra khá mới trong lịch sử loài người. Chính Phương Đông, tiêu biểu là Trung Quốc, mới là đại diện cho sự văn minh nhân loại trong hàng ngàn năm liền.
Trước khi Colombo “tìm ra” châu Mỹ thì gần một thế kỷ trước đó, nhà Minh đã có những hạm đội thuyền hùng hậu đi thám hiểm những vùng đất xa xôi trên thế giới. Mỗi lần thám hiểm, họ cử đi hàng chục nghìn tuỳ tòng, quân lính. Tàu của TQ dài hơn 100m, to gấp 4-5 lần tàu thám hiểm của châu Âu sau này. Họ đã đi đến những vùng đất như là Ba Tư, Ai Cập, eo biển Mozambique. Có giả thuyết họ có thể đã đến cả châu Mỹ. Hùng hậu như vậy, nhưng có một số lý do khiến TQ không thành công trong việc chinh phục những vùng họ tới như những người châu Âu. Thứ nhất, tàu của TQ mục đích chính là để phô trương thanh thế, thu hồi cống phẩm. Nhưng chỉ cống phẩm thôi thì không đủ trả chi phí cho những chuyến đi “khủng” như vậy. Thứ hai, tàu TQ quá cồng kềnh không phù hợp cho việc thúc đẩy thương mại hàng hải. Do vậy, về căn bản những chuyến đi này là đốt tiền, không có giá trị thương mại. Chính vì thiếu tính thương mại như vậy nên sau thế kỷ 15, TQ phải đóng cửa đường thuỷ khi đối mặt với mối đe doạ xâm chiếm phía Bắc từ các bộ tộc Mông Cổ.
Nhưng nói thế để biết thời kỳ Trung cổ Trung Quốc hưng thịnh thế nào. Việc thám hiểm vùng đất mới chỉ là phản ảnh một mặt của xã hội. Nhưng nó là cách đánh giá rất tốt mức độ phát triển của xã hội đó, vì rõ ràng là phải có kinh tế, thực lực hùng mạnh một quốc gia mới dám nghĩ đến chuyện mạo hiểm hoặc “chơi lớn” như vậy. Việc nhà Minh hay Colombo khám phá thế giới bằng đường thuỷ cũng giống như việc NASA, SpaceX hay Blue Origin đang cạnh tranh khám phá vũ trụ thời nay vậy.
Nói tóm lại là, TQ vào thời điểm đó thực sự là đệ nhất thiên hạ.
Đến đầu thế kỷ 19, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, tổng sản lượng GDP chiếm 1/3 toàn cầu. Toán học, văn học, thuốc súng, giấy, kim loại họ đều vượt trội. Một số công nghệ tinh xảo như gốm sứ, mãi sau này phương Tây mới có thể bắt chước được.
Mọi việc bắt đầu thay đổi từ khoảng ~400 năm về trước. Ngoài câu chuyện tư tưởng sai lầm trong việc thám hiểm trên, điều gì đã khiến phương Đông thụt lùi? Chính xác hơn, điều gì đã khiến phương Tây thoát xác, tăng trưởng vượt bậc?

CÂU CHUYỆN THỨ HAI: SỨC MẠNH, VÀ GIỚI HẠN CỦA TÍN NGƯỠNG

Nếu ai đã từng đọc cuốn Sapiens của Harari, thì sẽ biết “con số Dunbar”. Vì bị giới hạn về não bộ, con người chúng ta chỉ có thể có quan hệ mật thiết với tối đa là khoảng 100-200 người.
Để mà con người có thể liên kết lại với nhau thành một tổ hợp trên vài trăm người, phải có một sức mạnh kỳ diệu nào đó để đoàn kết chúng ta lại. Còn nếu không chúng ta mãi mãi sẽ là những thổ dân sống trong những bộ lạc nhỏ với cỡ <200 người.
Đó chính là vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo.
Tín ngưỡng, tôn giáo là những điều đầu tiên trong lịch sử mà có thể khiến hàng nghìn người, hàng triệu người đồng lòng cùng hướng về một phía. Thậm chí họ có thể bỏ mạng vì một mục tiêu (“tử về đạo”). Trước khi có tín ngưỡng, tôn giáo, việc con người đoàn kết ở một quy mô lớn là không tưởng.
Đến thế kỷ 11, Thiên Chúa giáo đã phủ sóng gần hết ở châu Âu. Các vị vua ở châu Âu thời Trung cổ phải được sự chấp thuận của Thiên Chúa giáo mới được “danh chính ngôn thuận” làm vua. Thời điểm đỉnh cao của Thiên Chúa giáo, Giáo Hoàng trực tiếp là người phong tước vua. Trung tâm quyền lực của châu Âu thời đó không phải là Anh, Pháp hay Tây Ban Nha, mà là Vatican.
Còn ở phương Đông, Nho giáo cũng đóng vai trò tương tự.
“Từ thời nhà Hán, Nho giáo đã trở thành trung tâm cho việc quản lý xã hội. Nhờ đạo Nho, các triều đình ít phải can thiệp vào đời sống của dân, cho các làng tự lập hương ước mà gần như tự trị.”
Nho giáo chính là cách người phương Đông chúng ta vượt qua con số Dunbar, tiến đến tổ chức một xã hội phức tạp.
Cả Thiên Chúa giáo và Nho giáo đều có sức liên kết con người rất lớn, nhưng chúng cũng có sức kìm hãm lớn không kém.
Thiên Chúa giáo đặt lời của Chúa lên làm chuẩn. Mọi việc trong cuộc sống phải thuận theo Kinh Thánh. Nếu Kinh Thánh nói trái đất là trung tâm của vũ trụ, thì trái đất phải là trung tâm vũ trụ. Nếu Kinh Thánh nói phải ném đá đến chết hay thiêu sống những kẻ tội đồ, thì phải mang họ đi ném đá thiêu sống.
Còn Nho giáo thì quá chú trọng về trật tự và vai trò của con người. “Vua phải theo đạo vua, tôi phải theo đạo tôi, cha phải theo đạo cha, con phải theo đạo con, chồng phải theo đạo chồng, vợ phải theo đạo vợ…” Người theo tư tưởng Nho giáo là người nghĩ sinh ra mọi việc đã được an bài, phải theo một trật tự nhất định. Nho giáo không khuyến khích con người tìm hiểu những hiện tượng tự nhiên, vì theo Nho giáo những gì phàm về giác quan không quan trọng bằng lương tâm và đạo lý làm người. Nho giáo lấy con người làm trọng tâm tư tưởng, chứ không phải thiên nhiên. Nho giáo cũng không khuyến khích văn hoá phản biện hay phá vỡ luật lệ.
Mốc đánh dấu sự chuyển mình của phương Tây là khi Copernicus và sau đó là Galileo dám tuyên bố ngược lại với Kinh Thánh: trái đất không phải là trung tâm vũ trụ. Cùng với việc phát minh ra máy in ép (Gutenberg’s press) vào thế kỷ 15 và sự phổ biến kiến thức qua sách, cũng như những cuộc thám hiểm của Colombo đã dần dần thay đổi quan niệm của người phương Tây về thế giới tự nhiên, những sự kiện này đã châm ngòi cho cuộc cách mạng tư tưởng lớn nhất của loài người và mở ra con đường khoa học tại phương Tây. Từ khi khoa học ra đời, con người bớt tin vào những đấng thần linh và sự mê tín. Thay vào đó, chúng ta dựa vào giác quan để tìm ra những nguyên lý của tự nhiên.
Bây giờ chúng ta có thể trả lời câu hỏi ở trên: lý do khiến phương Tây nhảy cóc vượt đầu được phương Đông là vì họ đã thoát ra được khỏi cái bóng của Thiên Chúa giáo và tiến tới được con đường khoa học, trong khi phương Đông thì không thoát nổi cái bóng của Nho giáo.
Như vậy qua câu chuyện này ta có thể thấy tín ngưỡng là một con dao hai lưỡi. Vừa có khả năng liên kết, vừa có khả năng kìm hãm.
Nếu hệ thống tín ngưỡng hướng đến những điều tốt đẹp, ví dụ như các giá trị đạo đức đúng đắn (sống lương thiện, không trộm cắp, giết người, v.v.), thì xã hội sẽ tốt lên. Nhưng nếu tín ngưỡng ngăn cản sự tự do khám phá và đi tìm sự thật thì xã hội sẽ dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí là thụt lùi.

CÂU CHUYỆN THỨ BA: “TÔN GIÁO ĐÔ LA” (USD)

Như vậy, Thiên Chúa giáo và Nho giáo đã giúp con người xa xưa vượt qua giới hạn Dunbar, liên kết và tổ chức được những xã hội lớn và phức tạp.
Cũng như tôn giáo, có một loại tín ngưỡng khác cũng giúp con người vượt được giới hạn Dunbar: đó là tiền tệ.
Không những là một hệ thống tín ngưỡng như tôn giáo, tiền còn có sức liên kết tổ chức xã hội mạnh hơn cả tôn giáo.
Mượn lời của nhà sử học Harari:
“Tiền là hệ thống tín ngưỡng duy nhất mà có thể xoá tan mọi rào cản văn hoá, ngôn ngữ, luật lệ, phong tục tập quán. Tiền không phân biệt dựa trên tôn giáo, giới tính, chủng tộc hay tuổi tác.”
Nhờ có tiền mà hai con người xa lạ cách nhau hàng nghìn km, văn hoá hoàn toàn trái ngược nhau vẫn có thể trao đổi mua bán. Nhờ có tiền, chúng ta mới có thương mại, phát triển kinh tế. Nhờ có tiền mới có khái niệm tập đoàn, doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn. Nhờ có tiền, một xã hội hàng trăm triệu người xa lạ vẫn có thể vận hành trơn tru.
Phần lớn trong lịch sử, vàng là ông vua của tiền tệ (~5,000 năm). Nhưng sang đến thế kỷ 20, đồng đô la thay thế vàng trở thành đơn vị tiền tệ chuẩn của thế giới. Đây là hệ quả hoàn toàn của chiến tranh thế giới thứ 1 và chiến tranh thế giới thứ 2.
Nhờ vị trí địa lý biệt lập, nước Mỹ là nước công nghiệp ít bị ảnh hưởng nhất từ chiến tranh thế giới thứ 1 và thứ 2. Trong khi các đế quốc liên tiếp lao vào hai cuộc chiến khốc liệt, biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương đã giúp Mỹ giữ khoảng cách và tránh tổn thất. “Ngao cò tranh đấu, ngư ông đắc lợi.”
Không những không bị ảnh hưởng nhiều, Mỹ còn vươn lên trở thành chủ nợ của các quốc gia tham chiến. Các quốc gia mua vũ khí, nguyên liệu, đạn dược từ Mỹ, và thanh toán với Mỹ bằng tiền chuẩn của thế giới thời bấy giờ: vàng.
Sau khi 2 cuộc chiến kết thúc, Mỹ trở thành quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Hơn một nửa số vàng trên thế giới lúc đó nằm ở Mỹ. Trong khi đó, các đế quốc phương Tây khác bị tàn phá nặng nề, đồng tiền những nước này cũng mất giá trầm trọng. Hiệp định Bretton Woods ký năm 1944 giữa Mỹ, Nhật, Úc và các nước phương Tây chính thức đưa đồng đô la lên ngôi đơn vị tiền tệ chuẩn của thế giới. Khi đó, đô la vẫn có sự liên kết với vàng. Sở hữu đô la, là gián tiếp sở hữu vàng.
Mọi chuyện thay đổi vào năm 1971. Nước Mỹ, sa lầy ở Việt Nam, càng ngày càng không có khả năng chi trả cho cuộc chiến tranh kéo dài và những chương trình xã hội đã cam kết của tổng thống Johnson. Trong bối cảnh chịu nhiều áp lực đó, tổng thống Nixon đã đơn phương đưa Mỹ tách khỏi hệ thống Bretton Woods, chính thức thả nổi đồng đô la, cắt bỏ mối quan hệ gần 200 năm giữa đô la và vàng.
(Vai trò của vàng trong lịch sử Mỹ quan trọng tới mức những người cha đẻ nước Mỹ đã đưa một điều khoản “vàng và bạc” vào Hiến Pháp Mỹ năm 1787.)
Vâng, mình nói lại một lần nữa, vì điều nay gần như không bao giờ được đề cập đến trong các sách giáo khoa: áp lực sa lầy của chiến tranh Việt Nam là một trong những yếu tố chính khiến chính phủ Mỹ tách đồng đô la ra khỏi mối quan hệ với vàng. Hay nói cách khác, cuộc chiến tranh Việt Nam đã gián tiếp tạo ra hệ thống tiền tệ của thế giới bây giờ.
Từ thập kỷ 70, số lượng đô la được in ra hàng năm là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (the Federal Reserve). Cũng có thể nói là, từ thập kỷ 70, đồng đô la chính thức trở thành một loại “tôn giáo” thực thụ. Giá trị đồng đô la, thay vì dựa trên một loại kim loại trung lập, hiếm có, giờ đây, nó hoàn toàn dựa vào “niềm tin” của xã hội vào một tổ chức nhỏ ở Mỹ.
Việc chúng ta tin vào giá trị đồng đô la thời nay thực ra cũng giống như việc người Trung cổ tin vào chuyện trái đất là trung tâm vũ trụ vậy. Một người tin vào nó, đơn giản là vì những người xung quanh và xã hội cũng đang tin vào nó.
Vai trò của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng không khác gì Giáo Hoàng ở Vatican thời xưa. Nhất cử nhất động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cả thế giới phải lắng nghe. Họ hắt xì hơi, là cả thế giới phải rùng mình.
Và cũng như Thiên Chúa giáo, “tôn giáo đô la” cũng có sức kìm hãm lớn. Cùng với vị thế gia tăng của đồng đô la, Mỹ còn lên ngôi với vị trí “cảnh sát” của hệ thống thương mại toàn cầu.


Việc hầu hết các giao dịch thương mại, các khoản vay vốn đa quốc gia được thanh toán bằng đô la đồng nghĩa với việc Mỹ có rất nhiều cách để can thiệp được vào những ngạch thương mại trên thế giới, thậm chí là những ngạch thương mại không liên quan gì tới Mỹ và không dùng tới đô la. Đây là cách Mỹ áp dụng chính sách cấm vận với nhiều nước trong nhiều thập kỷ qua.
Công cụ cấm vận chính của Mỹ là dựa trên hệ thống CHIPS (the US Clearing House Interbank Payments System), với thành viên là 47 các nhà băng lớn trên thế giới. Mỗi ngày, có khoảng 1.5 nghìn tỷ đô la được giao dịch qua hệ thống này, chiếm 96% thị phần giao dịch đô la toàn cầu.
Nếu muốn cấm vận một quốc gia như Iran, Mỹ có thể cấm các nhà băng thành viên CHIPS không được giao dịch quan hệ với Iran. Không những cấm vận trực tiếp, Mỹ còn áp dụng luật cấm vận gián tiếp. Nếu nhà băng nào vô tình giúp đỡ một tổ chức thứ 3 giao dịch với Iran, nhà băng đó sẽ bị CHIPS cho vào sổ đen, phạt hoặc tẩy chay khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Những năm gần đây, cụ thể là sau sự kiện 9/11, Mỹ càng ngày càng mạnh tay với các chính sách cấm vận của mình. Điều này đã gặp phải sự chống đối không nhỏ của nhiều nước, bao gồm Nga, Trung Quốc, và ngạc nhiên hơn nữa là chính những nước đồng minh.
Khi tổng thống Trump tăng cường cấm vận với Iran, các nhà lạnh đạo khối EU đã khuyến khích các thành viên duy trì những ngạch thương mại cần thiết với Iran. Một số nước như Anh, Pháp và Đức đã tạo ra tổ chức Instex năm 2019 để “lách” các luật cấm vận của Mỹ với Iran, nhưng đã không thành công. Sức ảnh hưởng của Mỹ quá lớn.
Cả khối EU, Nga và Trung Quốc đều đang tích cực tìm cách thoát khỏi sự chi phối của đồng đô la bằng cách thúc đẩy đồng tiền và hệ thống riêng của họ.
Đây chính là một ví dụ điển hình về sự kìm hãm của “tôn giáo đô la”. Khi một đồng tiền bị một nhóm nhỏ kiểm soát, thao túng, nó giảm đi sức liên kết vượt ngưỡng Dunbar. Sẽ có thể có hàng trăm tỷ đô la giá trị thương mại được tạo ra nếu khối EU được mua bán thông thương với Iran, nhưng Mỹ đã đơn phương cản lại những ngạch thương mại này.
Việt Nam cũng đã từng là nạn nhân của cấm vận Mỹ. Nếu không bị Mỹ cấm vận, rất có thể Việt Nam chúng ta đã thoát nghèo từ lâu rồi, chứ không phải chờ đến 20 năm gần đây.
Quan trọng hơn cả vấn đề cấm vận, sức kìm hãm của đồng đô la nằm ở nguy cơ lạm phát.
