Di chúc của Washington

Di chúc của Washington

Washington về hưu vào tháng 3/1797, ông quay trở về lại quê nhà Mount Vernon với tinh thần đầy sảng khoái. Phần lớn thời gian tuổi xế chiều ông dành cho nông trại, quản lý đất đai và trông coi các công việc thương mại của gia đình (như xưởng nấu rượu). Người Mỹ không che dấu sự giàu có của cha già lập quốc – nông trại Mount Vernon của ông nổi tiếng khắp vùng vì vẻ hào quang của “sự thịnh vượng và trù phú”. Ông đã tích lũy suốt cuộc đời của mình tổng tài sản (holdings) trị giá khoảng 1 triệu $ khi đó (tương đương khoảng 18 triệu $ bây giờ) bao gồm đất đai và tài sản như những lô nhà đất ở Alexandria và Washington DC (townhouse lots), một dải đất (choice tracts) dọc thung lũng sông Ohio, cũng như đất đai trải khắp Maryland, Pennsylvania và New York. Dù vậy khi Hoa Kỳ xảy ra mâu thuẫn với Pháp ông vẫn hỗ trợ Tổng thống kế nhiệm John Adams với tư cách sĩ quan cao cấp của Lục quân Hoa Kỳ nhằm đối phó với bất kì tình huống khẩn cấp nào có thể xảy ra.

Vào đầu tháng bảy năm 1799, cảm thấy thời gian của mình không còn nhiều Washington chủ động chuẩn bị di chúc cho chính mình. Ông tự nhốt mình trong văn phòng để soạn thảo mà không nhờ sự tư vấn của chuyên gia hoặc sự tham gia của các hãng luật. Đêm trước ngày qua đời 14/12/1799, George Washington khẩn khoản yêu cầu vợ đem di chúc đến cho mình, có tất cả hai phiên bản. Sau khi xem xét kĩ càng, Washington ném một phiên bản vào lò lửa, phiên bản còn lại ông yêu cầu Martha ra sức bảo vệ. Lời nói cuối cùng trước khi ra đi của ông là “Tis well” (tạm dịch, mọi thứ ổn rồi)

Di chúc của ông không “đao to búa lớn”vì mọi thông điệp cần thiết gửi gắm cho quốc gia non trẻ Hoa Kỳ ông đã đề cập trong “Diễn văn Từ Giã” (một trong những bài diễn văn quan trọng nhất của Hoa Kỳ) khi nghỉ hưu vào năm 1796. Di chúc này là nơi ông gửi gắm niềm tin và tình yêu với gia đình và những người bạn mà ông coi như anh em thân thuộc. Nó chân thành, giản dị nhưng đủ phản ánh một cuộc đời và nhân cách sống động của ông.

Lăng mộ khiêm nhường của Washington

Trong di chúc của mình ưu tiên cao nhất của Washington là dành cho người vợ hết mực mến yêu Martha, nhưng ông cũng dành sự quan tâm cho những người họ hàng gần và xa trong gia đình. Khối tài sản đồ sộ của ông sẽ được phân phối lại cho các thành viên đông đảo của đại gia đình ông, cùng những người bạn cũ và những người phụ tá gần gũi đã lưu dấu trong tâm trí và trái tim ông trong quá trình ông sinh sống và làm việc. Washington cũng bỏ qua các khoản nợ nần trước đây của mọi người trong đó có anh trai ông Samuel Washington và anh rể Bartholomew.

