Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và WEF

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và WEF

Joe Kaeser, chủ tịch và CEO của Siemens AG đã gửi tới Diễn đàn kinh tế thế giới #wef18 bài chia sẻ góc nhìn của ông về “Cách Mạng Công Nghệ lần thứ 4” với tựa đề: “Thế giới đã thay đổi. Đây là cách mà các công ty phải thích ứng.” Trong đó, ông mô tả về viễn cảnh thế giới trong năm 2050 khi mà cách mạng công nghiệp thứ 4 sẽ trở thành hơi thở trong cuộc sống, lúc ấy thế hệ mình đã trở thành những ông già lụ khụ. Mình đã lược dịch bài ra sau đây:

[Thế giới đã thay đổi. Đây là cách mà các công ty phải thích ứng]

Theme của WEF trong năm 2018

Mặc dù những gì chúng ta chứng kiến mới chỉ là sự khởi đầu nhưng có một thứ đã trở nên rõ ràng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là một trong những chuyển biến to lớn vĩ đại nhất mà nền văn minh nhân loại từng được biết tới. Dù cho các cuộc cách mạng công nghiệp trước kia đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng có thể nói chưa bao giờ mà sức mạnh biến chuyển to lớn của cách mạng lại được mở ra thênh thang thế này.

Cách mạng công nghiệp thứ tư đang thay đổi hoạt động của con người một cách thiết thực: cách chúng ta làm ra mọi thứ; cách chúng ta sử dụng tài nguyên trên hành tinh này; cách chúng ta giao tiếp và tương tác với người khác trong tư cách con người; cách chúng ta học tập; cách chúng ta làm việc; cách chúng ta quản trị; và cách chúng ta làm kinh doanh. Quy mô, tốc độ và thành tựu của cuộc cánh mạng trên là không thể ngờ tới.

Hãy suy nghĩ về điều này: Chỉ mười năm trước đây, không hề có cái gọi là điện thoại thông minh. Ngày nay, không ai có thể rời khỏi nhà mà không cầm theo nó. Chỉ cách đây vài thập kỉ, mạng internet chỉ có thể kết nối các máy tính lại với nhau chỉ ở một vài địa điểm. Ngày nay, thực tế là mỗi cá nhân đều có thể kết nối mạng với quy mô toàn cầu nhằm tương tác và truy cập một kho thông tin hay kiến thức đồ sộ nhất mà nhân loại từng tạo ra.

Sức mạnh to lớn này cũng đi kèm nguy cơ to lớn. Vâng, đây là một canh bạc rất lớn. Nếu như chúng ta hướng cuộc cánh mạng đi đúng hướng, công cuộc số hóa sẽ đem lại lợi ích cho gần 10 tỷ con người sẽ cư ngụ trên hành tinh chúng ta trong năm 2050. Nếu hướng đi sai, xã hội sẽ bị chia thành hai phe thắng cuộc và thua cuộc. Khi đó xã hội sẽ bất ổn và tình trạng vô chính phủ sẽ gia tăng,  chất keo gắn kết xã hội với cộng đồng sẽ bị xói mòn, và các công dân sẽ không còn tin chính quyền đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ cung cấp một xã hội pháp quyền và an ninh.

Các cuộc cách mạng Công Nghiệp

Đó là lý do tại sao mà cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư không chỉ hướng về công nghệ hay kinh doanh; mà còn cả về xã hội. Thật là một viễn cảnh hấp dẫn khi máy tính có thể đánh bại những người chơi cờ vây (GO) giỏi nhất, khi các chương trình lập trình (bot) tự viết các dòng lệnh hay máy móc có thể nói chuyện với nhau. Dù cho thế nào đi nữa, con người chúng ta phải là nhân tố chủ động định nghĩa các thuật toán để quản trị máy móc chứ không phải theo các cách khác. Cần hiểu rằng những dòng lệnh trên sẽ định hình tương lai của chúng ta do đó không được phép mắc lỗi.