Lòng tin tuyệt đối vào các đồng tiền pháp định như đô la cũng làm chúng dễ bị thao túng. Lịch sử là một chuỗi rất dài những minh chứng về sự thao túng và sau đó là sự mất kiểm soát đồng tiền của các quốc gia. Đó là đế chế La Mã, triều đại nhà Tống, nhà Minh ở Trung Quốc, hay nước Đức trong chiến tranh thế giới thứ nhất, v.v. Những năm gần đây, đó là Argentina, Venezuela và Zimbabwe.
Tiền xu bạc của đế chế La Mã là một ví dụ điển hình. Từ ~100% bạc nguyên chất, tiền xu La Mã chỉ còn <5% lõi bạc đến những năm về sau. Một số lịch sử gia cho rằng việc đồng tiền mất giá là nguyên nhân chính khiến La Mã sụp đổ. Thương mại và lợi ích kinh tế là yếu tố quan trọng giữ được sự đoàn kết giữa các lãnh thổ đã được chinh phục bởi đế chế La Mã. Nhưng việc đồng tiền siêu lạm phát đã xoá xổ tài sản của người dân nghèo và trung lưu, làm tê liệt thương mại giữa các vùng miền và châm ngòi cho những cuộc nội chiến đẫm máu.
Cũng như việc cấm vận, khi đồng tiền mất giá, không những nó giảm bớt khả năng liên kết tổ chức xã hội, mà còn là tác nhân gây xung đột, chiến tranh.
Mỗi một đồng tiền lạm phát đều để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tác hại thứ nhất là sự mất đi lòng tin của xã hội, gây thụt lùi kinh tế thương mại. Tác hại thứ hai là đẩy cao mâu thuẫn xung đột. Tác hại thứ ba, nghiêm trọng hơn và khó đong đếm hơn, là nó đẩy những người nghèo vào tình trạng nghèo hơn, khi họ không có những công cụ thoát khỏi sự lạm phát như những người giàu có (như đổ tài sản dự trữ vào cổ phiếu hoặc bất động sản).
Không phải là ngẫu nhiên mà chênh lệch giàu nghèo trên toàn thế giới lại tăng một cách chóng mặt từ thập kỷ 70 – khi Mỹ bắt đầu thả nổi đô la. Mức chênh lệch giàu nghèo thời nay còn tồi hơn cả thời Trung cổ. Khoảng cách giàu nghèo quá cao làm cho xã hội bất ổn, và cũng là lý do nhiều năm gần đây bạo loạn xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Hơn 20% tổng số đô la trên thế giới được in ra trong năm 2020, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ. Nợ công của Mỹ cũng đang tăng một cách chóng mặt. Kho bạc Mỹ trong quý 2 năm nay vay 3,000 tỉ đô la, một mức cao kỷ lục chưa từng thấy.
Liệu đồng đô la đương đại, một đồng tiền pháp định có lịch sử 50 năm (tương đối ngắn so với bề dày lịch sử tiền tệ) có nguy cơ lạm phát cao không? Chúng ta chưa biết, nhưng nếu lịch sử là bài học, thì đô la cũng sẽ không là một ngoại lệ, bất kể quá khứ Mỹ có mạnh đến đâu.

