Các bức tường

Các bức tường

Angela Merkel là khách mời đặc biệt tại buổi lễ tốt nghiệp 2019 của Harvard. Bà là chính trị gia dẫn đắt đảng CDU Đức trong suốt 18 năm (từ 2000 đến 2018), giữ cương vị Thủ tướng Đức từ năm 2005 cho đến nay. Merkel luôn được công nhận rộng rãi là thủ lĩnh không chính thức của Liên Minh Châu Âu, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới và là người gác đền của Thế giới Tự Do. Khi bà đến thăm Việt Nam cách đây 8 năm, mình đã có cơ duyên tham dự diễn đàn Kinh tế Việt – Đức ở khách sạn New World nơi bà có một bài phát biểu tới cộng đồng Doanh nghiệp hai nước để thúc đẩy hợp tác song phương. Mình còn nhớ phóng viên có hỏi bà về ấn tượng đầu tiên khi bà dặt chân xuống Việt Nam và Merkel đã trả lời là“Giao thông” (nền văn hóa xe máy).

Cách đây 8 tháng, bà tuyên bố sẽ không tái tranh cử chủ tịch CDU trong nhiệm kỳ mới nhưng vẫn giữ chức Thủ tướng tới hết năm 2021 với thông điệp: “Đây là thời điểm bắt đầu một chương mới.” Bài chia sẻ của Merkel tại Harvard đã điểm lại các nhân tố góp phần định hình nhân sinh quan của bà – thứ gắn chặt chẽ với lịch sử biến động của châu Âu như Thế chiến 2 (Holocaust), Chiến tranh Lạnh (Bức tường Berlin). Bà cũng chia sẻ về các động lực chuyển hóa biến bà từ một nhà khoa học thành một chính trị gia cùng sáu “bài học quan trọng” mà bà đã đúc kết trong cuộc đời “huy hoàng” của mình. Quan trọng hơn cả, Merkel kêu gọi xóa bỏ các bức tường – hữu hình hay vô hình – đặc biệt là sự thờ ơ và tâm trí hạn hẹp của con người như cách cả Châu Âu đã đồng lòng đập bỏ bức tường Berlin – mở ra cánh cửa cho Merkel bước vào thế giới tự do. Mình đã lược dịch bài chia sẻ của Merkel ở dưới đây:

Xin cảm ơn các bạn. Tôi xin bắt đầu ngay bây giờ.

Chủ tịch Bacow, các thành viên của Viện đại học Harvard, Ban Giám Sát, Hội cựu sinh viên, các phân khoa, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các bạn sinh viên, những người sắp tốt nghiệp thân mến.

Hôm nay là một ngày tràn ngập hân hoan. Một ngày dành riêng cho các bạn với các lời chúc tụng. Tôi rất hãnh diện khi có mặt ở đây để chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm của mình. Buổi lễ này đánh dấu sự kết thúc một chương đầy căng thẳng và thách thức trong cuộc đời các bạn. Nhưng giờ đây, một cánh cửa mới đã mở ra, đầy phấn khích và tràn ngập cảm hứng.

Bức tường Berlin

Một nhà văn Đức tên Hermann Hesse đã từng có những dòng văn tuyệt đẹp dành cho những khoảnh khắc như thế này trong đời. Tôi sẽ trích dẫn câu nói của ông và sau đó sẽ tiếp tục bài thuyết trình của mình bằng tiếng mẹ đẻ của tôi (sau đó bà bắt đầu nói Tiếng Đức). Hermann Hesse viết:

Những khởi đầu mới luôn ẩn chứa trong đó một lực đẩy kỳ diệu
Thứ sẽ canh phòng và hướng chúng ta sống như thế nào cho phải lẽ

Những dòng chữ trên của Hermann Hesse đã gây cảm hứng mạnh mẽ cho tôi, khi ấy là lúc mà tôi hoàn thành tấm bằng cử nhân vật lý ở tuổi 24, thời điểm năm 1978.

