Don Giovanni và thiên tài Mozart

Don Giovanni và thiên tài Mozart

Don Giovanni kể về câu chuyện của chàng trai đào hoa Don Juan, người nổi tiếng với việc quyến rũ cùng một lúc nhiều phụ nữ. Tác phẩm opera mở đầu bằng mâu thuẫn tình ái dẫn đến cái chết vô tình của cha nàng Donna Anna (Il Commendatore), sau đó tiếp nối bằng một loạt các tình tiết chơi khăm, quyến rũ tình ái, cải trang, bông đùa tếu táo của các nhân vật. Trong suốt ba tiếng đồng hồ của Don Giovanni, Wolfgang Amadeus Mozart đã khéo léo lồng ghép rất nhiều thông điệp chính trị, xã hội và triết học khiến mình ngỡ ngàng: “Don Juan là anh hùng hay tội đồ – một người chọc ngoáy vào mọi lề lối xã hội thông thường hay nhà thờ, đả phá quan niệm con người thay vì chịu dựng khổ hạnh trần thế để chạm đến Thiên Đường mông lung thì hãy mặc sức thõa mãn nhục dục đời thường”. Một tư tưởng nổi loạn góp phần cho tiến trình Khai Sáng (Enlightenment) hay Cách Mạng Pháp 1789 mà Mozart cùng Hội Tam Điểm (nơi ông là thành viên) cổ súy. Nhờ tuần lễ Mozart của Met Opera, mà mình có cơ hội xem lại (stream) Don Giovanni (1787), cùng một số tác phẩm opera hài hước sáng tác cùng thời điểm như Đám cưới Figaro (1786) và Cosi fan tutte (1790) với phần lời do Lorenzo da Ponte (một người Do Thái) biên soạn.

Đứng trước các tác phẩm của Mozart, cảm giác chung của nhiều người giống như mình có lẽ là một sự ngưỡng mộ sâu sắc: nguồn minh triết trong các tác phẩm trải dài trong phổ rộng của lịch sử (từ Hy Lạp Cổ Đại đến giai đoạn Khai Sáng), hài hước hay châm biếm tài tình, hòa cùng sự nổi loạn trong tư tưởng của các nhân vật, đong đầy nhục dục – trên hết là phần âm nhạc: thuần khiết và tuyệt đẹp. Mình có thể nghe đi nghe lại từng phần trong Don Giovanni: từ phần âm nhạc mào đầu (overtune) đến từng khúc aria mô tả tâm trạng các nhân vật mà không ngừng băn khoăn: “Tại sao giai điệu nào nghe cũng mê đắm thế này hay sức sáng tạo nghệ thuật của Mozart từ đâu mà có ?” Tựu chung lại, chúng đem đến niềm vui, làm giàu tâm hồn, thõa mãn đôi tai, làm con tim nhảy múa đồng thời mở rộng bầu trời nhân sinh quan qua các nhân vật “nổi loạn” cài cắm trong nhiều tác phẩm.

Soren Kierkegaard, triết gia hiện sinh và là hậu thế của Mozart, đã đi tìm câu trả lời cho cấu thành tạo nên một thiên tài (essence) khi tiếp xúc với các tác phẩm của Mozart, nhằm giúp công chúng tự an ủi bản thân (self-consolation) và có thái độ đúng đắn với các thiên tài. Theo ông, thiên tài đơn giản là cơ hội tiếp cận các duyên may (chance-conferred), và nếu duyên may đó chảy xuống bất cứ ai, họ cũng có thể đạt đến trạng thái thiên tài. Tuy nhiên, họ cũng phải có khả năng hay trực giác kết nối món quà của bản thân (one’s gift) – thứ nằm sâu bên trong với các phương tiện hay trung gian (medium) chuyển đổi “suy tưởng nghệ thuật” ra thế giới bên ngoài (outward expression) (hay giai đoạn lịch sử họ dự phần) – tạo ra một sự hòa hợp sâu sắc (profound harmony). Kierkegaard lập luận rất thú vị:

“Tôi cho rằng các cặp tình nhân đến với nhau là một sự tình cờ, tình yêu là một sự tình cờ; ngoài kia hàng trăm cô gái có thể đem đến mức độ hạnh phúc tương tự cho chàng trai hay khiến anh ta yêu say đắm (nhưng thường chỉ được trao cơ hội gắn bó với một người). Nhiều nhà thơ cùng thời có lẽ cũng trở nên bất tử trong thi ca giống Homer (nhà thơ vĩ đại, tác giả của Iliad và Odyssey giúp định hình văn hóa Hy Lạp) nếu những cứ liệu/dữ kiện xuất sắc (marvellous material) chạm đến họ, nhiều nhà soạn nhạc có lẽ cũng bất tử như Mozart nếu cùng được trao tặng các cơ hội “nghệ thuật” tương tự. Minh triết (wisdom) này ẩn chứa sự an ủi (solace) và xoa dịu (comfort) cho những bộ óc bình bình (mediocre) bởi nó đem đến lý lẽ (reason) giải thích tại sao họ không được tung hô như những ngôi sao sáng chói khác (celebrities): sự chập choạng của số phận (confusion of fate) hay một lỗi lầm nào đó của thế giới này. Điều này sản sinh ra chủ nghĩa lạc quan (optimisim), tuy nhiên đối với những người coi trọng nguyên tắc đạo đức (high-minded soul) hay các quý tộc thành La Mã Cổ Đại (optimate) – thật khó dung thứ cho lối hành xử đáng tiếc (pitiable manner) trên: đánh mất bản thân trong nỗi ám ảnh chạy đua đến sự vĩ đại (contemplation of the great). Thật không thể chấp nhận (repugnant), tâm hồn anh ta nên rực cháy và tận hưởng niềm vui thần thánh (holy joy) khi chứng kiến sự hợp nhất của những thứ vốn thuộc về nhau như tài năng và cơ hội thành công (trân trọng thay vì ghen tỵ). Thiên tài chính là sự ban phước (fortune), vốn không gắn với nhận thức thông thường về may mắn (fortuitous sense) mà giả định (presuppose) may mắn bao hàm hai yếu tố ẩn trong “sự can thiệp bất cần của số phận” (inarticulate interjections of fate). Đồng thời, sự ban phước này gắn chặt với lịch sử (historical fortune): quá trình kết hợp cao quý của các lực chuyển lịch sử (historical forces) hay đi qua giai đoạn vàng son (heyday) của lịch sử. Khái niệm “may mắn” (fortuitous) trong nhận thức thông thường chỉ tập trung vào một khía cạnh: các đề tài (theme) phi thường tình cờ chảy vào đầu Homer trong chiến tranh thành Trojan (biến cố lịch sử quan trọng của Hy Lạp được nhắc đến trong Iliad và Odyssey). Trong khi đó, ban phước (fortune) lại nhấn mạnh vai trò bình đẳng của cả hai yếu tố: các cứ liệu (material) phi thường và tài năng của bản thân Homer, một sự đồng điệu hay hòa hợp sâu sắc (profound harmony), đặc điểm lấp lánh phản ánh trong mỗi kiệt tác cổ điển.

Điều này cũng đúng với Mozart. Một sự ban phước lành (good fortune), mà ẩn sâu trong đó, những đề tài âm nhạc tuyệt diệu được ban tặng (granted) đến bàn tay nhào nặn phi thường của ông trong thời đại Khai Sáng của thành Vienna.”

Các bạn có thể nghe thử giai điệu tuyệt đẹp của La Ci Darem La Mano trong “Don Giovanni” do Luciano Pavarotti thể hiện (trong trích đoạn lúc Don Juan tán tỉnh Zerlina)

Còn đây là bản full tác phẩm Don Giovanni: