Làm sao để sống sót qua đại dịch

Làm sao để sống sót qua đại dịch

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Obama giới thiệu trên trang cá nhân mình bài viết rất thú vị của nhà văn Andrew Sullivan, người từng chứng kiến những ảnh hưởng trong giai đoạn đầu của đại dịch HIV-AIDS lên cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới). Bài viết không đề cập nhiều đến những khía cạnh kinh tế hay y tế của khủng hoảng mà nhấn mạnh vào cách chúng ta chăm sóc cho nhau như thế nào trong đại gia đình chung của nhân loại cùng những hàm ý về chính trị, văn hóa và xã hội. Andrew là nhà bình luận chính trị bảo thủ sắc sảo đã đóng góp cho nhiều tờ báo như The New Republic, Time, The Atlantic, The Daily Beast và New York. Ông lấy bằng thạc sĩ chính sách công (1986) và tiến sĩ triết học tại đại học Harvard cùng thời gian Barack Obama theo học luật ở đây. Một bài viết lay động tâm can sâu sắc:

Rất có thể sau khi khủng hoảng kết thúc, đại đa số người Mỹ đều sẽ biết một ai đó qua đời vì bệnh dịch: một người họ hàng, một người đồng nghiệp. một người bạn cùng lớp thời phổ thông … tên của họ sẽ xuất hiện trên Facebook trong một vài tuần tới và khi nhiều năm trôi qua, mạng xã hội này sẽ nhắc nhở lại trải nghiệm chấn động này hay nỗi niềm thương tiếc của bạn. Danh sách “tên” của những người ốm sẽ xuất hiện theo một lựa chọn ngẫu nhiên – cả những người bạn biết hoặc không, cả nổi tiếng và vô danh, cả hèn hạ và cao quí. Sự dằn vặt tương tự sẽ đến với bạn khi hay tin một ai đó trong vòng tròn xã hội đột nhiên mắc bệnh.

Bạn sẽ thức dậy vào mỗi buổi sáng và kiểm tra xem liệu mình có trải qua những cơn ho bất tận hay không, hoặc chứng đau đầu, hoặc một sự chèn ép nào đó trong phổi. Cuộc sống thời kỳ dịch bệnh hình thành: chứng kiến sự ốm yếu và cái chết của người khác, đồng thời biết rằng bạn có thể là người kế tiếp, thậm chí ngay cả khi đang cảm thấy rất khỏe mạnh. Những thông tin “xa xôi” mà chúng ta góp nhặt vô thức về ai đó mang bệnh – “ồ, anh ấy nghiện thuốc”;”cô ấy mắc chứng tiểu đường” hay “họ đã ở Ý vào tháng hai” – dần trở nên phai nhạt theo thời gian, khi các con số (tử vong) dần tăng lên, cùng sự tràn ngập thông tin ngẫu nhiên. Bạn sẽ thốt lên: “Thật không, điều này không nằm trong tầm kiểm soát. Và thật không, chúng ta không điều khiển được tình hình”. Bởi vì thực sự chúng ta chưa bao giờ làm được điều đó.

Trải nghiệm này thay đổi chúng ta mãi mãi. Không có gì ngạc nhiên, tất cả các bệnh dịch đều thay đổi xã hội và văn hóa, đảo ngược một vài xu hướng đồng thời thúc đẩy những thứ khác, chuyển hóa sâu và rộng nhận thức, đi kèm những hậu quả không thể khám phá hết chỉ trong một vài năm hay vài thập kỷ. Điều duy nhất chúng ta biết về đại dịch là nó sẽ kết thúc vào một thời điểm nào đó. Điều duy nhất chúng ta không biết là mình sẽ trở thành người như thế nào sau đó.

Tôi biết mình đã trở thành một người rất khác sau khi trải qua đại dịch AIDS, giống như nhiều người đồng tính nam và những nhóm khác. Khi phải đối diện trực tiếp với tử thần cùng sự ngẫu nhiên của số phận, bạn sẽ thay đổi hoàn toàn. Bạn sẽ đứng trước lựa chọn: khuất phục nỗi sợ hãi và bị virus đánh bại, hoặc chung sống với kẻ thù và làm bất cứ điều gì có thể. Quá trình chung sống và đấu tranh với virus là trải nghiệm thay đổi bạn dần theo thời gian; nó đòi hỏi hơn cả một chút can đảm và bản lĩnh. Cuộc sống trong thời đại dịch sẽ lược bỏ những thứ không cần thiết, thanh lọc những người bạn tin tưởng, đồng thời khai phá ra những điều thực sự quan trọng. Đại dịch AIDS đã chuyển hóa hiểu biết của tôi về những người đồng tính nam và nữ, khai mở nhãn quang của công chúng đồng thời cách mạng hóa quyền của người đồng tính. Nó chỉ ra một điều rõ ràng mà trước đó chúng ta không chân nhận: sự phổ biến, tính nhân bản và phẩm giá của nhóm đồng tính luyến ái (homosexuals). Một khi đã chứng kiến biến cố này, tất cả chúng ta đều thay đổi. Chỉ sau đó vài thập kỷ, quyền kết hôn bình đẳng (marriage equality) cho nhóm LGBTQ đã đạt được (ở Mỹ) góp phần vào một thế giới mới đong đầy tinh thần vị tha và viễn kiến. Dịch bệnh phá hủy rất nhiều thứ – nhưng qua sự hủy diệt, chúng cũng đồng thời tái tạo và hồi sinh.

Tôi nhớ tới bộ phim mình từng xem mang tên 1917, trong đó có cảnh nhân vật chính, một cậu lính người Anh đang đi xuyên qua một thị trấn hoang tàn không bóng người lúc nửa đêm. Đó thực ra là trải nghiệm thoát thân của nhân vật khỏi khu đô thị trống vắng tiêu điều nơi binh lính Đức đang ẩn trốn, khung cảnh thỉnh thoảng thay đổi bởi các ngọn lửa lóe lên, ánh sáng đột nhiên tràn ngập soi rõ cảnh vật bị che dấu – sáng trưng hơn cả ban ngày: những khe nứt trong đống đổ nát, những chú chuột rụt rè ăn đêm trở nên tương phản mạnh mẽ. Khi ngọn lửa từ trời rớt xuống, khung cảnh liền tối sầm như cũ nhưng anh lính đã ngay lập tức chân nhận rõ tình cảnh để chuyển hướng đi phù hợp. Anh đã biết mình đang ở đâu.

Cũng giống như chiến tranh, dịch bệnh giúp chúng ta nhìn rõ mình đang ở đâu, lay động những hiểu biết mới về thế giới, tái định hình các ưu tiên, đồng thời giúp bản thân chân nhận những điều thực sự quan trọng (như sự khác biệt giữa kết quả dựa trên bộ xét nghiệm và tin tức Twitter). Đặc biệt, trong địa hạt chính trị ảnh hưởng tạo ra phần nhiều phụ thuộc vào kĩ năng tận dụng tình cảnh của các chính trị gia cho các mục tiêu khác nhau. Trong tình thế phức tạp như vậy, tôi cho rằng những ai tin Covid-19 sẽ giết chết viễn cảnh tái cử của Donald Trump là những người quá lạc quan. Kinh nghiệm cho thấy các cuộc khủng hoảng quốc gia theo thời gian thường kích động sự ủng hộ của công chúng dành cho lãnh đạo đương nhiệm dù mọi vấn đề được kiểm soát bằng sự lừa dối hay năng lực yếu kém. Điển hình như cách Trump định vị danh tính virus Covid-19 thuộc một nước “lạ” nào đó, ông ta rất giỏi khai thác các xung động trong não bò sát (những thứ mang tính bản năng, phản xạ) của công chúng. Trong thời kỳ “sợ hãi”, ông ta luôn biết cách củng cố sự sùng bái cá nhân mình, hay nói cách khác, tạo ra sự ủng hộ mù quáng từ công chúng dù trước mắt là rủi ro bệnh tật và chết chóc. Trong tình huống khẩn cấp, các phe chính trị đối lập (hay chỉ trích đối thủ) thường khó chạm đến công chúng do đứng ở thế phòng thủ và ngại ngùng đối diện với các tin tức tồi tệ trong thời kì hỗn loạn.

Theo dõi tin tức trên kênh Fox News (kênh truyền hình bảo thủ ở Mỹ ủng hộ phe Cộng Hòa) theo thời gian thực rất giống với những gì nhà văn Orwell mô tả trong tiểu thuyết 1984, như sự tương đồng giữa thông điệp “Chúng ta luôn trong trạng thái chiến tranh với Eastasia” (tên một siêu nhà nước trong 1984) và các truyền tin của Fox “tôi đã có cảm giác Covid-19 là một đại dịch trước khi nó được gọi là đại dịch”, bạn là kẻ ngốc nếu không nhìn ra khả năng phe Cộng Hòa sử dụng khủng hoảng này cho những mục đích riêng. Nếu Trump tiếp cận phe Dân Chủ “cánh trái” để thương thảo khoản tiền “khắc phục khủng hoảng” khổng lồ chưa được kiểm chứng nhằm tạo ra gói kích cầu to lớn hơn của Obama (đưa ra trong khủng hoảng tài chính 2008), thì có lẽ không có ai ở phe Cộng Hòa buồn tranh cãi. Những người vô vọng mong muốn chiến thắng đại dịch Covid-19 phải đành lòng ủng hộ (ước muốn) cho sự thành công của Tổng Thống. Bỏ qua tâm thế “đảng đối lập” và dành lại Nhà Trắng đòi hỏi một sự khéo léo chính trị, thứ mà tôi không nhận thấy thịnh hành trong đảng Dân Chủ ngày nay.

Mặt khác, cho dù năng lực yếu kém hay sự thất bại phá vỡ hình ảnh cá nhân Trump, đưa Nhà Trắng vào tay Biden, đồng thời Quốc Hội vào tay Dân Chủ thì khoản tiền khổng lồ nhằm kích cầu nền kinh tế và thị trường chứng khoán vốn đang tràn ngập trong biển nợ do GOP (Đảng Cộng Hòa) đề xuất, song hành cùng sự thất bại của kế hoạch y tế công (trong khủng hoảng) đang khiến mọi nghị trình hiện tại của chính phủ trở nên hợp lý về mặt chính trị với công chúng Hoa Kỳ. Rahm Emanuel (cựu thị trưởng Chicago) từng chia sẻ “Bạn sẽ không bao giờ muốn lãng phí một cuộc khủng hoảng”. Rõ ràng, nếu thảm họa y tế công hiện tại không giúp tạo ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân hiệu quả, thì điều gì có thể? Con virus này cũng là cơ hội cho phe “cánh trái” (Dân Chủ) thoát khỏi ám ảnh của việc thay đổi cơ cấu kinh tế sao cho phù hợp với quy mô đại dịch.

Đại dịch này có thể kích khởi những xu hướng văn hóa tồi tệ nhất trong thời đại chúng ta. Tính nhân bản và “con người” trong xã hội Ý so với các nước phương Tây khác được xem là nguyên cớ “hợp lý” khiến đại dịch tàn phá dữ dội, nó liên đới trực tiếp đến đặc tính kết nối xã hội và cộng đồng, nơi nhiều thế hệ trong gia đình tìm gặp gỡ, chia sẻ hạnh phúc với nhau đồng thời … cả virus. Chúng ta bước vào thời đại mà “sự cô độc” phần nào cứu vớt một vài mạng sống đồng thời quá trình cách ly xã hội xuyên suốt đại dịch sẽ khắc sâu mãi mãi vào tâm khảm người Mỹ vốn trước kia đã trượt dài khỏi tính kết nối và khái niệm cộng đồng.

Trong nhiều tuần và tháng sắp đến, chúng ta sẽ dành phần lớn thời gian ở nhà, hoặc giao tiếp chủ yếu qua mạng. Các công việc sẽ ít đi rõ rệt, tiền vào tài khoản thưa thớt dần, đồng thời “quá trình kết hôn” truyền thống đứng trước áp lực tồi tệ (nhiều người bỏ qua kết hôn chung sống như vợ chồng). Chúng ta sẽ ẩn dật (tái tạo năng lượng – retreat) trong thế giới mạng, nơi virus chỉ ảnh hưởng được máy tính, né tránh những cuộc tụ tập với hàng xóm nếu có thể. Giao hàng trực tuyến sẽ thay thế nhà hàng; Amazon sẽ tiếp tục phá hủy hệ thống cửa hàng bán lẻ địa phương, hàng hóa chỉ được đặt trước cửa nhằm hạn chế tương tác con người. Xã hội của chúng ta sẽ phân tán vào bên trong kéo theo mức độ cô độc tăng cường.

Trong đại dịch AIDS, những người trong tâm bão xích lại gần với nhau, chăm sóc ân cần những người ốm, ủng hộ, gắn kết, ôm động viên hoặc sẵn sàng có mặt khi ai đó cần. Đôi khi chỉ ngồi với nhau trong nhóm để nhắc nhở rằng chúng ta không cô độc. Lúc này đây, sự gắn kết vật lý và an ủi trên trở nên bất khả bởi đặc tính của virus mới: chúng ta không thể chạm vào người khác mà không đi kèm rủi ro lây nhiễm. Đã hai tuần rồi tôi chưa nhận được cái ôm từ ai, điều này có thể kéo dài vài tháng. Chúng ta sẽ làm gì để động viên bản thân mình đây? Làm thế nào chúng ta có thể làm tình mà không sợ hãi sự lây nhiễm?

Tuy nhiên, những điều tốt đẹp sẽ đến, tôi tin chắc chắn. Sự im lặng trên đường phố báo hiệu một điều gì đó mới. Có một ngày tôi chợt nhận ra mình đã ít nhắn tin mà gọi điện nhiều hơn. Tôi muốn đảm bảo rằng bạn bè và gia đình của mình vẫn ổn, và để chắc chắn tôi cần phải nhìn thấy khuôn mặt hoặc lắng nghe giọng nói của họ. Khi bị tách rời khỏi nhau, chúng ta mới bắt đầu coi trọng những thứ mà mình từng có: tinh thần bạn hữu và tình yêu nuôi dưỡng sự gắn kết, những món quà giản đơn như đan tay vào nhau, ai đó gục đầu lên vai bạn, một cú xiết tay, hay cụng ly ăn mừng. Đồng thời trong cú hãm phanh đột ngột này, chúng ta bắt đầu lắng nghe âm thanh của thiên nhiên nhiều hơn – khi cỗ máy kinh tế ngừng trệ thì cuộc tranh dành địa vị, sự nổi tiếng, tiền tài cũng không còn chỗ đứng. Pascal từng nói: “Mọi vấn đề của tất cả nhân loại đều bắt nguồn từ tính bất khả của họ trong việc ngồi lặng thinh trong phòng một mình”. Vâng, bây giờ chúng ta đã có cơ hội kiểm chứng điều này?

Đối với tôi, những tuần cách ly này cũng giống như sự ẩn dật tái tạo năng lượng của cả quốc gia, một cơ hội để chúng ta tái tư duy và tái khởi động cuộc đời mình, đồng thời suy tư về sự mong manh của thời cuộc. Tôi đã học được một điều khi trải qua đại dịch AIDS ở độ tuổi 20 và 30 của mình: sinh sống trong đại dịch chỉ là cách tăng cường mức độ những gì đã có trước đó, nhắc nhở chúng ta đặc tính bất định cố hữu đồng thời chuyển hóa sự tập trung. Một ngày nào đó chúng ta đều sẽ từ giã cuộc đời, đại đa số chúng ta đều mắc bệnh vào một thời điểm nào đó, đâu có gì nghiêm trọng (đặc biệt là cái chết). Bí kíp mà các tôn giáo vĩ đại đã dạy chúng ta, một quá trình “phản trực giác”: không chạy đua kiểm soát những thứ bạn không thể mà hãy tăng cường tìm kiếm sự cân bằng trong thanh bình tĩnh lặng (Serenity).

Mọi khoảng khắc trong sự “im lặng vĩ đại” của công chúng hiện tại sẽ thôi thúc chúng ta học hỏi và không ngừng tái khám phá bài học này, như cách tôi chân nhận các khía cạnh cuộc sống mà mình từng biết trước đó. Dịch bệnh chỉ mang tính “thời vụ” với nhân loại, như mùa xuân vẫn luôn tràn đến hàng năm.