Chuyển đổi tiền từ giấy sang số

Chuyển đổi tiền từ giấy sang số

Bài tiếp theo trong chuỗi các xu hướng tài chính mới của The Economist đào sâu vào quá trình chuyển đổi từ tiền giấy (cash) sang số (digital), một xu hướng mà ngạc nhiên thay Fed (Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ – hay ngân hàng trung ương Hoa Kỳ) đã chân nhận từ cách đó hàng trăm năm. Đây là quá trình mà hai khu vực công và tư cùng chạy đua. Để cạnh tranh với các gã khổng lồ công nghệ (như Facebook với đồng Libra chẳng hạn), ngân hàng trung ương các nước đang ra sức tạo ra đồng tiền số riêng (mà gọi chung là CBDC) với lợi ích rõ rệt nhất là có thể dùng nó để triển khai “lãi suất âm”, giúp kiểm soát guồng máy kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên hệ thống mới cũng tiềm tàng nhiều mối nguy mới mà chưa chắc khu vực công đã đủ sức cáng đáng. Cụ thể trong đại dịch Covid-19 vừa qua, sự rệu rã của hạ tầng công nghệ “công” càng được phơi bày rõ trước công chúng như trang web đăng kí thất nghiệp của Mỹ bị quá tải hay ứng dụng theo dõi người bệnh Covid-19 bị lãng quên ở Anh.

Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Fed) đã chân nhận ra tiềm năng “phá hủy” (thay thế hệ thống tài chính cũ) của tiền điện tử từ cách đây rất lâu. Chi nhánh New York của Fed từng kết luận trong một báo cáo: “Hình thức dịch vụ số này được trông đợi sẽ ngày càng dễ sử dụng hơn và hiểu biết về đặc tính kinh tế của nó sẽ lan rộng” Tuyên bố này được đưa ra vào năm 1917 (4 năm sau khi Fed được thành lập), thời điểm Fed cũng chỉ vừa bắt đầu cho phép các ngân hàng chuyển tiền bằng “điện tín” (telegram) không tính phí lãi suất (interest charge). Một thế kỷ sau đó, các ngân hàng trung ương lại tiếp tục chiến đấu với cuộc cách mạng công nghệ mới: sự trỗi dậy của thanh toán di động và quá trình từ bỏ tiền mặt.

Vào đầu thế kỷ 20, các ngân hàng trung ương đặt mục tiêu tạo ra mạng lưới chuyển tin “điện báo” (telegraph) nhưng hiện tại tầm nhìn mới của họ là phải tạo ra một mạng lưới thanh toán số để dành lại quyền kiểm soát hệ thống tiền tệ. Một ý tưởng phổ biến là phát hành đồng tiền số “ngân hàng trung ương” – CBDC (central-bank digital currency), thứ chỉ tồn tại duy nhất dưới dạng các electron trong con chip máy tính, hơn là dưới dạng “tiền xu” (coin) hoặc “giấy” (bill). Gần 80% ngân hàng trung ương đang thực hiện một dạng thức nào đó của CBDC, từ nghiên cứu đến thử nghiệm, theo một khảo sát. Mặc dù vẫn còn quá sớm nhưng đây là xu hướng góp phần tạo ra các viễn cảnh (possibilities) mới cho chính sách tiền tệ.

Ban đầu, đại đa số các giám đốc ngân hàng trung ương đều ngờ vực CBDC, nhưng trong những tháng gần đây, quan điểm của họ đã chuyển sang hướng tích cực hơn – theo phân tích lời phát biểu (speeches) từ nhóm này do Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế (Bank for International Settlements – BIS), câu lạc bộ ngân hàng trung ương, tiến hành – có thể một phần vì khái niệm này dần quen thuộc với họ. Trung Quốc hiện tại đã đưa đồng nhân dân tệ số (digital yuan) vào sử dụng thử nghiệm trong phạm vi giới hạn, Thụy Điển cũng gần chạm đến đồng krona số (e-krona). Đại dịch coronavirus đã hối thúc thêm nhiều người chuyển sang mua hàng online hoặc chi trả bằng thẻ không tiếp xúc (contactless) hay điện thoại thay vì dùng tiền mặt.

Động lực chính yếu cho việc phát hành CBDC gần như là để các ngân hàng trung ương phòng thủ, bởi cái chết từ từ của tiền mặt (hay chuyển sang tiền số) sẽ tạo ra hai rủi ro cơ bản sau.

Thứ nhất hệ thống thanh toán trực tuyến có thể ngưng hoạt động khi bị “ngắt điện” (outages) hoặc bị tấn công mạng (hacks). Để bảo vệ tính “toàn vẹn” (integrity) của đồng tiền, các ngân hàng trung ương được kỳ vọng phải cung cấp các giải pháp thay thế khác cho tiền số nhằm đảm bảo an toàn khi có sự cố (fail-safe).

Rủi ro thứ hai là các hệ thống (thanh toán) do khu vực “tư” (private) thiết kế trở nên quá thành công, cụ thể như viễn cảnh các nền tảng thanh toán do những gã khổng lồ công nghệ như Facebook hay Tencent cung cấp thu hút nhiều người chuyển sang sử dụng. Nhiều ngân hàng trung ương đã bắt đầu xem xét rủi ro này nghiêm túc hơn khi Facebook tiết lộ kế hoạch phát hành tiền số trong năm 2019 (Đồng Libra). Hyun Song Shin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của BIS, cho rằng công cuộc chuyển dịch “đồng tiền” như trên tương tự như di chuyển nền kinh tế từ một thị trường nho nhỏ (chợ trời) ở trung tâm thị trấn (town-square) (nơi mọi người buôn bán đều vui vẻ chấp nhận tiền mặt) sang địa hạt cạnh tranh khốc liệt của một chuỗi các cửa hàng bách hóa cung cấp đầy đủ dịch vụ (full -service department stores). Một khi hình thức giao dịch mới đủ phổ biến (hay thông dụng), các cửa hàng bách hóa này có thể cấm bạn mua ở những nơi khác và yêu cầu một khoản phí phát sinh mới nào đó. Các nhà làm luật có thể yêu cầu các nền tảng thanh toán “do tư nhân thiết kế” phải kết nối với nhau nhưng rõ ràng một phiên bản CBDC được thiết kế tốt mới đảm bảo điều này, cụ thể là tạo ra một cây cầu “số” (digital bridge) giữa các hệ thống khác nhau.

Các giám đốc ngân hàng trung ương ở Châu Âu là những người đang bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các đồng tiền số “tư nhân” khi xem xét khía cạnh cạnh tranh và thu hút khách hàng. Fed có vẻ còn lâu mới nhìn nhận điều này nghiêm túc bởi người Mỹ vẫn gắn bó với tiền mặt nhiều hơn.

CBDC cũng giúp ngân hàng trung ương mở rộng quyền kiểm soát, cụ thể như cho phép loại hình giao dịch nào cần bị theo dõi chặt chẽ, điều này hấp dẫn mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc. Ở phương Tây, nơi các bản khảo sát cho thấy công chúng quan tâm nhiều hơn quyền riêng tư, CBDC cần phải đảm bảo tính ẩn danh (anonymity) mà không né tránh quá trình chống rửa tiền (anti-money-laundering)

Các hàm ý dành cho chính sách tiền tệ liên quan cũng trở nên rất thú vị (xét về mặt lý thuyết), nếu hình thức tiền tệ mới là CBDC “bán lẻ”, được công chúng sử dụng rộng rãi. (lựa chọn ít thú vị hơn là tiến hành phát hành CBDC bán sỉ, độc quyền cho các ngân hàng thương mại, tương tự như tiền họ lấy trước đó từ ngân hàng trung ương, mặc dù được chống đỡ bởi công nghệ tân tiến hơn).

CBDC có thể khiến việc thực thi lãi suất âm trở nên dễ dàng hơn. Không giống như tiền mặt truyền thống, đồng tiền pháp định số (digital fiat) có thể được lập trình. Hiện tại, lãi xuất không thể đi xuống “âm” quá mức, bởi người tiết kiệm luôn luôn đòi hỏi tiền mặt, mà theo định nghĩa chỉ có thể cung cấp lãi suất tại mức bằng không (0). Nhưng nếu tiền số được lập trình để có lãi suất âm, sự do dự hay thoái lui (fallbacks) của công chúng sẽ bớt dần và ngân hàng trung ương sẽ trở nên linh hoạt hơn.

Các nhà quản lý ngân hàng trung ương cũng có thể bị cám dỗ bởi khả năng can thiệp có chủ đích – điều có thể khiến những người đang lo lắng về quyền lực không chính thức của một số viên chức “tiền tệ” (ám chỉ những người quản lý chính sách tiền tệ) kinh hãi. Thay vì cho các ngân hàng thương mại vay, ngân hàng trung ương có thể nạp tiền vào tài khoản của một cá nhân nào đó. Trong quá trình suy thoái, họ có thể chuyển tiền tới những người còn ít tiền trong tài khoản (low balances). Sau thiên tai, họ có thể hướng sự ủng hộ đến các khu vực bị ảnh hưởng. Nhóm này cũng đồng thời có thể cung cấp các khoản giảm giá tiêu dùng (consumption rebates) phụ thuộc vào cách thức và khu vực đồng tiền được chi tiêu.

Tất nhiên quyền lực mới phát hiện ra này (newfound) cũng có những mặt hạn chế của nó. Trong trường hợp mục tiêu của CBDC là để áp dụng lãi suất âm, các quốc gia có lẽ cần phải loại bỏ tiền mặt, nếu không công chúng vẫn sẽ ưu tiên chọn tiền “vật lý” thay vì “ảo”. Hơn nữa, nếu CBDC có lãi suất âm quá sâu, mọi người sẽ mất hết niềm tin về nó, dẫn đến những người tiết kiệm có thể đòi hỏi một loại tiền tệ hoặc tài sản khác, giống như vàng. Đối với các can thiệp có chủ đích, có nhiều mối nguy tiềm tàng của việc lập trình quá nhiều tính năng đặc biệt trong đồng tiền số, bởi lúc này, tiền số trông rất giống như các chứng khoán được thiết kế đặc biệt, khiến tính bất phân định bị suy giảm (khả năng mà một hàng hoá hoặc sản phẩm có thể được hoán đổi lẫn nhau mà không gây ra sự khác biệt gì) (fungibility), một đặc tính quan trọng của tiền từ những ngày đầu dưới hình thức vỏ sò hay ốc.

Các ngân hàng trung ương cũng phải chú ý đến những điểm yếu mới (vulnerabilities) trong hệ thống. Trong trường hợp hoảng loạn kinh tế (panic), người tiết kiệm có thể chuyển đổi tiền gửi (deposits) trong ngân hàng vào trong tài khoản CBDC của họ, điều khiến áp lực lên hệ thống tài chính gia tăng. Thậm chí ngay cả khi không có hoảng loạn, nhu cầu to lớn về CBDC có thể phá hoại “nền tiền gửi” (deposit bases) của ngân hàng, khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn tiền “sỉ” (wholesale funding), điều gây tốn kém chi phí và ít ổn định hơn. Một vài nhà kinh tế cho rằng nên đặt ra các giới hạn (limits) rút tiền và phát hành để giúp tránh được các ảnh hưởng nguy hại trên.

Trong một số trường hợp, sự phân rẽ chính sách (policy ramifications – ủng hộ hay không ủng hộ tiền số) đang là đề tài bàn tán quanh các thảo luận về “tiền tệ”. Câu hỏi: “Liệu các ngân hàng trung ương có thành công trong việc xây dựng được đồng CBDC vững chãi và dễ sử dụng” đang là mối lo có tính thực tiễn của nhiều người. Một số ví dụ trong vài tháng qua đã cho thấy những thất bại của khu vực công trong việc áp dụng công nghệ, từ trang web phục vụ người thất nghiệp quá tải của Mỹ đến ứng dụng theo dấu virus corona bị lãng quên ở Anh. Không chính phủ nào muốn nhìn thấy sự sụp đổ đồng tiền, thậm chí nếu nó chỉ là “ảo”.