Đây là thời điểm nguy hiểm nhất cho hành tinh chúng ta
[Chia sẻ] [Stephen Hawking]
Với tư cách là một nhà vật lý lý thuyết tại đại học Cambridge, tôi đã sống trong lòng bong bóng của những đặc ân phi thường. Cambridge là một thị trấn khác lạ, nơi những trường đại học vĩ đại nhất trên thế giới ẩn mình. Cambridge cũng là nơi nuôi dưỡng một cộng đồng khoa học dị biệt mà tôi may mắn được dự phần từ khi còn ở độ tuổi 20. Trong cộng đồng ấy lại tồn tại một nhóm nhỏ hơn các nhà vật lý lý thuyết đẳng cấp quốc tế, những người mà tôi vinh dự được chia sẻ công việc và cuộc sống khoa học, có thể nói là những người đang ở đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của mình. Điều này khiến cho thế giới tháp ngà của tôi trở nên khác biệt và dường như lại càng cao hơn nữa khi danh tiếng mà tôi có được từ những quyển sách của mình và từ sự cách ly gây bởi căn bệnh kỳ lạ của tôi ngày một gia tăng.
Việc tẩy chay rõ ràng gần đây của công chúng tới giới tinh hoa ở Mỹ và Anh thì chắc chắn là nhắm vào tôi cũng nhiều như những người khác. Cho dù bạn nghĩ như thế nào về quyết định của những người đi bầu về việc nước Anh từ chối gia nhập liên minh châu Âu và việc cử tri Mỹ bầu lên một tổng thống như quí ngài Donald Trump, thì không còn nghi ngờ gì nữa trong con mắt của các nhà bình luận đó là sự bùng nổ tức giận của những con người mà trong thâm tâm họ cảm thấy đã bị bỏ rơi bởi những người lãnh đạo của mình.
Có một điều mà ai cũng đồng ý đó là việc những người bị lãng quên trong hệ thống đang tìm mọi cách để cất lên tiếng nói của mình nhằm chống lại những lời khuyên dẫn dụ từ các chuyên gia và giới tinh hoa đang diễn ra phổ biến ở khắp mọi nơi.
Và tôi cũng không nằm ngoài quy luật trên. Trước kia, tôi đã từng cảnh báo rằng cuộc bỏ phiếu Brexit sẽ gây nguy hại cho công việc nghiên cứu khoa học tại Anh, và rằng cuộc bỏ phiếu này sẽ là một bước đi thụt lùi, dường như những người bỏ phiếu – hoặc ít nhất một tỉ lệ lớn trong họ đã chẳng đếm xỉa gì đến lời nói của tôi cũng như lời khyên từ các lãnh đạo chính trị, đoàn viên công đoàn thương mại, họa sĩ, nhà khoa học, doanh nhân và người nổi tiếng, những người mà họ cho rằng đã đưa ra rất nhiều lời khuyên vô giá trị cho phần còn lại của đất nước.
Một điều còn quan trọng hơn, không phải nằm ở những người bỏ phiếu ủng hộ hay không ủng hộ, mà là ở cách giới tinh hoa hành xử. Chúng tôi – đại diện giới được gọi là tinh hoa – tới lượt mình liệu có dám đứng ra từ chối kết quả bầu cử ngu xuẩn được tạo ra bởi thứ chủ nghĩa dân túy thô thiển mà đã thất bại rõ ràng trong việc kiểm soát tình hình mà chúng tôi mong muốn, sau đó dùng sức mạnh để hạn chế và ra sức phá vỡ lựa chọn của những người bỏ phiếu cùng kết quả mà họ đã gây ra. Tôi sẵn sàng đứng ra tranh luận hành động này sẽ là một sai lầm cực kì nghiêm trọng.
Nỗi lo lắng nằm ẩn phía dưới những lá phiếu bầu chọn của họ về hậu quả kinh tế của quá trình toàn cầu hóa và tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ là hoàn toàn dễ hiểu. Tự động hóa nhà máy đã làm suy giảm công việc trong ngành sản xuất truyền thống, và sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo dường như lại tiếp tục tàn phá các công việc chân tay trong giới trung lưu, cuối cùng chỉ còn lại những công việc liên quan đến dịch vụ, sáng tạo và vai trò giám sát. Điều này sẽ lại tiếp tục khiến cho sự bất bình đẳng kinh tế gia tăng trên khắp thế giới. Hệ thống mạng Internet và các các nền tảng ra đời đã tạo cơ hội cho một nhóm rất nhỏ các cá nhân thu được một khoảng lợi nhuận khổng lồ nhưng lại chỉ tuyển dụng rất ít người. Đây là điều không thể tránh khỏi và là một tiến trình không thể đảo ngược nhưng cũng đồng thời là một sự tàn phá mang tính xã hội.
