Quả chuối 150000$

Quả chuối 150000$

“Diễn viên hài” của nghệ sĩ Ý Maurizio Cattelan được phòng trưng bày nghệ thuật Perrotin giới thiệu tới công chúng vào đầu tháng 12/2019 tại khu vực D24 tại Trung tâm hội nghị Miami Beach nơi diễn ra triển lãm nghệ thuật thường niên Art Basel Miami Beach (tổ chức từ năm 2002), nhiều gallery trên khắp thế giới phải trả tiền thuê không gian trưng bày các tác phẩm đỉnh cao của mình kết hợp tổ chức các sự kiện và tiệc tùng kết nối nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận giới tinh hoa mê nghệ thuật. Các nhà sưu tập giàu có và bất cứ ai yêu nghệ thuật có khả năng chi trả vé vào cửa 50$ đều có cơ hội chiêm ngưỡng sự hội ngộ nghệ thuật đồ sộ.

“Diễn viên hài” là một tác phẩm quá nhỏ bé trong số nhiều tác phẩm to lớn, đồ sộ và phức tạp của triển lãm: một quả chuối được dán lên tường bằng băng keo. Dù vậy, tác phẩm nhanh chóng thu hút công chúng cũng như các nhà sưu tập. Perrotin đem đến ba phiên bản tác phẩm với đơn giá không tưởng 120,000$. Hai phiên bản đầu nhanh chóng được bán hết khiến các nhà buôn phải đẩy giá phiên bản cuối lên 150,000$ và cũng được bán ngay sau đó. Ngoài ra còn hai “artist proof” (phiên bản được tác giả giữ lại) được bán ngay sau đó cùng mức giá. Tổng cộng Maurizio Cattelan kiếm được 690,000$. Điều này rất buồn cười vì “Diễn viên hài” là một tác phẩm nghệ thuật thiên về “ý niệm”.

Các nhà sưu tập không thực sự mua quả chuối và băng dính – họ trả tiền cho ý tưởng. Tất cả những gì họ nhận được là một bằng chứng nhận tính xác thực (Certificate of Authenticity) công nhận đây là tác phẩm đã được Maurizio “xác thực” đi kèm hướng dẫn chi tiết cách cài đặt tác phẩm (như mua chuối và băng dính, cách sàn 60 inch, chiều dài băng dính 8 inch, đầu quả chuối hướng bên trái).

Tất nhiên là bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể ra chợ mua nguyên liệu để dán chơi lên tường nhưng chỉ những ai nắm bằng chứng nhận mới thực sự là chủ sở hữu của “Diễn viên hài” về mặt kỹ thuật. Các bảo tàng chỉ được phép trưng bày tác phẩm này đi kèm bảng giới thiệu tác giả Maurizio Cattelan khi sở hữu bằng chứng nhận. Cuộc chơi kinh doanh nghệ thuật đắt giá nằm ở chỗ các nhà sưu tầm sẽ cho thuê lại bằng chứng nhận. Nghe có vẻ thật điên rồ nhưng điều này không có gì xa lạ trong giới nghệ thuật.

Các bảo tàng và các cá nhân muốn trưng bày tác phẩm “vẽ tường” của nghệ sĩ Hoa Kỳ Sol LeWitt phải nắm chứng nhận xác thực đi kèm sơ đồ hướng dẫn chi tiết về kích cỡ, hình dáng, màu sắc. Họ không cần phải mời LeWitt tới vẽ mà mình có thể chủ động làm, đặc biệt khi muốn vẽ lên bức tường ở địa điểm khác thì họ phải phá bỏ địa điểm cũ theo yêu cầu của bằng chứng nhận về tính độc nhất. Tất nhiên tác phẩm “Diễn viên hài” ẩn chứa nhiều thông điệp điên rồ thú vị. Cattelan chỉ việc đi ra siêu thị lựa một sản phẩm tiêu dùng hết sức bình thường: quả chuối và băng dính, sau đó bằng ý chí, danh tiếng, quyền lực trong giới nghệ thuật cùng sự gian manh để khéo léo chuyển hóa và nâng tầm các vật dụng tầm thường.

Các nghệ sĩ cũng giống như nhà giả kim có thể chuyển hóa vật liệu giản đơn thành các tác phẩm mà công chúng mê đắm và sẵn sàng trả tiền. Tất nhiên “Diễn viên hài” là một nước đi chiến lược của Maurizio và nhà Art Basel – một tác phẩm khiến công chúng không ngừng tranh cãi bàn tán về sự thổi phồng ghê tởm của thị trường nghệ thuật. Tất nhiên giá cả trăm ngàn đô cho một tác phẩm “khùng điên” như vậy chỉ có thể đến từ danh tiếng của Maurizio, người đã phủ sóng thế giới nghệ thuật bằng những tác phẩm như “Nước Mỹ” (2016)- một toa lét làm bằng vàng (giá 6 triệu đô) mà gần nhất bị trộm khỏi cung điện Blenheim ở Anh (nơi sinh của Winston Churchill), “La Nona Ora (1999) mô tả hình ảnh đức Giáo hoàng John Paul II bị thiên thạch đè, Hắn ta (Him, 2001) mô tả tên phát xít Hitler đang quỳ gối. Tác phẩm trái chuối ít khiến chúng ta liên tưởng đến những thứ kinh tởm ngoại trừ hình ảnh “dương vật” nhưng cũng đi theo phong cách truyền thống của Maurizio – khai thác và khám phá những thứ chúng ta yêu quý, ghét bỏ, nắm giữ. Mọi người thường hình dung nghệ thuật phải độc đáo, nguyên bản, một thứ gì đó mà chúng ta không thể tự tạo ra. Còn đối với người mua và bán nghệ thuật họ quan tâm đến cảm xúc từ tác phẩm có gây ra một sự hưng phấn “lan truyền danh tiếng” và nhận thức về sự hiếm hoi của tác phẩm.

