Viện Đại Học Đà Lạt

Viện Đại Học Đà Lạt

Hồ nước cùng rừng thông nhỏ trong bức ảnh dưới đây tọa lạc trong khuôn viên của một trong những ngôi trường Đại Học đẹp nhất Việt Nam - Đại học Đà Lạt - từng một biểu tượng học thuật của miền Nam. Đồng thời cũng là nơi mình sinh ra và lớn lên. Phía bên kia hồ mọi thứ đã sẵn sàng, đất đã ủi, cây đã chặt và một công trình bê tông cốt thép sắp mọc lên.

Hồ nước trong lòng Đại Học Đà Lạt

Khuôn viên trường Đại Học Đà Lạt ngay nay từng được quy hoạch thành khu quân sự như trong bản thiết kế cách đây 93 năm của kiến trúc sư Hesbrad. Năm 1930, Trại lính Courbert được thành lập ở đây trên một khu đất cao rộng 38ha, nằm cạnh sân golf Đà Lạt. Năm 1939, trại lính được chuyển thành trường Thiếu sinh quân (Escole dé Enfants de Troupe).

Sau Đại hội Lâm Viên – Đà Lạt những năm 1957, từ ý chí của chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm chính quyền Sài Gòn đã tạo ra Chương trình khai thác Cao nguyên Trung Phần nhằm biến Đà Lạt thành một trung tâm du lịch quốc tế, đã mở ra hướng dịch vụ mới về giáo dục và nghiên cứu khoa học. Hàng loạt các trường học, trung tâm văn hóa và cơ sở nghiên cứu ra đời vào thời kỳ này như Giáo hoàng Học viện, Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử và Thư viện Đà Lạt. Trong hoàn cảnh trên, Hội đồng Giám mục Công giáo miền Nam Việt Nam đã tiếp quản và sở hữu lại trường Thiếu sinh quân, sau đó chuyển hóa trường thành Viện Đại học Đà Lạt, được trực tiếp điều hành giảng dạy bởi các linh mục kiêm giáo sư.

Ngay từ ban đầu mô hình mà viện theo đuổi là mô hình tổ chức của Đại học Harvard thời đó, nghĩa là Viện sẽ duy trì sĩ số sinh viên hạn chế, đi vào chiều sâu và theo đuổi triết lý “Thụ nhân” trong giáo dục: “Sống và suy nghĩ như một con người. Nghĩa là sống vị tha, khiêm nhường và thành thật cho dù là ở chức vụ hay công việc gì”, giáo dục phải dựa trên ba nguyên tắc căn bản là “nhân bản, dân tộc, khai phóng”. Một mô hình coi trọng cả lý thuyết và yêu cầu thực hành.

Viện cũng đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của một số đại học Hoa Kỳ và Âu Châu nhằm gửi một số các giáo sư ngoại quốc đến giảng dạy và đồng thời triển khai các chương trình trao đổi học thuật nhằm gửi các nhân viên giảng huấn đi tu nghiệp nước ngoài, mục đích là tạo ra một ban giảng huấn có năng lực chuyên môn, phẩm chất, uy tín để theo kịp đà tiến của khoa học, kĩ thuật hiện tại. Toàn bộ cơ sở vật chất của trường khi đó được xây dựng dựa trên các đồ án của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đoạt giải Khôi nguyên La Mã năm 1955, là tác giả công trình kiến trúc hiện đại như Dinh Độc Lập, Viện Hạt nhân Đà Lạt, Nhà thờ chính tòa Phủ Cam và Việt Nam Quốc Tự. Quả thực Đại học Đà Lạt dưới bàn tay tài hoa đã trở thành một Viên đại học đẹp nhất Đông Nam Á thời bấy giờ.

Sinh viên Đại Học Đà Lạt xưa

Sau cuộc thay đổi thể chế miền Nam Việt Nam năm 1975, Hội Đồng Viện di tản về Sài Gòn sau đó ly tán hầu hết ra nước ngoài. Thủ tướng CHXHCN Việt Nam lúc đó trong nỗ lực thống nhất và sắp xếp lại hệ thống trường đại học ở miền Nam đã ra Quyết định số 426/TTg 27/10/1976 nhằm chuyển Viện đại học công giáo tư thục thành trường công mang tên Đại học Đà Lạt. Quá trình “công hóa XHCN” viện Đại học cho tới nay đã kéo dài gần 55 năm. Công việc đầu tiên của ban giám hiệu mới khi tiếp quản trường là xóa bỏ các dấu ấn công giáo và tàn dư của chế độ cũ ở trường này.

Trước mắt là quá trình cải tạo giáo huấn nhân lực còn lại thuộc chế độ cũ, sau đó là quá trình sửa sang, cải tạo lại nhà thờ ở trung tâm viện, các khu phòng nguyện, sinh hoạt học tập của chủng sinh/sinh viên thành phòng học và văn phòng cho đúng kiểu cách của chế độ mới. Tháp chuông, điểm nhấn của trường, bị thay thế cây thánh giá trên đỉnh bằng ngôi sao đỏ chót, biểu tượng của hệ thống xã hội mới. Đi kèm với đó là quá trình cài cấy và lắp đặt nhân sự hành chính và giảng viên hồng chuyên từ Bắc và Trung vào. Trường dần được khôi phục và theo đuổi mô hình giáo dục mới với định hướng “XHCN” và triết lý “hồng chuyên” được áp dụng triệt để. Ban đầu là trường Đại học sư phạm và sau nâng cấp thành Đại học tổng hợp có quy mô vùng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực và cán bộ đa ngành cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Thứ triết lý mới đã thay đổi triệt để hướng phát triển của trường. Thay vì đi theo tầm nhìn “Harvard” của những người sáng lập, ban giám hiệu trường qua nhiều thế hệ dưới ảnh hưởng của “định hướng” đã buộc phải chạy theo một nền “giáo dục đại trà/mass” đậm đà bản sắc dân tộc mà “chất lượng ” và “sự bất cập” của nó đã chứng minh qua thời gian. Không những thế, xu hướng đánh theo “số đông” và việc mở rộng “đa ngành đa bậc” này buộc trường phải tiếp tục mở rộng quy mô bằng cách nâng cấp, cải tạo một số hạng mục đã xuống cấp và tiến hành xây mới thêm vội vã. Quá trình thực hiện thường thiếu tính nhất quán, ít coi trọng văn hóa và đi kèm với tư duy “định hướng” nên hầu như bản thiết kế ban đầu của kiến trúc sư Thụ đều bị phá vỡ. Kết quả là khu khuôn viên thơ mộng đậm chất Pháp của trường bị can thiệp thô bạo bằng cài cắm thêm rất nhiều tòa nhà ô trọc, vô bản sắc và ấu trĩ. Đây là điều thực sự đáng tiếc.

Vẻ thanh thoát của Đà Lạt nói chung và Viện đại học nói riêng bản thân đã là một môi trường học thuật đẳng cấp của Việt Nam. Nơi đây con người không chỉ được hòa mình trong thiên nhiên tươi đẹp mà còn được tận hưởng bầu không khí mát mẽ, trong lành quanh năm. Đây chính là cái nền nuôi dưỡng và hỗ trợ mạnh mẽ cho nghiên cứu học thuật bậc cao, nó khiến con người chìm đắm trong suy tư và tập trung suy nghĩ cao độ. Chỉ cần đi theo một triết lý giáo dục đúng đắn hơn, số phận của Đại học Đà Lạt có lẽ đã rất khác, có thể đã là một Harvard của Việt Nam đúng như tinh thần được gửi gắm ban đầu, là nơi hội tụ giới tri thức bậc cao/ tinh hoa của Việt Nam và thế giới, là nơi “khai phóng và sáng tạo”, là niềm tự hào của giáo dục bậc cao Việt Nam. Tiếc thay nơi đây đã không thể thoát khỏi tiến trình xôi thịt hóa chung.

Quan sát những công trình bê tông đã, đang và sắp mọc lên nơi đây, cùng sự xuống cấp không phanh của chất lượng giáo dục, tôi lại cảm thấy hối tiếc cho công sức của những con người tài hoa xưa kia như Viện Trưởng Nguyễn Văn Lập người đã khai sáng và gầy dựng Viện Đại Học trong giai đoạn đầu, cha Vũ Minh Thái là người đã góp phần rất lớn trong việc kiện toàn guồng máy điều hành và cơ cấu tổ chức của Viện, cũng như kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và nhiều con người thầm lặng khác.