Chữa lành Chủ Nghĩa Tư Bản (Capitalism)

Chữa lành Chủ Nghĩa Tư Bản (Capitalism)

Cậu nhân viên Goolge mang quốc tịch Trung Quốc đặt câu hỏi cho giáo sư Richard Wolff tại Talks@Goolge (2017): “Cách đây 6 năm, khi đặt chân đến Hoa Kỳ, tôi thực sự chán ghét hệ thống kinh tế tập trung của quốc gia mình. Nhưng bây giờ chân nhận lại, rõ ràng có nhiều thành tựu vĩ đại xuất phát từ đó. Thêm nữa, bản thân Hoa Kỳ cũng có rất nhiều vấn đề trong nội tại như các quốc gia tư bản khác: một hệ thống kinh tế to lớn nhưng đi kèm sự thụt lùi của hệ thống chính trị, địa hạt chưa được nâng cấp để phù hợp thời đại mới. Hãy nhìn vào số nợ của Hoa Kỳ: 9 nghìn tỷ $ trong khi đó Trung Quốc lại có đến 4 nghìn tỷ $ tiết kiệm trong dân với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng – đại lục đã ra sức tìm kiếm điểm cân bằng của riêng mình giữa tính hiệu quả (efficiency – trong các hoạt động kinh tế) và mức độ công bằng xã hội (equality), hai nhân tố thường bù trừ sau. Nếu nắm hệ thống chính trị Hoa Kỳ trong tay, giáo sư sẽ tìm kiếm điểm cân bằng trên như thế nào (nơi hiệu qua kinh tế song hành với bình đẳng)? (không quên nhắc khéo giáo sư nên đến thăm Trung Quốc)

Wolff từ tốn bóc tách một số sự kiện đi kèm diễn giải “kinh tế” để góp phần lý giải quan điểm/góc nhìn của cậu nhân viên Google.

Đầu tiên, hãy quan sát tiền lương thực tế (real wage) – số tiền mà một cá nhân hoặc tổ chức thực nhận sau khi tính đến lạm phát. “Real wage” của các công dân Hoa Kỳ có đã hoàn toàn đứng yên kể từ thập niên 70, tuy nhiên khả năng tiêu dùng của Hoa Kỳ vẫn tăng tốc trong nhiều thập kỷ qua nhờ hai lực chuyển: (1) chuyển đổi to lớn của xã hội đã cho phép phụ nữ (đặc biệt da trắng) được tham gia vào lực lượng lao động (paid labour force – thay vì là bà nội trợ trông con ở nhà), do đó thu nhập gia đình tăng lên gấp đôi (cả hai vợ chồng cùng kiếm tiền) khiến cho các hộ gia đình ảo tưởng bước vào “Giấc mơ Hoa Kỳ (American Dream) (2) quá trình tăng trưởng nợ của Hoa Kỳ, dân chúng vay mua nhà, mua xe, sử dụng thẻ tín dụng (credit card), hay thậm chí cho con cái đi học (điều gây ra khủng hoảng kinh tế 2008 và phải rất lâu mới khôi phục). Trong khi đó “real wage” của Trung Quốc đã tăng đáng kể, khiến điều kiện sống và làm việc của đại đa số người dân tăng lên kèm tốc độ tăng trưởng 6-9%, trong khi đó Mỹ nếu may mắn mới đạt 2-3% khiến khoảng cách kinh tế giữa hai quốc gia ngày càng gần nhau.