CÂU CHUYỆN THỨ TƯ: SỨ MỆNH CỦA BITCOIN

Bitcoin có tiềm năng lớn vì nó có thể trở thành một chuẩn đơn vị tiền tệ mới, giúp chúng ta vượt ngưỡng Dunbar cao hơn cả vàng và đồng đô la.
Bitcoin ưu việt hơn đô la vì cũng như vàng, nó có tính trung lập cao. Nhờ hệ thống phi tập trung (decentralized), Bitcoin không thể bị bất kỳ một tổ chức hay một quốc gia nào thao túng, chi phối. Bitcoin cũng không thể in thêm quá 21 triệu đồng đã được Satoshi Nakamoto lập trình sẵn.
Bitcoin ưu việt hơn vàng vì nó được xây dựng trên nền tảng số. Chi phí lưu trữ, vận chuyển vàng, và kiểm định vàng thật rất cao, trong khi đó, Bitcoin có chi phí lưu trữ thấp, có thể gửi tới nửa bên kia bán cầu chỉ trong vòng vài phút, và rất dễ để kiểm định độ thật giả. Bitcoin là đồng tiền hợp sử dụng nhất với mạng Internet vì cũng như Internet, Bitcoin phi quốc gia, phi biên giới.
Bitcoin giống vàng ở chỗ sự “hiếm” và khó làm giả của chúng đều dựa trên nguyên lý năng lượng. Nguyên tử vàng được tạo ra hàng tỷ năm trước khi những ngôi sao neutron đập vào nhau (đây chính là “Proof-of-Work” của vàng). Năng lượng tạo ra vàng là lớn không tưởng và chính vì thế, làm giả nó không có dễ. Tương tự, để làm giả một đồng Bitcoin hay blockchain của Bitcoin cũng tốn một nguồn năng lượng khổng lồ. (Giá làm giả một thứ thường gần với giá sản xuất, tạo ra thứ đó). Tại sao đào Bitcoin lại phải tốn điện và quá trình đó xảy ra như thế nào là một chủ đề không dễ hiểu. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, chính sự tốn điện của Bitcoin đảm bảo độ hiếm, trung lập và an toàn của Bitcoin. Cũng chính vì dùng năng lượng mà một đồng Bitcoin, dù không sờ được thấy được, vẫn rất “thật” (mass = energy). Còn tờ đô la, mặc dù sờ được thấy được, hoá ra mới thực sự “ảo”.
Để đạt được sứ mệnh kết nối tổ chức xã hội ở tầm cao hơn, có 2 tiêu chuẩn Bitcoin phải đảm bảo được và luôn hướng tới:

Tính trung lập.

Tính ổn định, an toàn.

Tính trung lập: Nếu mất tính trung lập, Bitcoin sẽ rơi vào vết xe đổ của tiền đô la. Sự phi tập trung của hệ thống chính là cách Bitcoin duy trì được tính trung lập. Điều đáng nói ở đây là có rất nhiều cách đong đếm mức độ phi tập trung. Ngoài mức độ phi tập trung của vị trí máy đào, còn có mức độ phi tập trung của đội ngũ lập trình viên (developers) phát triển và nâng cấp hệ thống, mức độ phi tập trung của người dùng Bitcoin, mức độ phi tập trung của các doanh nghiệp Bitcoin, các sàn giao dịch Bitcoin, v.v. Cũng có một số chỉ số phi tập trung mang tính PR không nhiều giá trị lắm, như là tổng số node/validator của hệ thống, vì chỉ cần một người cũng có thể dựng lên 1000 máy chủ giả trên điện toán đám mây. Đa số các dự án “blockchain” hiện nay về căn bản đều không có độ phi tập trung tốt, thường chịu kiểm soát của một nhóm thiết kế nhỏ. Như thế chúng không khác những công nghệ hiện tại chạy database truyền thống như MySql hay MongoDb là mấy. Hay nói cách khác là “bình cũ, rượu mới”. Sử dụng blockchain mà không đảm bảo được tính phi tập trung thực sự là một điều rất phí phạm, nếu không muốn nói là vô nghĩa. Để hiểu thêm về vấn đề đong đếm mức độ phi tập trung, hãy tham khảo thêm bài viết của Balaji S. Srinivasan, cựu General Partner của quỹ đầu tư Andreessen Horowitz, và cựu CTO của Coinbase [1].
Minh chứng tiêu biểu nhất cho tính phi tập trung của Bitcoin là qua cuộc “nội chiến” Bitcoin năm 2017, khi cộng đồng Bitcoin tách thành 2 phe đối lập trong việc định hướng tương lai Bitcoin. Một bên là liên minh các công ty Bitcoin có thế lực lớn nhất thời đó như Coinbase, Bitmain, BitPay, Grayscale Investments, Xapo, v.v. muốn Bitcoin nhanh hơn, phí giao dịch rẻ hơn. Một bên là đội ngũ lập trình viên Bitcoin và cộng đồng người dùng Bitcoin, muốn giữ Bitcoin như nó đã có để đảm bảo tính phi tập trung, và giải quyết các vấn đề scaling (làm sao để tăng số lượng giao dịch, làm sao để giao dịch rẻ và nhanh như Visa) ở các nền tảng nằm trên Bitcoin (layer 2, layer 3). Bên liên minh đại diện cho hơn 80% hashrate và 5 tỷ đô la giao dịch hàng tháng trên Bitcoin blockchain. Nhưng cuối cùng, bên liên minh này đã thua tan tác. Đồng BitcoinCash là một trong những hệ quả của cuộc nội chiến này và giờ nó cũng đang chết dần chết mòn. Kết quả của cuộc nội chiến này nói lên rằng: những thế lực lớn nhất Bitcoin cũng không thể đơn phương ép buộc thay đổi Bitcoin theo ý họ muốn.