Chúng ta cũng cần phải đặt nó cùng với sự sụp đổ của thị trường tài chính, mà đối với đa số mọi người nó chỉ đem lại phần thưởng lớn cho một vài cá nhân làm việc trong ngành tài chính và phần còn lại trong chúng ta sẽ hoàn toàn nằm dưới sự thành công của họ, phải thanh toán các hóa đơn vượt tầm mà đôi khi sự tham lam của những kẻ chiến thắng dẫn dắt chúng ta lạc lối. Vậy thì thực ra chúng ta đang sống trong một thế giới mà thay vì giảm thiểu lại mở rộng sự bất bình đẳng tài chính, mà trong đó có rất nhiều người có thể nhận ra rằng không chỉ tiêu chuẩn sống mà khả năng kiếm sống của họ đang dần bị mất đi. Và không có gì phải thắc mắc khi họ hướng đến một thỏa thuận sống còn cho mình, mà có vẻ như Trump hay Brexit là đại diện cho cái họ đang tìm kiếm.
Một nguyên do khác có lẽ là do hậu quả không dự tính được của việc mở rộng toàn cầu của Internet và mạng xã hội khiến cho bản chất của sự bất bình đẳng ngày càng hiện rõ hơn rất nhiều so với quá khứ. Với tôi, khả năng sử dụng công nghệ để giao tiếp là một trải nghiệm tích cực và giải phóng tư duy tự do. Nếu không có nó, có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể tiếp tục làm việc như thế này nhiều năm trước trong quá khứ.
Nhưng điều này cũng có nghĩa là cuộc sống thượng lưu của những người giàu có nhất trong những khu vực thịnh vượng của thế giới được phơi bày một cách khó chịu trong mắt những người khác, đến ngay cả những người nghèo cũng có trong tay chiếc điện thoại để tiếp nhận thông tin. Thậm chí cho đến nay, số lượng người có khả năng tiếp cận điện thoại còn nhiều hơn số người được tiếp cận nước sạch như ở khu vực hạ Sahara của châu Phi. Điều này có nghĩa đơn giản là chúng ta gần như sẽ không thể thoát khỏi tình trạng bất bình đẳng trong một thế giới ngày càng trở nên đông đúc hơn.
Hậu quả của việc này đang ngày càng trở nên rõ ràng: người nghèo ở nông thôn lũ lượt kéo đến các thành phố, hoặc đến các thị trấn lụp xụp để nuôi dưỡng hy vọng. Và thông thường, họ sẽ khám phá ra rằng cõi niết bàn Instagram thì không hiện hữu ở đó, điều này khiến họ tìm kiếm nó ở nước ngoài và gia nhập một con số còn lớn hơn nữa những người nhập cư kinh tế trong nỗ lực tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn. Những người nhập cư này sau đó lại tạo áp lực lên nhu cầu hạ tầng và kinh tế của quốc gia nơi họ đến, làm giảm đi lòng khoan dung và nuôi dưỡng đẩy đưa thứ chủ nghĩa dân túy chính trị của quốc gia sở tại đi xa hơn.
Đối với tôi khía cạnh đang lo ngại nhất của vấn đề này là hơn bất kì lúc nào khác trong lịch sử của nhân loại, giống loài chúng ta cần phải làm việc cùng với nhau như thế nào. Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường lớn lao: biến đổi khí hậu, thiếu hụt sản xuất thực phẩm, quá tải dân số, sự sát hại các giống loài khác, bệnh dịch, a xít hóa đại dương.
Tất cả các thách thức trên là một lời cảnh báo rằng chúng ta đang ở trong một thời điểm nguy hiểm nhất trong quá trình phát triển của nhân loại. Hiện nay chúng ta đã có những công nghệ có thể hủy diệt hành tinh chúng ta trong chớp mắt, nhưng lại chưa phát triển được phương cách nào để thoát khỏi khi xảy ra sự cố. Có lẽ trong vài trăm năm tới, chúng ta sẽ có đưa được một công đồng người đến sống giữa các vì sao nhưng hiện tại chúng ta chỉ có một hành tinh duy nhất, và chúng ta bắt buộc phải làm việc cùng nhau để bảo vệ nó.
Để làm được điều đó, chúng ta phải phá bỏ chứ không phải là xây lên những bức tường bên trong và giữa các quốc gia. Nếu các nhà lãnh đạo lại có cơ hội để quyết định chuyện xây hay không xây thì họ cần phải nhận ra rằng họ đã thất bại và đang thất bại rất nhiều lần. Với quyền lực hiện nay tập trung vào tay một số ít, chúng ta cần phải học cách để chia sẽ nhiều hơn những gì đang thể hiện ở hiện tại.
Với không chỉ một vài công việc mà là cả ngành công nghiệp đang dần biến mất, chúng ta cần phải giúp đỡ, tái huấn luyện các cá nhân bị đào thải để họ trở nên phù hợp với thế giới mới và đồng thời hỗ trợ tài chính để họ làm điều đó thuận lợi. Nếu các cộng đồng và các nền kinh tế không thể giải quyết được tình trạng nhập cư như hiện nay, chúng ta cần phải làm nhiều hơn, quyết liệt hơn để khuyến khích phát triển trên phạm vi phổ quát toàn cầu, đó là cách duy nhất để những người nhập cư bị thuyết phục đặt tương lai nơi quê nhà của họ.
Tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể làm được, tôi quả là một người lạc quan lớn cho tương lai giống loài tôi, nhưng nó cũng đòi hỏi không chỉ tôi mà còn tầng lớp tinh hoa từ London đến Harvard, từ Cambridge đến Hollywood thấm nhuần các bài học trong suốt những năm vừa qua. Học tập với tinh thần khiêm nhường thực sự.