Diễn văn giã từ Eisenhower

Diễn văn giã từ Eisenhower

Trong vai trò tổng tư lệnh Lực lượng Đồng Minh ở Tây Âu suốt thế chiến II, Dwight D. Eisenhower dẫn dắt gần 160 ngàn binh lính vượt English Channel đổ bộ lên vùng duyên hải Normandy vào ngày 06/06/1944 (hay D-Day) dành lại khu vực bị Phát Xít chiếm đóng từ đó thay đổi hoàn toàn cục diện Thế Chiến II – cuộc xung đột mà Bernard Russell, triết gia phân tích người Anh, cho rằng cần thiết để sữa chữa sai lầm ngu ngốc của Thế Chiến I, nguồn cơn đẻ ra các tư tưởng hung hãn như Phát Xít (fascism). Nhờ tài năng lãnh đạo quân sự cùng năng lực ngoại giao khéo léo của Eisenhower với các nhân vật sừng sỏ như George S. Patton, Windston Churchill, Bernard Montgomery hay đại tướng Charles de Gaulle mà chiến dịch Overlord (bao gồm đổ bộ Normandy) mới dành được thắng lợi. Sau khi phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện và đi khảo sát ba vùng chiếm đóng của phát xít lúc này do Anh, Pháp và Liên Xô kiểm soát, Eisenhower phát hiện ra các trải tập trung tử thần của Hitler. Ông tiến hành thu thập bằng chứng đồng thời ghi lại các hình ảnh diệt chủng ghê rợn để có cơ sở truy tố nhóm tội phạm chiến tranh (bộ phim tài liệu Nazi Concentration Camps phát trên Netflix có sử dụng các tư liệu này). Khi hòa bình lập lại, các lãnh đạo Cộng Hòa thuyết phục Eisenhower (khi đó đang quản lý lực lượng NATO ở châu Âu) chạy đua chức vụ Tổng Thống – ông dành chiến thắng thuyết phục và phục vụ hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng (1953-1961) – giai đoạn ông phải xử lý các căng thẳng của Chiến Tranh Lạnh với Liên Bang Xô Viết cùng ám ảnh bóng ma hạt nhân. Diễn văn giã từ chức vụ “Tổng thống” của Eisenhower do mình lược dịch dưới đây được phát trên truyền hình (đen trắng) vào ngày 17/01/1961 chứa đựng một số thông điệp rất thú vị (ít nhiều liên quan đến tương lai mà chúng ta đang đối diện ngày nay): mối nguy của chi tiêu công quá đà (massive spending) trên danh nghĩa đầu tư khoa học, lạm dụng quyền lực của các tổ hợp quân sự công nghiệp (chi tiêu quân sự lấn át doanh thu ròng của các tập đoàn Hoa Kỳ), giải giáp vũ khí (dù khi đó Mỹ đang bước vào kỷ nguyên Chiến Tranh VIệt Nam), mối quan hệ Tổng Thống – Quốc Hội, đồng thời gửi gắm ý chí và triết lý “quốc gia” cho người tiếp nối John F. Kennedy – tổng thống trẻ nhất tiếp nhận chức vụ từ người già nhất. Cháu trai của Eisenhower, David Eisenhower (tên được đặt cho trại David) là con rể của Tổng Thống Richard Nixon, người chấm dứt mối liên hệ trực tiếp của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam qua Hiệp định Paris.

Ba ngày nữa tính từ thời khắc này và sau nửa thế kỷ phục vụ quốc gia, tôi sẽ trao đi toàn bộ trách nhiệm trong văn phòng của mình. Trong một nghi thức truyền thống và uy nghiêm, quyền lực Tổng Thống sẽ được chuyển giao cho người kế nhiệm. Tôi mong muốn chia sẻ đến các bạn, các công dân yêu quý, một thông điệp chia tay (leave-taking & farewell), đồng thời gửi gắm một vài trăn trở cuối cùng.

