Mê tín dị đoan

Mê tín dị đoan

Có một hiện tượng mang cái tên Hy Lạp khá dài dòng là “triskaidekaphobia” – triskaideka có nghĩa là số 13 và phobos có nghĩa là nỗi sợ – Nỗi sợ số 13. Khái niệm này do một trong những nhà phân tâm học (psychoanalyst) đầu tiên của Hoa Kỳ, Isador Coriat sử dụng trong cuốn sách “Tâm lý bất thường” (Abnormal Psychology) vào đầu thế kỉ 20 (1910). Hiện tượng này có sức ảnh hưởng rộng khắp thế giới, minh chứng ở việc ít nhiều bạn cũng bắt gặp các tòa nhà bỏ qua tầng số 13 – đi thẳng từ tầng 12 đến tầng 14. Nguồn gốc của nỗi sợ hãi số 13 được cho là xuất phát từ hai nguồn văn hóa/tôn giáo: Bữa tiệc Ly (trong Ki tô Giáo) và Bộ luật Hammurabi (thời Babylon).

Bữa Tiệc Ly là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus (xảy ra tầm AD33) với các 12 môn đồ của mình trước khi ngài chịu đóng đinh trên thập giá – để chết đi sống lại nhờ vậy lập ra hai bí tích là “Thánh thể” và “Truyến chức thánh” – người Tin Lành thì coi đây là “sự khởi đầu của Giao ước mới”. Trong các môn đồ, Judas, kẻ phản Chúa chính là người ngồi vào chiếc ghế số 13.

Có một huyền thoại cho rằng sự xui xẻo và ma quỷ của số 13 được đề cập sớm nhất trong Bộ luật Hammurabi. Đây là văn bản luật cổ nhất còn được bảo tồn cho đến hôm nay – xuất phát từ Babylon cổ đại (1754 BCE) – một hình thức nguyên thủy của Hiến pháp quy định ngay cả vua cũng không có quyền hành để thay đổi các luật lệ nền tảng định hình vùng đất họ cai quản – đồng thời thiết lập nên các tiêu chuẩn về đạo đức và công lý. Điều luật số 13 được cho là bỏ đi do niềm tin này.

“Nỗi sợ số 13” hay nhiều niềm tin khác như “sợ mèo đen”, “mở dù hay đội mũ trong nhà”, “gõ lên gỗ” và “bước qua các vết nứt trên đường” – cùng nhiều dạng thức khác của “mê tín”/superstitions đều không dựa trên nền tảng “nhận thức khoa học” mà xuất phát từ một số nguồn gốc cụ thể như trên do ảnh hưởng của tôn giáo hay thiết chế xã hội (như luật/ người làm luật).

Gõ lên gỗ được xem là xuất phát từ truyền thống dân gian của những người Indo-Europeans cổ – những người tin rằng cây cối là nhà của những linh hồn – việc gõ lên gỗ sẽ giúp người gõ lãnh nhận những điều tốt lành mà linh hồ đó mang tới. Dù niềm tin vào những linh hồn đó đã mai một, con người vẫn giữ thói quen này. Rất nhiều niềm tin từ Nga tới Ireland được xem là xuất phát từ những ảnh hưởng của tôn giáo đa thần pagan – một tín ngưỡng phổ biến thời La Mã cổ đại sau này bị thay thế bởi Ki-tô Giáo.

Cũng có nhiều niềm tin không xuất phát từ tôn giáo mà từ các liên tưởng và các sự kiện “không may mắn” ngẫu nhiên. Ví dụ như nỗi sợ số 17 của người Ý – nguyên nhân là do số 17 La Mã được viết là XVII có thể xếp lại thành chữ VIXI có nghĩa là “cuộc đời tôi đã chấm dứt”. Tương tự như vậy là nỗi sợ số 4 – được nghe giống như chữ “chết” trong tiếng Hoa Quảng Đông (Cantonese – tử) khiến người Trung Quốc sợ hãi, điều này cũng tương tự với Hàn và Nhật do họ vay mượn số từ Trung Hoa (tương tự cho số 14). Một khách sạn quốc tế vì vậy có thể không có tầng 4, 14, 13 và 17.

Một số mê tín lại thực sự có nội hàm ý nghĩa thực tiễn mà đôi khi chúng ta quên mất nguồn gốc của nó. Ví dụ như sân khấu nhà hát thời xưa thường dựng một tấm phông lớn phía sau (tranh vẽ) để nhằm mô tả một bối cảnh nào đó. Tấm phông này sẽ được nâng lên và hạ xuống bởi những thợ kéo phông ở hai phía – họ sẽ truyền tín hiệu cho nhau bằng cách huýt sáo do đó đòi hỏi phải tập trung cao độ nếu không sẽ gây ra tai nạn. Cho đến hôm nay, việc huýt sáo bất cần nơi sân khấu vẫn là một điều kiêng kị – kéo dài đến thời đại mà các nhân viên hậu đài giao tiếp với nhau bằng tai nghe. Niềm tin này cũng tương tự như việc đốt ba điếu thuốc từ cùng một que diêm sẽ đem đến xui xẻo – điều này xuất phát từ chiến tranh, nếu bạn là một người lính đang núp trong công sự thì việc đốt một que diêm quá lâu sẽ thu hút sự chú ý của kẻ thù và có thể bị bắn tỉa. Tất nhiên những người hút thuốc ngày nay không phải lo lắng về những kẻ bắn tỉa nhưng niềm tin này vẫn ảnh hưởng họ theo một cách nào đó.

Chùa Ba Vàng

Rõ ràng mê tín bắt nguồn từ những ảnh hưởng mang tính sâu rộng như tôn giáo, thiết chế xã hội nhưng cũng có thể đến từ những nguyên cớ “ngẫu nhiên/tình cờ” hay “các lời khuyên xưa cũ”. Tại sao mọi người lại tin chúng đến như vậy – họ có bị mất lý trí hay không? Vâng, rõ ràng là như vậy? Nhà tâm lý học/tiến sĩ Stuart Vsye, tác giả của cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về hiện tượng này: “Tâm lý học của Mê Tín dị đoan” – đã phân tích các nguyên cớ của mê tín nằm sự vượt trội của Thói quen văn hóa (cultural habit) so với niềm tin xuất phát phát từ nhận thức (conscious belief). Thói quen của con người đều xuất phát từ môi trường mà họ sinh ra và lớn lên – từ gia đình, nhà trường và xã hội. Sự “mê tín” được truyền từ người này đến người khác (như một lời khuyên từ cha mẹ, cảnh báo của thầy cô, hay bạn bè chơi chung với nhau) nhằm chắc chắn sẽ không có điều gì xấu hay kém may mắn xảy đến.

Việc chúng ta thực hành một thói quen như “gõ lên gỗ” luôn dễ dành hơn “dùng nhận thức” để chống lại nó. Ở một khía cạnh nào đó, niềm tin vào một “sự siêu nhiên” nào đó lại thực sự giúp ích cho con người như việc những người chơi thể thao thường mang một đôi vớ may mắn hay một số nhân viên công sở mang vòng cầu may chẳng hạn – các đồ vật trên giúp tạo ra một cảm giác (ảo ảnh) về khả năng kiểm soát các sự kiện xung quanh mình – từ đó chúng ta tự tin hơn về khả năng của mình. Đây lại là điều tích cực của “mê tín” – không phải “mê tín” nào cũng là điên rồ.

Người Việt mình rõ ràng là có rất nhiều điều mê tín và kiêng kị – như khi mình sửa nhà, em gái coi xong bản vẽ kiến trúc đã cẩn thận dặn dò – đừng đặt giường quay ra hướng cửa ra vào – vì đó là hướng đặt quan tài – sẽ không tốt. Đại đa số người Việt cũng sợ số 4 và số 13 (Hay thứ 6 ngày 13 hãy hạn chế ra đường). Hãy cầm bút vẽ sơ đồ“mê tín” của Việt Nam trên mặt giấy. Điểm chẩm đầu tiên là các ảnh hưởng tôn giáo như dân gian (như thờ cúng ông bà), Phật giáo, Ki tô giáo và các tôn giáo khác. Tiếp theo ảnh hưởng của cấu trúc xã hội Việt Nam. Các điểm chấm còn lại xuất hiện do ảnh hưởng bên ngoài (giao thoa văn hóa). Chúng ta hoàn toàn có thể hình dung tính chất phức tạp của nó sau khi kết nối các điểm liên quan lại với nhau.

Tiến sĩ Vsye đã giúp mình tìm ngôn ngữ để lý giải một phần niềm tin “vong báo oán” hay “giải hạn” ở chùa Ba Vàng (hay ấn đền Trần): “thói quen văn hóa” và “lười biếng tư duy” (hay thiếu tư duy phản biện). Trong một note trước đây viết về Tư duy nhanh và chậm, mình đã đề cập đến “thói quen suy nghĩ nhanh” hay sự lười biếng tư duy của con người – họ có xu hướng lý giải mọi thứ theo cách đơn giản nhất có thể. Các tôn giáo như Phật Giáo hay Kito Giáo đều hướng con người đến những niềm tin chân thiện mỹ nhưng "minh triết" ẩn phía dưới thì quá phức tạp để hiểu thấu.