Sau đó, hãy nhìn vào cấu trúc “tư bản chủ nghĩa” (capitalism) phương Tây, thứ mà Trung Quốc vô tình được hưởng lợi. Cũng trong thập niên 70, hai phát minh vĩ đại bùng nổ: viễn thông hiện đại (modern telecommunications) và máy bay thương mại (jet engine). Các nhà tư bản phương Tây (Tây Âu, Bắc Mĩ và Nhật Bản) chợt nhận ra mình hoàn toàn có thể giám sát hoạt động của một nhà máy ở các nước nghèo như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil nhờ viễn thông cùng khả năng bay bất cứ đâu chỉ trong vài tiếng đồng hồ nhờ hàng không. Với bản chất “tối ưu hóa lợi nhuận” (profits), nhóm tư bản quyết định từ bỏ tầng lớp lao động Hoa Kỳ và quê hương (nơi capitalism sinh ra) để chuyển sản xuất ra nước ngoài. Trung Quốc khi đó là lựa chọn số 1: lực lượng lao động có tính kỷ luật, được đào tạo kĩ càng, kiểm soát chặt (về mặt chính trị) và đặc biệt giá rẻ (chỉ bằng 1/47 phương Tây – nghĩa là chi phí cho 47 lao động ở đây = 1 lao động phương Tây). Nhóm đầu sỏ tư bản phương Tây đã tạo ra quá trình chuyển đổi kinh tế (toàn cầu hóa) mạnh mẽ trong cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21: cắt giảm kinh tế (cutbacks) ở phương Tây (thu nhập, dịch vụ chính phủ, cơ hội việc làm) đẩy phần lớn tầng lớp lao động Hoa Kỳ vào khủng hoảng (thứ mà theo Wolff khiến Trump lên nắm quyền, hay quá trình đổ lỗi lên người nhập cư) cùng sự bùng nổ hình thái tư bản “đỏ” ở Trung Quốc – mà tương lai bất định của nó có thể dễ dàng tiên đoán (chứ không hẳn cân bằng).

Trước đó, trong suốt bài nói dài một tiếng đồng hồ tại Google, giáo sư Wolff đã lược lại lịch sử dài hơi và bất định của các học thuyết kinh tế để đào sâu vào bản chất của tư bản chủ nghĩa “capitalism”. Từ các học thuyết kinh tế cổ điển của Adam Smith (thuyết bàn tay vô hình hay phân chia lao động, Adam là nhân vật chủ chốt của kỷ nguyên khai sáng Scotland), sau đó tiếp nối bởi David Ricardo (người khai phá học thuyết về giá trị lao động) mà sau này Karl Marx (cha đẻ của chủ nghĩa xã hội – socialism) sử dụng làm nền tảng để chỉ trích bản chất nội tại của hệ thống tư bản (do đó theo Wolff, thú vị thay, Marx chính là học trò nhiệt thành của Adam Smith và David Ricardo) đến Keynes (nhà kinh tế Anh đề cao sự can thiệp nhà nước – ảnh hưởng đến sự ra đời của IMF và World Bank). Wolff đào sâu vào Marx, nhà tư tưởng sinh năm 1818 ở Tây Đức, người đã âm thầm hâm mộ cuộc cách mạng tư sản Pháp (diễn ra năm 1789) – đánh đổ phong kiến (feudalism) và đưa tư bản chủ nghĩa (capitalism) chảy vào lòng xã hội xoay quanh ba giá trị: “tự do, bình đẳng, bác ái”. Ông thuộc thế hệ người châu Âu đầu tiên chứng kiến sự phát triển như vũ bão của xã hội “capitalism”. Sau gần 50 năm quan sát “capitalism” ở Tây Đức, Pháp và Anh (nơi ông dành phần lớn thời gian lúc trưởng thành), Marx đúc kết – cách mạng Pháp tạo ra chủ nghĩa tư bản nhưng không đi kèm phương tiện giúp con người chạm đến ba giá trị nền tảng: tự do, bình đẳng, bác ái. Hãy nhìn sâu hơn vào thành tố nền tảng của “capitalism” – các tập đoàn (corporation) – nơi các nguyên liệu, công cụ, máy móc, kiến thức được đưa vào xử lý để tạo ra sản phẩm/output rồi bán đi khắp nơi. Quá trình ra quyết định của tập đoàn được dựa trên mạng lưới cổ đông (shareholders) mà trong đó: thường 1% cổ đông nắm đến 2/3 số cổ phần tập đoàn (nhóm cổ đông chi phối). Đó là một nhóm nhỏ 12 đến 20 người được các cổ đông bầu vào Hội đồng Quản Trị (BoD) theo cơ chế 1 phiếu (vote) tương ứng với 1 cổ phần. Do đó, nếu Chase Manhattan Bank (ngân hàng của gia tộc Rockefellor) nắm 27 triệu cổ phiếu của một tập đoàn nào đó, họ sẽ có đến 27 triệu lá phiếu – điều này khiến cho các cổ đông nhỏ hay nhân viên/công nhân hầu như không có bất kỳ ảnh hưởng gì trong tập đoàn hay can thiệp đến các quyết định gây nguy hại cần câu cơm của họ như di chuyển nhà máy đến Trung Quốc hay áp dụng máy móc tự động. Giới tập đoàn hay tư bản chỉ ra quyết định dựa trên lợi nhuận chứ không tính đến các chi phí xã hội (như thất nghiệp) (dù có thể còn cao hơn lợi nhuận của họ). Điều này đối với Karl Marx, thật là bất công, ông đã sử dụng cách thức phân tích đầy sức mạnh: mối quan hệ giữa người làm thuê – nhà tuyển dụng để xoáy sâu vào quá trình tước đoạt “giá trị thặng dư” (surplus) lao động của công nhân từ giới chủ – nguyên cớ nền tảng cho cuộc các mạng tháng 10 Nga, tạo nhà nước mới Liên Bang Xô Viết, ảnh hưởng mạnh mẽ Trung Quốc sau này (dù quan điểm này gây tranh cãi khốc liệt). Tư tưởng của Marx thực ra lại không được quan tâm mạnh mẽ trong thời đại của mình, chỉ có vài người đến thăm viếng ông lúc mất. Theo Wolff, bàn tay can thiệp của chính phủ vào thị trường (như kinh tế John Maynard Keynes – thịnh hành từ thập niên 40 đến 70 của Mỹ), không tác động mấy đến bản chất tư bản (beside the point). Hãy hình dung một chính quyền quyền lực đứng ra sai thải toàn bộ hội đồng quản trị tư của các tập đoàn, tách các tài sản khỏi bàn tay lông lá của cổ đông sang các viên chức chính quyền – điều chính xác diễn ra ở liên bang Xô Viết vào năm 1917 – điều này hoàn toàn không thay đổi cấu trúc nội tại của doanh nghiệp: từ ra quyết định bởi cổ đông chi phối (một nhóm nhỏ người) sang các viên chức chính quyền (cũng một nhóm thậm chí còn nhỏ hơn).

Tính bất ổn định của capitalism được thể hiện mạnh mẽ qua hai đợt suy thoái to lớn năm 1929 (kéo dài 11 năm) và 2008 (còn ảnh hưởng đến 2017) (và giờ đây Covid-19). Hoa Kỳ thậm chí có cả một tổ chức mang tên Ủy Ban Quốc Gia về Nghiên Cứu Kinh Tế (National Bureau of Economic Research) để theo dõi các chu kỳ kinh tế lên xuống liên tục (như từ năm 1941 đến 2008 đã có tới hơn 11 lần kinh tế lao dốc). Các Tổng Thống Hoa Kỳ luôn hứa hẹn sẽ đưa quốc gia vượt qua các cơn giông bão kinh tế, nhưng hết lần này đến lần khác, không một ai giữ được các cam kết của mình, bởi việc này nằm ngoài khả năng của họ. Các chu kỳ lao dốc kinh tế (downturn) thường trung bình diễn ra sau mỗi 4 đến 7 năm. Nền kinh tế dưới ánh sáng Keynes dù cố gắng khắc phục “khủng hoảng” nhưng lại đẩy xã hội tư bản trở nên bất công hơn bao giờ hết. Oxfam, một tổ chức theo dõi bất bình đẳng, đã tổng kết: 86 người giàu nhất có tổng tải sản lớn hơn một nửa dân số trên hành tinh (3,5 tỷ người). Góc nhìn của Marx về mối quan hệ “người làm thuê – chủ cả” ngạc nhiên thay đã bị bỏ quên trong các thảo luận kinh tế tháp ngà tại Harvard, Yale, Stanford trong suốt thời gian giáo sư Wolff học tập và nghiên cứu – tên của nhà kinh tế/tư tưởng tạo nền cho nhà nước Xô Viết đã trở thành một “taboo” (điều cấm kỵ) trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.

Để chữa lành capitalism, Wolff đề xuất giải pháp: dân chủ hóa hệ thống doanh nghiệp. Thay thế hệ thống ra quyết định bởi một số ít con người sang cơ cấu đảm bảo tiếng nói công bằng cho tất cả trong việc quyết định cái gì được sản xuất, sản xuất như thế nào và làm gì với lợi nhuận. Dân chủ tại nơi làm việc (không phải dân chủ nơi bạn sống), phải thay thế Hội Đồng Quản Trị. Cụ thể, là mô hình xưa cũ “worker co-op” – một nhóm người cùng nhau làm việc và ra quyết định (hợp tác xã công nhân). Wolff đưa ra hai ví dụ điển hình:

(1) Tập Đoàn Mondragon Co-operative của Tây Ban Nha: Tây Ban Nha vào năm 1956 là một quốc gia rất nghèo sau nội chiến và Thế chiến II. Vùng Basque ở phía Bắc Tây Ban Nha là nơi sinh sống của sắc dân Basque, những người có đức tin Công Giáo La Mã cùng một ngôn ngữ dị biệt (hiện nay được xem là một ngôn ngữ khó học nhất châu Âu – do không bị ảnh hưởng văn hóa xung quanh như La Mã). Trong thập niên 50, cộng đồng này đã tự nhủ – không thể trông đợi công việc từ một ai đó (chủ công ty hay các nhà tư bản) mà phải trở thành ông chủ của chính mình. Họ tạo dựng “worker co-op” ban đầu từ 6 công nhân và một linh mục – nền tảng của Mondragon Co-operative Corporation (MCC), tập đoàn lớn thứ 7 ở Tây Ban Nha và hiện đang có 100 ngàn công nhân thành viên. MCC là câu chuyện kinh doanh thành công nhất trong nửa thế kỷ qua ở Tây Ban Nha, một tập hợp từ 150 đến 200 worker co-ops (tùy cách đếm) với hai quy định nền tảng: 1>các công nhân cùng nhau tuyển dụng, sa thải và đánh giá các nhà quản lý (nếu không đạt họ sẽ bị loại bỏ) 2>người được trả lương cao nhất trong MCC không được quá 8 lần một công nhân bình thường. (Tỷ lệ 1-8 nghe có vẻ cao nhưng không là gì so với các tập đoàn Mỹ với tỷ lệ 1-350).

(2) Đảng Lao Động ở Anh: Jeremy Corbyn cam kết nếu Đảng Lao Động dành chiến thắng, họ sẽ thông qua đạo luật gồm có hai phần. Thứ nhất, nếu một doanh nghiệp đang hoạt động ở Anh ra quyết định đóng cửa, hay bán cho một tổ chức khác (hay niêm yết công chúng, phát hành cổ phiếu), thì nó buộc phải trao quyền từ chối (refusal) trước tiên cho công nhân: cụ thể phải bán doanh nghiệp cho công nhân của mình như là một “co-op” trước khi có các động thái khác. Thứ hai, tiền để công nhân mua lại doanh nghiệp sẽ được chính phủ cho mượn.

Phần bài nói trên của giáo sư Wolff gần đây đang được tranh luận nóng bỏng trong cộng đồng Shapers, một sáng kiến của WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), tổ chức được xem là cổ súy cho Chủ Nghĩa Tư Bản “nhưng” hướng đến tất cả (Stakeholders Capitalism). Các bạn có thể tham khảo thêm ở đây: