Dấn thân cho Luật quốc tế

Dấn thân cho Luật quốc tế

Phiên chia sẻ của học giả Theodor Meron là phần mình trông chờ nhất của #oyw năm nay ở Hague. Là người may mắn sống sót sau nạn diệt chủng Do Thái Holocaust, ông đã dành cả cuộc đời để đấu tranh cho một thế giới công bình và nhân bản hơn. Là một học giả hàng đầu về luật quốc tế (và cả Shakespeare), ông đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho sự hình thành của Tòa Án Hình sự Quốc tế (ICC), người đã đề ra bản thảo các điều khoản về tội phạm/tội ác, bao gồm tội phạm chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Hiện ông đang là chủ tịch của UNMICT (Cơ chế Tòa Hình Sự Quốc tế do UN thành lập – UN Mechanism for International Criminal Tribunals).

Theodor chia sẻ về sự hung bạo của chiến tranh thế giới thứ Hai và cách mà nó giúp ông xây dựng thế giới quan và theo đuổi tầm nhìn của mình. Tầm quan trọng của ICC, nhân quyền và luật pháp quốc tế. Tại sao chúng ta phải giữ vững niềm tin cho định chế và các khái niệm quan trọng này.

Khi Theodore lên chín tuổi, Nazi xâm lược Phần Lan nơi ông sinh ra, cuộc đời của gia đình ông đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm. Ông trở thành một người tị nạn ngay trên chính quê hương mình. Bị đưa đến các trại tập trung khét tiếng (ghettos) để lao động khổ sai, ông duy trì sự sống sót bằng cách thường xuyên lẫn trốn trên các gác xép hay hầm chứa kèm một chút may mắn của số phận. Chiến tranh kết thúc khi ông 15 tuổi và nhận ra hầu hết người thân của ông đã bị giết chết bởi kẻ thù chỉ vì một lý do đơn giản: Họ là người Do Thái. Guồng máy chiến tranh Nazi đã để lại trong ông nhiều kí ức khổ đau cùng một lỗ hổng giáo dục trong tâm trí. Khát khao mãnh liệt khi ấy của ông là được tiếp cập thế giới trí thức và sống một cuộc sống bình thường của một con người. May mắn thay, một người bà con của ông ở Palestine đã liên hệ và giúp ông đến trường để theo đuổi chương trình trung học, ông đã đặt ra một mục tiêu khó khăn là phải nhanh chóng lấp khoảng trống tri thức do chiến tranh để lại. Bi kịch “dân tộc” giúp tôi luyện ý chí khiến giáo dục và tri thức trở thành nỗi ám ảnh của chàng trai trẻ. Bằng sự kiên trì nhiều cánh cửa cơ hội đã mở ra với ông. Kinh nghiệm với cuộc chiến ở Ba Lan hướng ông quan tâm đến việc phải làm sao để các thể chế hung bạo phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình trong tương lai và giảm thiểu sự nguy hiểm của sự hỗn loạn bạo lực và đánh mất tự trị. “Luật pháp quốc tế” trở thành mối quan tâm ông theo đuổi trọn đời từ đại học Jerusalem, Harvard đến Cambridge cùng một sự nghiệp huy hoàng ở bộ ngoại giao Israel.

Sau chiến tranh 6 ngày (Six-Day War) ở Israel (Israel đánh chiếm Bờ Tây và vùng Golan Heights), ông được bổ nhiệm làm cố vấn pháp lý cho bộ ngoại giao Israel. Công việc quan trọng đầu tiên là phải xem xét tính pháp lý của các vùng tái định cư (settlements) dựa trên luật quốc tế ở Bờ Tây, dải Gaza và Golan Heights. Ông đã bày tỏ sự quan ngại của mình đến Thủ tướng Israel về việc thiết lập các khu này sẽ vi phạm vào Công ước thứ tư của Geneve (Fourth Geneva Convention) vì hành động này đi kèm với việc phá hủy nhà cửa và trục xuất cộng đồng Ả Rập ở đây (vi phạm nghiêm trọng quyền tài sản của người Ả Rập).  Phải làm sao đảm bảo Luật nhân đạo (humanitarian law) trong công pháp quốc tế và cả nhân quyền (human rights) đi kèm với đó phải bảo vệ khía cạnh địa lý và văn hóa của các khu vực chiếm đóng. Ông không gặp phải phản ứng tiêu cực từ bộ máy quyền lực Israel khi dũng cảm đưa ra quan điểm của mình, họ hiểu góc nhìn của ông được dựa trên nguyên tắc “pháp lý” chứ không phải “nghệ thuật chính trị”. Dù vậy ông không ảnh hưởng được nhiều đến khát khao chiếm đóng của Israel.

Năm 1977, ông trở lại New York, nơi mà 1 thập kỉ trước đó ông từng làm việc trong Nhiệm vụ Israel ở Liên Hiệp Quốc, chủ yếu là tham gia vào Ủy ban thứ năm của Đại hội Đồng liên hiệp quốc. Ông nhập cư và trở thành công dân Hoa Kỳ vào năm 1978 và tham gia sâu rộng vào giới học thuật về luật ở đây, cụ thể như công việc giảng dạy gần hai thập kỉ ở Trường luật NYU. Năm 1998 ông tham gia đoàn đại biểu US ở Rome để tham gia thương thảo về định chế Tòa Tội phạm Quốc tế – ICC. Kiến thức sâu rộng cùng tư cách chứng nhân lịch sử đã giúp ông đưa ra những thiết kế quan trọng cho định chế này.

Tòa hình sự quốc tế có thể nói được hình thành sơ khởi ban đầu ở tòa quân sự Nuremberg (1946, nơi hình thành phong trào Quốc xã) nơi phe chiến thắng đưa các tội đồ của Thế chiến Hai ra xét xử. Nhiệm vụ trọng tâm của các thẩm phán tòa khi đó là phải đưa ra được một khung pháp lý để phân định tội ác chống lại loài người và tội phạm chiến tranh của thế chiến Hai. Gần 22 thủ lĩnh của đảng Quốc Xã Đức – Nazis đã được đem đến đây, trong đó 7 người bị án tù, 12 người bị treo cổ và 3 người được tha bổng (acquit). Cùng lúc ấy, nhiều phiên tòa khác cũng được tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản để xử các tội phạm chiến tranh ở khu vực này. Sau thế chiến Hai gần nửa thế kỉ, một định chế như tòa quốc tế vẫn chưa được hình thành. Cùng lúc ấy các khái niệm về nhân quyền/human rights, “tội ác chống hòa bình/crimes against peace”, “tội ác chống lại nhân loại/crimes against humanity” được cả thế giới quan tâm khi việc Đức Quốc Xã tiêu diệt 6 triệu người Do Thái, Sinti, Romani (gypsies), người đồng tính và người khuyết tật gây chấn động thế giới trước và sau các phiên tòa. Hậu quả thảm khốc của Thế chiến Hai đã khiến chính phủ các nước phải ngồi lại với nhau để thiết lập nên tổ chức Liên Hiệp Quốc với mục tiêu nuôi dưỡng hòa bình, phòng chống xung đột và bảo vệ nhân quyền và từ UN nhiều tổ chức liên quan khác ra đời.

Nhưng sự hung bạo trên thế giới vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu dừng lại, cụ thể là chiến tranh Yugoslav trong thập niên 90 và nạn diệt chủng ở Rwanda năm 1994, điều này đã khiến cho UN quyết tâm phải thành lập được các tòa án chiến tranh, một để xem xét vụ việc ở Yugoslavia (Nam Tư cũ) và một cho Rwanda. Trong hai năm liên tiếp 1993, 1994 nhiều toà đã theo chân và đến năm 1998, tòa hình sự cố định đầu tiên ICC được hình thành dựa trên Quy chế Rome sau gần nửa thế kỉ chờ đợi với sự đóng góp rất lớn của Theodor. Ông tham gia làm thẩm phán cho Tòa tội phạm quốc tế của Yogoslav (ICTY) năm 2001 (một vụ việc phức tạp với nhiều tranh cãi kéo dài dai dẳng xung quanh vai trò và các quyết định của ông) và tòa tội phạm của Rwanda (ICTR) khi vụ việc được đưa ra xét xử. Nhờ vậy sự nghiệp trọn đời của Theodor lại tiếp tục nở rộ (ở tuổi thất thập): tìm kiếm giải pháp cho sự hỗn loạn và đau đớn của chiến tranh qua luật pháp quốc tế, thúc đẩy nhân quyền và sự phát triển của việc tuân thủ pháp luật (rule of law).

Meron chia sẻ niềm đam mê luật pháp quốc tế của ông cho cộng đồng #oyw cùng những cam kết của mình về trách nhiệm giải trình/accountability, cổ súy giá trị công lý (justice), thẩm định (due process), nhân quyền và luật nhân đạo đã khai sáng tâm trí mình rất nhiều. Sự thông thái của ông trong việc gắn kết các giá trị phổ quát của con người trong các định chế quốc tế như ICC để đảm bảo cơ chế hoạt động xuyên quốc gia của định chế này gắn với quyền lợi của nhân loại, cổ súy cho hòa bình và sự hòa giải. Dù không phải lúc nào các quyết định pháp lý của ICC hay bản thân ông cũng có thể làm hài lòng hoàn toàn các bên liên quan bởi một quyết định pháp lý phải dựa một cách chặt chẽ trên các quy ước luật và bằng chứng buộc tội chứ không phải dựa trên những nghi ngờ hợp lý. Do đó việc xem xét giải trình (accountability), thẩm định (due process) và cân đo các giá trị công lý (justice) trước khi đưa ra quyết định pháp lý là rất quan trọng, nó không được phép phụ thuộc vào các nguyên cớ mơ hồ bên ngoài.

Các đại sứ OYW
Hội nghị One Young World ở The Hague