Tính ổn định, an toàn: Ngoài tính trung lập, để trở thành một đơn vị chuẩn của thế giới, lại là liên quan đến vấn đề sống còn là tiền bạc tài sản, thì tính ổn định, bất biến và an toàn của Bitcoin cũng phải được đặt lên hàng đầu. Bitcoin cần hạn chế những sự thay đổi, trừ những nâng cấp thực sự cần thiết.
Bitcoin bản chất là một giao thức phần mềm (software protocol). Vì nó là phần mềm nên nhiều người lầm tưởng Bitcoin cũng giống những phần mềm khác. Trên thực tế, phần mềm Bitcoin rất đặc biệt và có yêu cầu khắt khe hơn 99.99% các phần mềm chúng ta thường gặp trong cuộc sống.
Những phần mềm viết cho Windows 95 hay Macintosh II (1987) ngày nay đều đã tuyệt chủng và gần như không ai có thể chạy chúng (phiên bản gốc) trên những máy tính đương thời. Bitcoin thì khác, vì nó là tài sản, nên phần mềm Bitcoin của ngày hôm nay vẫn phải chạy được sau 30 năm, 50 năm, thậm chí là sau 100 năm. Cũng như vàng, tiền Bitcoin chúng ta có thể để lại cho đời con đời cháu. Chính vì thể tính ổn định của nó phải rất cao.
Phần mềm Bitcoin có thể liệt kê ngang hàng với những phần mềm mission-critical như phần mềm quản lý nhà máy điện hạt nhân, hay phần mềm cho robot thám hiểm sao Hoả. Sai số cho những dự án này là rất thấp vì nếu có sai, hậu quả sẽ là rất lớn. Tiêu chí an toàn phải đặt ở mức cao nhất có thể, và thiết kế của các hệ thống này thường cần nhiều tầng bảo vệ. Điều chú ý ở đây là đa số các lập trình viên không được huấn luyện cách viết và chế tạo ra những hệ thống phần mềm như thế này. Bitcoin rất khác với các ứng dụng điện thoại mobile hay những website: nhiều tính năng nhưng cũng nhiều lỗi và lỗ hổng bảo mật, hôm nay thế này, ngày mai thế khác. Còn Bitcoin, càng giản lược và càng ít tính năng càng tốt.
Hệ thống Bitcoin sau hơn 12 năm vận hành đã có chỉ số uptime là ~99.99%, nghĩa là trong 12 năm không có lúc nào Bitcoin ngừng nghỉ hay bị “sập hệ thống” (trừ 1 sự cố nhỏ thời Bitcoin mới khai sinh). Kỷ lục này còn đáng nể hơn cả những hệ thống của Google, Facebook, Netflix hay CloudShare về tính ổn định, khi những công ty này đều có những lúc sập máy chủ.
Cần phải nói thêm ở đây là Bitcoin không phải là hoàn hảo. Tính trung lập và ổn định của Bitcoin dù sao cũng chỉ là tương đối. Trong quá khứ đa số các máy đào Bitcoin đã từng tập trung ở Trung Quốc, nhưng những thay đổi trong mấy năm gần đây đã dần phân tán hoá hệ thống máy đào Bitcoin trên thế giới (xem bài “mất điện ở Tân Cương” gần đây của mình để hiểu thêm). Tính ổn định của Bitcoin, mặc dù hơn những hệ thống phần mềm chúng ta từng biết, nhưng so với vàng với lịch sử 5,000 năm thì vẫn là còn rất sớm để nói. Thế nhưng, trong những dự án blockchain thì Bitcoin bỏ xa tất cả các dự án khác về tính trung lập và ổn định, và càng ngày càng cải thiện hơn khi đội ngũ lập trình viên Bitcoin hiểu được tầm quan trọng của những yêu cầu này.

