Chính quyền cần cẩn trọng trước sức quyến rũ của "tiền miễn phí"

Chính quyền cần cẩn trọng trước sức quyến rũ của "tiền miễn phí"

The Economist tiếp tục đào sâu vào các xu hướng chuyển đổi lớn đang diễn ra trong hệ thống tài chính thế giới, đặc biệt là ở Hoa Kỳ trong giai đoạn khủng hoảng Covid-19. Bài viết dưới đây phân tích bốn thành tố chính của thời đại kinh tế mới, qua đó đào sâu quá trình song kiếm hợp bích giữa chính quyền và ngân hàng trung ương trong việc kiến thiết chính sách kinh tế, can thiệp dòng chảy “vốn” đồng thời duy trì “lãi suất” thấp để bảo vệ nền kinh tế đi kèm các hiểm họa tiềm tàng trong tương lai.

Thỉnh thoảng có những lời “chỉ trích” cho rằng chính quyền các nước đã lãng phí cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-09, cụ thể thất bại trong việc tái tư duy chính sách kinh tế sau khi bụi mù đã lắng xuống (ám chỉ khủng hoảng được xoa dịu). Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sẽ không ai càm ràm điều tương tự. Con virus đã thúc đẩy một nỗ lực vô vọng nhằm kích hoạt một số chính sách mà chỉ vài tháng trước đó được xem là không thể tưởng tượng hoặc chống lại dòng chảy “chính thống”. Chuyển dịch kinh tế đáng kể đang diễn ra sục sôi, điều có lẽ chỉ xảy ra trong một thế hệ. Tương tự như chuyển đổi trong thập niên 70, khi Chủ nghĩa Keynes (Keynesianism) chan hòa giúp mở đường cho chính sách tiền tệ khổ hạnh của Milton Friedman (austere monetarism – một lý thuyết kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế bền vững có thể được đảm bảo bằng cách kiểm soát tỉ lệ tăng cung tiền để tương ứng sức sức tăng trưởng thực sự của sản xuất). Do đó, trong thập niên 90, các ngân hàng trung ương được trao cho quyền độc lập tự chủ, đại dịch lần này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới với suy nghĩ chủ đạo là làm sao khai thác được các cơ hội mới đồng thời kiềm chế một số “rủi ro” to lớn bắt nguồn từ sự “siêu” can thiệp của nhà nước vào thị trường tài chính và kinh tế.

Thời đại mới này có bốn thành tố chính yếu. Thứ nhất là quy mô vay mượn đáng kinh ngạc của chính quyền ngày nay, thứ không có dấu hiệu ngừng lại. IMF tiên đoán các nước giàu có sẽ vay mượn khoảng 17% trong tổng GDP kết hợp trong năm nay để chi trả 4,2 nghìn tỷ $ giúp duy trì nền kinh tế (duy trì tiêu dùng và cắt giảm thuế). Hiện vẫn đang diễn ra, Quốc hội Mỹ đang tranh luận gay gắt về gói cứu trợ tiếp theo. Liên Minh châu Âu cũng vừa đồng ý một gói kích cầu mới lấy nguồn từ vay mượn, vượt qua các giới hạn chính trị trước đó (political Rubicon).

Thành tố thứ hai nằm ở sự sục sôi in tiền (printing presses). Các ngân hàng trung ương của Mỹ, Anh, khu vực sử dụng đồng euro và Nhật đã tạo ra khoản dự trữ tiền mới (reserves) trị giá 3,7 nghìn tỷ vào năm 2020. Đại đa số được dùng để mua nợ chính phủ, điều này có nghĩa là các ngân hàng trung ương đang ngầm rót tiền cho các gói kích cầu. Điều này sẽ khiến cho lãi suất dài hạn duy trì thấp song song với sự tăng tốc phát hành nợ công.