Thế giới khi đó bị chia làm hai phe: Phương Đông và Phương Tây. Đó là giai đoạn Chiến Tranh Lạnh. Tôi lớn lên ở Đông Đức, trong khu vực GDR (Cộng hòa Dân Chủ Đức/Đông Đức – một nước tồn tại từ 1949 đến 1990 theo định hướng xã hội chủ nghĩa) vào thời điểm mà tự do ở phần quê nhà này của tôi bị kìm kẹp và chế độ độc tài nắm ưu thế. Nhân dân bị đè nén và giám sát chặt chẽ bởi nhà nước. Các đối thủ chính trị bị triệt tiêu. Chính phủ GDR lo ngại rằng người dân của họ sẽ chạy trốn để kiếm tìm tự do. Đó là lý do tại sao mà Bức tường Berlin được xây dựng, một công trình tốn kém bằng bê tông và cốt thép. Bất cứ ai tìm cách để vượt qua nó đều bị bắt giữ hoặc bắn bỏ. Bức tường nằm ngay giữa Berlin đã chia cách con người đồng thời cũng chia cắt các gia đình, trong đó có gia đình tôi.

Công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp là trở thành một nhà vật lý tại Viện Khoa Học Đông Berlin. Nơi tôi sống cách Bức tường Berlin không xa. Mỗi khi đi từ viện khoa học về nhà tôi đều bước ngang qua nó, đằng sau đó là Tây Đức. Mỗi ngày tôi đều đến gần bức tường để quan sát chân trời tự do phía bên kia để sau đó ngậm ngùi quay đi vào phút cuối để về căn hộ của mình. Tôi không biết mình đã làm điều ấy biết bao nhiêu lần. Có những lúc, tôi có cảm giác không thể chịu đựng điều này thêm nữa, sự chán nản bao phủ tâm trí tôi.

Tôi không phải là một người bất đồng chính kiến. Tôi không ra mặt chống phá bức tường nhưng trong thâm tâm, tôi không đồng ý với sự tồn tại của nó. Bức tường Berlin đã hạn chế rất nhiều khả năng của tôi bằng cách tạo ra cản trở “vật lý”, nhưng có một điều nó không thể làm trong suốt những năm tháng tuổi trẻ của tôi: chặn đứng những suy nghĩ bên trong. Tính cách, trí tưởng tượng và hoài bão của tôi không thể bị xóa bỏ bởi sự cấm đoán và áp bức.

Rồi cái năm định mệnh 1989 cũng đến, ý chí đồng lòng vươn tới tự do của cả châu Âu đã giải phóng một sức mạnh to lớn. Hàng trăm và hàng ngàn người tiến hành chiếm đóng đường phố ở Phần Lan, Hungary, Czechoslovakia (Vùng Czech và Slovak, một lãnh thổ Trung Âu, tiếng Việt gọi là Tiệp Khắc) và cả GDR (Đông Đức). Ai ai cũng mong muốn bức tường Berlin phải bị đập bỏ, điều mà nhiều người trong đó có tôi coi là bất khả thi đã trở thành hiện thực. Từ phía tối của bức tường, một cánh cửa đột ngột mở ra. Khoảnh khắc kỳ diệu đó đã đến và tôi sẽ không quay mặt trước tự do thêm lần nào nữa. Giờ đây, tôi đã có thể bước qua làn ranh và mạo hiểm bước vào thế giới mở to lớn vĩ đại.

Trong những ngày tháng cách đây 30 năm đó, tôi đã chiêm nghiệm một điều rằng không có gì có thể tồn tại hay duy trì mãi mãi. Các tân cử nhân thân mến, đây là nguyên tắc đầu tiên tôi muốn chia sẻ đến các bạn: nhìn vào tương lai, những thứ có vẻ cố định hay bất biến cuối cùng cũng sẽ thay đổi.

Mọi sự thay đổi dù to lớn hay nhỏ bé đều diễn ra trong tâm trí. Thế hệ của cha mẹ tôi đã học điều này một cách rất đau đớn. Ba và mẹ tôi sinh lần lượt vào các năm 1926 và 1928. Khi họ ở vào tuổi của đại đa số các bạn ở đây, nền văn minh nhân loại đã bị vụn vỡ bởi “ý chí” diệt chủng (Holocaust, tiếng Do thái gọi là Shoah) cùng hậu quả thảm khốc của Thế Chiến Hai (chỉ vừa kết thúc). Đất nước của tôi, Đức, đã đem đến những tổn thất không thể tưởng tượng được cho châu Âu và thế giới. Có vẻ như, phe chiến thắng cũng như phe chiến bại sẽ duy trì sự bất đồng trong nhiều năm tới nhưng thay vì vậy, châu Âu đã đồng lòng vượt qua hàng thập kỉ xung đột để cùng kiến tạo một trật tự hòa bình dựa trên các giá trị chung hơn là sức mạnh tự cường của mỗi quốc gia.

Dù cho có bao nhiêu trao đổi “tranh cãi” cũng như các bước lùi tạm thời, tôi luôn bị thuyết phục một cách chắc chắn rằng sự đoàn kết của châu Âu là căn cơ cho mọi thứ tốt đẹp. Hãy nhìn vào mối quan hệ giữa người Đức và người Mỹ, chúng ta thấy cách những cựu thù trong chiến tranh có thể trở thành bạn bè như thế nào. Cụ thể là những nỗ lực của George Marshall, người có công lớn trong việc đưa ra một bản kế hoạch ERP (Chương trình Hồi Phục Châu Âu được công bố trong một bài thuyết trình vào năm 1947 của Marshall). Sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương (transatlantic) cùng các giá trị mà chúng ta cổ võ – dân chủ và nhân quyền – đã đưa chúng ta bước vào thời đại của hòa bình – thịnh vượng và đem đến ích lợi cho nhiều người trong suốt 70 năm qua. Ngày nay, các “thành quả trên” khó có thể duy trì dài lâu khi các chính trị gia thuộc thế hệ mới đã không còn để tâm đến chương trình “Thực hành Lãnh Đạo” trên (Marshall Plan – Exercising Leadership), nhưng bất quá chúng sẽ đối diện với “Một hình thức Lãnh Đạo nào đó trong Lịch Sử” (Leadership in History).

Các tân cử nhân Harvard khóa 2019 thân mến: thế hệ của các bạn, những con người sẽ dẫn dắt chúng ta đến tương lai, trong nhiều thập kỉ tới sẽ phải đối diện với những thách thức “thế kỉ 21”. Chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) và xung đột thương mại đang đang đe dọa giao thương tự do – ảnh hưởng trực tiếp đến nền tảng thịnh vượng của chúng ta. Các chuyển đổi số đang phủ bóng lên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Chiến tranh và khủng bố đã dẫn đến các làn sóng di cư “cưỡng bách” và tị nạn. Biến đổi khí hậu đe dọa các nguồn lực tự nhiên trên hành tinh chúng ta. Tất cả các cuộc khủng hoảng trên đều là xuất phát từ con người. Vì vậy, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình để đưa các thách thức này vào trong tầm kiểm soát. Điều này hoàn toàn khả thi miễn là mỗi người trong chúng ta đều tham gia đóng góp dù chỉ một phần nhỏ bé – để thúc đẩy mọi thứ tốt lên. Như cái cách tôi đã nỗ lực để đảm bảo Đức, đất nước của tôi, có thể đạt được mục tiêu khí hậu “không carbon” vào năm 2050 (climate neutrality).

Những thay đổi “tích cực” là hoàn toàn có thể diễn ra nếu chúng ta đồng hành cùng nhau. Và đây là bài học thứ hai tôi dành cho các bạn: hơn bao giờ hết chúng ta cần tư duy và hành động đa phương thay vì đơn phương, toàn cầu thay vì quốc gia, chủ nghĩa thế giới thay vì biệt lập. Một cách ngắn gọn, đồng hành cùng nhau thay vì lẻ bóng một mình.

Các tân cử nhân thân mến, tương lai của các bạn sẽ đầy những cơ hội khác biệt hoàn toàn so với thế hệ chúng tôi. Nhìn lại dòng chảy công nghệ, rõ ràng điện thoại thông minh của các bạn có sức mạnh tính toán lớn hơn cả một cỗ máy IBM khổng lồ (mainframe) do Liên Bang Xô Viết sao chép từ phương Tây, công cụ mà tôi được phép sử dụng vào năm 1986 cho luận văn tốt nghiệp của mình ở Đông Âu. Ngày nay, chúng ta có thể sử dụng Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) để phân tích hàng triệu bức ảnh về các triệu chứng bệnh tật với mục đích giúp điều trị ung thư tốt hơn. Trong tương lai, các rô bốt thông minh (empathic robots) có thể giúp đỡ các bác sĩ và y tá tập trung hơn vào nhu cầu “cá biệt” của từng bệnh nhân. Chúng ta không thể biết được những phát kiến hay ứng dụng gì có thể nảy sinh từ đó, cơ hội từ AI thực sự đáng kinh ngạc. Khóa 2019 thân mến, cách các bạn tận dụng các cơ hội này thực sự rất quan trọng, nó sẽ định hình cách chúng ta làm việc, giao tiếp và phát triển. Lối sống của chúng ta sẽ có những tiến triển kinh ngạc.

Là thủ tướng của Liên Bang Đức (Federal Chancellor), tôi thường tự hỏi bản thân mình: Liệu tôi có đang làm điều đúng đắn? Tôi chọn làm điều gì đó là bởi vì tính đúng đắn của nó hay chỉ vì đó là lựa chọn khả dĩ. Các bạn cần hỏi đi hỏi lại mình câu hỏi này. Đây là “nguyên tắc chất vấn/suy tư” thứ ba tôi muốn dành cho các bạn: Liệu chúng ta có đang tự chủ thiết lập các luật lệ công nghệ hay chính nó đang quyết định cách chúng ta tương tác? Liệu chúng ta có đang nhìn nhận con người với đầy đủ các phẩm giá cao quý hay chỉ xem họ là khách hàng, nguồn dữ liệu hay đối tượng để giám sát?

Đó là những câu hỏi rất hóc búa. Tôi đã học được một điều rằng câu trả lời cho những câu hỏi phức tạp có thể tìm được nếu chúng ta luôn luôn nhìn thế giới qua con mắt của người khác. Nó đến từ việc chúng ta tôn trọng lịch sử, truyền thống, tôn giáo và danh tính của người khác. Nó cũng đến từ việc chúng ta bảo vệ vững vàng cho các giá trị “không thể tách rời” và có những hành động tương xứng. Đừng vội vàng đi theo những nông nổi nhất thời, thậm chỉ ngay cả khi áp lực khiến ta phải ra quyết định nhanh chóng, thay vì vậy hãy dừng lại một lát, giữ thinh lặng, suy tư, luôn có khoảng nghỉ cho mình.

Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi rất nhiều dũng cảm. Trên hết tất cả, nó đòi hỏi chúng ta phải thành thật với người khác và quan trọng hơn hết là với chính bản thân mình. Không gian Harvard này là nơi khởi đầu không thể tốt hơn, một tập hợp những con người trẻ tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới tìm kiếm tri thức dưới ánh sáng của “Sự thật” (Veritas – câu khẩu hiệu tiếng Latin của Harvard có nghĩa là chân lý hay sự thật). Một môi trường nghiên cứu hay thảo luận về các câu hỏi hóc búa của thời đại. Veritas không hàm ý một sự nhập nhằng giữa lời nói dối hay sự thật mà ám chỉ việc theo đuổi “chân lý” – chúng ta không chấp nhận những điều “sai trái” hay “bất công” trở thành một tiêu chuẩn (thông dụng).

Nhưng các bạn cử nhân thân mến, điều gì sẽ cản trở chúng ta thực hiện những điều tốt đẹp trên. Một lần nữa, đó là những bức tường: bức tường trong tâm trí, bức tường của sự thờ ơ và tư duy hạn hẹp. Nó tồn tại giữa các thành viên trong gia đình cũng như giữa các nhóm khác nhau trong xã hội, giữa các màu da, giữa con người với nhau, giữa các tôn giáo với nhau. Tôi mong muốn sẽ phá bỏ các bức tường này – những bức tường ngăn cản chúng ta giao tiếp về thế giới này bằng ý thức về “sự hòa hợp”.

Sự thành công trên đường đời hoàn toàn phụ thuộc vào chính chúng ta. Do đó, các bạn cử nhân thân mến, bài học thứ tư tôi muốn chia sẻ là: Đừng xem bất cứ điều gì là hiển nhiên (Take nothing for granted). Sự tự do cá nhân mà của chúng ta coi trọng không phải tự dưng mà có; điều này cũng đúng cho các khái niệm: dân chủ, hòa bình hay thịnh vượng. Ẩn dưới đó là một quá trình đấu tranh gian khổ. Nhưng nếu chúng ta phá bỏ những bức tường, mở những cánh cửa và đón nhận những khởi đầu mới, thì mọi thứ đều trở nên có thể: các bức tường có thể sụp đổ, các nền độc tài có thể biến mất, quá trình nóng lên toàn cầu có thể bị ngừng lại, nạn đói hay bệnh tật có thể bị loại bỏ, quyền được tiếp cận giáo dục mở ra cho mọi người đặc biệt à phụ nữ, vấn nạn “di cư cưỡng bách” và tỵ nạn có thể được khắc phục. Chúng ta hoàn toàn có thể đạt được tất cả những điều trên.