KẾT

Lý do con người trở thành vua của các loại động vật là nhờ khả năng liên kết, tổ chức xã hội. Mặc dù khả năng ngôn ngữ giúp con người trao đổi, nhưng nếu không có một hệ thống liên kết khác, thì con người chỉ có thể liên kết ở mức độ bộ lạc vài trăm người. Đây là ngưỡng số Dunbar.
Tôn giáo tín ngưỡng là những phát minh đầu tiên giúp con người vượt ngưỡng số Dunbar. Nhưng tôn giáo tín ngưỡng cũng có sức kìm hãm không nhỏ nếu chúng giới hạn sự tự do khám phá.
Tiền tệ cũng là một hệ thống tín ngưỡng. Nhờ có tiền mà chúng ta có thể giao dịch thương mại với những người xa lạ ở những xứ sở xa xôi, không cùng ngôn ngữ văn hoá. Sức liên kết tổ chức xã hội của tiền còn vượt cả sức liên kết của tôn giáo. Nhưng cũng như tôn giáo, một đồng tiền bị thao túng và tập trung cũng có sức kìm hãm lớn. Đô la là đơn vị tiền tệ chuẩn của thế giới của thế kỷ 20, nhưng liệu nó có bị Mỹ lạm quyền, gây mất kiểm soát không, chúng ta hãy chờ xem. Lịch sử là rất nhiều những minh chứng cho sự mất kiểm soát của các loại đồng tiền tập trung.
Bitcoin có tiềm năng rất lớn vì nó ưu việt hơn cả vàng và đô la ở nhiều điểm, mặc dù mới có lịch sử 12 năm. Nếu thành công, Bitcoin sẽ giúp con người chúng ta liên kết tổ chức xã hội vượt cả những gì có thể với vàng và đô la, tiến tới một thế giới thực sự phẳng, không biên giới. [2]

Hugo Nguyen, 15/05/2021

P.S. #1: Qua bài này, mình hi vọng mọi người ít nhất nhận ra rằng để hiểu Bitcoin, cần có sự nghiên cứu về lịch sử, tiền tệ, tổ chức xã hội, v.v. Yếu tố kỹ thuật tuy quan trọng nhưng chỉ là một phần của Bitcoin và sẽ là rất sai lầm nếu chỉ nghiên cứu Bitcoin hay blockchain từ góc độ công nghệ.
Mình cũng khuyến khích việc tự tìm hiểu thông tin và kiểm chứng thông tin, bao gồm cả những thông tin trong bài này. Một trong những châm ngôn của phong trào Bitcoin là “do not trust, verify”, nghĩa là không tin tưởng ai nói với bạn Bitcoin là gì, làm sao có thể khẳng định trên đời chỉ có 21 triệu đồng Bitcoin mà thôi? Bạn hay tự chạy phần mềm kiểm chứng điều đó. Điều này áp dụng cho cả kiến thức nữa.

P.S. #2: Về kiến thức kỹ thuật, nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về bằng chứng công việc (Proof-of-Work), sự ngẫu nhiên (randomness), mật mã (public-key cryptography) hay hệ thống khen thưởng (incentive scheme) của Bitcoin, mình đã có viết một Bitcoin 101 series trên Medium. [3]

[1] https://medium.com/m/global-identity?redirectUrl=https%3A%2F%2Fnews.earn.com%2Fquantifying-decentralization-e39db233c28e%3Ffbclid%3DIwAR1jX0w0ghMnhmjVTmv-wA_uAv8gWuhCCznvwp2mA_qw_B0QkDtjEPnau8c

[2] Nick Szabo, cha đẻ của bitgold, một dự án tiền số tiền thân của Bitcoin, cũng có viết một bài rất hay về chủ đề này, “Social Scalability”:
https://unenumerated.blogspot.com/2017/02/money-blockchains-and-social-scalability.html?fbclid=IwAR36tTCiEEkX7Y3NWkNNDetmrh8R_BHg9u2aYIHFQYScLvkDLObkVy2QCjc

[3] https://medium.com/m/global-identity?redirectUrl=https%3A%2F%2Fbitcointechtalk.com%2Fthe-anatomy-of-proof-of-work-98c85b6f6667%3Ffbclid%3DIwAR1USzJzD5Olxa0x_x3zd_h_f75qmMfp7g7jmzoH_cGLa4FOTzICkU2MflM