Nguồn gốc của bất bình đẳng kinh tế
Nước Mỹ đang ngày càng bị chia cắt sâu sắc bởi việc nắm giữ tài sản (giàu có) và sự phân rẽ các tầng lớp xã hội, khoảng cách giàu- nghèo ngày một rộng ra. Vào năm 1980, theo Báo Cáo Bất Bình Đẳng Thế Giới (World Inequality Report), 10% những người giàu nhất chiếm khoảng 35% thu nhập quốc gia; và vào năm 2016, tỉ lệ này đã tăng lên 47%. Sự phân cách ngày càng sâu rộng về của cải đã dẫn đến nhiều hệ quả. Những người giàu bây giờ có những cơ hội to lớn rất nhiều về việc tiếp cận giáo dục (do đó thông minh, hiểu biết hơn), y tế (do đó sức khỏe tốt hơn) và không phải bàn cãi họ có cuộc sống chất lượng và dài lâu (sống cao tuổi hơn) hơn những người nghèo.
Bài viết dưới đây (mà mình lược dịch từ mục Insights trên trang đại học Yale) tóm tắt lại các đúc kết của Giáo sư Michael Kraus tại đại học Yale trong môt nghiên cứu của ông về cách mà các hành vi xã hội đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc khắc sâu sự bất bình đẳng kinh tế. Một vấn nạn xã hội ngày càng gia tăng mặc cho hầu hết mọi người đều đồng ý rằng mọi thứ (cơ hội và của cải) cần phải được chia sẻ một cách công bằng. Đây là điều trăn trở của giáo sư về hành vi tổ chức Michael Kraus tại trường quản lý (SOM) của Yale. Tại sao lại cực kỳ khó để thay đổi hệ thống mà duy trì sâu sắc vấn đề này ?
Kraus cùng với Paul Piff từ UC Irvine và Dacher Keltner từ UC Berkeley đã nghiên cứu mối băn khoăn này qua lăng kính của tâm lý học. Trong một bài viết tựa là “Những tiến bộ trong Tâm Lý Xã Hội Thực Nghiệm”, các tác giả đã đưa ra một mô hình khái niệm, dựa trên những nghiên cứu đã có trước đó, để chỉ ra cách mà các cá nhân duy trì sự bất bình đẳng qua hành động và niềm tin của họ. Các tác giả nhìn vào năm khía cạnh của cuộc sống xã hội – các rào cản mang tính cấu trúc (structural barriers), các chỉ dấu liên quan đến sự phân tầng xã hội (social class signaling) , ý thức hệ về thành tựu (ideologies of merit), các xu hướng liên quan của đạo đức (moral-relational tendencies), và các quy trình liên quan giữa các nhóm (intergroup processes). Họ phân tích chi tiết về cách mà các yếu tố trên giúp duy trì sự phân chia xã hội trong cuộc sống hiện đại ngày nay.
Nhìn chung nghiên cứu này chỉ ra các yếu tố: những niềm tin và hành vi trần tục (mundane) hàng ngày đã và đang đóng góp vào sự gia tăng bất bình đẳng như thế nào. Trang phục chúng ta mặc và cách chúng ta nói chuyện, là những ví dụ điển hình, chúng có thể quyết định liệu nhà tuyển dụng có thuê chúng ta hay không, liệu chúng ta có thể thành công trong việc kết nối xã hội hay không (networking). Những dấu hiệu phân chia xã hội như vậy thường xảy ra rất nhanh – đây là đúc kết mà Kraus đưa ra qua môt thí nghiệm mà các tác giả trên tiến hành: nhiều người từ khắp nước Mỹ được mời tham gia trò chơi tiên đoán nguồn gốc tầng lớp xã hội của một ai đó qua giọng nói của họ – chỉ được nghe ai đó nói bảy từ mà không rõ bối cảnh xung quanh, sau đó phải đưa ra kết luận. Hầu hết họ đều đoán đúng. Kraus cho rằng:” Đây là một vấn đề lớn cho quá trình phỏng vấn đầu vào của các trường Đại học nơi bạn phải phô bày giọng nói của mình, và rõ ràng nó chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thách thức xã hội hóa (socialization) khi bạn đi học và nói chuyện theo cách khác với những sinh viên khác.”
Cách mà chúng ta nghĩ về thành tựu (hay công danh – merit) và làm việc chăm chỉ (hardwork) cũng góp phần hạn chế cơ hội cho các cá nhân thuộc tầng lớp lao động và tạo thêm nhiều lợi thế vượt trội cho tầng lớp cao hơn. Chúng ta hoàn toàn mù mờ về việc xã hội của chúng ta đã trở nên bất bình đẳng như thế nào, và phần lớn suy nghĩ đó bị lái bởi niềm tin rộng lớn rằng xã hội phải trở nên công bằng và đang trở nên công bằng hơn. (Như Kraus chia sẻ). Nhưng thực sự không phải như vậy qua rất nhiều dấu chỉ kinh tế. Các cá nhân ở tầng lớp cao hơn dường như có xu hướng tin rằng kết quả chính yếu của các sản phẩm hay thành tựu họ có được là do nỗ lực và làm việc chăm chỉ, thứ mà rõ ràng không phải là nguyên cớ sâu sắc; việc thừa hưởng sự giàu có có một ảnh hưởng mạnh mẽ lên các tầng lớp xã hội. Nhưng ý tưởng này, được giữ bởi niềm tin mãnh liệt chúng ta đang sống trong một xã hội trọng nhân tài/thành tựu (meritocracy) – có nghĩa là những người sinh ra trong các gia đình ở tầng lớp thấp hơn dường như bị đổ tội cho sự nghèo đói và lười biếng và phải đối diện với nhiều sóng gió khi cố gắng leo lên những nấc thang cao hơn.
Trong khi các tác giả cố gắng nhìn vào cội rễ tâm lý của bất bình đẳng, “ở đây có một mối nguy hiểm” như Kraus mô tả, “rằng bất bình đẳng thực sự nằm trong tâm trí của con người”. Luôn có những rào cản mang tính cấu trúc, hướng đối tượng để nuôi dưỡng sự bất bình đẳng, và củng cố suy nghĩ khiếm khuyết của chúng ta về nó. Các trường đại học là một ví dụ tốt. Các viện đại học dành cho giới tinh hoa (như Yale và Harvard), những sinh viên nghèo thường chỉ là một thiểu số rất nhỏ; được bao quanh bởi các bạn cùng lớp – và được dạy bởi các giáo sư – có nền tảng từ các tầng lớp trung và cao cấp, khả năng học tập của họ bị cản trở bởi nỗi lo lắng về nơi mà họ thuộc về và những thất bại mà họ phải đối diện xuất phát từ góc nhìn rập khuôn (stereotypes) của mọi người về tầng lớp của họ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nỗi băn khoăn lo lắng này được hình thành rất rõ ràng trong thực tế: các nhà giáo dục đã chỉ ra những lỗi lầm trong công việc của các sinh viên xuất phát từ niềm tin họ thuộc về tầng lớp thấp. Nói rộng ra, những cấu trúc tương tự như vậy đã hạn chế những người nghèo vươn lên ngang tầm với tầng lớp cấp cao. Lợi ích đến từ sự giàu có và các phần thưởng hay học bổng từ các trường đại học, các viện nghiên cứu với nhiều nguồn lực hơn vẫn tiếp tục duy trì chu kỳ tưởng thưởng của mình mà chủ yếu phần lớn hướng đến các tầng lớp giàu có.
Những đúc kết chỉ ra từ nghiên cứu không phải là những thứ dễ nuốt, Kraus đúc kết. “Có lẽ chúng ta đã quá lạc quan về cách mà mọi thứ có thể tự động tốt lên. Có lẽ chúng ta cũng phải nhận ra phần đóng góp của chúng ta trong việc nuôi dưỡng cái hệ thống bất bình đẳng này.”
Nhưng đó cũng là lý do tại sao mà chúng ta càng ngày có càng nhiều các nhà tâm lý dấn thân vào nghiên cứu sự bất bình đẳng. “Thật đáng hoan nghênh khi các nhà tâm lý cùng bàn thảo và nhấn mạnh tất cả các cách mà sự tương tác và quy trình tâm lý hàng ngày của con người lại có thể góp phần sâu sắc vào việc hình thành các (service) khuôn mẫu kinh tế.” Kraus cho rằng:”Chúng ta bị thúc đẩy để duy trì mọi thứ theo cách mà nó đã từng, và để thay đổi, chúng ta phải bắt đầu bằng việc nhận thức những thứ mà chúng ta bỏ qua hoặc mù mờ.”
Nhiều nghiên cứu khác cũng giúp làm rõ vấn đề. Ví dụ như, các nghiên cứu phản biện lại ý thức hệ về “thành tựu” (merit) và nâng cao nhận thức về các khuôn mẫu liên quan đến sắc tộc của bất bình đẳng kinh tế đã giúp khai phá sâu sắc cội rễ tâm lý của bất bình đẳng, qua đó giúp thay đổi suy tư của con người về chủ đề này.
Nhưng những thay đổi thực sự chắc chắn phải đến từ các giải pháp chính sách phù hợp từ phía chính phủ. Một xã hội công bằng hơn “dựa vào việc chúng ta tạo dựng cấu trúc và các quy trình (bureaucracy) cho phép chúng ta vượt qua các nhận thức hay lối tư duy cũ (biases).” Kraus và các đồng nghiệp đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ thực thi “những chương trình chính phủ quy mô lớn” và những thay đổi chính sách để làm giảm đi các rào cản đến sự bình đẳng, bao gồm việc tiếp cận tốt hơn đến giáo dục, mức lương tối thiểu cao hơn, và một mức thu nhập phổ quát cơ bản cho số đông.
Dù cho con đường đầy thách thức đang chờ phía trước, Kraus xem nghiên cứu này và một điểm khởi đầu tốt. “Chúng ta phải nhận thức được các công việc cần thiết để tạo ra các thay đổi có ý nghĩa”. Nó bắt đầu bằng việc hiểu về việc tại sao việc duy trì bất bình đẳng lại trở nên hấp dẫn như vậy.