Dạy con trong thế giới ngày tàn

Dạy con trong thế giới ngày tàn

[Chia sẻ] Nguồn: Roy Scranton, “Raising My Child in a Doomed World,” The New York Times, July 16, 2018.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Tôi đã khóc hai lần khi con gái tôi ra đời. Lần đầu là vì vui, khi sau 27 giờ chuyển dạ sinh linh bé nhỏ hoang dại của chúng tôi đã cất tiếng khóc chào đời, và lần thứ hai vì buồn, khi ôm con người trẻ nhất của thế giới trên tay và nhìn ra ngoài cửa sổ với những hàng xe đậu trong bãi đỗ của viện, chuỗi cửa hàng bên kia phố, những quán xá và cửa hiệu, những mương nước cạn, nhựa đường và những bãi rác mà trước đây từng là những khóm sồi. Một thế giới của sự tuyệt chủng và thảm họa, một thế giới mà sự hòa hợp với thiên nhiên đã khép lại từ lâu. Trong sự ích kỷ của mình, vợ chồng tôi đã đẩy con gái vào cuộc đời trên một hành tinh phản địa đàng, và tôi không thấy có cách nào để bảo vệ nó khỏi tương lai.

Bất cứ ai thực sự chú ý đến biến đổi khí hậu đều biết rằng triển vọng của nó rất ảm đạm. Không phải là không có lý khi nói rằng thách thức mà chúng ta đối mặt ngày nay là thách thức lớn nhất mà loài người từng gặp. Và bất cứ ai thực sự chú ý đến chính trị đều có thể cho rằng chúng ta gần như chắc chắn sẽ thất bại. Để ngừng phát thải các-bon hoàn toàn trong năm hay mười năm tới, chúng ta cần định hướng lại gần như toàn bộ sản xuất kinh tế và xã hội của loài người, một nhiệm vụ gần như là không tưởng, chưa nói đến khả thi. Nó đòi hỏi sự kiểm soát tập trung hóa các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, khoản đầu tư khổng lồ của nhà nước vào việc hấp thụ và lưu trữ các-bon và sự phối hợp toàn cầu trên một quy mô chưa từng thấy, ở chính thời điểm mà các cấu trúc chính trị và kinh tế nắm giữ trật tự thế giới tư bản chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Mỹ sau Thế chiến II đang đổ vỡ. Ý tưởng về sự hành động chính trị thống nhất ở tầm quốc gia hướng tới một mục tiêu duy nhất dường như là khôi hài, và hành động thống nhất trên quy mô toàn cầu đơn giản là lố bịch.

Và ngay cả khi bằng cách nào đó các nhà lãnh đạo thế giới có thể hợp tác cùng nhau thì sự ấm lên toàn cầu ở những mức độ đáng kể và nguy hiểm vẫn là không thể tránh khỏi, được đưa vào sinh quyển này bằng toàn bộ lượng CO2 đã thải ra. Có một độ trễ về mặt thời gian giữa sự gia tăng CO2 với những hệ quả sau đó, giữa cơn gió mà chúng ta gieo với cơn bão mà chúng ta gặt. Chúng ta sống trong khoảng cách đó. Con gái tôi ra đời trong đó.

Trừ khi có phép lạ xảy ra, 20 năm tới sẽ chứng kiến sự biến đổi mang tính hệ thống ngày càng nhiễu loạn trong các hệ hình thời tiết toàn cầu, sự thích ứng sinh học không thể đoán trước và một loạt các phản ứng chính trị và kinh tế của loài người, kể cả đổ lỗi cho kẻ khác và chiến tranh. Sau đó mọi chuyện sẽ càng tồi tệ hơn. Những thập niên giữa và cuối thế kỷ 21—cuộc đời trưởng thành của con gái tôi—hứa hẹn sẽ mang đến một thảm họa toàn cầu với những tác động toàn vẹn mà bất cứ con người duy lý nào cũng phải sợ hãi quay đi.

Có thể có người sẽ nói sai lầm đầu tiên chính là có con. Như Maggie Astor đã đưa tin, ngày càng có nhiều người quyết định không sinh con vì sự biến đổi khí hậu. Mối lo ngại này, dù là ý thức hay vô thức, chắc chắn đều đang góp phần vào tỷ lệ sinh thấp kỷ lục của Hoa Kỳ. Một số người không chịu được cảnh sinh con mà cuộc đời nó lại tồi tệ hơn cuộc đời của chính mình. Những người khác, đấu tranh với những đạo đức của việc sống trong một xã hội tiêu dùng lấy các-bon làm nhiên liệu, xem việc có con là ích kỷ và hủy hoại môi trường.

Hãy xem xét một lá thư nghiên cứu năm 2017 được trích dẫn rộng rãi của nhà địa lý Seth Wynes và nhà khoa học môi trường Kimberly Nicholas, lập luận rằng những bước đi hiệu quả nhất mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện để giảm lượng khí thải các-bon là có một chế độ ăn dựa trên thực vật, tránh đi máy bay, sống không cần ô tô, và có bớt một đứa con—trong đó điều cuối cùng có tác động đáng kể nhất từ trước tới nay. Wynes và Nicholas ủng hộ việc giảng dạy các giá trị này ở trường trung học, qua đó biến đổi xã hội bằng giáo dục. Nhìn bề ngoài thì đề xuất này có vẻ hợp lý. Nhưng khi các giá trị được dạy trong lớp học không khớp với các giá trị ngoài xã hội thì lớp học hiếm khi thắng. Vấn đề chính của đề xuất này không phải là ở ý tưởng dạy việc tiết kiệm, bớt đi máy bay, hay ăn chay, vốn đều tốt đẹp, mà là ở cái mô hình xã hội mà các khuyến nghị ấy dựa vào: cái ý tưởng là chúng ta có thể cứu thế giới qua lựa chọn cá nhân của người tiêu dùng. Không, chúng ta không thể.

Xã hội không đơn giản là sự tổng hợp của hàng triệu hay hàng tỷ lựa chọn cá nhân mà là một động lực phức tạp mang tính đệ quy, trong đó các lựa chọn được tạo ra trong các thể chế và các ý thức hệ thay đổi theo thời gian trong lúc những lựa chọn ấy lại đưa trở lại cái khuôn mẫu mà chúng ta xem là khả dĩ vào trong các cơ cấu trên. Trong khi đó, các cơ cấu ấy luôn luôn bị xáo trộn, xô đẩy, biến dạng, và rung chuyển bởi vô số động lực bên trong và bên ngoài, trong đó có các yếu tố môi trường như sự ấm lên toàn cầu, sự đổi mới về vật chất và xã hội, và những cơn hoảng loạn lan rộng đôi khi. Nói như vậy có nghĩa là chúng ta không được tự do lựa chọn cách mà chúng ta sống, giống như không thể tự do phá vỡ các định luật vật lý. Chúng ta chọn từ các lựa chọn khả dĩ, chứ không phải từ hư vô.

Tất nhiên, không ai thực sự cần có con. Nó chỉ là động lực mạnh mẽ nhất mà con người có, nguyên tắc tổ chức cơ bản của mọi xã hội loài người và là điều kiện cần thiết cho một thế giới con người có ý nghĩa. Sinh sản khiến cho văn hóa nhân loại tồn tại được qua thời gian.

Nghiêm túc làm theo các khuyến nghị của Wynes và Nicholas có nghĩa là tự tách mình khỏi xã hội hiện đại. Nó có nghĩa là chọn một sự tồn tại cô lập, xa lánh, và từ bỏ mọi kết nối sâu sắc với tương lai. Quả thật, thực sự đề cao lập luận của Wynes và Nicholas sẽ có nghĩa là thừa nhận rằng phản ứng đạo đức đích thực duy nhất trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu là tự sát. Bởi đơn giản là không có cách nào hiệu quả hơn thế để giảm dấu chân các-bon của bạn. Một khi bạn đã chết thì bạn sẽ không dùng thêm số điện nào nữa, không ăn thêm lạng thịt nào nữa, không tốn thêm lít xăng nào nữa, và chắc chắn bạn sẽ không có thêm đứa con nào nữa. Nếu thực sự muốn cứu lấy hành tinh này thì bạn nên chết.

