Chúng ta cần một thế giới hậu tự do
Khi ghé thăm Tokyo cách đây một tháng, mình được một người bạn trong nhóm Global Shapers dẫn đến thăm Đài tưởng niệm Ichigaya (Memorial Hall) địa danh nằm trong chuỗi các địa điểm lịch sử gắn với MacArthur (một vị tướng Mỹ đóng vai trò định hình số phận của Nhật Bản sau thế chiến hai). Đây là một công trình hai tầng kiên cố bằng bê tông từng là nơi đóng đô của Học viện Quân sự Hoàng Gia, Trụ sở Quân Đội Viễn Đông đồng thời là nơi từng diễn ra phiên tòa Tokyo trứ danh (Tokyo Trial) hay còn gọi là Tòa Án Quân Sự Quốc Tế vùng Viễn Đông (International Milluitary Tribunal for the Far East – IMTFE) (Cũng là nơi tiểu tuyết gia nổi tiếng Yukio Mishima tự sát). IMTFE là một phiên tòa dẫn dắt bởi Phe Đồng Minh (Allied powers) nhằm đưa các tội phạm chiến tranh – những nhà lãnh đạo Đế quốc Nhật Bản trước thế chiến II ra xét xử. Có 10 thẩm phán/chánh án đến từ 10 quốc gia là Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Hà Lan, Úc, New Zealand, Liên bang Xô Viết, Trung Quốc và Phillipines được mời đến để phán xét số phận của 29 “tội phạm” trong gần hai năm rưỡi. Hiến chương của phiên tòa Tokyo đã chia các cáo buộc ra làm ba tầng A, B và C: Lớp A là tội ác chống hòa bình (phát động chiến tranh hủy diệt), lớp B và C lần lượt là tội ác chiến tranh thông thường (conventional war crimes) và tội ác chống lại loài người (crimes against humanity). Tuy nhiên những tội ác lớp A và C lại chưa từng được đưa vào luật quốc tế trong thời điểm Nhật Bản tiến hành chiến tranh – điều này đã gây ra tranh cãi to lớn giữa các chánh án quanh việc “các tiến trình pháp lý đang được thúc đẩy nhằm thõa mãn khát khao trả thù của phe Đồng Minh thay vì tôn trọng nền tảng luật quốc tế.” IMTFE là một nhân tố giúp định hình trật tự thế giới sau năm 1948 và là nền tảng để 50 năm sau (1998), 120 nước đã đồng ý thiết lập những luật lệ chung dẫn đến sự ra đời của tòa ICC – Tòa Hình sự quốc Tế, được mở cửa ở La Hay (The Hague) Hà Lan vào năm 2002 song hành cùng Tòa Trọng Tài thường trực PCA (nơi hội nghị One Young World 2018 được tổ chức) – những định chế giúp định hình trật tự thế giới. Các bạn có thể xem bộ phim “Tokyo Trial” trên Netflix để hiểu hơn phiên tòa lịch sử và cách phe đồng minh định hình “trật tự” thế giới cho đến ngày hôm nay. Chuyến thăm Tokyo cùng bộ phim đã giúp mình nhớ lại một bài viết rất hay của sử gia Yuval Noah Harari ở mục tương lai mở (Open Future) của tờ The Economist: “Trật tự thế giới hậu tự do” nơi ông suy tư về những dòng chảy và xung đột “tư tưởng” của thế giới song hành cùng những thách thức to lớn mà thế giới hậu “tự do” đang chờ đón. Mình đã tìm và lược dịch bài viết ra dưới đây:
Hệ thống quốc tế dựa trên các luật lệ chung đang dần sụp đổ. Theo lời của nhà sử học Yuval Noah Harari, quá trình đại tu hệ thống này là sự kết hợp giữa định danh quốc gia với các chuẩn mực quốc tế.