Đừng bao giờ hỏi điều gì sai lầm hay điều gì luôn bất biến mà hãy hỏi điều gì “khả dĩ” và luôn tìm kiếm những điều mới mẻ ta chưa từng làm. Đó chính xác là những câu chữ mà tôi đã nói tại buổi thuyết trình chính sách đầu tiên (2005) trong tư cách Thủ Tướng “vừa được bầu” của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Tôi là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị này ở Bundestag (Quốc Hội Đức). Tôi nhắc lại thông điệp trên để gửi đến các bạn bài học thứ năm: Luôn giữ tâm thế “kinh ngạc” trước những điều mới mẻ có thể xảy đến cùng những việc chúng ta có thể làm ngoài giới hạn thông thường.

Sự sụp đổ của Bức Tường Berlin cách đây 30 năm đã cho phép tôi chạm được ánh sáng của thế giới mở. Ngay khoảnh khắc đó, tôi đã bỏ công việc của một nhà khoa học ra phía sau và dấn thân vào chính trị. Một thời điểm đầy hào hứng và nhiệm màu như “tương lai phía trước” của các bạn. Nhưng tôi cũng có những khoảnh khắc chất chứa hoài nghi và lo lắng, chúng ta luôn biết điều gì đã để lại phía sau nhưng không thể biết cái gì đang chờ đón phía trước. Có lẽ , trong không khí hân hoan này, các bạn cũng có một chút cảm giác “mông lung” như vậy.

Và đây là bài học thứ sáu tôi muốn gửi gắm: Khoảnh khắc mà bạn vừa bước vào “thế giới mở” (đón nhận cái mới) cũng là khoảnh khắc của những rủi ro chực chờ. Việc bỏ lại những thứ cũ kĩ là một phần của hành trình mới: không có khởi đầu nào mà không có kết thúc, không có ngày nào mà thiếu đêm, không có sự sống nào mà không đi kèm cái chết. Cuộc sống của chúng ta đong đầy “những khác biệt” giữa khoảng không gian “bắt đầu” và “kết thúc”. Cái nằm ở chính giữa, không gì khác hơn chính là cuộc đời và trải nghiệm của mình.

Tôi tin rằng chúng ta phải có tâm thế sẵn sàng cho “những kết thúc” để cảm nhận được “điều kì diệu của khởi đầu”. Từ đó tận dụng mọi cơ hội có thể mà cuộc sống mang tới. Đó là cách tiếp cận của tôi trong nghiên cứu, trong khoa học, và thậm chí trong chính trị. Điều gì đang chờ đón tôi ở cuộc sống sau này trong vai trò một cựu chính trị gia. Nó sẽ không có giới hạn: một cuộc sống rất khác biệt và mới mẻ.

Đó là lý do tại sao tôi muốn dành sáu bài học này cho các bạn:

[1] Hãy phá bỏ những bức tường của sự thờ ơ và tư duy hạn hẹp và nhớ rằng không có thứ gì có thể tồn tại mãi mãi.
[2] Hãy hành động hợp tác để đảm bảo lợi ích đa phương toàn cầu
[3] Luôn hỏi bản thân mình: Tôi có đang làm điều này vì nó đúng hay đơn giản vì đó là điều khả dĩ
[4] Đừng bao giờ quên tự do không bao giờ là một điều hiển nhiên
[5] Luôn giữ tâm thế “kinh ngạc” trước những điều mới mẻ
[6] Nhớ rằng cởi mở luôn đi kèm với rủi ro. Để những thứ cũ kĩ qua đi là một phần của khởi đầu mới.

Tựu chung lại: không có thứ gì là hiển nhiên và mọi thứ đều có thể.

Xin cảm ơn