Hảo tâm ái quốc, vĩ nhân và Kim Kardasian

Hảo tâm ái quốc, vĩ nhân và Kim Kardasian

Bất cứ ai ghé thăm thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ lần đầu (giống như mình) sẽ khó có thể bỏ qua việc ghé thăm hệ thống bảo tàng Smithsonian tuyệt đẹp phủ quanh khu công viên National Mall xen kẽ với một loạt các đài tưởng niệm như Washington, Lincoln, Jefferson (Memorial) cùng một công trình rất quan trọng với Hoa Kỳ, Viện Lưu Trữ Quốc Gia (National Archives). Tòa nhà này chứa trong đó ba báu vật của Hoa Kỳ là Hiến Pháp, Tuyên Ngôn Độc Lập và Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Bills of Right). Tất cả được bày trí trang trọng để Hoa Kỳ kể câu chuyện lịch sử của mình đến các thế hệ tương lai. Cấu trúc lịch sử này được một nhà đầu tư (cũng nằm trong ban điều hành của viện Smithsonian) dành nhiều tâm huyết bảo vệ và trùng tu. Ông chính là David Rubenstein, người sáng lập nên một trong những quỹ đầu tư tư nhân (private equity) lớn nhất thế giới, The Carlyle Group với AUM (tài sản do quỹ quản lý) hiện tại tầm 400 tỷ đô trải trên nhiều châu lục. Tên gọi của quỹ được lấy cảm hứng từ triết gia Thomas Carlyle, người phát triển "lý thuyết vĩ nhân" (great man theory) trong đó nhấn mạnh lịch sử không gì khác hơn chính là tiểu sử của các cá nhân kiệt suất hay anh hùng. Điển hình như kiệt tác "Friedrich Đại Đế", trong đó Carlyle mô tả cách thức vị anh hùng quốc gia, hoàng đế Friedrich, kiến tạo nền văn hóa đạo đức mới cho nước Phổ (Đức) trong bối cảnh xung đột và hỗn loạn. Carlyle tin rằng những "những ý tưởng thần thánh (linh thiêng) về thế giới" (divine idea), cụ thể niềm tin về trật tự (order) thường hằng (eternal), chảy khắp mọi nơi (omnipresent) và siêu hình (metaphysical) đang ẩn sâu đâu đó (unknown deep) và chỉ từ từ hiển lộ ra cho loài người (qua các anh hùng). Quan điểm này gọi chung là "chủ nghĩa siêu nhiên" (natural supernaturalism), Carlyle qua đó nhắc nhở "nhân loại luôn gắn kết với nhau bằng một sợi dây bí ẩn, chúng ta thực chất là một" (a mystic bond of brotherhood) và chỉ có bổn phận (duty), công việc (work) và sự tĩnh lặng (silence) mới khai mở hiện thực từ từ."

Quỹ Carlyle khởi đầu bằng việc đầu tư vào những ngành bị kiểm soát chặt bởi chính phủ (heavily regulated) như viễn thông, hàng không và quốc phòng (Vought Aircraft, Magnavox Electronic Systems, General Dynamics Corporation) sau đó mở rộng sang nhiều địa hạt khác bất động sản, hạ tầng, năng lượng và công nghệ. Các thương vụ thâu tóm cổ phần nổi bật của quỹ là Hertz Global (công ty cho thuê xe), Dunkin's Brands (chuỗi thức ăn nhanh có các thương hiệu quen thuộc ở Việt Nam như Dunkin' Donuts, Mister Donut và kem Baskin-Robbins) và Nielsen Company (truyền thông và nghiên cứu thị trường). Sức mạnh của quỹ được hình thành bởi một mạng lưới các đối tác và cố vấn lẫy lừng như cựu Tổng Thống George H.W. Bush (Bush cha) và Lou Gerstner (CEO của IBM). Các kết nối toàn cầu của quỹ đã khiến tổ chức này trở thành mục tiêu tấn công của các phong trào chống toàn cầu hóa và quỹ đã được nhắc tên trong bộ phim đầy tranh cãi của Michael Moore, Fahrenheit 9/11 (mô tả mối quan hệ của quỹ với gia đình Bin Laden). David Rubenstein đã rải một phần nguồn lực có được từ sự nghiệp đầu tư rất thành công vào các dự án văn hóa, nghệ thuật và lịch sử để tri ân quốc gia nuôi dưỡng mình. Ngoài ra, ông còn phát triển một chương trình talkshow (phối hợp cùng Bloomberg) để phỏng vấn những nhà lãnh đạo sừng sỏ của thế giới nhằm khai thác nhân sinh quan, các bài học thành công và hệ thống hoá các xu hướng toàn cầu. Nhà đầu tư cũng từng phát biểu tại trường đại học Fulbright, Việt Nam.

Bài viết dưới đây được tổng hợp lại từ phần trao đổi thú vị (khai sáng) giữa David Marchick (hiệu trưởng trường Kogod) và David Rubenstein về con đường lập nghiệp của nhà đầu tư với xuất phát điểm khá khiêm tốn về điều kiện kinh tế (nhưng có thế giới quan Do Thái rộng lớn). Chúng ta sẽ cùng dõi theo dòng chảy lịch sử đầu tư tư nhân (PE) qua các nhân vật kiệt suất mà Rubenstein có cơ hội tiếp xúc (cũng là các anh hùng mà Carlyle đề cập), từ Magna Carta (Đại Hiến Chương về những quyền tự do) đến Elon Musk, từ Thomas Jefferson (tác giả Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ) đến Kim Kardashian, từ những ngày tiên khởi của đầu tư tư nhân (private equity) đến phong trào "bền vững" (sustainability) đang diễn ra sôi động hiện nay. Rubenstein chia sẻ về các sai lầm trong đầu tư, cách nhìn người, cách đối nhân xử thế và cách trả nguồn lực (tiền bạc) về lại cho xã hội để lèo lái dòng chảy lịch sử. Các bạn trẻ (sinh viên), nhà sáng lập, nhà phân tích đầu tư và những ai túi tiền rủng rỉnh (triệu phú hay tỷ phú mới nổi) đều có thể học được điều gì đó qua các câu chuyện ông truyền đạt.

1> Học cách ăn nói, Kim Kardashian, Donald Trump và Elon Musk

Rubenstein từng là người rất nhút nhát dù có tính cách hướng ngoại (extrovert kind of personality). Điều này xuất phát từ cảm giác tự ti, ông không phải là một vận động viên giỏi, không học hành quá giỏi hay không có cái gì nổi bật để khoe với thế giới bên ngoài. Sự tự tin của ông chỉ tăng lên một chút khi The Carlyle Group đạt được thành công tột bậc. Khi được mời nói chuyện với công chúng nhiều hơn, ông đã luyện tập cách ăn nói để ảnh hưởng thế giới hiệu quả hơn. Chương trình phỏng vấn nổi tiếng do Rubenstein tiến hành (kết hợp với Bloomberg) chính là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa bản thân này. Quỹ Carlyle thỉnh thoảng mời những nhân vật nổi tiếng đến làm diễn giả cho các hội nghị đầu tư của mình (có hàng ngàn người tham dự), điển hình như các cựu Tổng Thống hay cựu Ngoại Trưởng (phải trả khoản phí rất lớn). Dù có khách mời khủng nhưng Rubenstein vẫn cảm thấy chương trình có chút nhàm chán. Ông đã đề xuất các đối tác truyền thông (agent) cho phép mình tiến hành phỏng vấn các nhân vật này để tận dụng khiếu hài hước sẵn có. Thử nghiệm này rất thành công, Rubenstein đã khiến Hilary Clinton (cựu Ngoại trưởng) rất thoải mái và Ben S. Bernanke (cựu chủ tịch FED) bộc lộ tính hài hước. Cơ hội thực hành phỏng vấn lại đến với Rubenstein nhiều hơn khi ông nắm vị trí trưởng Câu lạc bộ kinh tế Washington (hàng chục năm trước) nơi thường xuyên tiếp đón các nhân vật lẫy lừng đến giao lưu. Để lý giải về nỗ lực cải thiện khả năng ăn nói, Rubenstein đặt câu hỏi: "Làm thế nào chúng ta có thể vượt lên trước trong cuộc đời? (how do you get ahead in life?)". Câu trả lời nằm ở khả năng thuyết phục mọi người làm điều bạn muốn (hãy cùng làm công việc này, hãy đầu tư vào thương vụ này, hãy tham gia chuyến đi này với tôi, hãy mua cái này). Chúng ta thực hiện điều này thông qua giao tiếp bằng miệng hoặc thông qua viết lách. Tất nhiên, đa số chúng ta không thể trở thành các nhà hùng biện kiệt xuất như Martin Luther King hay Abraham Lincoln, chỉ cần bản thân ý thức luyện tập cách nói và viết sao cho tốt hơn. Rubenstein đã rất ngạc nhiên khi có một số nhân sự mà ông phỏng vấn dù đã tốt nghiệp đại học lại không thể nói hay viết một cách hiệu quả. Rubenstein không bao giờ sử dụng các ghi chú khi phát biểu, bởi chúng khiến ông đánh mất liên lạc bằng mắt với thính giả đồng thời khiến các buổi phỏng vấn trông như được căn chỉnh (scripted interview) thay vì diễn ra tự nhiên. Trước đó, ông đã chuẩn bị sẵn trong đầu các câu hỏi (ghi nhớ) và tập trung lắng nghe người đối diện. Nếu họ bày tỏ những quan điểm khác biệt, Rubenstein sẽ khai thác thông tin từ đó (pivot from it). Đây cũng chính là phương pháp của Oprah Winfrey (một nhân vật lẫy lừng trong giới truyền thông Hoa Kỳ), bà là một người lắng nghe rất giỏi. Điều này khác biệt hoàn toàn với cách thẩm vấn của các đặc vụ FBI, lâu lâu Rubenstein cũng bị họ lôi vào các buổi kiểm tra lý lịch (background check) của một ai đó. Họ có danh sách một loạt các câu hỏi (checklist) để dò theo, quá trình khai thác thông tin diễn ra một cách máy móc và bạn sẽ cảm giác không được lắng nghe.

Vị thế của Rubenstein khiến show phỏng vấn của ông thu hút những người giàu có và thành công nhất thế giới (thường là các nhà đầu tư sừng sỏ). Tuy nhiên, thỉnh thoảng ông cũng phỏng vấn cả những nhân vật tai tiếng như Sam xoăn (nhà sáng lập FTX) hay Kim Kardashian (nhân vật truyền hình thực tế). David Marchick, hiệu trưởng của trường kinh doanh Kogod, đã khai thác ngay điểm này để mở đầu buổi nói chuyện với David Rubenstein. Marchick hỏi xoáy: "tôi không thể tưởng tượng là ông lại có thể ngồi cùng nhân vật ồn ào này, quý cô Kim Kardashian. Ông đã học được từ cô ta điều gì?" Rubenstein mở đầu nhẹ nhàng: "cô ta rất khéo léo, Kim có tới 365 triệu người theo dõi trên Instagram còn tôi thì không có ai". Thực ra cơ duyên gặp gỡ này đến từ một cựu nhân viên của ông tại The Carlyle Group, Jay Sammons, người từng phụ trách bộ phận "Tiêu dùng, Truyền thông và Bán lẻ" của quỹ đầu tư. Sammons đã cùng với Kim Kardashian đồng khởi sự một tổ chức đầu tư tư nhân (private equity) mới mang tên SKKY Partners để kết hợp kinh nghiệm từ một người rót vốn lão luyện vào các đế chế tiêu dùng - truyền thông với ảnh hưởng lan tỏa không đối thủ của hiện tượng mạng xã hội. Mục tiêu của SKKY là đầu tư vào các địa hạt: sản phẩm tiêu dùng, thương mại điện tử, truyền thông và giải trí, lữ hành (hospitality) và đồ xa xỉ (luxury). Mẹ của Kim, bà Kris Jenner, cũng là một đối tác của quỹ. Đại gia đình Kardashian thực chất là một đế chế truyền thông 16 tuổi đời với gần 1,2 tỷ người theo dõi trên Instagram. Họ tạo ra các chương trình truyền hình "mì ăn liền", mỹ phẩm, thời trang (Kylie Cosmetics và SKIMS) cùng một tỷ phú "tự thân" trẻ nhất thế giới. Các thành viên gia đình là những người khổng lồ trong ngành "tạo ảnh hưởng" (influencers) rầm rộ trong mấy năm gần đây nhờ giải quyết một vấn đề quan trọng cho các nhà quảng cáo. Cụ thể, trước đây cứ một đô la quảng cáo thì trung bình có 77 cent đi vào túi của Google hay Facebook, tuy nhiên các nhà quảng cáo vẫn cảm thấy khó chịu vì không nắm rõ thông điệp của mình được đặt ở đâu hay các khách hàng tương tác thế nào (engagement). Các KOL hay influencer (những người có sức ảnh hưởng mạng) giải quyết vấn đề trên bằng cách khiến quảng cáo chảy vào tập tín đồ riêng của mình (họ có các đặc điểm riêng biệt bám theo cá tính của KOL), do đó đẩy tỷ lệ gắn kết (engagement) cao lên. Thời thế (mạng xã hội) đã biến gia đình Kardashian trở thành thế lực kinh doanh đáng gờm, mặc cho mọi mỉa mai, kiểu những kẻ bất tài, chỉ bám vào tai tiếng để bơm thổi tai tiếng (famous to be famous). Sự xuất hiện cũng Kim trong buổi phỏng vấn với David Rubenstein chính là công nhận nho nhỏ cho sự thức thời (thành công) của gia đình nhưng cũng đồng thời để quảng bá cho SKKY (bởi Rubenstein cũng rót vốn vào nhánh đầu tư mới này).

Ngay sau đó, David Marchick nhắc nhẹ đến Donald Trump, người mà Rubenstein từng phỏng vấn vào năm 2014. Sau khi nghỉ hưu, cha mẹ của Rubenstein đã đưa cả gia đình đến sinh sống ở "ngoại ô" Baltimore, vùng West Palm Beach tại Floria. Tại đây, mỗi khi cần tổ chức sự kiện đám cưới, lễ kỷ niệm hay ăn mừng, đại gia đình thường chọn câu lạc bộ Mar-A-Lago. Rubenstein kể lại: "các sự kiện của Mar-A-Lago thường có một gã cao ráo với tóc màu cam luôn nhảy xồng xộc vào thực khách và hỏi rằng có ai muốn giữ các tấm hình của ông ta làm kỷ niệm hay không. Chuyện này xảy ra thường xuyên khiến tôi nắm cả đống hình của gã này trong tay, không ai khác chính là Trump. Sau nhiều lần gặp gỡ, ông chủ của Mar-A-Lago cũng dần nhận ra tôi và The Carlyle Group. Khi đó, tôi đang tìm diễn giả cho Câu lạc bộ kinh tế ở Washington (the Economic Club of Washington, một tổ chức NGO/diễn đành có sức ảnh hưởng to lớn ở DC do Rubenstein làm chủ tịch) và đã được một số đồng nghiệp gợi ý nhân vật này trước đó. Liệu có nên mời gã này đến DC, ông ta chỉ là một tay phát triển bất động sản, thành công cũng vừa vừa, nắm trong tay một chương trình TV (mì ăn liền) mà tôi chưa từng xem. Tuy nhiên, mặc cho mọi băn khoăn, Donald Trump đã xuất hiện tại sự kiện của câu lạc bộ tại khách sạn Marriott Marquis với gần 800 thính giả tò mò." Trước khi buổi phỏng vấn diễn ra, Trump đã gài: "David, ông có thể hỏi tôi bất cứ câu hỏi nào tuy nhiên đừng quên hai câu sau. Thứ nhất, liệu tôi có chạy đua chức vụ Tổng Thống? và thứ hai, liệu tóc của tôi có phải thật hay không? hãy nắm tóc tôi và chứng minh cho thính giả nó là thật." Rubenstein có chút bối rối với các gợi ý này nhưng vẫn chiều ý Donald Trump (không ngờ hai năm sau Trump đã được bầu làm Tổng Thống) và buổi phỏng vấn kết thúc bằng câu hỏi: "Trump, có khi nào ông cảm thấy nghi ngờ về bản thân mình không?" (self-doubt)." Trump phản hồi với sự tự tin: "ý ông là gì?", có vẻ như khái niệm này không tồn tại trong suy nghĩ của ông ta. Ngay ngày hôm sau, Trump phản hồi: "David, tôi đã có một phần phỏng vấn tuyệt vời và tôi muốn ông trở thành hội viên danh dự của Mar-A-Lago, có vẻ như chương trình đang có tỷ lệ người xem cao nhất trong lịch sử của C-SPAN (được phát trực tiếp trên kênh này)." Tuy nhiên, khi Rubenstein kiểm tra lại với Brian Lamb về các kết quả tỷ lệ người xem (ratings), người sáng lập C-SPAN đã xác nhận kênh không hề có cái gọi là đo lường "tỷ lệ người xem" (do đó không ai biết rõ hiệu ứng chương trình cụ thể thế nào), rõ ràng Trump đã có chút phóng đại lên về mức độ ảnh hưởng của mình. Dù sao đi nữa, đây cũng là một trong những buổi phỏng vấn tốt nhất của Rubenstein (ông đã xem đi xem lại nhiều lần). Ông nhận xét: "không hiểu sao, tôi vẫn có cảm giác hợp lý rằng Trump vẫn có thể được bầu lại làm Tổng Thống".

Rubenstein cũng nhắc đến buổi phỏng vấn với nhà báo kỳ cựu Walter Isaacson diễn ra cách đây vài tuần tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington. Isaacson từng là chủ tịch và CEO của Aspen Institute (tổ chức nghiên cứu chính sách nổi tiếng ở thủ đô DC), chủ tịch của tờ CNN và cựu tổng biên tập của tạp chí danh tiếng TIME. Nhà báo Do Thái này đã viết nhiều sách tiểu sử nổi tiếng về các thiên tài như Steve Jobs, Leonardo Da Vinci, Benjamin Franklin, Henry Kissinger và Jennifer Doudna (người vừa thắng giải Nobel do khám phá ra phương pháp điều chỉnh gene CRISPR). Rubenstein chính là người đã gợi ý Isaacson tiếp cận Elon Musk: "ông nên tiếp cận Elon Musk, cậu ta là nhân vật xuất sắc nhất trong giới kinh doanh hiện nay". Isaacson đã liên hệ Elon để viết sách với điều kiện: "tôi sẽ theo chân anh trong hai năm để lấy tư liệu viết sách, tuy nhiên anh không được ảnh hưởng nội dung và trao toàn quyền biên tập cho tôi (auditorial authority), cuốn sách này không phải là dạng tiểu sử đặt hàng (authorized biography)." Elon đồng ý tham gia dự án mới này, anh ta thậm chí còn mở Twitter lên để đưa tin về sự ra đời của cuốn sách ngay trước khi buổi trao đổi với Isaacson kết thúc. Cuốn sách tiểu sử dày khoảng 600 trang đã được phát hành cách đây vài ngày và đang bán rất chạy. Elon Musk là một người phi thường. Giống như tất cả những ai có khả năng thay đổi thế giới, anh làm những việc mà mọi người xung quanh đều ca thán là không thể. Elon không tạo ra xe điện nhưng anh đã khiến công ty Tesla hoạt động hiệu quả xét theo nhiều khía cạnh (in many ways), công ty này đã từng đứng trên bờ vực phá sản. Anh ta đã thay đổi và trở thành mắt xích không thể thiếu trong chương trình không gian của Hoa Kỳ. Ngoài ra, Elon cũng làm nhiều công việc ấn tượng khác: thay đổi ngành du hành vũ trụ, tái tạo lại internet theo nhiều cách (qua công ty vệ tinh của anh), hay thay đổi ngành xe điện. Quyển sách về Elon Musk của Isaacson đã khiến Rubenstein vui buồn lẫn lộn. Buồn vì chân nhận ra các thiếu sót của bản thân so với năng lực đa dạng của nhà phát kiến và vui vì biết mình không dính vào các rắc rối liên quan. Elon Musk mắc chứng rối loạn đa nhân cách (multiple personality disorder), rối loạn lưỡng cực (bipolar), cũng như Asperger (rối loạn phát triển tâm lý - thần kinh, suy giảm khả năng giao tiếp và tương tác xã hội). Anh ta cũng có tới 10 người con và những mối quan hệ phức tạp với nhiều phụ nữ. Rubenstein nhận định đây là cuốn sách thú vị mà ai cũng nên tìm đọc.

2> Thời thơ ấu và Jimmy Carter

David Rubenstein không sinh ra trong một gia đình giàu có như Donald Trump (để thừa hưởng một đống tiền). Ông kể về bố mình: "cha tôi sinh ra trong gia đình có bảy anh em, ông từ bỏ việc học trung học để tham gia Thế Chiến II. Khi quay về, ông gặp mẹ tôi và cả hai kết hôn khi còn rất trẻ (ở độ tuổi 20 và 17). Không ai trong họ hoàn thành việc học đại học và tôi là con trai duy nhất." Rubenstein lớn lên trong một khu vực cổ cồn xanh (blue collar, ám chỉ công việc lao động tay chân) của người Do Thái ở Baltimore, nơi bị chia tách bởi tôn giáo/sắc tộc (segregated) và bị đặt ngoài vòng pháp luật bởi Tòa Tối Cao Hoa Kỳ (năm 1948). Giai đoạn này còn tồn tại cái gọi là giao ước hạn chế (restrictive covenant) khiến cho người da đen và Do Thái không thể đến sinh sống hay mua bất động sản tại một số khu vực (neighborhoods) ở Baltimore. Hầu hết người Do Thái đều phải tập trung về một khu vực chật hẹp có tên gọi Pikesville (Tây Bắc Baltimore). Trưởng thành trong cộng đồng Do Thái cổ cồn xanh, Rubenstein rất ít khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài và không có nhiều tiền (cũng như không biết ai có nhiều tiền). Do đó, cậu bé Rubenstein buộc phải học hành chăm chỉ và săn lùng các học bổng để theo đuổi giáo dục. Ông đi đúng con đường này, may mắn thay chạm được nền giáo dục của trường Duke và trường luật Chicago.

Khi rời khỏi trường học, Rubenstein không quan tâm nhiều đến việc kiếm tiền như các bạn đồng trang lứa. Giai đoạn đó các loại hình công ty khởi nghiệp (startups), quỹ đầu tư tư nhân (private equity firm) hay quỹ đầu cơ (hedge funds) không phổ biến. Nếu là người Do Thái, thông thường bạn phải gia nhập công việc kinh doanh của gia đình (family's business) hoặc trở thành luật sư hay bác sĩ. Rubenstein đã phản đối đề nghị trở thành nha sĩ của mẹ mình: "mẹ hãy nhìn xem, các khớp ngón tay của con thường xuyên bị viêm, con không đủ giỏi để làm cái này." Với mối quan tâm sâu sắc đến chính trị, ông đã lựa chọn đi theo con đường trở thành luật sư. Thêm nữa, ông cũng được truyền cảm hứng bởi Tổng Thống John F. Kennedy, người nắm giữ chức vụ quyền lực khi Rubenstein đang học lớp sáu. Ông còn nhớ giáo viên của mình đã đến xem buổi lễ nhậm chức và rất xúc động với bài phát biểu xuất sắc đầy viễn kiến của Kennedy. Câu chữ này được soạn thảo bởi luật sư Ted Sorensen, cố vấn thân cận của Tổng Thống. Rubenstein đã chọn nộp đơn đến làm việc tại hãng luật Paul, Weiss, Rifkind, Wharton & Garrison LLP, nơi Sorensen cũng dự phần, để ít nhiều bị ảnh hưởng bởi nhân vật sừng sỏ này (some of is pixie dust would rub off on me) đồng thời tìm đường đến Nhà Trắng.

Sorensen đã giới thiệu chàng trai trẻ đến làm việc với Birch Bayh, thượng nghị sĩ của Indiana, người có tiềm năng trở thành Tổng Thống kế tiếp. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của Birch đã thất bại. Trong vai trò trưởng ban pháp chế 25 tuổi, Rubenstein đã tự chất vấn: "người mình đang làm việc cùng không thể trở thành Tổng Thống, nên làm gì tiếp theo đây khi con đường đến Nhà Trắng đã hẹp lại". Một cách kỳ diệu nào đó, Rubenstein được giới thiệu đến phỏng vấn với một thành viên trong chiến dịch của Jimmy Carter, ứng viên dân chủ năm 1976. Người đó chính là một luật sư đến từ Atlanta mang tên Stuart E. Eizenstat (David Marchick từng làm việc cùng Eizenstat trong chính quyền Clinton). Rubenstein được nhận vào làm việc trong chiến dịch của Carter, thời điểm đó ông ta đang dẫn trước Gerald Ford 34 điểm. Tuy nhiên khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, Ford đã rút ngắn khoảng cách giữa hai người còn 1 điểm. Carter sau này đã phàn nàn với Rubenstein: "đâu là thành tựu của anh trong chiến dịch? tôi đã làm tốt hơn trước khi anh xuất hiện", tất nhiên tân Tổng Thống thừa hiểu các nhân sự trong Nhà Trắng cũng như các chiến dịch tranh cử không phải lúc nào cũng là người có chất lượng cao nhất (mà phải phù hợp). Eizenstat, sếp của Rubenstein, đã trở thành cố vấn chính sách nội địa cho Carter và ông trở thành phó cố vấn nội địa (deputy domestic advisor) dù chưa từng gặp Carter trực tiếp trước đó. Mãi sau này khi đến Nhà Trắng (làm việc ở cánh phía Tây - West Wing) ông mới có cơ hội va chạm nhiều với Tổng Thống. Sau này, khi Jimmy Carter tham gia chiến dịch tái tranh cử trước Ronald Reagan (và George H W. Bush) trong năm 1980, ông đã yêu cầu Rubenstein thu thập lại tất cả các thông điệp ông đưa ra trong chiến dịch bao gồm các phần thuyết trình, phỏng vấn, bảng câu hỏi hay trao đổi trên truyền hình (lúc này chưa có Internet) để hệ thống hóa và tôn vinh các lời hứa của mình trong chiến dịch. Carter sau khi nhận tập tài liệu đã bông đùa: "bây giờ anh hãy ngồi cùng tôi trong các buổi họp và nếu có ai đó đứng lên chống lại các lời hứa này mà anh lên tiếng phản bác, coi chừng sẽ bị dán nhãn là kẻ xấu xa, điều này có thể khiến các lời hứa khó thành hiện thực." Dần dần Carter và Rubenstein ngồi cùng nhau trong nhiều buổi họp hơn, nhà đầu tư từng trấn an Carter: "đừng lo lắng, ngài chắc chắn sẽ được bầu lại, đối thủ trong chiến dịch của ông là người đã quá già (Reagan lúc đó đã 69 tuổi, độ tuổi mà giai đoạn đó xem là quá già)", khi đó Hoa Kỳ đang đối diện nhiều vấn đề: lạm phát đến 19% (vượt xa các mức lạm phát hiện nay), thù địch ở Iran, vấn đề các đường dẫn khí (gas lines). Tuy nhiên, dù lạc quan về chiến thắng, Carter đã thua phe Cộng Hòa Reagan, điều này đã đẩy Rubenstein vào cảnh thất nghiệp. Có lẽ ai cũng từng trải qua điều này trong đời, từ một ứng viên sáng dạ ai ai cũng muốn tuyển dụng đến một kẻ thua cuộc không ai đoái hoài (ai mà muốn tuyển một người thuộc phe Carter cho chính quyền của Reagan chứ), Rubenstein đã buộc phải dành nhiều tháng tìm việc mới tại các hãng luật nhưng ông vẫn thấy mình không đủ đam mê để trở thành luật sư giỏi. Tại độ tuổi 37, ông quyết định nhảy sang một địa hạt khác và khởi sự Carlyle.

3> Xây dựng Carlyle và sai lầm đầu tư (Facebook, Amazon và Netspace)

Rubenstein khởi sự quỹ đầu tư Carlyle mà không hề có chút kinh nghiệm nào trong ngành tài chính, ông chưa từng học trường kinh doanh cũng chưa từng làm việc ở phố Wall. Quyết định khởi nghiệp thực ra lại đến từ áp lực khởi nghiệp trước ngưỡng 37 tuổi, Rubenstein đã đọc đâu đó rằng các doanh nhân thường mở công ty của riêng mình ở độ tuổi từ 20 đến 37, nếu không làm ngay thì khả năng này sẽ giảm xuống thấp sau đó. Trước đó, ông đã ngờ ngợ mình không thể trở thành một luật sư giỏi do đó buộc phải chuyển hướng, rõ ràng chưa từng có ai đoạt giải Nobel mà lại ghét bỏ công việc mình đang làm. Có một người tên là William Edward Simon, bộ trưởng ngân khố dưới thời Gerald Ford, đã thực hiện thương vụ thâu tóm đòn bẩy (leverage buyout/LBO - Simon cũng là người tiên phong trong địa hạt này) một công ty có cái tên Gibson Greeting Cards. Quỹ Wesray Capital Corporation chuyên về LBO của Simon đã bỏ ra 1 triệu đô và vay 79 triệu đô để thâu tóm Gibson. Khi công ty này niêm yết công chúng 18 tháng sau đó và được định giá đến 290 triệu $, khoản đầu tư trị giá của 330k đô của Simon đã trở thành 66 triệu đô.

Câu chuyện LBO này đã hấp dẫn Rubenstein. Ông ấp ủ một số ý tưởng và đã tìm gặp G. William Miller, người từng Bộ trưởng Ngân Khố thời Carter, thuyết phục ông theo chân người tiền nhiệm (Simon) sáng lập công ty LBO ở thủ đô DC (và Rubenstein sẽ phụ trách pháp lý). Tuy nhiên Miller đã từ chối, Rubenstein buộc phải tự mình dẫn dắt nỗ lực này. Ông đã tập hợp một nhóm các đồng sự khác có cùng mối quan tâm (lầm bầm với họ là mình cũng có ít tiền) và đã kêu gọi được 5 triệu đô để khởi sự Carlyle (1987), cụ thể là chống lưng từ T. Rowe Rice, Alex. Brown & Sons, First Interstate Equities và từ đại gia đình Mellon. Rubenstein nhớ lại: "bên cho thuê văn phòng đầu tiên của chúng tôi (vẫn đang sử dụng) tại địa chỉ 1001 Pennysylvania đã gợi ý tặng thêm 5000 feet vuông miễn phí bên cạnh 5000 feet vuông mà chúng tôi thuê (vốn là nơi từng ghi hình bộ phim và Broadcast News sử dụng để đưa tin), tôi đã nhấn mạnh chúng tôi không cần không gian rộng hơn, tổ chức này sẽ không bao giờ có hơn mười người. Tuy nhiên Carlyle đã chuyển hóa thành một quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới, điều này nằm ngoài dự tính ban đầu."

Ngày nay giá trị tài sản Carlyle quản lý đã chạm ngưỡng 400 tỷ đô. Allan Holt, một trong những nhân sự đầu tiên Rubenstein tuyển dụng, đã dẫn dắt nhiều phi vụ xuất sắc góp phần cho thành công to lớn của Carlyle, ông hiện cũng đang hỗ trợ công việc đầu tư của quỹ AU Endownment (thuộc American University, trường kinh doanh Kogod). Các thương vụ chảy đến Carlyle thường đến từ nhiều nguồn (đôi khi rất bất ngờ), có thể do đề xuất của một nhân sự đầu tư nào đó (investment banker) hoặc do chính các đối tác khám phá ra. Carlyle, như mọi quỹ đầu tư khác, có những thương vụ thành công cũng như thất bại. Một trong những thương vụ đầu tư hay ho nhất chính là rót vốn vào Zoom Info, quỹ đã thu về khoản lợi nhuận đâu đó 7 tỷ đô, gấp 15 lần số vốn rót 500 triệu đô. Rubenstein đưa giả thuyết khi công ty này niêm yết, có lẽ mọi người đã nhầm Zoom Info với Zoom (ứng dụng họp trực tuyến khá nổi tiếng trong giai đoạn Covid-19) nên đã nhảy vào mua ầm ầm.

Rubenstein cũng thừa nhận sai lầm khi bỏ lỡ cơ hội rót vốn vào Facebook, Amazon và Netspace. Khi con gái ông và bạn trai, đều là sinh viên Harvard, đang hẹn hò (2004), cậu con rể tương lai biết ông đang làm công việc đầu tư nên đã giới thiệu: "bạn của cháu ở Exeter và Harvard đang khởi sự một nền tảng hẹn hò cho các sinh viên ở Harvard, sau này nó sẽ mở rộng sang Yale và Princeton". Tuy nhiên, ông đã bác bỏ ý tưởng này: "bác đã từng thấy những nền tảng như thế này trong thập niên 60, các công ty này sau đó đều tan rã và do đó bác sẽ không đầu tư." Khi đó nhóm này đang cần khoản tiền đâu đó tầm 30k đô, nếu Rubenstein rót vào Facebook nó sẽ phình ra thành 15 tỷ đô. Ông đã phán đoán sai khi cho rằng nền tảng hẹn hò này sẽ chẳng đi đến đâu.

Carlyle cũng sở hữu một công ty khác mang tên Baker & Taylor, nhà phân phối sách lớn thứ hai ở Hoa Kỳ (với danh mục sách in ấn tượng). Công ty được thành lập vào những năm 1850 này được Carlyle mua lại từ W.R Grace với khoản tiền khiêm tốn và nó luôn trong trạng thái không kiếm ra lợi nhuận (unprofitable). Một ngày đẹp trời, bỗng có một chàng trai trẻ tìm đến Baker & Taylor để hỏi thuê lại danh mục to lớn của hãng (bibliography): "tôi muốn bán sách trên Internet do đó cần có một bảng danh mục ấn tượng". Khi đó, anh ta mong muốn chia sẻ 25% công ty khởi nghiệp của mình, Amazon, cho Baker & Taylor. Tuy nhiên, công ty đã từ chối ngay lập tức và cho rằng khoản cổ phần trên không có giá trị gì nên đã đòi khoản phí 100k$/năm. Trải qua hai năm, Rubenstein phát hiện ra giá trị của Amazon đã tăng lên hơn 100k$/năm nên đã nhanh chóng bay đến tìm gặp Jeff Bezos. Khi đó anh ta đang làm việc trong một khu văn phòng xập xệ và bán khoảng 20 cuốn sách/ngày, đích thân Bezos phải đem sách đến bưu điện vào mỗi buổi tối. Rubenstein đề xuất: "trước kia anh từng đề nghị chúng tôi nắm 25% công ty, tôi cho rằng hiện tại thương vụ này rất khả quan". Tuy nhiên, Bezos đã từ chối: "quý ngài Rubenstein, đó là cái giá của hai năm trước, bây giờ mọi thứ đã khác. Tôi sẽ cho ông 1% công ty và ông phải bỏ đi khoản thuê 100k/năm". Cuối cùng Carlyle chỉ nắm được 1% của Amazon và cũng nhanh chóng bán đi khi công ty khởi nghiệp này IPO (niêm yết công chúng) do hoài nghi về tương lai của nền tảng thương mại điện tử này. Nếu nắm 25% của Amazon từ những ngày đầu thì có lẽ Rubenstein đã có được một trong những thương vụ đầu tư tư nhân vĩ đại nhất mọi thời đại, nhưng ông đã quá ngu ngốc. Con số 1% mà ông có được, nếu không bán lúc IPO, thì giờ đây cũng chạm ngưỡng 15 đến 20 tỷ đô.

Cũng vào một ngày đẹp trời khác, James Clarke, người dẫn dắt Silicon Graphics (một công ty thành công của thung lũng Silicon), xuất hiện trước văn phòng của Rubenstein. Anh ta dắt theo một sinh viên của trường đại học Illinois và nhấn mạnh chàng trai trẻ này đang tìm cách khai phá thế giới Internet. Khái niệm Internet vẫn chưa phổ biến trong thập niên 90. Các cuộc ngã giá lên xuống chạy từ 175 triệu $ đến 75 triệu $ (quỹ có vẻ thông minh), tuy nhiên cuối cùng Carlyle lại không đầu tư. Công ty này trở nên cực kỳ nổi tiếng sau đó và đã được AOL mua lại với giá 4,5 tỷ đô, chính là Netscape (công ty thành lập năm 1992 và cung cấp internet qua đường truyền dial-up của điện thoại). Bất cứ nhà đầu tư nào cũng sẽ bỏ lỡ một số cơ hội tuyệt ập đến trước mặt, dù trông rất hứa hẹn nhưng tại sao lại ngu ngốc không rót tiền. Đây chính là thứ khiến cuộc chơi đầu tư trở nên thú vị.

4> Nhìn người

Một trong những bài học mà David Marchick nhận được từ David Rubenstein chính là cách thức nhìn người qua các buổi phỏng vấn. Có một lần cả hai cùng tham gia phỏng vấn tuyển dụng cho một vị trí cấp cao (senior). Marchick tin rằng đã tìm được người phù hợp, anh ta xử lý các câu hỏi hoàn hảo với kinh nghiệm ấn tượng. Tuy nhiên, Rubenstein lại từ chối người này: "chúng ta sẽ không tuyển người này. Trong quá trình phỏng vấn, tôi không nhìn vào câu trả lời của ứng viên mà để ý nhiều hơn đến các câu hỏi họ đặt ra cho ban tuyển dụng. Nếu những người trẻ tuổi (tò mò về cuộc sống) mà lại không có bất cứ câu hỏi nào thì não bộ của họ rất có vấn đề." Chúng ta nên trang bị cho mình một tập các câu hỏi để sẵn sàng khai thác người đối diện (nếu không thì có thể bị đánh giá là sáng tạo kém). Tất nhiên, đây chỉ là một yếu tố mà Rubenstein xem xét và cần ghi nhớ mọi thứ có tính xác suất (bản thân nhà đầu tư cũng có lúc tuyển dụng sai lầm).

Rubenstein từng phỏng vấn một người trẻ từng làm việc tại công ty tư vấn McKinsey, anh chàng thông minh này từng chơi bóng rổ tại trường đại học giống bố mình, một vận động viên bóng rổ nổi tiếng tại trường Duke. Anh cũng từng làm việc với Coach K (Mike Krzyzewski, một huấn luyện viên nổi tiếng). Anh được nhận việc và đã gắn bó với Carlyle gần 25 năm. Tuy nhiên, khi đã chín muồi trong nghề nghiệp, anh lại muốn rời bỏ để theo đuổi con đường chính trị. Rubenstein chất vấn: "anh tính làm gì với tương lai của mình? anh chưa kinh nghiệm gì trong thế giới phức tạp đó, hãy tỉnh táo lên". Tuy nhiên, anh chàng vẫn quyết tâm đi con đường riêng của mình. Người đó chính là Glenn Younkin, thống đốc sau này của Virginia. Rubenstein cũng tuyển dụng một người khác với nền tảng trong đầu tư ngân hàng (investment banker). Anh ta đã rời Carlyle 8 năm trước và mất liên lạc với Rubenstein nhiều năm. Người này sau đó đã nhậm chức chủ tịch của Cục Dữ Trữ Liên Bang (FED), một vị trí quyền lực có khả năng ảnh hưởng hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Anh ta là Jerome Powell. Chúng ta sẽ luôn ngạc nhiên về cách các nhân vật tài năng chuyển hóa thành ai đó có số má trong tương lai. Rubenstein cũng từng tuyển dụng James Baker (cựu ngoại trưởng vĩ đại của Hoa Kỳ), George H. W. Bush (vai trò tư vấn sau khi hoàn thành xong sứ mệnh Tổng Thống của mình), John Major (cựu Thủ Tướng của Anh), và Jim Stavridis (cựu Ðô đốc hải quân Mỹ, lãnh đạo của NATO, và chủ tịch ban tín thác quỹ Rockefeller Foundation).

5> Lợi nhuận của PE và quản trị rủi ro

Vào thời điểm William Edward Simon thực hiện thương vị thâu tóm đòn bẩy nổi tiếng của mình (vụ Gibson Greeting Cards), mọi người thường chỉ mua 1% cổ phần (1% of equity), còn lại 99% đi vay mượn. Bạn mua một công ty rệu rã và sữa chữa nó lại, dựa hoàn toàn vào đòn bẩy thì dù chỉ sỡ hữu 1%, giá trị tạo ra cũng rất lớn (như Simon là từ 300k thành 66 triệu đô). Trong những ngày sơ khởi của PE, có vẻ như ai cũng gặt hái được lợi nhuận lớn nhờ điều kiện kinh tế thuận lợi (và vay mượn tới 99%) cụ thể 40, 50 và thậm chí 60%. Tuy nhiên, suy thoái ập đến vào cuối thập niên 80 đã khiến nhiều người phá sản vì dựa dẫm quá nhiều vào đòn bẩy, ngành lúc này đã trượt xuống đâu đó 35, 40 hay 50% (trong một số trường hợp). Vay mượn ít đi thì cơ hội gặt hái lợi nhuận giảm (upshot would be less) nhưng dù sao bạn vẫn có thể xoay sở vay tiền để thực hiện thương vụ vì lãi suất thấp. Hiện tại để tham gia cuộc chơi PE, bạn phải bỏ vào 45, 50% cổ phần (equity) và phải vay với lãi suất cao hơn, do đó tăng áp lực tạo ra giá trị thực sự cho công ty mình mua về (không thể chỉ dựa vào đòn bẩy). Các quỹ đầu tư như Carlyle đã phải đưa một loạt chuyên gia như COO, CEO, CFO, CTO vào các công ty mình đầu tư để tiến hành sữa chữa sâu sắc, đảm bảo lợi nhuận thu về trong tương lai. Ngày nay, lợi nhuận kỳ vọng khi rót vốn vào PE là tầm 15,16 hay 17% (mid-teens). Nếu muốn lợi nhuận cao hơn thì phải rót vào những thứ rủi ro hơn như đầu tư mạo hiểm (VC). Tuy nhiên, khi bạn đang đầu tư an toàn vào tín phiếu (Treasury Bill) lấy 5% thì liệu có nên chấp nhận rủi ro cao hơn kỳ vọng gặt hái lên đến 50%. Tùy vào khẩu vị rủi ro, có người nói có, có người nói không. Tuy nhiên, nếu bạn là nhà quản lý quỹ của trường đại học (endowments) hay quỹ quốc gia (sovereign wealth funds) thì khác biệt giữa 5% và 15% là rất lớn (bởi rủi ro mất vốn). Rubenstein cho rằng hiện tại mức lợi nhuận 15-17% (mid-teens) có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay khi lãi suất bắt đầu giảm, tuy nhiên cũng có nhiều cách để điều chỉnh (juice up) con số này bằng các hướng đi khác. Carlyle hiện tại cũng đang nhảy vào mảng tín dụng cá nhân (private credit), một công cụ thu nhập cố định (fixed income intruments), được thiết kế hoạt động tốt hơn tín phiếu (treasury bills) với lợi nhuận hai con số khiêm tốn (low double digit, tầm từ 10-30%) nhưng ổn định dễ tiên đoán. Quỹ Carlyle đang quản lý đâu đó 160 tỷ đô trong mảng mới này.

Đối với ngành mua bán thâu tóm (LBO hay buyout), đối tượng mua bán là các công ty đã có doanh thu. Để phân tích rủi ro, chúng ta có thể dựa vào doanh thu cùng đội ngũ quản trị công ty. Quá trình này được gọi là thẩm định (due diligence). Một số câu hỏi có thể đặt ra quanh chất lượng doanh thu (quality of the earnings), doanh thu tương lai, chất lượng nhân sự, tính chất sản phẩm, khu vực địa lý (area), loại hình dịch vụ hay sản xuất, các chương trình cho tặng khuyến mãi. Tất nhiên, cuối cùng để thương vụ có thể diễn ra thì giá mua cũng phải hợp lý (reasonable price). Mua một công ty tuyệt vời với giá quá cao hay công ty tồi với giá quá rẻ chưa chắc đã hợp lý. Các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) có đặc thù khác, họ phải đặt cược vào nhà sáng lập, người phải vừa có động lực (drive) lẫn kỹ năng (skills) để đưa ý tưởng thô sơ đi chặng đường dài đến ngày hái quả (fruition). Ngành LBO có tính chất khác VC, nơi hầu hết 90% các thương vụ sẽ thất bại. Là nhà đầu tư, bạn phải quen thuộc với việc mất tiền hết lần này đến lần khác. Nếu chưa từng mất tiền thì bạn vẫn chưa thực sự sống trong thế giới đầu tư, bởi hiện thực luôn hiện bạn bất ngờ. Đôi khi trong hội đồng đầu tư, mọi thương vụ đều trông có vẻ đem về lợi nhuận gấp 10 lần. Dĩ nhiên, không có cái nào diễn ra như vậy.

6> Hảo tâm ái quốc và con người hữu dụng

David Marchick có cơ hội được làm việc cùng với doanh nhân Robert P. Kogod, người dẫn dắt công ty bất động sản Charles E. Smith Companies cùng anh rể mình Robert H. Smith, tổ chức phát triển khu dân cư Crystal City ở phía nam thủ đô Washington, DC. Tên của ông được đặt cho trường kinh doanh Kogod, nơi Marchick làm hiệu trưởng. Kogod cũng là một doanh nhân Do Thái có xuất phát điểm khiêm tốn và chạm đỉnh thành công. Kogod từng tâm sự với Marchick rằng ông muốn cho đi toàn bộ số tiền mình có, rất giống với tâm nguyện của Rubenstein. Trong chương trình 60 Minutes, Rubenstein đã đào sâu vào cách mình trả ơn xã hội qua các hoạt động hảo tâm (thiện nguyện) theo cách rất khác biệt - gọi là "Thiện Nguyện Yêu Nước" (Patriotic Philanthropy). Khi còn nhỏ, ông đã tự nhủ mình phải trở thành một nhà hảo tâm vĩ đại (great philanthropist) mặc dù trong tay chưa có nguồn lực gì. Ông buộc phải thành công về mặt tài chính để biến ước mơ thành hiện thực. Kiếm nhiều tiền không hẳn khiến chúng ta hạnh phúc và những người khổ sở nhất đôi khi lại là các triệu phú và tỷ phú bởi họ không biết làm gì với đống tài sản của mình ngoài việc mua thêm vài tác phẩm nghệ thuật hời hợt, có thêm du thuyền - máy bay và ngồi đó chờ cho đến khi trở thành người giàu nhất trong nghĩa địa. Nhiều người đo lường giá trị bản thân bằng con số tại sản ròng (như đạt vị trí cao hơn trong danh sách Forbes 400) và cho rằng nó khiến họ hạnh phúc hơn. Thực tế không phải như vậy, những người hạnh phúc nhất trên thế giới là những người đã làm điều gì đó để giúp đỡ người khác.

Có rất nhiều cách để theo đuổi sứ mệnh này. Đối với Rubenstein, thiện nguyện không phải là tặng tiền cho những người khốn khó mà phải trao đi thứ quý giá nhất của chúng ta, chính là thời gian. Bất cứ dự án nào mà nhà đầu tư dự phần, ông luôn cố gắng dành cả tiền bạc, tâm trí và thời gian cho nó. Điều này khiến ông hạnh phúc và hữu dụng hơn. Chúng ta chỉ bước đi trên địa cầu này trong một khoảng thời gian rất ngắn thì hà cớ gì không dấn thân cho những sứ mệnh hay ho, để người thân nhìn vào có thể tự hào: "hãy nhìn xem con hay bố mẹ tôi đã hữu dụng thế nào với thế gian". Rubenstein, khác với các tỷ phú khác, dành nhiều nỗ lực cho địa hạt giáo dục. Ông đã phục vụ hơn 5 thập kỷ tại ban điều hành của nhiều trường đại học khác nhau, đã cấp học bổng cho không biết bao nhiêu thế hệ sinh viên. Ngoài ra, ông cũng rất tâm huyết với ngách nhỏ của thiện nguyện (niche), thiện nguyện/hảo tâm ái quốc (patriotic philanthropy). Cụ thể, Rubenstein đã mua lại bản sao chép của đại hiến chương lừng danh Magna Carta với giá 21,3 triệu $ (một văn bản quan trọng giúp xây dựng nền tảng pháp quyền cho Hoa Kỳ) để trao tặng lại cho Hoa Kỳ. Ông cũng mua lại một loạt các tài liệu lịch sử khác như sách Bay Psalm (mua với giá 14,1 triệu $, đây là văn bản cổ in lần đầu năm 1640, thường được coi là tuyên ngôn độc lập của xứ New England trước giáo hội Anh Giáo trong giai đoạn Bắc Mỹ còn là thuộc địa Anh), bản khắc đá Tuyên Ngôn Độc Lập, và Tuyên Ngôn Giải Phóng Nô Lệ (Emancipation Proclamation). Ông đã đưa một số tài liệu cho tổng thống Obama trưng bày tại Phòng Bầu Dục (Oval Office) hoặc rải ra những nơi mà công chúng có thể tiếp cận như Viện Lưu Trữ Quốc Gia, trụ sở Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, viện Smithsonian và Mount Vernon (nơi sinh sống của cha già lập quốc George Washington). Không có tài liệu quý nào đặt tại nhà của Rubenstein, ông muốn công chúng hiểu hơn về lịch sử và di sản vĩ đại của quốc gia mình. Nếu không hiểu biết lịch sử, chúng ta gần như sẽ lặp lại các sai lầm của người đi trước và đối với Hoa Kỳ, sự thờ ơ lịch sử sẽ khiến quốc gia trượt xa khỏi trục "dân chủ" (a less of a tract of democracy).

Thêm nữa, ông cũng rót tiền trùng tu lại các công trình lịch sử xuyên khắp thủ đô (như Trung tâm Kennedy) và đặc biệt quanh trục National Mall, cụ thể là các đài tưởng niệm Washington, Lincoln và Jefferson. Phải làm sao để cấu trúc lịch sử này thu hút nhiều người đến chiêm nghiệm và học hỏi về lịch sử quốc gia Hoa Kỳ. Nền dân chủ đại diện (a representative democracy) chỉ hoạt động hiệu quả khi các công dân là người có hiểu biết. Tuy nhiên, không phải lúc nào dân chúng cũng quan tâm đến những thứ nhức đầu này ngoài cơm áo gạo tiền. Một bài khảo sát thực hiện cách đây không lâu với gần 2,5 triệu người Mỹ đã chứng minh điều này. Cụ thể, họ được mời tham gia bài kiểm tra tư cách công dân (peg the citizenship test) vốn dùng cho người nước ngoài khi nhập tịch. Tuy nhiên, chỉ có một bang duy nhất có số lượng người vượt qua bài kiểm tra quá bán là Vermont, còn lại 49 bang khác đa phần không vượt qua được. Các câu hỏi trong bài kiểm tra rất đơn giản, kiểu như: Ai là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ? Có bao nhiêu nhánh trong chính quyền liên bang? Buồn thay, đa phần người Mỹ không hiểu biết về lịch sử quốc gia mình, do đó họ dễ dàng mắc lại các lỗi lầm không đáng có của quá khứ.

Khi cải tạo lại nhà của Tổng Thống Jefferson, Rubenstein đã quyết định xây dựng lại góc nô lệ trong nhà (slave quarters, nơi những người nô lệ ở). Ông muốn công chúng ghi nhớ cả những điều tốt và xấu của Jefferson. Không một ai hoàn hảo, do đó các phán xét về người khác cần được đặt ở trạng thái cân bằng (on balance), nhìn rõ cả những điều tốt và xấu quanh họ. Jefferson là tác giả của Tuyên Ngôn Độc Lập, người đã mở rộng diện tích quốc gia ra gấp hai lần (nhờ việc mua lại Louisiane), là Tổng Thống Thứ Ba của Hoa Kỳ nhưng cũng đồng thời là chủ nô (ông đã nắm khoảng 700 nô lệ suốt cuộc đời mình). Khi viết văn bản lập quốc quan trọng Tuyên Ngôn Độc lập, có hai người nô lệ đã túc trực hỗ trợ cho ông. Sự vĩ đại và cả những khiếm khuyết đều đáng tôn vinh, Rubenstein không đồng ý phá bỏ đài tưởng niệm Jefferson chỉ vì ông là chủ nô (tương tự như George Washington). Thời còn đi học, ai cũng bị nhồi nhét về sự vĩ đại của các Tổng Thống tuy nhiên cần quan sát cả mảng xấu của họ. Trong chúng ta, ai mà không có cả hai mặt.

Rubenstein đã trả ơn cho đất nước nuôi dưỡng mình theo cách rất khác biệt. Ông vẫn tin vào Giấc Mơ Mỹ (American Dream, thứ đã phần nào suy giảm): chỉ cần làm việc chăm chỉ (có tài năng) chúng ta có thể leo lên mọi nấc thang xã hội. Dù cho nhiều vấn đề đang diễn ra, Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia tuyệt vời. Ông giới thiệu cuốn sách kết hợp giữa Arthur Brooks và Oprah Winfrey "Xây dựng cuộc đời bạn muốn", trong đó hai tác giả đã dẫn dắt độc giả vào chuyến hành trình đi tìm hạnh phúc qua việc tập trung vào các trụ cột: gia đình, bạn bè, công việc và tín ngưỡng. Rubenstein nhớ lại cảm giác hạnh phúc khi đài tưởng niệm Iwo Jima được trùng tu để tôn vinh bố của mình (ông là lính Hải Quân) hay một thư viện thuộc viện Smithsinian được đặt tên mẹ của ông (Renwick Gallery). Cảm giác tự hào của ba mẹ sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Hãy trở thành một con người hữu dụng (thay vì chăm chăm kiếm tiền mọi giá).

7> Tuổi trẻ

Khi còn trẻ chúng ta nên tiến hành những thử nghiệm. Cần lưu ý, xác xuất để ai đó trở thành Mark Zuckerberg hay Elon Musk là cực thấp (những người thậm chí còn không tốt nghiệp đại học nhưng đạt được thành công tột bậc). Đa phần, mọi người đều sẽ dự phần vào ba, bốn hoặc năm thứ khác nhau trong toàn bộ sự nghiệp của mình (tương tự như Rubenstein). Hãy thử nghiệm, đừng làm những thứ mà ba mẹ mình muốn (mẹ của Rubenstein từng muốn ông làm nha sĩ). Không có ai làm thứ gì đó mình ghét mà lại có cuộc sống hạnh phúc. Hãy nỗ lực lấp đầy cuộc sống bằng những thứ có ý nghĩa (fulfilling). Niềm yêu thích công việc sẽ thôi thúc mình nỗ lực, từ đó leo mọi nấc thang trong sự nghiệp (dù là ở Carlyle hay bất cứ quỹ đầu tư tư nhân nào). Tất nhiên, các bạn trẻ phải vượt qua được thử thách của các chương trình huấn luyện để trưởng thành và hiểu biết hơn. Hãy tìm những đến những tổ chức có thể cung cấp môi trường huấn luyện đẳng cấp (như các ngân hàng lớn chẳng hạn) và tìm kiếm những người cố vấn. Hãy thường xuyên bồi dưỡng hiểu biết bằng cách đọc Wall Street Journal hay tạp chí kinh doanh để có tầm nhìn rộng về ngành tài chính. Nếu may mắn quan tâm sâu sắc đến một ngách nào đó của ngành hãy đào thật sâu và trở thành một chuyên gia.

Nguyên tắc để leo mọi nấc thang trong tổ chức là phải trở thành một người có trách nhiệm. Khi hoàn thành trách nhiệm A, bạn sẽ được trao tiếp B rồi C, mọi thứ cứ thế tiếp diễn. Phạm vi công việc mở rộng dần dần theo năng lực và trách nhiệm (không thể nhảy cóc). Chúng ta cần ý thức về mạng lưới hình thành quanh mình, bạn sẽ không bao giờ biết được ai đó có thể giúp đỡ mình trong tương lai. Khi Rubenstein khởi sự Carlyle, sự giúp đỡ đôi khi đến từ những ngóc ngách bất ngờ trong mạng lưới của ông. James Baker, một người từng làm việc tại Carlyle, đã nhắc đến lời khuyên của cha ông: "quá trình chuẩn bị giúp mọi chuyện suôn sẻ hơn" (prior preparation prevents poor performance). Tính cách "chuẩn bị" sẽ giúp tuổi trẻ vượt qua những thách thức dễ dàng hơn. Thêm nữa, trở thành một con người chính trực cũng rất quan trọng (authenticity). Nhiều người rất giỏi trong việc biến hình, khi đến buổi phỏng vấn họ bày tỏ bản thân theo cách rất khác mình thường ngày. Tuy nhiên, nếu không là chính mình, thời gian bạn tồn tại với công ty cũng không thể lâu dài. Ngày nay chúng ta có cái gọi là Trí tuệ Nhân Tạo (AI), các giáo sư đại học đang phải vật lộn với việc làm sao phát hiện các can thiệp của AI trong bài luận sinh viên, nỗ lực trá hình năng lực diễn ra tinh vi hơn nhưng cuối cùng, bài kiểm tra thời gian sẽ thắng thế.

8> Phát triển bền vững

Các nhà đầu tư trong giai đoạn tiên khởi của đầu tư tư nhân (PE) chỉ tập trung duy nhất vào tìm kiếm lợi nhuận cao nhất (highest rates of return). Không ai bận tâm về vấn đề chuyển dịch công việc ra nước ngoài (ship the job offshore) hay môi trường. Thứ đáng lưu tâm duy nhất là doanh thu (IRR - internal rate of return). Khi Mitt Romney chạy đua Tổng Thống, ông đã bị chỉ trích vì khi còn làm việc tại Baine (một tổ chức PE) chỉ chăm chăm kiếm lời chứ không quan tâm cái gọi là "bền vững" (thực ra Romney chỉ làm y chang mọi tổ chức PE khác). Romney đã từ chối phản hồi các lời chỉ trích, ông chỉ lặng im và điều này đã có một ảnh hưởng tiêu cực đến ngành PE. Có lẽ ông ta đang bám theo một đánh giá bầu cử, mỗi khi Romney nhắc đến PE thì sự ủng hộ ông lại đi xuống. Ngày nay, các tổ chức PE đã sẵn sàng tiến hành các thực hành liên quan đến "bền vững" theo dòng chảy xã hội (các trường học hay tổ chức đều đã đưa khái niệm bền vững hay ESG vào trong vận hành). Rubenstein tin tưởng "bền vững" chính là làn sóng của tương lai, dù gần đây một số chỉ trích về hướng đi này đã xuất hiện trong lòng Hoa Kỳ (bên ngoài Hoa Kỳ thì ít bị chỉ trích hơn). Những người trẻ sẽ có góc nhìn khác, họ sẽ mua sản phẩm từ những công ty có thực hành bền vững, muốn làm việc tại những công ty coi trọng vấn đề môi trường. Khi nhận thức nói chung của xã hội thay đổi, các công ty bám theo đường hướng "bền vững" mới có thể đạt được doanh thu như ý.

Carlyle có đầu tư vào một công ty sản xuất phụ tùng hàng không vào năm 2007 (cả David Marchick và Allan Holt đều ngồi trong ban điều hành). Họ có một cơ sở sản xuất tại Houston. Khi bão Harvey ập đến năm 2017, toàn bộ khu vực này đã chìm 8 feet trong biển nước phá hỏng nhiều thiết bị. Khi đó, Rubenstein đã đến gặp Marchick để chất vấn: "ông có thể lục lại bản ghi nhớ đầu tư (investment memo) xem lúc đó chúng ta có đề cập đến yếu tố rủi ro về môi trường hay không". Tất nhiên, Carlyle không hề lưu tâm điều này và kể từ đó trở đi yếu tố ESG đã chảy vào bản ghi nhớ của mọi thương vụ đầu tư. Dường như, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư chỉ thay đổi khi nước chảy đến chân (cả nghĩa đen và bóng). Trong vòng 10, 20 hay 30 năm nữa, khái niệm bền vững sẽ được quan tâm cực kỳ sâu sắc. Rubenstein kể lại, một ngày đẹp trời, Chad Holliday (CEO của Du Pont) tìm đến mình để tâm sự: "tôi sẽ tập trung phần đời còn lại của mình vào bền vững". Holliday là người vận động không mệt mỏi cho việc thực hành bền vững trong khối doanh nghiệp. Công ty Du Pont dưới triều đại của ông đã thiết lập sứ mệnh "tăng trưởng bền vững", cụ thể tăng giá trị cổ đông và xã hội mà vẫn giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Trong cuốn sách xuất bản năm 2002 "Phát triển bền vững cho doanh nghiệp" (Walking the Talk: The Business Case for Sustainable Development), Holliday đã đào sâu hơn vào cách thức để các doanh nghiệp theo đuổi con đường bền vững đồng thời nhấn mạnh lợi ích kinh doanh đường dài của nó.