Giống như mọi công dân khác, tôi mong muốn Tổng Thống mới và tất cả những ai làm việc với ông ấy thượng lộ bình an (Godspeed). Tôi nguyện cầu ơn trên ban hòa bình và thịnh vượng cho những năm tháng sắp tới. Mọi công dân đều mong muốn Tổng Thống và Quốc Hội sẽ tìm được các thỏa thuận cần thiết quanh những vấn đề sống còn quốc gia (great moment), đi đến những giải pháp thông thái mà nhờ vậy định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả. Mối quan hệ của cá nhân tôi với Quốc hội, khởi đầu trên một cái nền xa xôi và mỏng manh (remote & tenuous) khi mà một thành viên của Thượng viện chỉ định tôi đến West Point (Học viện Quân sự Hoa Kỳ), sau đó phát triển sâu sắc hơn trong giai đoạn chiến tranh và đặc biệt gần gũi trong thời hậu chiến, cuối cùng trong suốt tám năm vừa qua đã chuyển hóa thành tương thuộc lẫn nhau (mutually interdependent). Trong pha cuối của mối quan hệ này, Quốc Hội và Chính quyền đã phối hợp rất tốt để giải quyết những vấn đề quan trọng, đặt lợi ích quốc gia (national good) lên trên đảng phái đơn thuần (partisanship). Mối quan hệ chính thức của tôi với Quốc Hội kết thúc với cảm giác biết ơn vì hai bên đã có thể làm việc được cùng nhau.

Chỉ còn mười năm nữa là chúng ta bước đến giữa một thế kỷ đã kinh qua bốn cuộc chiến tranh lớn giữa các siêu cường. Quốc gia chúng ta dính líu đến ba trong số đó. Mặc cho các cuộc tàn sát trên, Hoa Kỳ ngày nay vẫn là nước mạnh nhất, có ảnh hưởng và năng suất cao nhất thế giới. Dù tự hào về sự ưu việt trên nhưng chúng ta cũng cần phải chân nhận: sự lãnh đạo và uy thế Hoa Kỳ phụ thuộc không chỉ vào tiến bộ vật chất, sự giàu có và sức mạnh quân sự phi đối thủ mà còn ở cách sử dụng quyền lực nhằm phục vụ hòa bình thế giới và tiến bộ nhân loại (human betterment). Xuyên suốt chuyến phiêu lưu trong thế giới chính quyền tự do (free government) của Hoa Kỳ, mục đích cơ bản của chúng ta đã từng là bảo vệ hòa bình; thúc đẩy các thành tựu nhân loại, đồng thời cải thiện tự do, phẩm giá, và sự chính trực giữa con người và các quốc gia với nhau. Ngoài ra, chúng ta còn đấu tranh chống lại việc hạ thấp giá trị tự do và tôn giáo. Bất cứ thất bại nào ập đến đều ít nhiều liên quan đến sự thờ ơ (arrogance), hoặc thiếu hiểu biết (comprehension) hoặc không sẵn sàng hy sinh (sacrifice), để rồi cuối cùng có thể phải trả giá đau đớn ngay tại quê nhà hay nước ngoài.

Quá trình theo đuổi các mục tiêu cao đẹp trên thường bị đe dọa liên tục bởi mâu thuẫn ngập tràn trên thế giới. Nó đòi hỏi chúng ta phải toàn tâm toàn ý (whole attention) và dốc hết sức mình (absorbs our very beings). Hoa Kỳ hay phương Tây đang đối diện với một ý thức hệ thù địch (hostile ideology) phủ sóng toàn cầu, vô thần trong tính cách, hung hãn trong đặt mục tiêu, xảo quyệt trong phương pháp hành động. Mối nguy hại này không may có thể kéo dài không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Điều này thôi thúc chúng ta dấn thân không một chút than phiền vào công cuộc đấu tranh nặng nề, dài dẳng, phức tạp: bảo vệ bến bờ tự do mong manh, một xác tín phần nhiều không đến từ những hy sinh hay cảm xúc nhất thời trong giai đoạn khủng hoảng mà bởi tầm nhìn đưa nhân loại tiến về phía trước. Chỉ có thái độ trên mới giúp chúng ta vững tâm bền chí vào con đường hướng đến hòa bình và tiến bộ nhân loại dài lâu mặc cho mọi khiêu khích.

Các cuộc khủng hoảng sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Khi tiến hành xử lý chúng, dù đối nội hay ngoại, to lớn hay nhỏ bé, thường thì một giải pháp (action) đắt đỏ với tầm vóc vĩ đại nào đó trở nên rất hấp dẫn, như một liều thuốc diệu kỳ chữa lành mọi vấn đề khó khăn. Kiểu như tăng cường các thành tố mới trong quốc phòng, phát triển các chương trình phi thực tế nhằm chữa mọi bệnh lý trong nông nghiệp; mở rộng nghiên cứu ứng dụng và khoa học cơ bản một cách kịch tính cùng nhiều viễn cảnh khác, mỗi hướng tiếp cận đều rất hứa hẹn, đôi khi hàm ý đó là cách duy nhất đưa chúng ta đến mục tiêu cuối cùng. Nhưng mỗi đề xuất hay hành động cần được xem xét dưới ánh sáng rộng mở hơn: nhu cầu duy trì sự cân bằng bên trong và giữa các chương trình quốc gia (national programs), cân bằng giữa kinh tế công và tư, cân bằng giữa chi phí bỏ ra và lợi thế dành được, cân bằng giữa những điều thực sự thiết yếu và những ham muốn đột xuất, cân bằng giữa trách nhiệm cốt yếu quốc gia và bổn phận công dân, cân bằng giữa hành động tức thời (action of the moment) và phúc lợi quốc gia trong tương lai (national welfare of the future). Quá trình xem xét (judgement) đúng đắn phải bảo đảm duy trì sự cân bằng và thúc đẩy tiến bộ , nếu không mọi thứ cuối cùng sẽ rơi vào bất xứng và hỗn loạn. Kết quả dành được trong nhiều thập kỷ qua là minh chứng sống động cho cách con người và chính quyền Hoa Kỳ thấu hiểu chân lý trên và chuyển hóa thành những hành động phù hợp, ngay trong giai đoạn khủng hoảng và chịu nhiều đe dọa. Tuy nhiên, các mối nguy luôn không ngừng tăng lên, dưới dạng thức hay mức độ mới. Tôi chỉ đề cập đến hai thứ hôm nay (quân sự và nghiên cứu khoa học).

Một yếu tố quan trọng giúp gìn giữ hòa bình là nền tảng quân sự (military establishment). Lực lượng vũ trang của chúng ta phải luôn tỉnh táo, sẵn sàng hành động tức thời, qua đó khiến cho những kẻ thù hung hãn tiềm tàng không dám mạo hiểm tấn công bởi đó là con đường rơi vào thảm cảnh tự hủy diệt. Ngày nay, các tổ chức quân sự Hoa Kỳ dường như có rất ít liên hệ kinh nghiệm với những người tiền nhiệm đã đi qua các giai đoạn hòa bình trước đó, hoặc những ai chiến đấu trong Thế Chiến II hay ở Hàn Quốc. Mãi đến tận xung đột thế giới gần nhất, Hoa Kỳ vẫn không hề có ngành công nghiệp vũ khí. Khi thời cuộc đòi hỏi, những người chế tác (maker) lưỡi cày Hoa Kỳ (plowshares) sẵn sàng lao vào làm gươm giáo (swords). Nhưng ngày nay, chúng ta không còn phải đối diện với mối nguy ứng phó an ninh quốc gia khẩn cấp kiểu như vậy, nước Mỹ đã dấn thân tạo dựng một ngành công nghiệp vũ khí trường tồn phủ sóng nhiều địa hạt – nhờ vậy đưa gần ba triệu rưỡi người gắn kết trực tiếp với công cuộc tạo dựng nền tảng phòng thủ. Chi tiêu an ninh quân sự hàng năm lớn hơn thu nhập ròng của tất cả các tập đoàn Hoa Kỳ.

Sự gắn kết khăng khít giữa nền tảng quân sự đậm đặc (immense) và ngành công nghiệp vũ khí khổng lồ (large arms industry) là một trải nghiệm Hoa Kỳ rất mới. Ảnh hưởng kinh tế, chính trị và tinh thần của nó có thể cảm nhận được ở mỗi thành phố, nghị viện bang (state house) và văn phòng chính quyền liên bang. Tuy nhận ra đòi hỏi phát triển quân sự cấp bách (imperative) nhưng chúng ta lại thất bại trong việc đánh giá các mối nguy tiềm tàng đi kèm (grave implication). Tinh thần lao động cần cù (toil), nguồn lực quốc gia (resources), sinh mạng nhiều người (livelihood) cũng như cấu trúc thiết yếu của xã hội (very structure) đều gắn với tiến trình trên.

Trong các ủy ban (councils) của chính quyền, chúng ta phải ra sức chống lại nỗ lực thâu tóm ảnh hưởng phi pháp (unwarranted influence), dù vô tình hay cố ý, của các tổ hợp công nghiệp quân sự (military-industrial-complex). Viễn cảnh gia tăng đầy nguy hại của việc lạm dụng quyền lực luôn tồn tại dai dẳng. Chúng ta không bao giờ được phép để sức nặng của sự kết hợp trên đe dọa tự do và tiến trình dân chủ. Chúng ta không được xem mọi thứ là hiển nhiên (take nothing for granted), chỉ các công dân (citizenry) có hiểu biết và cảnh giác cao độ mới có thể hòa trộn khéo léo cỗ máy quân sự công nghiệp với các mục tiêu và phương pháp hòa bình, điều khiến an ninh quốc gia và tự do song hành thịnh vượng cùng nhau. Ngoài ra, trách nhiệm to lớn trong việc thay đổi diện mạo (posture) của nhóm quân sự công nghiệp đã góp phần kiến tạo cuộc cách mạng công nghệ trong những thập kỷ gần đây.

Trong cuộc cách mạng này, nghiên cứu khoa học (research) được đưa vào vị trí trung tâm, dần trở nên chính thống (formalized), phức tạp (complex) và tốn kém (costly). Phần lớn sự gia tăng liên tục này được điều phối hay dẫn dắt bởi chính quyền Liên Bang. Ngày nay, một nhà sáng chế đơn độc, loay hoay tìm kiếm chân lý ở góc riêng tư nào đó dần mờ nhạt trước một đội ngũ (task forces) các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm và bãi thử nghiệm (testing fields). Cũng theo thể thức trên, các trường đại học miễn phí, suối nguồn của khai phá khoa học và ý tưởng tự do trong suốt chiều dài lịch sử, dần kinh qua một cuộc cách mạng điều phối nghiên cứu. Xuất phát một phần bởi khoản chi phí khổng lồ, các hợp đồng với chính quyền (government contract) dần thay thế cho sự tò mò tri thức. Mỗi tấm bảng đen xưa cũ bây giờ đã chuyển hóa thành hàng trăm máy tính điện tử mới. Viễn cảnh các viên chức liên bang, sự phân bổ nguồn lực các dự án (project allocation), cùng quyền lực tiền bạc dần thống trị giới học giả quốc gia (scholars) đã hiện diện hầu như khắp nơi và gây ra nhiều mối nguy hại. Để giữ sự tôn trọng nhất định cho nghiên cứu và khám phá khoa học, chúng ta phải nâng cao cảnh giác trước viễn cảnh đáng sợ: nền chính sách công có thể chiếm hữu các tinh hoa nghiên cứu khoa học – công nghệ (scientific-technological elite). Công việc của những viên chức liên bang (statesmanship) là phải củng cố, cân bằng và tích hợp những lực đẩy – cả mới và cũ – vào trong các nguyên tắc của hệ thống dân chủ – hướng đến mục tiêu tối thượng cao nhất (supreme goals) của xã hội tự do.

Để duy trì cân bằng, chúng ta cũng phải lưu tâm đến yếu tố thời gian. Khi hình dung xã hội trong tương lai, chúng ta – bạn và tôi, cùng chính quyền – phải tránh những bốc đồng của việc sống chỉ cho hôm nay, một sự cướp bóc (plundering) các nguồn lực quý giá của tương lai cho sự tiện lợi và thoải mái hiện tại. Chúng ta không thể thế chấp tài sản vật chất của con cháu mà không đánh giá rủi ro đánh mất các di sản tinh thần và chính trị. Phải bảo đảm nền dân chủ tồn tại qua nhiều thế hệ kế tiếp, chứ không phải trở thành bóng ma nợ nần trong tương lai.

Xuyên theo dòng chảy lịch sử (chưa được viết ra), Hoa Kỳ nhận thức rất rõ thế giới mà chúng ta tạo dựng, cho dù nhỏ bé đi, phải tránh bị chuyển hóa thành một nơi đong đầy nỗi thù ghét và sợ hãi. Quốc gia này phải duy trì một liên minh đáng tự hào tạo dựng bởi sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Liên minh này phải là nơi nuôi dưỡng công bằng. Những người yếu thế nhất đều có thể ngồi vào bàn đàm phán với sự tự tin tương đồng như những người khác, họ phải có cùng sự bảo vệ đến từ sức mạnh quân sự, tài chính và đạo đức quốc gia. Bàn đàm phán đó, mặc dù bị xây xước bởi những xung đột trước đó, không thể bị bỏ qua (abandoned) bởi một cơn nóng giận (agony) nào đó trên chiến trường.

Giải giáp vũ khí (disarmament), trên tinh thần tự tin và tự hào, là mệnh lệnh tối thượng tiếp theo. Cùng nhau, chúng ta phải học cách chấp nhận sự khác biệt, không phải bằng vũ khí, nhưng bằng những mục tiêu tử tế và đong đầy tri thức – nhu cầu này đã hình thành một cách sâu sắc và rõ nét (sharp and apparent). Phải thừa nhận, khi nhường lại trách nhiệm văn phòng Tổng Thống, một cảm giác thất vọng vô cùng chạy trong tôi (khi quan sát chuyển dịch độc hại trên), như một ai đó đã chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh và phải chịu đựng nỗi buồn lân mẫn đi kèm, như một ai đó biết rằng một cuộc chiến tranh tiếp theo có thể hủy diệt hoàn toàn nền văn minh mà con người đã cốc công xây dựng một cách chậm chạp và đau đớn qua vài nghìn năm – tôi ước gì tôi có thể nói điều này trong tối nay – hòa bình cuối cùng đã nằm trong tầm tay chúng ta. Dù sao, cuộc chiến trên tạm thời đã được né tránh, đồng thời một tiến trình ổn định hơn hướng đến các mục tiêu tối thượng đã được lập ra. Tuy nhiên, còn quá nhiều việc chưa được hoàn thành. Trong vai trò một công dân bình thường, tôi sẽ làm bất cứ việc gì có thể để giúp thế giới này tiến lên một chút trên con đường đó.

Trong đêm cuối trong vai trò Tổng Thống của các bạn, tôi xin dành lời cảm ơn những dòng chảy cơ hội đã đưa tôi đến với công việc công đầy ý nghĩa cả trong chiến tranh và hòa bình. Khi xem xét quá trình phục vụ quốc gia này, các bạn sẽ tìm thấy một số thứ có giá trị, tuy nhiên còn nhiều thứ sẽ phải cải thiện trong tương lai. Các công dân Hoa Kỳ yêu quý, chúng ta phải mạnh mẽ giữ vững niềm tin rằng tất cả các quốc gia trên thế giới, dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, sẽ chạm đến mục tiêu hòa bình và công lý. Hy vọng chúng ta sẽ vững vàng bảo vệ các nguyên tắc quốc gia, duy trì sự tự tin và khiêm tốn mực thước trước quyền lực, chuyên tâm theo đuổi mục tiêu tối thượng.

Đối với nhân loại toàn cầu, một lần nữa, tôi mong muốn truyền đi niềm cảm hứng rất Hoa Kỳ: tôi nguyện cầu cho các anh chị em luôn được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho dù thuộc niềm tin nào, sắc tộc nào, quốc gia nào; những người từng từ chối cơ hội thì giờ đây ra sức tận hưởng nó; những người tìm kiếm tự do sẽ đong đầy phước lành ơn trên; những ai đã chạm đến tự do sẽ hiểu được trách nhiệm lớn lao đi kèm; những ai thiếu thốn trắc ẩn sẽ có được tinh thần thiện nguyện; các thảm họa như đói nghèo, bệnh dịch, và thờ ơ vô cảm sẽ biến mất khỏi trái đất, và vào thời điểm tốt lành nhất, tất cả nhân loại sẽ sống cùng nhau trong hòa bình trong tinh thần tôn trọng và yêu thương lẫn nhau.