Vai trò gia tăng của nhà nước, như một tổng tư lệnh “phân phối vốn” (capital-allocator-in-chief) là khía cạnh thứ ba của kỷ nguyên mới. Để đối phó với vấn đề tín dụng (credit crunch), Cục Dự Trữ Liên Bang (Fed), đồng hành cùng Bộ Ngân Khố (Treasury), đã can thiệp mạnh vào thị trường tài chính, như tiến hành mua trái phiếu của AT&T, Apple và thậm chí của Coca-Cola, đồng thời cho vay trực tiếp đến bất cứ ai từ những người giao dịch trái phiếu (bond dealers) đến các bệnh viện phi lợi nhuận. Sự song kiếm hợp bích của Fed và Treasury đã bảo kê cho khoảng 11% tổng chứng khoán nợ doanh nghiệp của Hoa Kỳ.

Thành tố cuối cũng là quan trọng nhất: lạm phát thấp. Sự thiếu vắng áp lực tăng giá đồng nghĩa với việc không có nhu cầu tức thì làm chậm lại sự tăng trưởng “bảng cân đối kế toán” của các ngân hàng trung ương hay gia tăng lãi suất ngắn hạn từ “con số nền” gần bằng không. Lạm phát thấp là lý do chính yếu khiến nỗi lo nợ công tan biến, cùng với chính sách tiền tệ xuề xòa khiến chi phí cho dịch vụ này thấp tới mức trông giống như “tiền miễn phí”.

Đừng đánh lừa bản thân về khả năng nhà nước có thể đưa mọi thứ trở về bình thường một cách kỳ diệu khi đại dịch qua đi và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống. Vâng, chính quyền và ngân hàng trung ương các nước có thể cắt giảm chi tiêu cùng gói cứu trợ xuống nhưng kỷ nguyên kinh tế mới cũng phản ánh “cực điểm” (culmination) của các xu hướng dài hạn. Trước khi xảy ra đại dịch, lạm phát và lãi xuất đã được hạ thấp mặc cho công ăn việc làm bùng nổ. Ngày nay, thị trường trái phiếu vẫn chưa thấy có dấu hiệu lo lắng nào về lạm phát dài hạn và nếu phỏng đoán này đúng thì thâm hụt và in ấn tiền sẽ trở thành các công cụ tiêu chuẩn của các nhà hoạch định chính sách trong nhiều thế kỷ. Vai trò gia tăng của ngân hàng trung ương trong thị trường tài chính tuy vậy, cũng thể hiện sự ngưng trệ vai trò trung gian (intermediaries) của nhóm này song song với sự phát triển của nhóm ngân hàng “ngầm” (với tính sáng tạo và ham muốn rủi ro) và thị trường vốn. Trước kia, khi ngân hàng thương mại nắm quyền kiểm soát hoàn toàn, ngân hàng trung ương đóng vai trò là nhà cho vay cuối cùng. Còn hiện tại, ngân hàng trung ương lại thò bàn tay lông lá của mình vào phố Wall cùng nhiều nơi khác để chuyển hóa thành con quái vật “kiến thiết thị trường cuối cùng” (marketmarkers).

Nhà nước với bàn tay kiểm soát sâu và rộng nền kinh tế tạo ra một số cơ hội. Lãi suất thấp khiến việc vay mượn rẻ hơn để xây hạ tầng mới từ phòng nghiên cứu (labs) đến mạng lưới điện (grids), điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng và khắc phục các mối đe dọa như đại dịch hay biến đổi khí hậu. Khi xã hội già đi, chi phí chăm sóc sức khỏe và hưu trí gia tăng là không tránh khỏi – nếu thâm hụt (resulting deficits) giúp cung cấp một khoản kích cầu cần thiết cho nền kinh tế, thì người ta càng có lý do để coi trọng nó.