Ưu tiên thứ hai trong di chúc của ông mong muốn cho các nô lệ của mình có được sự tự do, chăm sóc và nền tảng giáo dục. Điều này thể hiện ở những trang đầu của bản di chúc, ông tỏ ý chống đối chế độ nô lệ và “ước muốn” tha thiết là các nô lệ của ông sẽ được tự do ngay lập tức sau khi ông mất, nhưng điều này không thể thực hiện trong thực tế lúc đó vì tính phức tạp và nhạy cảm của nó. Một nửa các nô lệ ở Mount Vernon là các nô lệ thừa kế (dower) được sở hữu bởi điền trang của Daniel Parke  Custis, người chồng đầu tiên của Martha. Các nô lệ này lại có sự thông gia với nhau (intermarried – liên hôn) và điều này khiến cho việc phóng thích cho một vài người trong khi những người khác vẫn bị giữ lại sẽ khiến cho họ đau đớn vì gia đình ly tán và tạo ra “trạng thái bất đồng cao độ” (lúc ông mất có cả thảy 317 nô lệ đang làm việc tại Mount Vernon, trong đó Washington làm chủ 123 người, 154 người là “nô lệ thừa kế của vợ và 40 người được hàng xóm mướn). Cuối cùng để tránh những tranh cãi, Washington quyết định ghi trong di chúc là sẽ trả tự do cho họ khi “ Vợ ông qua đời (Decease)”. Ngoại trừ một trường hợp đặc biệt là người hầu (servant) thân cận của ông William Lee, người duy nhất được trả tự do sau cái chết của ông và được tặng một khoản tiền góp hàng năm trị giá 30 đô la cho những “cống hiến hết mình trong suốt thời kì Chiến tranh Cách Mạng”.

Washington cũng yêu cầu những hỗ trợ cần thiết những nô lệ quá già, yếu hoặc quá trẻ để có thể tự chăm lo cho bản thân. Những nô lệ trẻ được cung cấp một khoản hỗ trợ cho đến tuổi hai mươi lăm và được dạy để biết đọc, biết viết và mưu cầu một nghề nghiệp. Di chúc của ông đặc biệt cấm việc buôn bán và vận chuyển các nô lệ của Washington khỏi Virginia và ông cũng đồng thời khuyên bảo những người thừa hành phải tôn trọng ước muốn của ông trong việc chăm sóc họ.

Ước vọng của ông cho thế hệ tương lai của Hoa Kỳ cũng được thể hiện trong di chúc của mình. Ông cung cấp vốn (stocks) để hỗ trợ tài chính cho việc thành lập các trường đào tạo trẻ em mồ côi. Ông truyền lại 50 cổ phần tại Công ty Potomac để hướng tới việc cấp vốn cho một “Trường đại học” sẽ được thành lập ở Quận Colombia, mặc dù điều này chưa bao giờ được cụ thể hóa (materialized). Washington cũng đồng thời  cho đi 100 cổ phần tại Công ty James River Company nhằm hỗ trợ và tăng cường lợi ích cho Học Viện Tự Do (Liberty Hall Academy), Học viện sau này được đổi tên thành Đại học Washington và Lee, một trường tư dạy về nghệ thuật khai phóng (Liberal Arts) tại Virginia.

Washington kí vào di chúc mình ngày 9/7/1799 sáu tháng trước khi ông qua đời. Di chúc được viết trên mười lăm trang giấy được chuẩn bị kĩ càng bao gồm dấu mờ của ông (watermark) và được chứng thực tại Tòa án Hạt Fairfax (County Courthouse) vào 20/1/1800 bởi George Deneale, thư kí Tòa. Kể từ đó di chúc được chăm sóc cẩn thận bởi văn phòng thư kí Tòa hạt Fairfax, ngoại trừ một khoảng thời gian nhắn. Vào năm 1861 khi lính liên bang xâm lược khu vực Fairfax, Thư kí Alfred Moss đã đưa di chúc của ông cùng với các giấy tờ quan trọng khác tới thủ đô của phe liên hiệp (Confederate) ở Richmon để chuyển giao việc chăm sóc và bảo vệ cho Thư kí của khối Thịnh vượng chung (Commonwealth) cho tới khi mâu thuẫn kết thúc. Di chúc trả về lại Fairfax vào năm 1865.

Các bạn có thể đọc toàn văn di chúc tại Viện lưu trữ quốc gia:

Founders Online: George Washington’s Last Will and Testament, 9 July 1799
George Washington’s Last Will and Testament, 9 July 1799