Năm 1995, Maurizio đã thiết kế bộ tranh phục hình con thỏ (hay dương vật) tên Errotin cho nhà buôn nghệ thuật người Paris – Emanuela Perrotin mặc trong suốt chương trình. Sau đó 3 năm, ông dán cứng chủ phòng tranh nghệ thuật Massimo Decarlo lên tường trong hai tiếng đồng hồ – một tác phẩm có tên “Ngày hoàn hảo”. Phong cách “treo đồ” của Maurizio phủ khắp sự nghiệp nghệ thuật – từ “Chúng ta là cách mạng” (We are the Revolution -2000) đến triển lãm ở bảo tàng Guggenheim ở New York năm 2011 (hình như anh Son Dang có đi xem) nơi các tác phẩm của ông được trưng bày khác biệt: thả treo từ trần mái vòm.

Tác phẩm “Diễn viên hài” cũng theo dấu lịch sử nghệ thuật của việc đưa các đồ vật vô thưởng vô phạt vào bảo tàng và gọi đó là nghệ thuật mà Marcel Duchamp là nhân vật tiên phong: ông đưa bánh xe đạp đặt trên một cái ghế để tạo ra tác phẩm “Bánh xe đạp” năm 1964 hay trước đó biến bồn tiểu thành tác phẩm “Suối nước” (Fountain) năm 1917. Điều thú vị là tại sao “Diễn viên hài” lại xứng đáng để đầu tư. Một tác phẩm mà người sở hữu giàu có dễ dàng mang đi giới thiệu ở mỗi bữa tiệc, tìm thấy niềm vui qua việc quan sát nó thối rữa cũng như cho các bảo tàng thuê lại bằng xác thực.

Nếu may mắn quá trình mua đi bán lại có thể đem lại lợi nhuận thích đáng trước khi bong bóng thị trường nghệ thuật nổ tung. Tất nhiên nếu tác phẩm thuộc về các bảo tàng, công chúng có lẽ sẽ đổ xô đến chỉ để selfie với tác phẩm nực cười này như đã từng xảy ra ở hội chợ Art Basel, hoặc trái chuối xuống sẽ bị bóc xuống để ăn (như David Datuna làm) khiến hội chợ phải tháo tác phẩm sớm hơn dự định. Quay trở lại với thông điệp phía sau của “Diễn viên hài”, trên trang Instagram của Art Basel Miami Beach – Perrotin đã mô tả:” một tuyên bố châm biếm về xã hội, quyền lực và chính quyền.

Tương tự như “Nước Mỹ” năm 2016, tác phẩm này đưa ra cái nhìn về cách chúng ta gán giá trị và những đối tượng mà chúng ta coi trọng.” Bạn có thể đồng ý hoặc bác bỏ thông điệp này nhưng khi tác phẩm được tháo xuống, Art Basel đã đưa ra thông điệp: “Diễn viên hài, với sự kết hợp giản đơn, đã cung cấp cho một phản ánh phức tạp trong con người chúng ta. Chúng tôi chân thành cảm ơn những ai đã tham dự hành trình đáng nhớ này với chúng tôi. Chúng tôi cũng thành thật xin lỗi những khách tham dự đã không thể đến gặp Diễn viên hài”.

Đúng như vậy, tác phẩm điên rồ trên không phải là quả chuối hay băng dính, hoặc bằng chứng nhận mà là sự tham dự của chúng ta tại Art Basel và phản ứng sau đó: những người xếp hàng selfie, những phiên bản làm nhái, video lan truyền, tin truyền thông, status bình phẩm. Sự phấn khích của công chúng trước tác phẩm chính là nghệ thuật, một cái phễu giá trị giúp tăng quyền lực cho Maurizio. Tất nhiên các nhà phê bình lại tranh cãi liệu cơn sốt này có phải là một sự thụt lùi của nghệ thuật, cơn thoái trào đương đại, hay một thủ thuật giả dối (con game). “Diễn viên hài” cũng là một phần của cuộc sống ngày hôm nay, điều mà nghệ thuật tìm cách phản ánh và tìm kiếm – một khoảnh khắc “hiện tại” (now moment) trong nhiều khoảnh khắc phân tán của con người. Cuộc sống mà mặt tối của nó như triết gia Albert Camus đã phân tích: tối tăm, bế tắc, thổi phồng, điên loạn và hời hợt.

Bài tổng hợp từ Art Assignment, các bạn có thể tham khảo thêm ở đây: