Nói chuyện với kẻ lạ

Nói chuyện với kẻ lạ

Vào trưa ngày 10 tháng 7 năm 2015, Encinia, viên cảnh sát da trắng của tiểu bang Texas, lái xe theo đuôi Bland trên đại lộ University ở Prairie View. Quan sát xe của cơ quan công quyền đang tăng tốc lại gần, Bland nhanh chóng chuyển làn nhường đường vì tin rằng đang có chuyện gì đó khẩn cấp. Tuy nhiên, việc quên bật đèn báo chuyển hướng, một yêu cầu theo Quy Tắc Vận Chuyển Texas (Texas Transportation Code), đã khiến Encinia dừng xe cô lại. Tranh cãi giữa hai người xa lạ bùng nổ, Bland bị kéo ra khỏi xe, đẩy xuống đất và bắt giữ. Ba ngày sau đó, chỉ vì một lỗi giao thông nhỏ, cô treo cổ tự sát trong khám phòng quận Waller.

Câu chuyện của Sandra Bland, một phụ nữ gốc Phi 28 tuổi, là bộ khung cho tác phẩm mới nhất “Nói chuyện với kẻ lạ” của nhà văn kiêm nhà báo Malcolm Gladwell. Một cây bút có khả năng đào sâu những mối liên hệ hay ẩn ý bất ngờ trong xã hội học, tâm lý học và kinh tế học. Gladwell đã xây dựng sự nghiệp bằng một loạt các tác phẩm ăn khách như Điểm Bùng Phát (2000), Trong chớp mắt (2005), Những kẻ xuất chúng (2008), Những chú chó thấy gì (2009), David và Goliath (2013). Cách tiếp cận trong các tác phẩm của ông độc đáo đến mức người ta phải xếp chúng vào một thể loại mới (genre) gọi là Gladwellian. Theo Wired, công thức thành công của ông rất đơn giản: sự trùng lặp (repetition) và quay về (callback). Cụ thể, ông thường kể một câu chuyện xoay quanh vấn đề hóc búa của xã hội rồi sau đó dẫn ra các ví dụ có mô thức tương tự khác, tập hợp các câu chuyện giúp ông bóc tách những đúc kết “khoa học” có vẻ không liên quan để từ đó sắp xếp một sự kết nối kỳ diệu cho cả hai. Cuối tác phẩm ông thường quay về câu chuyện ban đầu để lồng ghép một số thông điệp “cảnh tỉnh” đến độc giả.

Tác phẩm mới của ông cũng bắt đầu và kết thúc bằng một câu chuyện – cụ thể là Sandra Bland để phản ánh sự “phân biệt sắc tộc” ở Hoa Kỳ, rồi từ đó mở rộng ra vấn đề “sự thất bại của chúng ta trong việc thấu hiểu người khác.” Chủ đề trung tâm (theme) của “Nói chuyện với kẻ lạ” là “default to truth” (D2T) (tạm dịch mặc định mọi thứ đều đáng tin cậy), một khái niệm có tính học thuật hơn đề cập đến bản năng tự nhiên của con người – sự tin tưởng (vào người khác, vào công nghệ, vào cấu trúc nhà nước, vào khế ước xã hội…), một nguyên tắc giúp loài người sinh tồn trong cấu trúc xã hội phức tạp. Nếu không có D2T có lẽ chúng ta sẽ không có động lực để bước ra khỏi nhà, sử dụng các ứng dụng hẹn hò, đầu tư chứng khoán hay đưa con trẻ đi học.

Sandra Bland là một người da màu sinh ở Naperville, vùng ngoại ô của Chicago, trong một gia đình có năm chị em. Cô theo học phổ thông ở Villa Park, Illinois sau đó chuyển đến Texas học đại học chuyên ngành nông nghiệp (cụ thể trường đại học Prairie View A&M). Sau khi tốt nghiệp năm 2009, cô quay trở về Illinois để làm việc cho hãng thực phẩm Cook’s nhưng rời bỏ công việc này không lâu sau cái chết của cô. Năm 2015, cô quay lại Texas tham gia một công việc tạm thời cho trường Prairie View. Bland là một nhà hoạt động dân quyền trong phong trào Black Lives Matter, cô thường xuyên chia sẻ những video liên quan đến hành xử sai trái của cảnh sát đối với người da màu. Bland từng có ít nhất mười lần đụng độ với cảnh sát ở Illinois và Texas (cụ thể 5 lần bị phạt do lái xe không bảo hiểm, 4 lần vượt quá tốc độ, và 1 lần lái xe khi say thuốc). Brian Encinia cũng cùng lứa tuổi với Bland, anh là người gốc Latin, tốt nghiệp ở đại học Texas A&M vào năm 2008 với bằng cấp liên quan đến phát triển và lãnh đạo nông nghiệp. Từ 2008 tới 2014, anh cũng làm việc cho một hãng thực phẩm là Blue Bell Creameries. Trước khi được tuyển dụng vào làm việc cho lực lượng cảnh sát liên bang, anh đã phục vụ bốn năm trong vai trò lính chữa cháy tình nguyện cho Ủy ban phòng cháy của Brenham. Cuộc đụng độ giữa hai con người xa lạ trên được ghi hình lại bằng máy quay cỡ nhỏ của Encinia cũng như từ điện thoại của người đi đường và Sandra – các bằng chứng hình ảnh kèm lời đối thoại mà Gladwell đã xem đi xem lại để viết sách.

Khi Encinia tiếp cận xe của Bland, anh yêu cầu cô bỏ điếu thuốc đang cầm trên tay đồng thời rời khỏi xe. Bland thách thức: “Tại sao tôi phải bỏ điếu thuốc khi đang ngồi trong xe của tôi.” Encinia hét lên:”Đi ra khỏi xe”. Cô gái da màu liên tục từ chối khiến viên cảnh sát đe dọa bắt giữ “Tôi đang đưa ra yêu cầu theo luật”. Hai bên đôi co qua lại hàng chục lần và Bland chỉ ra khỏi xe khi Encinia rút súng điện “Tôi sẽ đốt cháy cô. Ra khỏi đây ngay lập tức”. Biến cố này, như Gladwell mô tả, viên cảnh sát da trắng kinh hãi trước một phụ nữ da màu, người có thể đốt cháy anh ta chỉ bằng điếu thuốc. Định kiến trước đó cùng một loạt tình huống ngẫu nhiên khiến cho biến cố rơi vào “bạo lực”.

Câu chuyện của Sandra Bland cùng một loạt ví dụ kinh điển khác như siêu lừa Bernie Madoff (vụ lừa đảo Ponzi của cựu chủ tịch Nasdaq), phiên tòa xử Amanda Knox (giết người) và Jerry Sandusky (lạm dụng tình dục trẻ em), vụ hiếp dâm Brock Turner ở đại học Stanford (do say rượu) được Gladwell dẫn ra nhằm minh họa cho lập luận “tính mờ”  (blind) trong biểu hiện khuôn mặt hay bề ngoài của con người. Chúng ta không hoàn toàn “minh bạch/transparency” trong mắt người khác. Đôi khi lời nói dối trông rất thật thà và ngược lại, các gián điệp nước ngoài lại tỏ ra trung thành hơn người nội bộ, những người vô tội lại tỏ vẻ bối rối như kẻ có tội. Gladwell minh họa “ý tứ kinh điển” của Hamlet: “Những người mỉm cười hiền lành, cuối cùng là một kẻ cực kì hung bạo”. Phần “callback” trong tác phẩm mới của Gladwell cảnh tỉnh chúng ta về nhưng sai lầm trong phương thức giao tiếp, đề cao sự nhã nhặn, khiêm tốn, đồng thời nhắc lại một câu “kết show” nổi tiếng của MC Ellen Degeneres: “Hãy tử tế với người khác” (Be kind to one another).