Phi chính thống (Unorthodox)

Phi chính thống (Unorthodox)

Epsy đi từ từ ra lòng hồ Wannsee ở ngoại ô tây nam Berlin trong ánh chiều tà, phía xa xa là tòa nhà Am Großen, nơi Đức Quốc Xã (Nazi) nhóm họp để bàn thảo về “Giải pháp sau cùng cho vấn đề Do Thái”. Hội nghị Nazi ở đây là nguyên cớ dẫn đến thảm sát Holocaust khiến 6 triệu người Do Thái bị thanh trừng, bao gồm một phần gia đình ông bà Epsy.

Cô xúc động nhìn ra xa xăm, lột bỏ bộ tóc giả và nằm bơi lơ lửng giữa hồ. Đây là một trong những góc máy đẹp nhất của bộ phim “Phi chính thống” (Unorthodox) kể về hành trình chạy trốn của Epsy từ New York đến Berlin – một câu chuyện “xúc động” đong đầy mâu thuẫn nội tâm, xung đột tín ngưỡng cùng những va đập lịch sử lên một sắc dân có nhiều gắn bó “đau thương” với châu Âu – Satmar Hasidism.

Satmar là một trong những phong trào Do Thái chính thống bảo thủ (ultra-orthodox) lớn nhất trên thế giới do thầy đạo (rabbi) Joel Teitelbaum sáng lập năm 1905 nhằm bảo vệ ranh giới không thỏa hiệp giữa truyền thống cổ xưa bốn ngàn năm và quá trình thế tục (hay hiện đại hóa) trong Do Thái Giáo. Sự hung hãn của Nazi trong thế chiến hai đã đẩy cộng đồng Satmar khỏi nơi khởi nguồn Hungary đến định cư tại khu Williamsburg, quận Brooklyn trong lòng thành phố New York.

Dù chỉ cách khu tài chính sầm uất Manhattan (hay phố Wall) vài phút tàu điện ngầm, người Satmar vẫn giữ nguyên lề lối truyền thống định hình bởi kinh Torah và ngôn ngữ Yiddish (pha trộn giữa tiếng Đức và Hebrew), hai phương tiện chủ chốt giúp bảo vệ họ khỏi thế giới “băng hoại” bên ngoài. Hệ tư tưởng Satmar quy định chặt chẽ mọi khía cạnh của đời sống như ăn mặc (bao gồm đầu tóc: nam giới phải để payot – phần tóc mọc hai bên má sát mang tai còn phụ nữ “có gia đình” phải giấu tóc thật bằng cách mang tóc giả khi ra ngoài), bài trí nhà cửa, học tập, cưới hỏi, ma chay, thậm chí cả chuyện tình dục. Một thế giới mà trong con mắt người ngoài: nam giới thì cắm mặt vào kinh sách còn phụ nữ thì như những cỗ máy đẻ.

Mâu thuẫn với người chồng nát rượu, mẹ của Etsy rời bỏ gia đình sang châu Âu khi cô còn rất nhỏ. Cô lớn lên trong vòng tay ông bà cùng nỗi uất hận mẹ và nhanh chóng được sắp đặt một cuộc hôn nhân “không hòa hợp” với Yanky. Bi kịch tiếp theo của Etsy xuất phát từ áp lực của gia đình chồng lên chuyện con cái, tình dục, trách nhiệm dâu hiền vợ thảo. Khi Yanky đặt vấn đề ly dị, cô tức giận rời bỏ cộng đồng mình ngay giữa buổi lễ Sabbath để trốn sang Berlin dưới sự giúp đỡ của cô giáo dạy piano.

Bộ phim “Phi chính thống” sau đó khắc họa hình ảnh một Etsy “truyền thống” lạc lối giữa một Berlin “thế tục” cởi mở: thời trang, tự do tình dục, đồng tính luyến ái, sàn nhảy hay dàn giao hưởng trẻ (âm nhạc của Schubert) hay thậm chí có một thế giới Do Thái với phiên bản Torah “khác” giữa lòng Berlin. Những khung hình “tuyệt đẹp” của bộ phim gợi nhắc thật nhiều kỷ niệm khó quên ở Brooklyn và Berlin nơi mình cũng lang thang tìm kiếm “mặc khải”. Phim do Netflix sản xuất được thực hiện bằng tiếng Yiddish, một ngôn ngữ pha trộn giữa Đức và Hebrew ra đời từ thế kỷ thứ 9, phổ biến trong cộng đồng Ashkenazi Jews – những người Do Thái từng sống trong Đế chế La Mã Thần Thánh, sau này phổ biến ở châu Âu (đặc biệt là Đức và Pháp) cùng sự tham gia của tài năng trẻ Shira Haas – một nữ diễn viên có khuôn mặt biểu cảm “xuất thần” có thể khiến ta khóc cười cùng nhân vật.