Điều này cũng đang xảy ra trong ngành sản xuất. Cái mà chúng ta gọi là Công nghiệp 4.0 sẽ cho phép các nhà sản xuất tạo dựng cái gọi là “bản sao số/digital twin” của toàn bộ môi trường sản xuất – từ phòng thí nghiệm đến sàn nhà máy, từ phòng trưng bày tới dịch vụ. Các nhà sản xuất có thể thiết kế, mô phỏng, và kiểm tra các sản phẩm phức tạp trong một môi trường ảo trước khi làm ra bản mẫu vật lý đầu tiên, trước khi thiết lập dây chuyền sản xuất, và trước khi bắt đầu quá trình sản xuất thực sự.

Phần mềm sẽ giúp tối ưu các quy trình và công việc, cho dù là được thực hiện bởi con người hay máy móc. Một khi mọi thứ hoạt động trong thế giới ảo, các kết quả sẽ được chuyển giao đến thế giới vật lý hay máy móc, và chúng sẽ kết thúc vòng lặp với các báo cáo được thu thập để gửi lại cho thế giới ảo.

Sự tích hợp trơn tru giữa thế giới thực và ảo được gọi là hệ thống không gian mạng thực ảo CPS (cyber physical systems) – đó là bước nhảy vọt to lớn mà chúng ta có thể quan sát thấy ngay hôm nay. Nó sẽ phủ bóng lên mọi thứ đã từng xảy ra trong các ngành công nghiệp cho đến nay. Như những gì đã từng xảy ra trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây nhưng ở một quy mô to lớn hơn, Cách Mạng Công nghiệp thứ tư sẽ loại bỏ hàng triệu việc làm trước đây và tạo ra hàng triệu việc làm mới. Và bởi vì sản xuất chiếm 70% thương mại thế giới, đây là minh chứng cho “sự giàu có của các quốc gia” – (tên một cuốn sách của nhà kinh tế chính trị học Adam Smith – người mở đường cho lý luận kinh tế) mà Adam Smith từng đề cập. Nó đã làm dấy lên câu hỏi: “chúng ta có thể làm gì để đảm bảo nhiều công dân nhất có thể được lợi từ Cuộc Cách Mạng công nghiệp lần thứ tư ?

Trước tiên, chúng ta có thể học từ quá khứ và để lại một nền tảng nhận thức về một xã hội hòa hợp cho tất cả (inclusive). Vào giữa thế kỉ thứ 20, các nhà lãnh đạo tư tưởng như nhà kinh tế học Alfred Muller Armack phát triển cái gọi là kinh tế thị trường xã hội (SOME) – mô hình thành công của nước Đức cho đến hôm nay. Ông đã đề ra một xã hội mở với mục tiêu “hợp nhất các nguyên lý của thị trường tự do với việc phân phối công bằng sự thịnh vượng.” Tầm nhìn này tương quan tới ngày hôm nay hơn bao giờ hết bởi vì nó đã chỉ ra cách để tạo ra một dạng thức hòa hợp (inclusive form) cho chủ nghĩa tư bản và các mô hình bền vững cho sức khỏe kinh tế và xã hội. Tôi tin rằng bước kế tiếp trên con đường tạo dựng sự hòa hợp là phải gia tăng đáng kể các tiêu chuẩn của việc kinh doanh sao cho tương xứng với sự gia tăng các mối quan tâm về trách nhiệm xã hội và sự bền vững.

Giáo sư Schweb và cuốn sách do ông viết "Cách Mạng Công Nghiệp Lần Thứ 4"

Trái ngược với châm ngôn của Milton Friedman (the business of business is business), công việc kinh doanh không nên chỉ là kinh doanh đơn thuần. Đừng lấy đơn độc giá trị của các cổ đông làm số đo. Thay vì vậy, chúng ta nên lấy giá trị của các bên liên quan (stakeholders), hoặc tốt hơn nữa, giá trị xã hội, làm chuẩn mực đo lường hiệu quả hoạt động của công ty. Ngày nay, các bên liên quan – khách hàng, cổ đông, nhà cung cấp, nhân viên, các nhà lãnh đạo chính trị, hay toàn xã hội – đều trông đợi (một cách chính đáng) các công ty phải gánh vác một trách nhiệm xã hội lớn hơn, lấy ví dụ, phải bảo vệ môi trường, đấu tranh cho công lý xã hội, hỗ trợ những người tỵ nạn, và huấn luyện và đào tạo công nhân. Công việc kinh doanh phải tạo nên giá trị cho xã hội. Tại Siemens, chúng tôi gọi là “doanh nghiệp hướng đến xã hội/business to society”

Thứ hai là Cách mạng công nghiệp thứ 4 được dựa trên nền tảng tri thức, chúng ta cần phải đồng lòng tạo ra một cuộc cách mạng trong huấn luyện và giáo dục. Ở đây, cả chính phủ và doanh nghiệp phải cùng tham gia góp sức để cung cấp cho các nhân công những kĩ năng và tiêu chuẩn cần thiết để gia nhập vào nền kinh tế số, lấy ví dụ, đủ khả năng để tận dụng cơ hội được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Nếu lực lượng lao động không theo kịp các tiến bộ tri thức xuyên suốt cuộc đời họ thì làm sao hàng triệu công việc mới có thể được lấp đầy?

Thứ ba, chúng ta phải khuyến khích sự sáng tạo và khả năng thích ứng. Quá trình số hóa đã chứng tỏ sức mạnh hủy diệt của nó trong quá khứ; nó có thể lật đổ các ngành công nghiệp trước đó. Bạn chắc cũng đã biết:”Mạng internet đã xóa bỏ những người trung gian/middlemen.” Công nghệ số đã tạo cơ hội cho những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới – và bây giờ chúng ta sẽ chứng kiến nó tạo ra những mô hình xã hội mới. Một trong những thay đổi đó là nền kinh tế sẻ chia/sharing economy. Nó thách thức một trong những nguyên tắc cơ bản của trật tự kinh tế trước đây: vai trò quan trọng của tài sản. Cho dù bạn coi đó là tin tốt hay xấu thì đó cũng là thực tế đang diễn ra.

Thứ tư, các nhà lãnh đạo phải tập trung hết can đảm để đối diện với những câu hỏi khó khăn. Và có rất nhiều câu hỏi kiểu như vậy. Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo chắc chắn trong tương lai các công việc của chúng ta sẽ không bị xóa bỏ bởi máy móc? Chúng ta có cần phải có một mức thu nhập cơ bản đảm bảo? Chúng ta có nên đánh thuế trên phần mềm và rô bốt? Các công ty cung cấp nền tảng công nghệ thông tin toàn cầu có cần phải tuân thủ các luật lệ và qui định quốc gia? Nếu có thì làm thế nào để họ có thể thực thi việc đó? Đâu là quyền và sự tự do mà các cá nhân phải có trong kỷ nguyên số?

Đó là những câu hỏi khó mà chúng ta phải đối diện ngày hôm nay. Và tôi không nghĩ là dựa vào “những ngày vàng son” (trong quá khứ) trước kia sẽ cho chúng ta câu trả lời. Trong một quyển sách mang tên “Retrotopia”, nhà xã hội học và triết học Phần Lan Zygmunt Bauman đã đề cập đến việc nhiều người đã mất niềm tin vào ý tưởng xây dựng một xã hội trong tương lai và quay về những ý tưởng trong quá khứ, trước kia bị chôn vùi nhưng chưa chết hẳn. Thay vì thế chúng ta nên nhìn về phía trước, chỉ ra cả những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và sắn tay áo lên để cùng tạo ra những câu trả lời hữu ích cho chính chúng ta và những thế hệ nối tiếp trong tương lai.