Cuộc chiến đa vũ trụ

Cuộc chiến đa vũ trụ


Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus, người sáng lập ra thành bang (city-state) Ephyra (ngày nay là Corinth), là nhân vật dám cả gan chống lại hệ thống tuần hoàn "sự sống - cái chết" mà các vị thần trên đỉnh Olympus thiết lập. Hình phạt giáng xuống cho ông: đẩy một tảng đá lên ngọn núi cao dốc đứng, để rồi khi chạm đỉnh nó lại lăn xuống, nỗ lực này phải lặp đi lặp lại liên tục. Triết gia Pháp Albert Camus đã dùng hình ảnh "Sisyphus" để mô tả về "triết lý phi lý hay lố bịch" (absurdism). Sự phi lý (absurd) là khoảng cách to lớn giữa khát khao của con người và thực tế dửng dưng của vũ trụ (hay thế giới). Con người khi bước đi trong thế giới rộng lớn luôn khát khao một tương quan mật thiết với mọi thứ xung quanh, kiểu như hòa vào một trật tự nào đó, sáng tỏ một khúc mắc nào đó, ý nghĩa trong từng khoảng khắc hay sự sống đời đời. Tuy nhiên, cái họ nhận được là hỗn loạn, tối tăm, dửng dưng, cô đơn, khổ đau và cái chết (trước sau gì cũng diễn ra). Albert Camus nói: “Sự phi lý sinh ra từ mâu thuẫn giữa nhu cầu của con người và sự im lặng khôn dò của thế giới”.

"Cuộc chiến đa vũ trụ" (Mình thích dịch sát là: Mọi thứ, mọi nơi, cùng một lúc) cũng kể về một "Sisyphus" khác có cái tên Evelyn, một người nhập cư người Hoa tại Mỹ đang vận hành một tiệm giặt ủi. Cô đang trải qua khủng hoảng sinh tồn: căng thẳng tột độ trong việc vận hành doanh nghiệp, cô con gái đồng tính bướng bỉnh, cuộc hôn nhân chực chờ tan vỡ, người bố thì bị bệnh Parkinson. Waymond, chồng của Evelyn, hết mực yêu thương vợ nhưng luôn bị xem là nguyên nhân khiến cuộc sống của cả gia đình khốn khổ. Anh sống vô lo, yêu thương và lạc quan. Cô con gái Joy của Evelyn thì loay hoay tìm kiếm sự chấp thuận tuyệt đối của gia đình trong chuyện yêu đương. Khi cả gia đình đến họp mặt căng thẳng với sở thuế vụ IRS, cơ thể của chồng Evelyn bị chiếm hữu bởi một người khác đến từ vũ trụ Alpha (Alphaverse), tạm gọi là Alpha-Waymond. Người này đã tìm cách giải thích cho Evelyn về sự tồn tại của nhiều vũ trụ song song. Cụ thể, mỗi lựa chọn cuộc đời sẽ tạo ra vũ trụ thay thế mới. Vũ trụ Alpha đã tạo ra một công nghệ gọi là "bước nhảy vũ trụ" (verse-jumping) cho phép người sử dụng có thể nhảy qua lại giữa các vũ trụ, đồng thời có thể nắm lấy các kĩ năng, ký ức và phiên bản cơ thể của mình trong vũ trụ khác. Alpha-Waymond cảnh báo Evelyn về mối đe dọa to lớn từ Jobu Tupaki đến "đa vũ trụ" và cô là người anh hùng duy nhất có thể lật ngược thế cờ. Nghịch lý thay, Jobu chỉnh là phiên bản Alpha của cô con gái Joy, người này đã trải nghiệm tất cả vũ trụ, học hết mọi kĩ năng và có thể chuyển hóa bất kỳ vật chất nào nếu muốn. Cô ta đồng thời cũng tạo ra một hố đen hình bánh bagel nhằm mục tiêu tiêu diệt toàn bộ đa vũ trụ. Joy trong vũ trụ Alpha đã nâng cấp lên thành một con quái thú không còn có bất cứ hối tiếc nào với những khổ đau gây ra cho người xung quanh, đồng thời xem tất cả những gì đang diễn ra là hoàn toàn vô nghĩa (dù cũng có khoảng khắc hy vọng tìm kiếm ý nghĩa nào đó trong cuộc sống). Alpha-Joy (hay Jobu) đã rơi vào bẫy hư vô (nihilism) hay tư tưởng đoạn diệt (tuyệt vọng). Jobu cũng gợi nhắc nhân vật Joker (đối trọng của Batman) với nhận xét đầy tính hư vô ”đời là vậy, rất nực cười, luôn có người sẵn lòng giơ chân chà đạp giấc mơ”.

Giải pháp cho "hư vô" (nihilism) chính là đón nhận hay ôm lấy "sự phi lý" (absurdism) một cách đầy yêu thương. Các vũ trụ khác có đầy sự phi lý (so với thế giới thông thường mà chúng ta hình dung): ăn thỏi son, người với 5 ngón tay hình hotdog, các nhân vật đánh nhau bằng dương vật giả hay túi đeo hông, thậm chí chỉ là các hòn đá. Mức độ dồn dập các hành động ngớ ngẩn để nhảy qua nhảy lại giữa các vũ trụ trong phim cho thấy những thứ lạ lẫm, xa lạ hay không liên quan (irrelevant) có thể có những ảnh hưởng to lớn đến tổng thể đa vũ trụ, cụ thể tạo ra các vũ trụ mới. Rõ rành anh em Daniels đã làm phim theo trăn trở của Albert Camus: "sự sinh tồn phỏng có ý nghĩa gì khi về cơ bản mọi thứ là phi lý. Vậy thì tự tử (suicide) có là giải pháp, đây là vấn đề triết học cần suy tư sâu sắc". Lựa chọn bị cuốn vào hố đen bagel của Jobu (hay tự tử) chính là cách thức nhanh chóng hay cơ bản nhất để đoạn tuyệt với mọi sự phi lý (absurdity). Tuy nhiên, Camus trong tác phẩm "Huyền thoại Sisyphus" đã nhấn mạnh: "sự phi lý tạo ra trong tôi ba kết quả: chống đối (revolt), tự do (freedom) và đam mê (passion). Thông qua nhận thức (consciousness), tôi chuyển đổi góc nhìn về cuộc sống, vốn trước đó chỉ là sự mời gọi đến cái chết. Tôi từ chối tự tử." Cuộc sống đong đầy sự phi lý, nó vốn dĩ luôn như vậy, con người với phẩm giá phải đối mặt và học các chấp nhận thân phận khốn khó của mình, hơn hết phải khiến sự nhân văn (hay tình yêu) lan tỏa.


Trong chúng ta, ai mà không có chút Sisyphus, một con ong chăm chỉ cần mẫn: hì hục quay tới quay lui trong một công việc nào đó (kiểu như công chức nhà nước: sáng cắp ô đi, tối vác ô về). Điều đáng kinh ngạc, theo Camus, chính là lúc Sisyphus đi xuống núi, dù nhận rõ sự vô vọng trong công việc của mình hay ý thức về sự phi lý, ông vẫn có đủ dũng khí để tiếp tục. Trái tim Sisyphus được lấp đầy bằng sự tranh đấu (hay tự do hoặc đam mê) để sống và sống hạnh phúc. Phải mường tượng là Sisyphus cũng có hạnh phúc của riêng mình. Chính việc chấp nhận thực tại hay sự phi lý như bản chất vốn có, mới mở rộng tự do hay hạnh phúc của con người.

Evelyn cuối cùng đã chọn ôm ấp lấy sự phi lý, cô chọn sống trong vũ trụ đời thường với tiệm giặt ủi quanh gia đình (bất ổn) thay vì đến vũ trụ khác hào nhoáng hơn. Cô nhận ra vũ trụ nào cũng đong đầy sự phi lý theo cách của nó. Evelyn ôm chầm lấy Joy (hay Jobu) cùng sự trợ lực của cả gia đình để kéo cô bé ra khỏi hố đen bagel của "hư vô". Cả "hư vô" và "phi lý" đều dựa trên góc nhìn cơ bản: sự vô nghĩa của tất cả mọi thứ. Tuy nhiên, Camus hay anh em Daniels đem đến giải pháp trong "chủ nghĩa phi lý" (absurdism): sức mạnh của sự chấp nhận (acceptance). Sự chấp nhận khiến ta sống tiếp cho dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, để không chìm đắm trong một loạt các câu hỏi "nếu - thì" mà trân trọng từng khoảng khắc đời thường hỷ nộ ái ố.

Bộ phim thực sự là một kiệt tác, không chỉ thấm đấm triết lý hiện sinh/phi lý (absurdism) hay nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của con người trong vũ trụ phi lý mà còn khai phá góc nhìn đa dạng về giới, chủng tộc, khoảng cách thế hệ. Diễn xuất của Dương Tử Quỳnh cùng sự sáng tạo của anh em Daniels trong phim xứng đáng cho mọi đề cử danh giá nhất trong điện ảnh. Có thể nói tóm gọn về phim: một tập hợp phi lý điên rồ hay hỗn loạn của các vũ trụ nhưng lại xây trên nền móng vững chắc, cụ thể câu chuyện gia đình đời thường, đồng thời cài cắm nhiều tư tưởng to lớn. Phim gửi gắm thông điệp: “mỗi khi khám phá vũ trụ mới, tất cả chúng ta mới hiểu mình thật nhỏ bé và dại khờ thế nào."