Những gã Davos

Những gã Davos

Thời điểm này trong năm cũng là lúc các Davos Man (một thuật ngữ do nhà khoa học chính trị Samuel Huntington đưa ra vào năm 2004) cùng nhau hội ngộ ở thị trấn tuyết trắng tuyệt đẹp Davos nhằm tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên (wef). Họ là tầng lớp tinh hoa – những người đứng đầu nhà nước, các tỉ phú, các nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và các giám đốc công nghệ.

Davos 2018 xoay xung quanh chủ đề nóng: “Tạo dựng một tương lai sẻ chia trong một thế giới bị đứt gãy” trong bối cảnh mà wef mô tả là sự tan rã về địa chiến lược đang diễn ra trong quy mô toàn cầu cùng với sự bào mòn của khế ước xã hội giữa công dân và quốc gia. Từ năm 2011, khi bắt đầu nghiên cứu nhiều hơn về kinh tế thế giới, mình thường dành thời gian theo dõi các phiên thảo luận của diễn đàn qua live-stream trực tiếp trên website sau:

The World Economic Forum
The World Economic Forum is an independent international organization committed to improving the state of the world by engaging business, political, academic and other leaders of society to shape global, regional and industry agendas. Incorporated as a not-for-profit foundation in 1971, and headquar…

Mình cũng đồng thời là thành viên của Global Shapers (Dalat Hub), một cách tay nối dài của WEF dành riêng cho giới trẻ. Những kiến thức và ý tưởng mới được trao đổi ở #wef đã thay đổi thế giới quan của mình và cho mình một nền tảng để tư duy cùng sự tự tin kết nối với thế giới.

Diễn đàn kinh tế thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ (được đặt tại Cologny, Geneve) được thành lập vào năm 1971 từ sáng kiến của Giáo sư kinh tế Klaus Martin Schwab với một nhiệm vụ quan trọng:”cam kết cải thiện tình trạng thế giới bằng cách gắn kết các nhà lãnh đạo kinh tế, chính trị, học thuật và nhiều lĩnh vực khác nhằm định hình thế giới, khu vực và các ngành công nghiệp.” Nguyên tắc hoạt động của wef được dựa trên phương pháp tiếp cận quản trị các bên liên quan (“stakeholder approach” hay stakeholder theory) của giáo sư Schwab trong đó cho rằng sự thành công của một tập đoàn hay tổ chức phải bắt nguồn từ việc quan tâm đến lợi ích của rất nhiều bên: không chỉ các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác mà đồng thời cũng phải chú ý đến nhân viên, cộng đồng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở bao gồm cả chính quyền sở tại.

Hội nghị chuyên đề về Quản trị Kinh Tế Châu Âu

#wef ra đời vào mùa hè 1971 dưới cái tên ban đầu “Hội nghị chuyên đề về Quản trị Kinh Tếchâu Âu, khi đó 444 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp Tây Âu được giáo sư Schwab mời tới trung tâm hội nghị Davos nhằm nghe ông chia sẻ về các phương pháp quản trị doanh nghiệp kiểu Mỹ. Hội nghị được đặt dưới sự bảo trợ ban đầu của Liên minh châu Âu (EC) và các hiệp hội công nghiệp châu Âu. Trên nền tảng gặp gỡ này, giáo sư đã cho ra đời diễn đàn wef nhằm thu hút các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tới Davos vào tháng một hàng năm để thảo luận về quản trị.

Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Hội nghị của WEF

Nhưng trong sự kiện 1973, những người tham gia đã mở rộng mối quan tâm từ quản trị sang các vấn đề kinh tế và xã hội trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khi đó với sự sụp đổ của cơ chế tỉ giá cố định Bretton Woods cùng chiến tranh Ả Rập – Israel. Sau đó một năm (1974), wef đã lần đầu mời các lãnh đạo chính trị đến tham gia và dần dần phát triển thành thành một nền tảng trung lập giúp cho họ tìm tiếng nói chung và giải quyết các mâu thuẫn quốc gia. Nhiều cuộc gặp gỡ quan trọng đã được diễn ra ở đây như sự kiện kí kết Tuyên Bố Davos giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1988, cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nam Phi F.W. de Klerk, Nelson Mandela và chính trị gia Mangosuthu Buthelezi năm 1992 hay hội đàm giữa Bộ trưởng ngoại giao Israel – Shimon Peres và chủ tịch PLO (Palestine) Yasser Arafat nhằm đưa ra các giải pháp chung về Gaza và Jericho năm 1994.

Hội đàm giữa Bộ trưởng ngoại giao Israel – Shimon Peres và chủ tịch PLO (Palestine) Yasser Arafat nhằm đưa ra các giải pháp chung về Gaza và Jericho năm 1994

Trong suốt hơn 50 năm hoạt động, diễn đàn đã trở thành một chất xúc tác quan trọng cho các sáng kiến toàn cầu, những chuyển biến lịch sử, các khám phá công nghiệp bứt phá, ý tưởng kinh tế mới cùng hàng chục ngàn dự án và khả năng hợp tác qua đó góp phần rất lớn vào quá trình toàn cầu hóa. Wef cổ súy cho việc tái cấu trúc kinh tế hay nói cách khác là tái cấu trúc chủ nghĩa tư bản nhắm đem đến lợi ích nhiều hơn cho số đông nhân loại, sự phát triển bền vững, các chuyển biến xã hội như cách mạng công nghiệp 4.0 cùng những xu hướng công nghệ mới như Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Công nghệ in 3D (3D Printing), Chuỗi khối (Blockchain) hay Máy học (Machine Learning). Có thể nói wef là nơi những con người tinh hoa nhất hành tinh bàn luận về những vấn đề cao siêu nhất, trừu tượng nhất (thậm chí xa vời) và có ảnh hưởng nhất đến tương lai của nhân loại.

Tuy nhiên WEF cũng gánh chịu rất nhiều chỉ trích và chất vấn nặng nề từ các tổ chức dân túy cùng các nhóm hoạt động chính sách đối lập về bản chất thực sự của các cuộc hội họp do mình khởi xướng. Tổ chức đối lập Transnational Institute đã dùng tới cụm từ Mafiocracy để mô tả wef như là một tổ chức tội phạm có tổ chức chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của chính họ – tầng lớp tinh hoa. Các nhà đại tư bản với túi tiền rủng rỉnh hăng hái gặp nhau ở Davos để chia sẻ cách sắp đặt và cân bằng mọi thứ trên thế giới sao cho đúng đắn. Họ là những người thực ra đang tận hưởng tình trạng thế giới hiện tại thì cớ vì sao phải loay hoay tìm cách thay đổi thế giới cho khác đi.

Giáo sư Schwab cùng vợ mình

Họ sẽ làm thế nào để giải quyết bài toán tiến thoái lưỡng nan giữa việc không phải hy sinh một thứ gì đó từ bản thân mình mà vẫn gia tăng lợi ích cho số đông hay nhằm xoa dịu cơn giận dữ của các nhà dân túy, những người chống toàn cầu hóa cực đoan cùng số đông đang hứng chịu sự bất bình đẳng từ tình trạng hiện tại của thế giới. Tuần báo nghiên cứu người tiêu dùng (Journal of Consumer Research) đã tiến hành một nghiên cứu về những ảnh hưởng xã hội của #wef và đã đúc kết rằng #wef không thực sự giải quyết những vấn đề như đói nghèo, tính trạng biến đổi khí hậu (global warming), các căn bệnh mãn tính hay tình trạng nợ nần.

Họ đã chuyển gánh nặng về giải pháp từ các chính phủ hay doanh nghiệp xuống cho người tiêu dùng – gọi họ là những người tiêu dùng phải có trách nhiệm như người tiêu dùng xanh, người tiêu dùng có nhận thức về sức khỏe hay người tiêu dùng ý thức về tài chính cá nhân. Họ gần như đã đóng khung vấn đề ở một góc nhìn hạn hạn từ phía những người yếu thế thay vì đề cập đến vai trò của các tập đoàn cùng một thị trường méo mó.

Cách đây một năm nhân sự kiện Davos 2017, tờ New York Times đã đăng một bài viết khá thú vị của nhà kinh tế học người Anh Peter S. Goodman với tựa đề: “Giới tinh hoa Davos than phiền về sự bất bình đẳng bên những chai vang ủ lâu năm (vintage) và tiệc Canapé” để góp một góc nhìn mới về wef, mình đã lược dịch ra sau đây để các bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn về diễn đàn này:

DAVOS, Thụy Sĩ – Bạn có lẽ cũng để ý thấy rằng ở nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng những người bất bình với tầng lớp tinh hoa kinh tế cũng như căm giận xu hướng tranh dành phần trong miếng bánh toàn cầu hóa của họ đang ngày một gia tăng (chưa từng có trong lịch sử). Làn sóng giận dữ này có lẽ đã khiến cho Donald J.Trump bước chân được vào nhà trắng, nước Anh quyết định tách khỏi Liên minh Châu Âu cũng như đe dọa tới tương lai của thương mại toàn cầu.
Những cá nhân kiệt suất tập trung ở dãy Alps Thụy Sĩ tuần này nhằm tham dự sự kiện thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới cũng rất lưu tâm đến điều này. Họ là tầng lớp tinh hoa – những người đứng đầu nhà nước, các tỉ phú, các nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và các giám đốc công nghệ.

Cùng nhau họ hăng hái chia sẻ về cách sắp đặt mọi thứ sao cho đúng đắn, làm xoa dịu cơn giận dữ của các nhà dân túy bằng cách tìm các giải pháp sao cho toàn cầu hóa trở thành một viễn cảnh có lợi cho số đông. Vô số các buổi thảo luận sẽ tập trung vào việc tìm cách tốt nhất để “tái cơ cấu lại chủ nghĩa tư bản”, khiến cho toàn cầu hóa phải phục vụ và nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu trong xã hội.

Nhưng những vấn đề đáng lưu tâm sâu sát thường không được đưa ra trao đổi như bênh vực quyền lợi của tầng lớp nhân công qua quá trình mặc cả đòi hỏi cho họ một mức lương tốt hơn và tái phân phối lại của cải (wealth) từ trên xuống dưới.

“Chủ đề này sẽ là một lời nguyền rủa cho rất nhiều quí ông quí bà Davos” nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph E. Stiglitz lên tiếng, tác giả của rất nhiều đầu sách liên quan đến toàn cầu hóa và bất bình đẳng kinh tế. “Thêm nhiều quyền để mặc cả cho công nhân, đó là phần trao đổi mà những người tham dự Davos (Davos man) sẽ mắc kẹt trong đó. Hiện thực rõ ràng là toàn cầu hóa đã làm giảm sức mạnh thỏa hiệp của giới công nhân và các tập đoàn đang tận dụng được lợi thế này để kiếm lời.”

Davos, một cách ít cường điệu nhất, đang chìm ngập trong nỗi lo về những khiếm khuyết của toàn cầu hóa. Cụ thể như: những nỗi lo ngày càng sâu sắc sự bất mãn của tầng lớp trung lưu trong nhiều nước phát triển, về mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch toàn cầu và những ảnh hưởng của nó đến tăng trưởng kinh tế, về nỗi sợ ngành công nghiệp chế tạo rô bô đang chạm đến ngưỡng có thể gây sự thất nghiệp trên quy mô lớn.

Đó là các cuộc thảo luận được gắn với nỗi lo sợ rất lớn: Nếu thế giới thật sự đang có sự lên ngôi của những cuộc nổi loạn tạo ra từ chủ nghĩa dân túy, những người tranh đấu (pitchforks) có thể làm nhiều điều tồi tệ hơn chúng ta hình dung. Giới tinh hoa Davos đã tận hưởng những ảnh hưởng có lợi quá mức từ các chính sách về kinh tế trong những thập niên gần đây kéo theo sự gia tăng miếng bánh tài sản của mình, do đó không phải ngẫu nhiên, của cải tiền bạc được nhảy vào két tiền của những người có nhu cầu lớn với các tài khoản ngân hàng nước ngoài như ở Quần đảo Virgin của Anh, trong khi đó tầng lớp nghèo và hộ gia đình trung lưu phải chứng kiến thu nhập của họ ngày càng đình trệ và suy giảm.
Vẫn chưa có một giải pháp khả dĩ nào để các tập đoàn và những người giàu có nhất có thể giải quyết vần đề này mà không phải hy sinh bất kì cái gì, liệu có một cách nào đó khả dĩ có thể thiết lập lại trạng thái cân bằng hiện tại của bất bình đẳng trong bối cảnh những người đang ở trên đỉnh tháp cứ bám riết lấy những gì họ đang có.

Davos tập trung trao đổi nhiều về quản trị doanh nghiệp, cải thiện tư duy, giáo dục hoặc các giải pháp hiện đại từ công nghệ nhưng lại có rất ít các chủ đề hướng đến hoàn cảnh khốn khổ của những ai bị bỏ lại bởi toàn cầu hóa. Kiểu như việc những người quản lý quỹ đầu tư tư nhân (PP: private equity) có lẽ không nên được trả lương cao hơn 1000 lần như những giáo viên cặm cụi hàng ngày ở giảng đường trong khi lại tận hưởng nhiều quyền lơi về thuế, vấn đề kiểu này lại ít khi được đề cập ở diễn đàn.

Vào buổi chiều thứ Hai khi diễn đàn WEF17 đang diễn ra, Ian Goldin, một giáo sư về toàn cầu hóa và phát triển tại đại học Oxford, đã tổ chức tiệc ăn mừng sự kết nối của kinh tế toàn cầu và những tiến bộ trong công nghệ đã giải phóng con người khỏi bệnh tật, nghèo đói và kiếp nô lệ/drudgery của lao động tay chân.
“Không có thời điểm nào tốt hơn để sinh sống thế mà chúng ta vẫn chứ nhăn nhó”, ông Goldin chia sẻ. "Có quá nhiều người cảm thấy bất an. Có quá nhiều người cảm thấy đây là thời đại nguy hiểm nhất của chúng ta."

Ông tố giác sự rút lui đầy sợ hãi trước xu hướng toàn cầu hóa thể hiện trong mối đe dọa của Trump về chiến tranh thương mại với Trung Quốc, và cả sự ruồng bỏ châu Âu của nước Anh, mà thường được biết đến với tên gọi Brexit.
“Bạn không thể dừng quản lý một môi trường rối rắm tương tác đa chiều bằng việc ngắt kết nối” ông nói “Đây là lỗi lầm cơ bản của Brexit, của Trump và của nhiều người khác.” Chúng ta không đơn giản là kết nối, chúng ta vướng mắc một cách phức tạp vào nhau. Cuộc sống của chúng ta, số phận của chúng ta xoắn chặt với nhau. Những gì xảy ra ở Trung Quốc, những gì xảy ra ở Indonesia, những gì xảy ra ở Ấn Độ, những gì xảy ra xuyên suốt châu Âu và những gì xảy ra ở Bắc Mỹ, châu Phi và châu Mỹ Latin sẽ ảnh hưởng tới tất cả chúng ta theo nhiều cách mới mẻ và sâu sắc. Ý tưởng rằng chúng ta có thể gò tương lai của chúng ta theo một cách bó hẹp nào đó, thậm chí cho những nước lớn nhất như Mỹ, là một điều viễn tưởng.”

Và chưa hết, ngài Goldin còn nói, nếu lợi ích của toàn cầu hóa không được phân phát một cách công bằng, thế giới có thể bước vào vòng lặp của thời kì Phục Hưng, một thời kì tuyệt vời về phát triển khoa học, tăng trưởng thương mại và sáng tạo nghệ thuật ở châu Âu nhưng cũng tạo ra những cơn thịnh nộ từ công chúng.
Những lá vàng được đắp trên nóc nhà thờ chả giúp ích gì nhiều cho tầng lớp nông dân. Các gia vị đến từ châu Á trở nên quá đắt đỏ với đại đa số. Medici gia tộc cai quản vùng Florence thì bị xua đuổi bởi đám đông cuồng nộ (mob). Các nhà trí thức bị xử tử và sách báo bị đốt.

“Chúng ta cần phải học những bài học của lịch sử và nhận ra rằng đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử nhân loại,” Ngài Goldin nói. “Chúng ta cần phải đưa ra những lựa chọn để đảm bảo toàn cầu hóa bền vững, việc kết nối bền vững, và rằng chúng ta phải khắc phục và đối diện với những vấn đề khó khăn đang khiến nhiều người lo lắng.”

Những phản hồi của ngài Goldin gần như là một sự mở đầu cho cuộc đối thoại được đề nghị làm thế nào để giải quyết được vấn đề trên (pull off). Câu trả lời từ giám đốc các tập đoàn qua các phiên thảo luận có thể đưa đến một kết luận phũ phàng như sau: “Những ai không được lợi từ toàn cầu hóa cần phải làm việc chăm chỉ hơn để ganh đua với những người đã thành công.”

Abidali Neemuchwala; Giám đốc điều hành của Wipro. Công ty tư vấn và công nghệ thông tin toàn cầu đã tổ chức một sự kiện cùng với Thời báo Tài Chính (The Financial Times) – công ty mà năm ngoái đã kiếm được 1,8 triệu $ cộng với phần thưởng cổ phiếu trị giá thêm khoảng 2 triệu $ – nói rằng những người đi làm cần phải theo đuổi và tham giá các khóa huấn luyện và đào tạo cho các công việc của tương lai.

“Mọi người cần phải chủ động phát triển và tăng cường bản thân theo xu hướng đẩy mạnh liên tục” ông nói.

Không ai có thể bác bỏ những ích lợi và phần thưởng của việc tham dự các khóa huấn luyện và đào tạo như trên (hoăc giới kinh doanh xem điều này là cần thiết). Các công việc của tương lai vẫn còn chưa được tạo ra, những kĩ năng mới sẽ đòi hỏi cần phải được nắm vững nhưng trong các cuộc thảo luận những vấn đề kiểu như chính sách thuế, hoặc quan tâm đến sự gia tăng chi phí của giáo dục bậc cao cũng như tiếp cận chăm sóc sức khỏe lại không được đề cập.

Vào một phiên thảo luận sáng thứ tư, Christine Lagarde, Giám đốc điều hành của quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), đã nhắc đến một từ ít khi được nghe đến trong các cuộc thảo luận về khủng khoảng các hộ gia đình trung lưu: tái phân phối/redistribution của cải. “Có rất nhiều thứ cần phải được thực hiện,” bà nói “Điều này có nghĩa là cần tăng cường sự tái phân phối của cải hơn những gì chúng ta đạt được ở hiện tại”.

Nhưng sau đó cuộc thảo luận được đẩy qua những chủ đề khác. Ray Dalio, người sáng lập quỹ đầu tư của Mỹ Bridgewater Associates, người kiếm được 1,4 tỉ $ trong các thỏa thuận đền bù vào năm 2015 – đề nghị rằng chìa khóa cho việc tái tạo lại sức sống của tầng lớp trung lưu là “tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc kiếm tiền”. Ông đề cập một cách cụ thể đến khái niệm “tinh thần động vật/animal spirits” tạo ra bởi việc bỏ đi các luật lệ quy định rườm rà.

Trong rất nhiều năm, bất bình đẳng kinh tế được bình chọn là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất tại Davos, cả trong những hội nghị chính thức và trong những cuộc thảo luận bên lề, các bữa tiệc riêng tư và tiệc tối tổ chức xuyên suốt thị trấn. Cũng trong rất nhiều năm, rất ít và cũng chẳng có gì thay đổi.

“Mọi người bàn luận về bất bình đẳng, và cách mà nó trở thành một vấn đề nghiêm trọng, là mối đe dọa lớn nhất đến toàn cầu hóa và kinh tế toàn cầu” Ngài Stiglitz chia sẻ “ Bạn phải nhận ra cách mà chúng ta quản lý toàn cầu hóa đã góp phần rất lớn đến sự bất bình đẳng. Những tôi vẫn chưa nghe thấy một cuộc thảo luận sâu nào về những thay đổi trong toàn cầu hóa sẽ khắc phục được sự bất bình đẳng.”

Đó không phải là sự ngẫu nhiên, ông phỏng đoán. Bất cứ một danh sách “vấn đề/giải pháp trao đổi” thành thật nào cũng phải đề cập đến việc chuyển giao của cải và quyền lực từ một nhóm người tinh hoa Davos tới những công nhân bình thường thông qua một quá trình đánh thuế tiến bộ, gia tăng quyền thỏa hiệp của liên đoàn lao động và tăng cường bảo vệ cho người lao động nói chung.
Cũng giống như mọi năm, Davos lại một lần nữa dâng cao khẩu hiệu của WEF: “Cam kết cải thiện tình trạng của thế giới/ Committed to Improving the State of the World”. Nhưng cho dù cải thiện nào được đề nghị tiến hành, ai đó có thể đưa ra giả thiết/giải pháp an toàn rằng giải quyết bất bình đẳng sẽ không gây ra mâu thuẫn lợi ích giữa những người tham dự Davos đang tận hưởng tình trạng thế giới hiện tại với những bữa tiệc canape, rượu Bordeaux lâu năm và các máy bay cá nhân lúc nào cũng sẵn sàng.

Điều này có nghĩa là cuộc nổi dậy của chủ nghĩa dân túy toàn cầu không có vẻ là sẽ hạ nhiệt sớm.