Thách thức 1:59

Thách thức 1:59

Tỷ phú Anh Sir Tom Ratcliffe gửi chuyên cơ cá nhân của mình – một chiếc Gulfstream G280 trị giá 24,5 triệu $ đến phi trường quốc tế Eldoret ở Kenya để đón vận động viên Eliud Kipchoge đến Áo. Anh sẽ tham dự vào thách thức mang tên INEOS 1:59 Challenge – được tài trợ bởi chính Tom, chủ của hãng hóa chất INEOS. Thành tích mà anh đạt được tại Áo là 1:59:40 – thời gian hoàn thành cự ly Marathon nhanh nhất trong lịch sử loài người, niềm ngưỡng vọng “sub 2” của không biết bao nhiêu thế hệ vận động viên Marathon.

Tuy kết quả này không được chính thức công nhận là kỉ lục của thế giới nhưng là minh chứng cho quá trình lên kế hoạch tỉ mỉ, nỗ lực tập thể chinh phục các giới hạn của con người cùng ứng dụng khoa học thú vị ở phía sau đó. Không có gì bàn cãi, Eliud Kipchoge là một vận động viên Marathon nam vĩ đại nhất trên thế giới. Ở tuổi 34, anh đã vô địch 11 trong 12 giải marathon hàng đầu thế giới, là nhà vô địch Olympic, trước đó từng nắm kỷ lục thế giới với thành tích 2:01:39. Năm 2017 anh từng tham gia một thách thức tương tự ở Monza Formula – Milan do hãng Nike tài trợ nhưng thất bại với thành tích 2:00:25 – bỏ lỡ sub 2 chỉ một vài giây.

Để hình dung sự điên rồ của thách thức này, tạp chí Wired đã bóc tách tốc độ của Kipchoge như sau – anh phải giữ nhịp 2:50 phút/cây số kéo dài xuyên suốt 42km (hay 4:34 phút/dặm xuyên suốt 26 dặm). Thật là con số lố bịch đối với người thường – ở Anh trung bình để hoàn thành 5km chúng ta mất 33 phút 54 giây (nam là 29:08 và nữ là 38:12) – để Kipchoge có thể hoàn thành sub2 anh cần phải chạy 5km trong vòng 14:13 phút, lặp lại 8 lần liên tục. Kỉ lục thế giới cự ly 10km là 26:17 và Kipchoge cần phải liện tục lặp lại cự ly này với thành tích là 28:26, điều này có nghĩa là anh phải chạy liên tục 100m trong 17 giây 422 lần. Thật khủng khiếp. Thành tích này có ý nghĩa rất lớn với Kenya – ngay lúc Kipchoge cán vạch đích ở Áo, hàng trăm ngàn người dân tụ tập ở Eldoret đã reo hò hân hoan như cách người Việt Nam ăn mừng bóng đá.

Để giữ nhịp cho thành tích trên, Kipchoge có một đội ngũ pacemaker (dẫn tốc) hùng hậu gồm 41 người, đều là những vận động viên điền kinh đẳng cấp thế giới thay phiên nhau tham gia song hành trên đường chạy. Năm người chạy phía trước tạo thành hình chữ V và 2 người phía sau nhằm giúp Kipchoge có cảm giác như trong một cuộc đua đồng thời giúp cản gió. Ngoài ra còn có sự bổ trợ của các xe dẫn tốc do hãng Audi tài trợ, trên xe có một hệ thống đèn lazer xanh lá chiếu xuống mặt đường phía chữ V để các vận động viên bám theo với vận tốc 21km/giờ.

https___cdn.cnn.com_cnnnext_dam_assets_191012090916-02-eliud-kipchoge-marathon-attempt-1012.jpg

Trên đường chạy, Kipchoge được tiếp nước qua các bình nhỏ do nhóm người đạp xe mang theo. Kế hoạch này tỉ mỉ đến mức từ chế độ tập luyện đi kèm dinh dưỡng trước đó nhiều tháng, khảo sát địa hình đường chạy cùng quan trắc thời tiết. Báo chí cũng không quên đề cập đến đôi giày màu hồng hoàn toàn mới của hãng Nike (Vaporfly)- AlphaFLY – một phát minh mới trong thể thao giúp cải thiện hiệu suất đáng kể. Bên trong lớp xốp (foamy) dày của AlphaFLY là một lớp xơ carbon (carbon fibre) cong giúp tăng hiệu quả trao đổi chất lên 4%. (theo lời của hãng Nike). Điều thú vị nằm ở cách cải tiến công nghệ dự phần vào thể thao và ảnh hưởng đến kết quả của các vận động viên. Dù Kipchoge thực sự sử dụng đôi chân của mình để chạy nhưng bao nhiêu % thành quả được bổ trợ bởi các phụ kiện đi kèm trong khi trước đó nhiều thập kỉ thành tích của runner (người chạy) hầu như gia tăng không đáng kể. Sự xuất hiện của các phụ kiện mới do quá trình R&D của các hãng như Nike liệu có đang đụng chạm đến đường biên “đạo đức” trong thể thao hay sự công bằng trong đánh giá. Dù sao đi chăng nữa, trong khi cộng đồng runner đang hào hứng với chiến thắng của Kipchoge thì phía sau đó Tom (INEOS), Audi và Nike (và Kenya) cũng đã có được thắng lợi “truyền thông” của riêng mình.

TELEMMGLPICT000212586631_trans++4GoSUj5tx--cOXjJHDSbw8HVFIRe1LfTRcFJro6tXCE.jpeg