Thế giới được quản trị bởi cái mà ngày nay chúng ta gọi là “trật tự tự do toàn cầu”, thứ đã diễn ra qua nhiều thế hệ. Đằng sau những từ ngữ bóng bẩy này là ý tưởng cả nhân loại sẽ cùng sẻ chia những kinh nghiệm, giá trị và các mối quan tâm cốt lõi, đồng thời không có một nhóm người nào ưu việt hơn hẳn nhóm người nào. Sự hợp tác trở nên quan trọng hơn là chia rẽ mâu thuẫn. Cả nhân loại nên cùng làm việc với nhau để bảo vệ các giá trị và cải thiện các mối quan tâm chung. Cách tốt nhất để nuôi dưỡng sự hợp tác như trên là thúc đẩy các phong trào hay làn sóng ý tưởng, hàng hóa, tiền bạc và con người trên khắp toàn cầu.
Mặc dù “trật tự tự do toàn cầu” có nhiều lỗi và vấn đề, nó đã chứng tỏ sự ưu việt của nó so với các lựa chọn khác. Thế giới tự do vào đầu thế kỉ thứ 21 thì thịnh vượng, khỏe mạnh và hòa bình hơn trước đó rất nhiều. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, nạn đói giết chết ít người hơn béo phì; bệnh dịch giết ít người hơn tuổi già; và bạo lực thì giết ít người hơn các tai nạn ngẫu nhiên. Lúc chỉ sáu tháng tuổi, tôi đã được cứu sống khỏi một cơn đại dịch nhờ vào thuốc do các nhà khoa học nước ngoài ở những vùng đất xa lạ khám phá. Khi ba tuổi, tôi không bị chết đói là nhờ nguồn lúa mạch được các nông dân nước ngoài ở cách đó hàng ngàn ki lô mét trồng. Và khi mười một tuổi, tôi không bị tiêu diệt bởi chiến tranh hạt nhân là nhờ những thỏa thuận được kí kết bởi các nhà lãnh đạo nước ngoài ở nửa kia của địa cầu. Nếu bạn nghĩ rằng chúng ta nên quay về thời kỳ tự do hoàng kim nào trước đó, hãy vui lòng giúp tôi kể ra năm nào mà nhân loại được ở trong trạng thái tốt hơn đầu thế kỉ 21. Đó có phải là năm 1918, 1718 hay 1218?
Hơn bao giờ hết, con người trên khắp thế giới đang mất dần niềm tin vào trật tự tự do. Các quan điểm tôn giáo và dân túy giúp bảo vệ quyền lợi cho một nhóm người nào đó so với tất cả đang phủ bóng trở lại. Chính phủ đang tăng cường hạn chế dòng chảy của các ý tưởng, hàng hóa, tiền bạc và con người. Các bức tường được dựng lên ở khắp nơi, cả trên mặt đất lẫn không gian mạng. Nhập cư bị hạn chế, thuế quan được dựng lên.
Nếu trật tự tự do đang sụp đổ, vậy thì trật tự toàn cầu mới nào sẽ thay thế nó? Những người đang thách thức trật tự tự do gần đây đang phô diễn khả năng ở mức độ quốc gia. Họ có nhiều ý tưởng về cách làm thế nào để cải thiện các mối quan tâm ở quốc gia cụ thể của họ, nhưng lại thiếu một tầm nhìn cần thiết về cách mà thế giới này vận hành như một tổng thể. Lấy ví dụ như, chủ nghĩa dân tộc ở Nga có thể một lý do hợp lý để thúc đẩy các chương trình nghị sự ở đây, nhưng bản thân thứ chủ nghĩa dân tộc ấy lại không có kế hoạch nào cho phần còn lại của nhân loại. Nếu thiếu vắng tầm nhìn ấy, dĩ nhiên, chủ nghĩa quốc gia có thể chuyển hóa thành chủ nghĩa đế quốc (imperialism), thứ đòi hỏi quốc gia đó phải đi xâm chiếm và làm bá chủ toàn thế giới. Cách đây một thế kỉ, một vài phong trào dân tộc đã thực sự nuôi dưỡng giấc mộng “đế quốc” này. Chủ nghĩa dân tộc ngày nay, dù cho là ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý hay Trung Quốc, đều còn rất e dè cổ súy cho tham vọng chinh phạt toàn cầu.
Trong trường hợp phải thiết lập một đế chế toàn cầu bằng bạo lực, một vài nhà dân tộc chủ nghĩa như Steve Bannon, Viktor Orban, Liên Đoàn phía Bắc của Ý (Northern League) và những người cổ súy Brexit ở Anh (Brexiteers) lại mơ về một “Nền Quốc Tế Dân Tộc Chủ Nghĩa” hòa bình. Họ tranh luận rằng tất cả các quốc gia ngày nay đều đối diện với những kẻ thù giống nhau. Bóng ma của chủ nghĩa toàn cầu, chủ nghĩa đa văn hóa và nhập cư đang đe dọa tiêu diệt truyền thống và danh tính của tất cả các quốc gia. Do đó các nhà dân tộc chủ nghĩa trên khắp thế giới cần phải có chung một sứ mệnh trong việc chống lại các lực đẩy toàn cầu trên. Người Hungary, người Ý, người Thổ, người Israel nên xây những bức tường, lập hàng rào và làm chậm lại các dòng chảy của con người, hàng hóa, tiền bạc và các ý tưởng.
Thế giới sau đó sẽ bị chia tách thành các nhà nước quốc gia riêng biệt, mà trong đó truyền thống cùng danh tính thiêng liêng được bảo vệ chặt chẽ. Dựa trên sự tôn trọng danh tính khác biệt lẫn nhau đó, tất cả các nhà nước quốc gia có thể hợp tác và trao đổi một cách hòa bình với các nước khác. Nước Hungary dành cho người Hungary, nước Thổ Nhĩ Kỳ dành cho người Thổ, nước Israel dành cho người Do Thái, và mọi người đều biết họ là ai và đâu là nơi thích hợp dành cho họ trên thế giới này. Đó là thế giới mà nhập cư, giá trị phổ quát, chủ nghĩa đa văn hóa, tầng lớp tinh hoa toàn cầu không tồn tại mà thay vào đó là các mối quan hệ quốc tế hòa bình và một ít thương mại. Câu chữ “Nền Quốc Tế Dân tộc chủ nghĩa” (Nationalist International) mô tả tầm nhìn về thế giới như là một mạng lưới các pháo đài kiên cố nhưng thân thiện.
Nhiều người cho rằng đây là một tầm nhìn hoàn toàn hợp lý. Tại sao nó lại không phải là một thay thế hợp lý cho trật tự tự do? Có hai điều chúng ta cần ghi nhớ. Trước tiên, cần hiểu rằng “tầm nhìn tự do” chỉ có tính tương đối. Nó giả sử rằng không có một nhóm người nào thì ưu việt hơn nhóm khác, rằng không có quốc gia nào nên thống trị các nước khác, và hợp tác quốc tế thì tốt hơn mâu thuẫn. Thực ra, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân tộc thì gần như gắn bó với nhau. Bản thân các nhà dân tộc chủ nghĩa tự do (liberal nationalists) trong thế kỉ 19 như Giuseppe Garibaldi và Giuseppe Mazzini ở Ý hay Adam Mickiewicz ở Phần Lan cũng đã mơ mộng một cách chính xác về một trật tự tự do quốc tế nơi các quốc gia cùng tồn tại một cách hòa bình.
Điều thứ hai cần lưu ý là tầm nhìn “pháo đài thân thiện” đã từng được thử nghiệm trước đó và đã thất bại to lớn. Tất cả các nỗ lực chia cắt quyết liệt thế giới thành các quốc gia riêng rẽ cuối cùng đều dẫn đến chiến tranh và diệt chủng. Khi mà những người kế thừa của Garibaldi, Mazzini và Mickiewicz xoay sở để lật đổ Triều đại đa chủng tộc Habsburg, nó đã minh chứng rõ ràng việc chia cắt người Ý khỏi người Slovenia hoặc người Ba Lan (Poles) khỏi người Ukraina là không thể.
Điều này đã tạo tiền đề cho chiến tranh thế giới thứ hai. Vấn đề chính yếu của mạng lưới pháo đài là mỗi một “pháo đài quốc gia” đều muốn có thêm một chút đất đai, an ninh và sự thịnh vượng cho chính nó với cái giá phải trả của những người hàng xóm xung quanh, và nếu không có sự hỗ trợ của các giá trị phổ quát cùng các tổ chức quốc tế, các pháo đài đối đầu không thể đồng thuận quanh các luật lệ chung. Rõ ràng các pháo đài kiên cố thì rất ít khi tỏ ra thân thiện.
Nhưng nếu bạn sống ở bên trong một pháo đài kiên cố cụ thể nào đó, như ở Mỹ hay Nga, tại sao bạn phải quan tâm xung quanh? Một vài nhà dân tộc chủ nghĩa thực sự đã hấp thụ các quan điểm “biệt lập” cực đoan (isolationist). Họ không tin vào một đế chế toàn cầu hoặc mạng lưới các pháo đài toàn cầu. Thay vì thế, họ từ chối bất cứ trật tự toàn cầu cần thiết nào. “Chỉ duy nhất thành trì của chúng ta là xứng đáng được nâng bởi cầu kéo và phần còn lại của thế giới nên bị kéo xuống địa ngục”. Chúng ta nên từ chối sự du nhập của những người nước ngoài cùng ý tưởng và hàng hóa ngoại lai. Các bức tường cần được kiên cố chắc chắn và canh gác cẩn thận. Tại sao phải quan tâm đến đám ngoại quốc?”
Chủ nghĩa biệt lập cực đoan như trên, tuy nhiên, lại hoàn toàn tách biệt khỏi hiện thực kinh tế. Nếu như không có mạng lưới thương mại toàn cầu, các nền kinh tế quốc gia hiện hữu sẽ sụp đổ hoàn toàn – bao gồm cả Bắc Hàn. Nhiều quốc gia sẽ không có khả năng để tự nuôi mình nếu không có hàng nhập khẩu vì khi đó giá cả hàng hóa sẽ tăng nhảy vọt. Áo sơ mi làm ở Trung Quốc mà tôi đang mặc có giá khoảng 5$. Nếu nó được sản xuất bởi các công nhân Israel với nguyên liệu sợi được trồng bởi nông dân Israel, máy móc do kĩ sư Israel vận hành và dầu chạy máy khai thác ở Israel (chưa từng tồn tại) , điều này có thể khiến chi phí cao hơn gấp 10 lần. Các nhà lãnh đạo với quan điểm chủ nghĩa dân tộc từ Donald Trump tới Vladimir Putin có thể trước tiên cản trở mạng lưới giao thương toàn cầu, nhưng không ai nghĩ một cách nghiêm túc đến việc đưa quốc gia mình tách hoàn toàn khỏi mạng lưới đó. Chúng ta không thể có mạng lưới giao thương toàn cầu mà không có trật tự toàn cầu nơi luật lệ của cuộc chơi được thiết lập.
Quan trọng hơn cả, cho dù có thích hay không, nhân loại ngày nay phải đối diện với ba vấn đề chung khiến cho biên giới các quốc gia trở nên mờ nhạt và chỉ có thể được giải quyết bằng hợp tác toàn cầu. Đó là chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu và các công nghệ đột phá. Bạn không thể xây các bức tường để chống được mùa đông hạt nhân hay sự ấm lên toàn cầu, và không một quốc gia nào có thể tự mình quản lý chặt chẽ được trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc công nghệ sinh học. Việc chỉ có Liên minh Châu Âu cấm đoán sản xuất rô bốt giết người hàng loạt hay chỉ nước Mỹ cấm các kĩ thuật biến đổi gen ở trẻ em thì không bao giờ là đủ. Tiềm năng to lớn của các công nghệ đột phá trên thôi thúc các quốc gia theo đuổi con đường rủi ro lớn với lợi nhuận cao, khi một nước dấn thân thì các nước khác sẽ buộc phải chạy theo con đường nguy hiểm trên với nỗi sợ bị bỏ lại phía sau. Cuộc chạy đua vũ trang dựa trên AI hay công nghệ sinh học hầu như sẽ không để lại kết cục gì tốt đẹp. Cho dù là ai thắng trong cuộc chạy đua này, kẻ thua cuộc bản thân sẽ hành xử theo cách rất con người. Tất cả các quy tắc sẽ sụp đổ trong cuộc chạy đua vũ trang. Ví dụ như khi xem xét triển khai các thí nghiệm biến đổi gen trên em bé, mỗi quốc gia sẽ nói: “Là người tử tế, chúng tôi không muốn thực hiện thí nghiệm trên. Nhưng làm thế nào để biết các đối thủ sẽ không làm điều đó? Chúng tôi không thể nhắm mắt để bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi phải làm điều này trước họ.” Tương tự như vậy, khi cân nhắc việc phát triển các hệ thống vũ khí tự động (có khả năng tự quyết định việc nên bắn và giết người hay không), một lần nữa các quốc gia đều nói:” Đây là một công nghệ nguy hiểm cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng chúng tôi không tin tưởng cách các đối thủ kiểm soát nó, nên chúng tôi phải phát triển nó trước.”
Thứ duy nhất có thể chống lại các cuộc chạy đua vũ trang hủy diệt trên chính là sự tin tưởng to lớn giữa các quốc gia. Đây không phải là một nhiệm vụ bất khả thi. Nếu ngày hôm nay người Đức hứa hẹn với người Pháp:” Hãy tin tưởng chúng tôi, chúng tôi không phát triển các rô bốt giết người ở một phòng thí nghiệm bí mật nằm dưới dãy núi Alps (khu Bavarian)”, người Pháp tỏ ra tin tưởng người Đức mặc cho lịch sử tồi tệ trước đó giữa hai quốc gia. Chúng ta cần phải xây dựng sự tin tưởng này ở quy mô toàn cầu. Chúng ta cần phải đạt được một dấu mốc nơi người Mỹ và người Trung Quốc có thể tin tưởng nhau như Pháp và Đức.
Tương tự như vậy, chúng ta cần phải tạo ra một mạng lưới toàn cầu an toàn để bảo vệ nhân loại chống lại những cú sốc kinh tế, một viễn cảnh có thể gây ra bởi AI. Quá trình tự động hóa sẽ tạo ra sự giàu có nổi trội ở các khu vực công nghệ cao như ở Thung Lũng Silicon, trong khi đó ảnh hưởng tồi tệ nhất sẽ dành cho các nước phát triển nơi kinh tế phụ thuộc vào lao động chân tay giá rẻ. Làn sóng này tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các kĩ sư phần mềm ở California, nhưng ít việc hơn cho các công nhân nhà máy hay tài xế xe tải ở Mexico. Chúng ta đang có một nền kinh tế toàn cầu, nhưng chính trị lại mang tính cục bộ quốc gia. Nếu chúng ta không tìm kiếm các giải pháp ở cấp độ toàn cầu cho quá trình phá hủy sáng tạo gây ra bởi AI, toàn bộ các quốc gia sẽ sụp đổ, kết quả cuối cùng là sự hỗn loạn, bạo lực và các làn sóng di cư sẽ bất ổn định trở lại trên toàn thế giới.