Đây là lựa chọn mà David Buckel đã chọn cho mình vào một buổi sáng tháng Tư lạnh lẽo, khi ông bước từ căn hộ của mình ở Brooklyn đến Công viên Prospect, tưới xăng lên người và châm lửa đốt. Sức khỏe của ông hoàn toàn tốt. Ông có vợ và một cô con gái. Trong khi có thể có người sẽ gắn vụ tự sát của ông với bệnh tâm lý, những lá thư mà ông để lại cho thấy hành động của ông là một hành động chính trị. “Ô nhiễm đang tàn phá hành tinh của chúng ta, hủy hoại môi trường sống qua không khí, sỏi đất, nước, và thời tiết,” ông viết. “Hầu hết con người trên trái đất đang hít thở bầu không khí bị các nhiên liệu hóa thạch làm bẩn, và kết quả là nhiều người đang chết sớm vì thế—cái chết sớm vì nhiên liệu hóa thạch của tôi phản ánh những gì mà chúng ta đang làm với chính mình.”

Sự hy sinh của Buckel đã đẩy logic của lựa chọn cá nhân đến tận cùng. Nhưng cũng như hầu hết chúng ta, tôi không thể và cũng sẽ không lựa chọn như vậy. Tôi gắn với cuộc đời trên thế giới này, thế giới mà tôi sống, trong tất cả những sự ngu xuẩn và đau khổ của nó, bởi đây là thế giới mà mọi người khác đều đang sống: đồng nghiệp và sinh viên của tôi, bạn bè và gia đình tôi, vợ và con gái tôi. Đây là thế giới duy nhất mà lựa chọn của tôi có ý nghĩa. Và thế giới này, dẫu tàn ngày như thế, là thế giới duy nhất đem lại được niềm vui.

Khi con gái chào đời, tôi cảm nhận được một tình yêu và sự gắn kết chưa từng thấy trước đây: một cơn sóng dịu dàng mà đau đớn trong sự mãnh liệt của nó. Tôi biết mình sẽ giết người vì nó, chết vì nó, hy sinh mọi thứ vì nó, và tuy những cảm xúc ấy đã trở nên dễ chịu hơn sau những ngày đê mê đầu khi con bé chào đời, chúng không hề giảm bớt. Và khi nghĩ về cái tương lai mà nó buộc phải sống, tương lai mà chúng ta tạo ra, tôi rất giận và buồn.

Mỗi ngày lại mang đến những cảm xúc đau buồn mới. Nhìn thế giới tươi mới qua đôi mắt của con gái làm tôi thấy vui mừng, nhưng mỗi khám phá mới đều bị cái chết ám ảnh. Đọc “Gấu Bắc cực ơi, gấu Bắc cực ơi, bạn nghe được gì?” cho con bé nghe, tôi không thể không sững sờ trước sự mất kết nối giữa đời sống động vật được ghi lại trong cuốn truyện với sự tuyệt chủng hàng loạt đang diễn ra trên khắp hành tinh. Khi hát cùng con bé bài “Froggie Went a-Courtin” bản của Elizabeth Mitchell, tôi không thể không cảm thấy mình đang phản bội con bé vì đưa vào bộ não nó những hình ảnh tuyệt vời của một thế giới không con người đầy phép lạ, trong khi thế giới không con người trên thực tế đang bị khai thác và cướp đoạt. Làm sao tôi có thể đọc “Winnie gấu Pooh” hay “Gió qua rặng liễu” cho nó nghe khi tôi biết cảnh đồng quê hài hòa mà những cuốn sách ấy gợi lên đã biến mất mãi mãi từ hàng thập niên rồi? Bao lâu nữa tôi sẽ phải giải thích cho nó chuyện gì đang xảy ra? Trong mọi phương diện quan trọng nhất thì điều đó đã là quá muộn.

Con cái chúng ta sẽ không đối mặt với những lựa chọn mà chúng ta đang phải đối mặt. Chúng sẽ không có những cơ hội để hành động như chúng ta đang có. Chúng sẽ phải đối diện với một loạt những kết quả có giới hạn được xác định bởi những lựa chọn mà chúng ta chọn. Nhưng trong khi một số mức độ ấm lên toàn cầu hiện nay có vẻ là không thể tránh khỏi thì phạm vi những kết quả khả dĩ trong thế kỷ sau là đủ rộng và những kết quả tệ nhất là đủ cực đoan để có một tia hy vọng hẹp hòi rằng sự biến chuyển kinh tế-xã hội mang tính cách mạng ngày nay sẽ có thể cứu được hàng tỷ người và bảo tồn được nền văn minh toàn cầu như chúng ta biết trong một dạng thức ít nhiều còn nhận ra được, hoặc ít nhất là ngăn chặn được sự tuyệt chủng của con người. Nhưng phạm vi những kết quả ấy đang thu hẹp mỗi ngày, dịch chuyển qua từng tháng về phía thảm họa hơn, và chờ đợi thêm năm năm nữa thì có thể chúng ta sẽ thấy ô cửa sổ cứu nhân loại sẽ khép lại.

Chúng ta đang sống trong khoảng cách giữa cơn gió và cơn bão, nhưng coi đó là sự hoãn thi hành án là sai lầm. Thảm họa đã đến, ngay cả khi hầu hết chúng ta không thể nhìn thấy nó. Sự bất hòa ấy có lẽ là sự thật xác định nên thời đại chúng ta, là chìa khóa của tính lưỡng cực, lo âu của nó.

Lựa chọn đích thực mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt không phải là mua cái gì, có nên đi máy bay hay không hay có nên sinh con hay không, mà là liệu chúng ta có sẵn sàng sống một cách đạo đức trong một thế giới vụn vỡ hay không, một thế giới mà con người để sinh tồn phải dựa vào một sự ân sủng của sinh thái. Không có địa đàng nào, không có Hành tinh B, không có sự cứu rỗi, không có lối thoát. Chúng ta đều mắc kẹt ở đây. Và sống trong thế giới đó, cái thế giới duy nhất tồn tại, có nghĩa là phải từ bỏ mọi tuyên bố về sự vô tri hay sự thuần khiết về mặt đạo đức, vì sống có nghĩa là gây đau khổ.

Sống đạo đức có nghĩa là hiểu rằng hành động của chúng ta sẽ gây ra những hệ quả, là chịu trách nhiệm cho cách mà những hệ quả ấy rung động trên cái mạng nhện của cuộc đời mà mỗi người chúng ta đều dính vào một cách không thể khác được, và hành động mỗi ngày để xoa dịu nỗi đau nào mà chúng ta có thể. Sống đạo đức có nghĩa là hạn chế những ham muốn của mình, tôn trọng sự phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau của vạn vật trong tự nhiên và trân trọng cái thực tế rằng sự tồn tại của chúng ta trên hành tinh này là một món quà từ trên trời rơi xuống và cũng có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào.

Tôi không thể bảo vệ con gái mình khỏi tương lai và tôi cũng không thể hứa hẹn cho nó một cuộc đời tốt đẹp hơn. Tôi chỉ có thể làm một điều là dạy con bé: dạy cho nó biết cách quan tâm, biết cách tử tế, và biết cách sống trong những giới hạn của ân sủng của tự nhiên. Tôi có thể dạy cho con bé cách kiên cường mà dẻo dai, cách thích ứng và thận trọng, bởi vì nó sẽ phải đấu tranh cho những gì mà nó cần. Nhưng tôi cũng có thể dạy cho nó cách chiến đấu vì lẽ phải, bởi vì không ai trong chúng ta đơn độc trong chuyện này. Tôi cần dạy nó biết rằng mọi thứ đều sẽ chết, kể cả nó và tôi và mẹ nó và thế giới mà chúng ta biết, nhưng đối mặt và chấp nhận sự thật khó khăn này sẽ là khởi đầu của minh triết.

Roy Scranton là giáo sư ngành văn học Anh tại Đại học Notre Dame. Tiểu luận này được trích từ cuốn sách mới của anh, “We’re Doomed. Now What? Essays on War and Climate Change.”

Bản dịch này được đăng lần đầu trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 30 (12 tháng Tám, 2018).