Kỷ nguyên dịch bệnh
Cú sốc kinh tế Covid-19 được dự đoán sẽ còn tồi tệ hơn cả khủng hoảng tài chính 2008. Lát cắt dễ thấy nhất là thông qua tỷ lệ thất nghiệp tạo ra bởi quá trình cách ly xã hội. Trong suốt mùa đông khủng hoảng kinh tế 2008-2009 mỗi tháng có khoảng 750 ngàn người đánh mất công việc ở Mỹ (tổng cộng 8,7 triệu trong quá trình suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp 10% cuối 2009 và nhiều gã khổng lồ xe hơi như GM và Chrysler chạm ngưỡng phá sản). Các dấu hiện đầu tiên do Covid-19 gây ra ở Mỹ cho thấy sẽ có đến 1 triệu người mất việc mỗi tháng từ hiện tại cho đến tháng 6. Bên cạnh đó còn có sự song hành của khủng hoảng năng lượng (dầu mỏ), cơ cấu nợ doanh nghiệp trong thế giới tài chính (corporate debt, hiện đang lớn gấp hai lần 2008) cùng sự ngừng trệ giao thương toàn cầu. Câu hỏi đặt ra là tại sao phải tiến hành chiến lược “cách ly xã hội” diện rộng gây nguy hại khủng khiếp đến nền kinh tế như vậy mà không đầu tư xây dựng thêm ICUs (các đơn vị chăm sóc đặc biệt hay phòng săn sóc tích cực tại các bệnh viện) hoặc chấp nhận chữa trị cho nhiều người cùng một lúc? Gideon Lichfield tổng biên tập của MIT Technology Review trích dẫn nghiên cứu Covid-19 của trường Imperial College London (ICL) trong một bài phân tích nhằm lý giải “chiến lược trên”. Mình đã rơi nước mắt khi đọc bài viết này.
ICL định nghĩa “cách ly xã hội” (Social distancing) là sự giảm thiểu tiếp túc giữa các hộ gia đình, trường học, nơi làm việc xuống 75%. Điều này không có nghĩa là gặp gỡ bạn bè một lần trong tuần thay vì bốn lần trước kia mà khuyến cáo mọi người làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu kết nối xã hội xuống 75%.
Nghiên cứu này đề xuất giải pháp cách ly có tính chu kỳ: tăng cường “cách ly” mạnh mẽ mỗi khi nhu cầu ICU bắt đầu tăng vọt (kéo dài 2 tháng), sau đó buông lỏng dần khi nó đi xuống (kéo dài 1 tháng). Chu kỳ trên sẽ kéo dài liên tục ít nhất 18 tháng (nếu nó thực sự hiệu quả) cho đến khi vắn xin được tìm ra – một năm rưỡi dài đằng đẳng.
Mô hình phân tích của ICL kết luận nếu chọn “vế thứ hai” trong câu hỏi trên, chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng Covid-19. Nếu không tiến hành cách ly xã hội theo diện rộng mà chỉ tìm cách tối ưu hóa “cách ly” những người ốm, người già và những người đang mắc bệnh (được ghi nhận) thì số người ốm nặng sẽ vọt lên gấp 8 lần năng lực “chữa bệnh” mà hệ thống Mỹ hay Anh có thể đáp ứng. Thậm chí ngay cả khi chúng ta huy động các nhà máy tốc lực sản xuất vật tư y tế, máy thở, giường bệnh thì vẫn còn đó một nhu cầu lớn hơn nữa đội ngũ y tá, bác sĩ chăm sóc bệnh nhân.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ thất thủ kéo theo nhiều hệ lụy tàn khốc khác. Quá trình thực thi cách ly khắc nghiệt ngày sẽ dài hơi chứ không kéo dài vài tháng rồi buông lỏng, bởi dịch bệnh có thể bùng lên lại bất cứ lúc nào một khi virus còn tồn tại (nhất là khi mùa đông ập đến). Các nhà kỹ trị có thể ra quyết định sắt đá: thiết lập ngưỡng ICU ở các bệnh viện, ra chính sách cách ly xã hội nghiệt ngã, chấp nhận số bệnh nhân chết mà không được cứu chữa.
Cuộc sống của nhân loại sẽ thay đổi hoàn toàn trong kỷ nguyên dịch bệnh, phong cách “shut-in” (đóng cửa) sẽ lên ngôi chống lại bản tính “kết nối xã hội” của giống loài sapiens. Trong đó, tất cả các mô hình kinh doanh phụ thuộc vào việc tập trung nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (nhà hàng, quán cà phê, quán bar, hộp đêm, nhà hát, rạp chiếu phim…) kéo theo sự thỏa hiệp khác thường: thế giới trực tuyến càng phổ biến, không còn những chuyến du hành tiêu thụ carbon, chuỗi cung ứng địa phương lên ngôi, đạp xe và đi bộ nhiều hơn. Trong giai đoạn gần, loài người sẽ loay hoay thích nghi: các rạp phim cắt giảm số ghế một nửa, họp hành được xếp ghế được giãn cách xa, phòng tập gym bán dụng cụ thể thao tại nhà cùng các khóa học trực tuyến.
Tất nhiên giới công nghệ cũng đồng thời nhảy vào tìm kiếm các công cụ phức tạp nhằm xác định rủi ro bệnh tật đến từ cộng đồng – một sự phân biệt “bệnh/không bệnh” hợp pháp rất đau lòng. Cụ thể như cách chính quyền Israel sử dụng công nghệ định vị điện thoại vốn được các cơ quan tình báo dùng để thăm dò khủng bố, nhằm xác định ai có tiếp xúc với người bệnh. Chính phủ Singapore cũng chịu áp lực công bố danh tính người bệnh.
Trong tương lai mỗi khi đặt chân lên máy bay, bạn sẽ phải chấp nhận thỏa thuận ngầm của việc bị theo dõi bằng điện thoại, kiểm tra nhiệt độ sẽ diễn ra mọi nơi từ sân bay đến văn phòng, các hộp đêm không kiểm tra ID nhằm xác định tuổi mà khả năng miễn dịch. Thêm nữa, khi các chính sách chọn lọc khắc nghiệt bắt đầu được áp dụng, sự phân biệt ngầm ẩn cùng thiên kiến trong các thuật toán ở quy mô lớn sẽ khó tránh khỏi, rủi ro sẽ cao hơn nếu bạn có thu nhập ít hơn 50k$/năm cùng gia đình đông người trong một vùng kinh tế ít trọng điểm (như thuật toán bất công sử dụng bởi các nhà bảo hiểm sức khỏe ở Mỹ trong đó ưu tiên người da trắng).
PS: Hình ảnh người Ý ca hát ca ngợi các bác sĩ và nhân viên y tế khi bị cách ly tại nhà
Bài của Gideon Lichfield trên The MIT Technology Review:
Báo cáo nghiên cứu của ICL (pdf)