Tất nhiên kỷ nguyên mới cũng đem đến những rủi ro tồi tệ (grave risks). Nếu lạm phát bất ngờ tăng tốc thì toàn bộ hệ thống (edifice) nợ sẽ rúng động, khi đó ngân hàng trung ương buộc phải tăng “tỷ lệ chính sách” (policy rates – tỷ lệ giúp báo hiệu trạng thái của chính sách tiền tệ ) đồng phải chi trả lãi suất khổng lồ cho khoản dự trữ mới mà họ tạo ra để mua trái phiếu trước đó (bonds). Thậm chí ngay cả khi tỉ lệ lạm phát thấp, cơ chế mới cũng quá mong manh trước bàn tay tước đoạt hay can thiệp của nhóm vận động hành lang, các liên đoàn và thân hữu (cronies).

Một trong những đúc kết quan trọng về chủ nghĩa tiền tệ (monetarism) là quá trình quản lý lộn xộn kinh tế vĩ mô sẽ dẫn một vô vàn cơ hội cho các chính trị gia thâu tóm lợi ích. Họ có quyền quyết định xem công ty nào được miễn thuế, loại hình công nhân (hay nghề nghiệp) nào được nhà nước bảo trợ cho đến khi công việc cũ xuất hiện trở lại. Tất nhiên, một số khoản vay “khó chịu” cho khu vực tư nhân sẽ sớm bộc lộ, khiến chính phủ phải lưa chọn loại thải công ty nào. Khi tiền bạc trở nên miễn phí, tại sao không cứu lấy các công ty, bảo vệ các công việc “lỗi thời” và cứu lấy các nhà đầu tư?

Tuy nhiên, nỗ lực trên dù giúp tạo ra “kích cầu” nhưng cũng là công thức góp phần tạo ra sự méo mó thị trường (distorted market), suy thoái đạo đức (moral harzard) và tăng trưởng chậm (slow growth). Nỗi lo lắng về chứng “cận thị” của các chính trị gia khiến nhiều quốc gia chỉ trao quyền lực cho các ngân hàng trung ương “độc lập” (thoát khỏi ảnh hưởng nhà nước), nhóm tận dụng một công cụ đơn giản – lãi suất – để quản lý chu kỳ kinh tế. Bức tranh “tài chính” trông có vẻ vô vọng bởi lãi suất gần bằng không hiện tại đã biến nhóm quyền lực đang “vận hàng ngân hàng trung ương” trở thành “người phục vụ” tận tụy cho cánh tay quản lý nợ của chính phủ.

Tiền tự do và bữa ăn trưa miễn phí.

Mỗi chu kỳ kinh tế mới khiến chúng ta phải đối đầu với thách thức mới. Công việc chính sau khủng khoảng thập niên 30 (Đại Suy Thoái) là phòng tránh suy thoái (depressions). Chén thánh của thập niên 70 và 80 là phải chấm dứt “stagflation” –  lạm phát kèm suy thoái (trạng thái tăng trưởng kinh tế chậm đi kèm tỉ lệ thất nghiệp tương đối cao, hoặc trì trệ kinh tế kèm theo giá cả tăng hoặc lạm phát). Công việc chính của các nhà hoạch định chính sách ngày nay phải tạo ra một bộ khung cho phép chu kỳ doanh nghiệp (business cycle) được quản lý chặt chẽ đồng thời khủng hoảng kinh tế có thể được khắc phục mà không bị nhóm “chính trị” can thiệp quá nhiều. Điều này thôi thúc việc chuyển giao “sức mạnh tài khóa” tới cho các nhà “kỹ trị” (technocrats), cải tổ hệ thống tài chính cho phép ngân hàng trung ương đẩy lãi suất xuống âm, khai thách cuộc cách mạng chuyển đổi từ “nghiệp vụ ngân hàng” xưa cũ sang fintech (công nghệ tài chính) và thanh toán số. Nguy cơ đang chực chờ phía trước – Thất bại sẽ khiến kỷ nguyên “tiền miễn phí” cuối cùng gắn với một cái giá rất đắt.