Đây là một viễn cảnh thích hợp để chúng ta thận trọng quan sát các tiến triển gần đây quanh quanh sự kiện nước Anh tách khỏi EU, sự kiện Brexit. Bản thân Brexit không nhất thiết là một ý tưởng tồi. Nhưng đây có phải là thứ mà nước Anh và EU nên đối diện ngay bây giờ? Làm thế nào để Brexit có thể chống được các cuộc chiến tranh hạt nhân? Làm thế nào Brexit có thể chống được biến đổi khí hậu? Làm thế nào Brexit có thể giúp điều phối Trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học? Thay vì thúc đẩy mọi thứ tiến lên Brexit sẽ khiến việc giải quyết các vấn đề trên trở nên khó khăn hơn. Mỗi một phút mà Anh và EU tiêu tốn cho Brexit là họ mất đi một phút cho việc chống biến đổi khí hậu và kiểm soát AI.
Để có thể sống sót và thịnh vượng trong thế kỉ 21, nhân loại cần phải có một sự hợp tác toàn cầu hiệu quả, và rõ ràng giải pháp khả thi cho sự hợp tác trên chính là chủ nghĩa tự do (liberalism). Dù thế nào đi chăng nữa, các chính phủ trên khắp thế giới đang đánh giá thấp nền tảng của trật tự tự do, và thế giới đang chuyển đổi sang mạng lưới các pháo đài. Những nhóm yếu thế của nhân loại sẽ cảm nhận ảnh hưởng của việc này trước tiên, những người không thể tìm được một pháo đài để bảo vệ mình: người tỵ nạn, nhập cư bất hợp pháp, nhóm thiểu số bị thanh trừng. Nhưng nếu những bức tường này tiếp tục tăng lên, cả nhân loại cuối cùng đều sẽ cảm thấy sự kìm kẹp bao quanh mình.
Đó chưa phải là số phận mà chúng ta không thể tránh khỏi. Chúng ta hoàn toàn có thể thúc đẩy nghị trình toàn cầu tiến lên phía trước để nó vượt ra khỏi các thỏa thuận thương mại đơn thuần, tạo thêm các áp lực “trách nhiệm” mà nhân loại cần phải có với giống loài mình và hành tinh này. Các danh tính sẽ được mài dũa qua khủng hoảng. Nhân loại ngày nay phải đối diện với bộ ba khủng hoảng chiến tranh hạt nhân , biến đổi khí hậu và công nghệ đột phá. Nếu loài người không nhận ra những thách thức và động lực chung, chúng ta gần như không thể sống sót sau khủng hoảng. Chỉ trong một thiên niên kỷ trước đó, chiến tranh công nghiệp đã mài dũa khái niệm “quốc gia” từ các nhóm tách biệt, vì thế trong thế kỉ 21 các cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện hữu sẽ mài dũa cách con người hợp tác vượt lên trên các quốc gia tách biệt.
Chúng ta không cần phải tìm cách chứng minh việc tạo ra danh tính toàn cầu to lớn (mass global identity) là có khả thi hay không. Sau tất cả, cảm giác có trách nhiệm với nhân loại và hành tinh Trái Đất thì rõ ràng không khó hơn cái cảm giác phải trung thành với một quốc gia nơi tập hợp hàng triệu người xa lạ mà tôi chưa từng gặp ở nhiều vùng mà tôi chưa từng ghé thăm. Đối nghịch với hiểu biết chung trên, chủ nghĩa dân tộc thì hoàn toàn không tự nhiên. Nó không bắt nguồn từ bản chất sinh học hay tâm lý của con người. Con người về bản chất là những động vật có tính xã hội mà hằn sâu trong gen của chúng ta là sự trung thành/gắn kết với một nhóm nào đó. Tuy nhiên, qua hàng triệu năm, giống loài Homo Sapiens và tổ tiên “giống người” (hominid) sống trong những cộng đồng nhỏ thân mật với số lượng không nhiều hơn vài chục người. Con người do đó sẽ dễ dàng phát triển sự trung thành với những nhóm nhỏ như gia đình, bộ tộc hay làng mạc, trong đó mọi người đều biết nhau, sự trung thành/gắn kết với hàng triệu người hoàn toàn xa lạ là hoàn toàn không tự nhiên.
Quá trình gắn kết quy mô lớn (mass loyalties) kiểu như trên chỉ vừa xuất hiện trong vài ngàn năm trở lại đây – trong thang đo của sự tiến hóa, nó chỉ vừa diễn ra buổi sáng hôm qua – con người kết hợp lại với nhau để cùng xử lý những vấn đề to lớn hơn mà một bộ tộc nhỏ không thể tự giải quyết. Trong thế kỉ 21, chúng ta sẽ đối diện với các vấn đề toàn cầu mà ngay cả những nước lớn cũng không thể tự mình giải quyết, do đó việc dịch chuyển sự trung thành/gắn kết của chúng ta sang danh tính toàn cầu dần trở nên hợp lý. Con người một cách tự nhiên sẽ gắn kết với khoảng 100 người bạn và họ hàng mà họ biết rất rõ. Rất khó để khiến con người gắn kết với 100 triệu người xa lạ mà họ chưa từng gặp, đó chính xác là những gì mà chủ nghĩa dân tộc (nationalism) mong muốn giải quyết. Giờ đây, thách thức của tất cả chúng ta là đảm bảo nhân loại gồm 8 tỷ con người xa lạ gắn kết với nhau, một công việc ám ảnh.
Để mài dũa danh tính kết hợp này, con người đa phần luôn luôn cần phải có những kẻ thù nguy hiểm chung. Giờ đây chúng ta đã có ba kẻ thù đó là: chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu và công nghệ đột phá. Nếu bạn có thể khiến người Mỹ lo lắng bạn bằng cách hét lên: “Người Mexico đang lấy đi công việc của chúng ta!” thì thay vì thế bạn nên khiến cho người Mỹ và Mexico có chung một động lực bằng cách hét lên: “Rô bốt sẽ lấy đi công việc của chúng ta!”.
Điều này không có nghĩa là con người sẽ phải hoàn toàn bỏ đi danh tính quốc gia, tôn giáo hay văn hóa độc đáo của họ. Họ có thể trung thành với một thứ và cùng lúc đó có nhiều danh tính khác. Tôi có thể trung thành với một danh tính nào đó và cùng lúc gắn kết với một vài danh tính khác – gia đình, làng mạc, nghề nghiệp, quốc gia, cũng như hành tinh của tôi và toàn thể loài người.
Thỉnh thoảng việc đa gắn kết sẽ dẫn đến xung đột và sẽ rất khó để chúng ta đưa ra quyết định phải làm gì. Nhưng cuộc sống đâu có dễ dàng? Cuộc sống luôn rất khó khăn và ta phải đối diện với đó. Thỉnh thoảng chúng ta đặt công việc lên trước gia đình, thỉnh thoảng gia đình lên trước công việc. Tương tự như vậy, thỉnh thoảng, chúng ta cần phải đặt lợi ích quốc gia lên trước, nhưng cũng có dịp chúng ta cần trân trọng lợi ích toàn cầu của nhân loại.
Tất cả những điều trên có ý nghĩa như thế nào trong thực tiễn? Khi mà cuộc bầu cử kế tiếp diễn ra, các chính trị gia sẽ đòi hỏi bạn bầu cho họ, hãy hỏi bốn câu hỏi sau:
Nếu được bầu, bạn sẽ có những giải pháp nào để giúp hạn chế nguy cơ chiến tranh hạt nhân?
Bạn sẽ có những giải pháp nào để hạn chế rủi ro của biến đổi khí hậu?
Bạn sẽ có những giải pháp nào để quản lý các công nghệ đột phá như AI và công nghệ sinh học?
Cuối cùng, thế giới vào năm 2040 trông như thế nào trong mắt bạn? Viễn cảnh tồi tệ nhất là gì và đâu là viễn cảnh tốt đẹp nhất trong tầm nhìn của bạn?
Nếu các chính trị gia không hiểu các câu hỏi trên hoặc họ không ngừng nói về quá khứ mà bỏ qua việc thiết kế một tầm nhìn ý nghĩa cho tương lai, đừng bầu chọn cho những người như vậy.
Bài trên The Economist: