Nước Mỹ Ba ngôi
Nước Mỹ độc đáo khác biệt với các quốc gia khác chính là ở sự đa dạng/diversity về sắc tộc (ethinicity/race), ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa và tư tưởng. Ngoài số lượng người Mỹ bản địa (American Native – Khoảng 5,2 triệu người) thì hơn 300 triệu người Mỹ đang sinh sống ở “Tân Thế Giới” này là kết quả của một quá trình di dân từ khắp mọi nơi trên địa cầu kéo dài hơn 5 thế kỉ. Vì vậy với người Mỹ “dân tộc tính” không chỉ gói gọn trong nguồn gốc tổ tiên/hay nhóm chủng tộc mình mà còn ở niềm tự hào phổ quát “Mỹ Quốc” hay còn gọi là tinh thần/văn hóa “nồi hầm nhừ” (Melting-pot). Đó là quá trình gắn kết, giao thoa và hòa quyện lâu dài giữa những đặc tính đa dạng đến từ nhiều sắc dân khác nhau, điều này được ví von như quá trình cho các nguyên liệu “di dân” phong phú vào “nồi nước dùng”. Với đại đa số người Mỹ qua trình ninh nhừ nồi nước này chính là một nét phong cách riêng của Mỹ.
Làm thế nào để nước Mỹ có thể vận hành hiệu quả với sự đa nguyên phức tạp như vậy và làm thế nào để nồi hầm nhừ không bị nấu quá sôi để trở nên mất kiểm soát. Những người lập quốc (Founding fathers) với tầm viễn kiến đã tạo dựng cho nước Mỹ một hệ thống giá trị nhằm cân bằng và kiến tạo một mô hình xã hội đong đầy sự cởi mở, bao dung và tử tế. Điều này không có nghĩa là nước Mỹ tốt đẹp hơn các quốc gia khác, ở đâu cũng có người xấu, ở đâu cũng có người tốt và nước Mỹ cũng không ngoại lệ. Nhưng ít nhất hệ giá trị này đã tạo dựng cho phòng thí nghiệm xã hội vĩ đại này một nền tảng vận hành, một cơ hội được thử thách và song song với đó cổ vũ cho tinh thần tự do trên toàn thế giới. Hệ thống này chính là “Nước Mỹ Ba Ngôi” (đừng nhầm lẫn khái niệm này với Thiên chúa Ba Ngôi của đạo Công giáo – mục đích sử dụng chữ này là để tăng thêm tính hình tượng).
Hãy cầm lên tờ 1$ của Mỹ và quan sát mặt sau của nó bạn sẽ tìm thấy ngay Hệ giá trị của Hoa Kỳ – có ba ngôi: E pluribus Unum/Out of many, one/Chúng ta là một, In God we trust/Nhờ Chúa chúng ta tin và Tự do/ Liberty
E pluribus Unum (tiếng Latin)/“Out of many, one”: Hoa Kỳ không quan tâm bạn đến từ đâu và cha mẹ bạn là ai. Nguồn gốc dòng máu, sắc tộc/chủng tộc hay tôn giáo của bạn chỉ càng góp thêm vào sự đa dạng và củng cố thêm tinh thần “nồi hầm nhừ” Mỹ quốc. Giữa bạn và tôi không có gì khác biệt mà chỉ là một, một người Mỹ như bao người Mỹ khác và cũng giống như những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến đây từ cách đây hàng trăm năm. Điều này không phải quốc gia nào cũng có được, nếu bạn là người Thổ/Do Thái (Turkish/Jewish) di cư đến châu Âu thì dường như bạn sẽ luôn được coi là người thuộc cộng đồng Turk/Jew thiểu số ở đó từ thế hệ qua thế hệ khác. Bạn sẽ không bao giờ được xem là những công dân Đức mến yêu (fellow German), Pháp mến yêu, hay Đan Mạch mến yêu … Điều này cũng giống như một anh chàng Tây da trắng mắt xanh mũi lõ đến sinh sống ở Việt Nam đã lâu nhưng anh ta sẽ không bao giờ được xem là một người Việt thực sự khi mà đại đa số cộng đồng là người da vàng, mắt đen mũi tẹt. Nhưng khi họ nắm trong tay quốc tịch Mỹ, thì danh xưng công dân Mỹ là điều được cả xã hội chấp nhận và tôn trọng.
In God we trust/ Chúng con tín thác vào Chúa: Hoa Kỳ xem nguồn giá trị của quốc gia đến từ Đấng tối cao trong tín ngưỡng – Thiên chúa. Tuyên Ngôn độc lập của Hoa Kỳ 1776 đã tuyên bố con người có những quyền bất khả xâm phạm và những quyền này là do Đấng Tạo Hóa (Creator – Ơn trên) ban ơn chứ không phải đến từ nhà vua, chính phủ hay một nguyên cớ nào khác. Và chính vì đến từ Thiên chúa nên chúng sẽ không bao giờ bị tước đi bởi bàn tay con người. Ở đất nước đa dạng niềm tin như Hoa Kỳ, nguồn giá trị ấy có thể đến từ: Đấng Jehovah trong bởi Kinh Hebrew, Thánh Alla trong kinh Qur’an, Đấng Gia-vê người mặc khải Mười điều răn cho Mose hay Thượng đế tối cao người sẽ phán xử khắp thế gian vào ngay sau cuối. Đối với nhiều người, đó đơn giản chỉ là niềm tin vào hành động công chính, tinh thần trách nhiệm và cư xử đạo đức.
Liberty/Tự do: Hoa Kỳ không phải là nước duy nhất trên thế giới tôn vinh giá trị tự do nhưng là nước đầu tiên gắn kết nó với hai giá trị E plurius Unum và In God we trust. Trong cuộc cách mạng tư sản Pháp, những người kiến tạo nền Cộng hòa Châu Âu cũng theo đuổi một mô hình ba ngôi tương tự: Tự do – Bình Đẳng – Bác Ái (ở Việt Nam là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc) hoàn toàn khác biệt với mô hình ba ngôi của Hoa Kỳ. Người Mỹ không gắn sự tự do với bình đẳng, dù rằng nước Mỹ luôn khẳng định tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng và rằng chúng ta đều bình đẳng trước pháp luật. Bình đẳng ở một khía cạnh nào đó có nghĩa rất gần với sự cào bằng (egalitarianism) và nếu ép buộc để có được sự bình đẳng máy móc thì chắc chắn chúng ta sẽ phải đánh đổi lấy tự do (một zero sum). Các cá nhân sống trong một xã hội tự do có quyền và được tạo điều kiện (bình đẳng về cơ hội) để theo đuổi bất cứ điều gì mà mình muốn nhưng phải dựa trên tài năng, sự làm việc chăm chỉ kèm theo một chút may mắn. Và trong guồng máy ấy nếu như có một ai đó trở nên giàu có hơn người khác một cách chính đáng thì một chút bất bình đẳng (bề mặt) là cái giá phải trả để chúng ta có được tự do.