Lòng thương hại (Poverty Porn)

Lòng thương hại (Poverty Porn)

Chỉ hai ngày sau khi đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi “hương hậu” danh giá, tân hoa hậu Việt Nam “ML” cùng Top 10 đã đến thăm trung tâm Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em Tam Bình ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang nuôi dưỡng gần 200 trẻ em mồ côi và khiếm khuyết. Ngay ngày hôm sau, thông tin “chuyến từ thiện” được đăng tải trên nhiều phương tiên thông tin đại chúng với nhiều mỹ từ được nhấn nhá như: “hoa hậu rưng rưng nước mắt”; “giản dị từ thiện”; “không váy áo lộng lẫy … vẫn xinh tươi” … không quên đăng kèm nhiều hình ảnh “người đẹp nghĩa cử” và khéo léo lồng ghép logo “nhà tài trợ” và “trung tâm Tam Bình”. Nhiều tranh cãi được dấy lên sau đó, liệu những giọt nước mắt “rưng rưng” trên có phản ánh trái tim nhân ái nhiệt thành yêu thương của các người đẹp cho những số phận kém may mắn hay chỉ là một màn kịch “thương cảm” được sắp đặt.

Chuyện khác, Sunrise Cambodia là một quỹ/trung tâm từ thiện xuất phát từ Úc được thành lập bởi Geraldine Cox người phụ nữ đã từ bỏ công việc ở các tập đoàn lớn và ngoại giao ở tuổi xế chiều để theo đuổi sứ mệnh nhân đạo nhằm giúp các trẻ em mồ côi và khiếm khuyết, những người chịu ảnh hưởng từ cuộc diệt chủng Pol-pot ở Cam-pu-chia từ thập niên 60, 70 qua đào tạo nghề cho các em. Trong một chiến dịch gây quỹ của SC, Cox đã cho chạy một quảng cáo trực tuyến với hình ảnh đại diện của chiến dịch là cô gái Miên xinh đẹp Pisey, bên dưới là dòng chữ: “Hướng dẫn công nhân tình dục cách may vá” và lời kêu gọi: “Khoản đóng góp 500$ của bạn sẽ giúp cho Pisey chuyền từ đường phố đến căn phòng may vá với những kĩ năng giúp cô có thể khởi nghiệp một doanh nghiệp nho nhỏ (micro-business)”. Chỉ năm tuần sau khi chiến dịch được đăng tải, SC đã gây quỹ được trên 200,000$ ở Úc. Cách dẫn dắt câu chuyện như trên được các chuyên gia truyền thông xã hội của WB, UN và UNICEF thực hiện khá nhuần nhuyễn hay các nhà báo thực địa muốn tạo ra một tin bài nóng cho tờ báo của mình.

Hình quảng cáo của Sunrise Combodia

Nhưng thực tế, Pisey không phải là tên thật của cô bé và cô bé không phải là một công nhân tình dục, cô gái người địa phương đã bán hình ảnh của mình với một khoản tiền nhỏ từ SC. Chiến dịch vấp phải nhiều chỉ trích từ công luận Cam-pu-chia cho rằng điều này là “vô đạo đức”, liệu việc sử dụng những hình ảnh gây sốc (như trẻ suy dinh dưỡng dù là nhân vật thật hay giả) để khơi gợi “lòng thương cảm” và các khoản đóng góp từ thiện là việc làm đúng đắn.

Các hình thức đi từ thiện/ kêu gọi từ thiện như trên đang lợi dụng/bị lợi dụng trên cái nền phong trào đang lên “Poverty porn” hay “pity charity” – “Lợi dụng lòng thương cảm” hay trần trụi hơn “Kích dục lòng thương hại”. Chỉ cần bỏ một chút tiền từ thiện qua thăm “thú” hay tham gia “tiệc” gây quỹ cùng một vài hình ảnh chia sẻ trên báo chí, một doanh nghiệp hay cô “bông hậu” nào đó có thể chứng tỏ được tấm lòng hào hiệp bao la bác ái và quyền năng “cho đi”/ tô vẽ thứ văn hóa gia trưởng – paternalism của mình tới công chúng (với ánh mắt ngưỡng mộ). “Lòng thương cảm /Emphathy” lại trở thành một thứ hàng hóa mà chúng ta có thể mua đi bán lại. Ở đây “cái nghèo hèn” và “cái khiếm khuyết” trở thành bối cảnh của một cá nhân (như Pisey), nơi hình ảnh của họ được tô vẽ với sự tuyệt vọng, mất phương hướng, tê liệt và không có khả năng giúp đỡ bản thân và hoàn toàn lệ thuộc mà bỏ qua cái nhìn toàn cảnh về xã hội, pháp lý và cội rễ của vấn đề. “Tiền bạc” và “hình ảnh từ thiện” trở thành tối thượng và vấn đề quan tâm của các trung tâm từ thiện cũng như người đi từ thiện.

Tháng 5/2015 khi tham quan bảo tàng Angkor ở Siem Reap, tôi đã dành sự chú ý rất lâu cho tấm áp phích quảng cáo nhỏ của Phong trào ChildSafe (ChildSafe Movement) nhằm truyền đi thông điệp cho khách du lịch :”Children are not tourist attractions” – “Trẻ em không phải là địa điểm du lịch hấp dẫn” với hình ảnh ám ảnh: “hai đứa bé địa phương bị nhốt trong lồng kính xung quanh là khách du lịch đang đưa máy ảnh của mình lên chụp ” với lời nhắn nhủ: “Hãy suy nghĩ kĩ trước khi đi thăm các trại trẻ mồ côi”. Bị ấn tượng mạnh, tôi đã tìm hiểu thêm về ChildSafe và biết được những nỗ lực của họ trong việc chống lại ngành du lịch “orphanage tourism” – được mô tả: “gần như thành thông lệ khách du lịch thường có khuynh hướng sẽ viếng thăm các trại trẻ mô côi trước khi rời khỏi thành phố. Thông thường chuyến viếng thăm sẽ bao gồm một buổi trình diễn âm nhạc hoặc một điệu nhảy của các bé mồ côi cuối cùng thường đi kèm đòi hỏi một khoảng đóng góp nhỏ cho chi phí hoạt động của trung tâm” – hay là một hình thức của “Poverty Porn”.

Những nỗ lực của ChildSafe là nhằm kêu gọi nhận thức của công chúng và khách du lịch về việc giải quyết vấn đề ở gốc rễ hơn là lòng thương cảm hời hợt – bằng cách tập trung vào việc hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề và các sáng kiến cộng đồng (community based initiatives) hơn là thăm viếng trực tiếp các trung tâm mồ côi. Trẻ em mồ côi hay khiếm khuyết cũng có đầy đủ các quyền như những trẻ em khác là quyền riêng tư – một chuyến đi từ thiện ngắn sẽ để lại nhiều tác hại hơn là những điều tốt đẹp – chúng ảnh hưởng trực tiếp tới những cảm xúc và sự phát triển của trẻ. “Trẻ em” không phải là vật trưng bày để chúng ta selfie và chứng tỏ trái tim thương cảm – trẻ em thực sự cần một gia đình.