Lòng trắc ẩn của Titus

Lòng trắc ẩn của Titus

Mozart chọn đề tài lòng trắc ẩn (clemency) của Titus, vị Hoàng Đế La Mã, cho một trong những vở opera cuối cùng “La Clemenza di Tito”. Khi vua cha của Titus nắm quyền vào năm 69, ông được giao nhiệm vụ dẹp bỏ các cuộc nổi loạn của người Do Thái. Cụ thể, vào năm 70, Titus đưa một đoàn quân tiến vào Jerusalem, tiêu diệt toàn bộ kinh thành để “không hòn đá nào nằm trên hòn đá nào”, đồng thời phá bỏ Đền Thờ Do Thái Thứ Hai (Second Temple – do vua Herod xây), từ đó thay đổi hoàn toàn lịch sử của khu thánh địa, ảnh hưởng liên đới đến số phận người Do Thái tận hôm nay: chia tách Công Giáo (Christinaity) khỏi gốc gác Do Thái (Jesus được xem là chống lại Đền Thờ/anti-Temple), đẩy người Do Thái tản mác khắp thế giới (một quá trình tha hương kéo dài tới tận 2000 năm), góp phần vào xung đột của 3 tôn giáo lớn (Do Thái, Hồi Giáo, Công Giáo) hiện nay ở Israel. Dù tàn bạo trong chinh phạt nhưng khi nắm quyền, ông lại muốn theo đuổi hình tượng hoàng đế “minh triết” và “thương dân” (Mr. Nice Guy). Mozart đã tài tình khai thác “nội tâm” của Titus, người nỗ lực tìm kiếm anh minh qua ba giá trị: nhã nhặn (civility), công lý (justice) và đặc biệt lòng trắc ẩn (thương người – mercy) trong một bầu không khí u ám của tham vọng quyền lực, âm mưu ám sát, cùng ma trận các quan hệ mối quan hệ tình cảm mờ ám (như bối cảnh của mọi vị hoàng đế Cổ Đại) tại thành La Mã. Thay vì chuyên chế, Titus trong mắt Mozart đã can đảm thổi một luồng tư tưởng “khai sáng” trong cấu tứ chính trị phức tạp và tàn bạo của La Mã Cổ Đại. Trước khi vội vàng quyết định xử tử Sesto, một người bạn mà ông xem là cực kỳ trung thành trước cáo buộc lật đổ ngai vàng, Titus đã dành thời gian tự vấn bản thân, đặt câu hỏi chấn vấn Sesto để có thêm dữ kiện để cuối cùng quyết định tha bổng cho Sesto (dù người bạn mình đã thừa nhận mọi tội lỗi). Lòng vị tha – quảng đại của Titus được Mozart tôn vinh dù thời gian nắm ngai vàng của ông chỉ vỏn vẹn 3 năm (79-81 AD) – đúng như thỉnh cầu của Titus ở cuối vở opera: “Xin thượng đế rút ngắn thời gian trị vì, để tôi không còn mệt nhọc chăm sóc cho thành La Mã nữa”.

Vở opera duy nhất của Mozart đề cập trực diện đề tài chính trị được ra mắt năm 1791, chỉ hai năm sau Cách mạng Pháp diễn ra (1789) với dư âm ám ảnh đến các hoàng gia chuyên chế châu Âu – một kết quả liên đới của hệ tư tưởng “Khai sáng” – đề cao xã hội của nhân tính, lý tính và tự do, vốn được cổ súy và tiếp lửa bởi Hội Tam Điểm (Freemasonry) mà Mozart là thành viên. Một câu chuyện xuất sắc trên nền âm nhạc mê đắm của Mozart, không thể bỏ qua.