Quyền lực mềm Hoa Kỳ

Quyền lực mềm Hoa Kỳ

Vào ngày cuối của hội nghị PFC ở DC, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đứng ra tổ chức một buổi tiệc “buffet” chia tay chúng tôi ngay tại trung tâm “Quyền lực mềm” Hoa Kỳ”, tòa nhà tuyệt đẹp mang tên vị Tổng thống thứ 33 Harry S. Truman toạ lạc ở khu Foggy Bottom, vốn trước đây từng là cơ sở đầu tiên của Bộ Chiến Tranh/Department of War trong thế chiến II nay là trụ sở chính của bộ DOS.

Không gian tiệc được tổ chức tại phòng Benjamin Franklin (tên của Bộ trưởng ngoại giao đầu tiên của Hoa Kỳ – state dining room – do John Blatteau thiết kế) ở tầng trên cùng của toà nhà nơi tiếp đón không biết bao nhiêu nguyên thủ, chính khách cùng các nhân vật lịch sử lỗi lạc và tình cờ cũng chỉ một ngày trước đó là nơi diễn ra tiệc trưa hội đàm giữa Thủ tướng Việt Nam và Bộ trưởng ngoại giao Rex. Khỏi phải nói về sự phấn khích của các fellows chúng tôi, hơn 250 người đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Phòng tiệc được nối liền với một ban công mở (The Secrectaries of State terrace) vừa được cải tạo lại từ năm 2011 nơi khắc thông điệp mà cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gửi gắm:” Điều làm cho nước Mỹ độc đáo chính là cách mà mỗi cá nhân xuyên suốt lịch sử của đất nước đã ra sức gìn giữ quá khứ trong khi đó vẫn không ngừng tưởng tượng và bắt tay vào kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn”, từ đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt về phía đài tưởng niệm Washington cao vút cùng các công trình lịch sử dọc theo trục National Mall và phía xa các toà nhà cao tầng hiện đại của khu đô thị Rosslyn phía bên kia bờ sông Potomac. Người Mỹ quả là khéo léo sắp xếp không gian (ambiance) để kể câu chuyện “quá khứ” và “tương lai” của mình.

Trụ sở DOS do hai kiến trúc sư lỗi lạc Gilbert Stanley Underwood và William Dewey Foster thiết kế theo phong cách kiến trúc “Stripped Classical – Cổ điển giản lược” kết hợp với các yếu tố theo phong cách hiện đại “Art Moderne”, được khởi công xây dựng và mở rộng sau đó từ những năm 1940 -1960. Quyền lực này được hình thành từ cuối thế kỉ thứ 18, thời điểm Hiến pháp Hoa Kỳ được soạn thảo ở Philadenphia (9/1787) sau khi được thông qua bởi 13 bang. Hiến pháp đã trao cho Tổng thống trách nhiệm thực thi đối ngoại Quốc gia. Hai năm sau đó, Thượng và Hạ viện Hoa Kỳ đã chuẩn thuận cho việc thành lập Bộ Ngoại Vụ Hoa Kỳ (Foreign Affair), là cơ quan liên bang đầu tiên được thành lập dưới Hiến pháp mới vào ngày 21/07/1789 và được Tổng thống kí thành luật vào ngày 27/7. Sau đó hai tháng, Bộ được đổi tên thành Bộ Nhà Nước/Quốc Vụ Hoa Kỳ (Department of State – Nhưng tiếng Việt luôn dịch là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ).

Nhánh hành pháp và Quốc hội Hoa Kỳ có một nhiệm vụ được hiến định là trông coi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Bên trong nhánh hành pháp, bộ nhà nước/ngoại giao Hoa Kỳ là đơn vị dẫn dắt các cơ quan (agency) ngoại vụ Hoa Kỳ và người đứng đầu của nó là Thư Kí Nhà Nước hay Ngoại trưởng được xem là cố vấn hàng đầu về chính sách đối ngoại cho Tổng thống (nhân vật quyền lực thứ tư có khả năng thay thế Tổng thống sau Phó Tổng thổng, chủ tịch Hạ Viện, chủ tịch Thượng viện tạm quyền) mặc dù các viên chức hay các cá nhân khác cũng có thể có tầm ảnh hưởng lớn hơn về các quyết định đối ngoại. Bộ thúc đẩy các mục tiêu và mối quan tâm của Hoa Kỳ đến thế giới thông qua vai trò chính yếu trong việc phát triển và thực thi chính sách đối ngoại của Tổng thống. Bộ cũng hỗ trợ các hoạt động đối ngoại của các thực thể khác trong chính quyền Hoa Kỳ như Bộ Quốc Phòng, Bộ Thương Mại, Bộ An Ninh Nội Địa, Cơ quan tình báo trung ương CIA và Cơ quan Phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID). Và cuối cùng cung cấp một loạt các dịch vụ quan trọng cho công dân Hoa Kỳ và người nước ngoài du lịch và nhập cư vào Hoa Kỳ.

Kế hoạch ngân sách “American First/Ưu Tiên Trước Tiên Cho Hoa Kỳ” gần đây của Tổng thống Trump đã giáng một đòn nặng nề lên ngân sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với khoản cắt giảm quy mô chưa từng thấy tới hơn 28%, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chương trình “ngoại giao” liên bang như các hoạt động của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, nơi chịu trách nhiệm điều hành viện trợ dân sự cho nước ngoài) cũng như các chương trình mà Hoa Kỳ đang phối hợp cùng với các định chế đa phương như UN (Liên hợp quốc), WB (Ngân hàng thế giới– giảm 650 triệu $), WTO (Tổ chức thương mại thế giới) và IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế) trong đó bao gồm việc rút lại hoàn toàn các khoản hỗ trợ dành cho biến đổi khí hậu (chỉ vài giờ trước đó Tổng thống Trump đã ra quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris) . Các khoản viện trợ quân sự cho nước ngoài cũng sẽ đồng thời chuyển thành các khoản vay.

Ngoài ra, kéo theo đó nhiều chương trình trao đổi văn hóa và giáo dục sẽ bị xóa bỏ (ngoại trừ Fulbright), đe dọa trực tiếp đến những chương trình do Tổng thống Obama khởi xướng như YSEALI PFP nằm trong sứ mệnh “ngoại giao” của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á mà tôi may mắn được tham gia. Chỉ mới đây thôi trong thông báo ngân sách Quốc hội dành cho chương trình Fulbright 2018 (23/05/2017), thông tin ngân sách cắt giảm đi một nửa so với các năm trước ( 2016: $236,000k; 2017:$235551k; 2018:$125600k ) đã gây hoang mang cho không biết bao nhiêu ứng cử viên của chương trình.

Không có gì phải bàn cãi khi có một số khoản tiền chi tiêu cho viện trợ và ngoại giao là hoàn toàn lãng phí. Nhưng hầu như tất các các hoạt động ngoại vụ của Bộ như vận hành các ban đại diện ở nước ngoài, các chương trình hỗ trợ, phòng chống tội phạm quốc tế hay huấn luyện quân sự nước ngoài cùng nhiều dịch vụ khác mà bộ cung cấp được chi trả bằng ngân sách ngoại vụ, thường chỉ chiếm một con số nhỏ bé khoảng 1% tổng ngân sách liên bang. Điều đó có nghĩa là Tổng ngân sách của Bộ ngoại giao cùng với Các chương trình Quốc tế khác (Bảo vệ & hỗ trợ công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở thị trường quốc tế …) trong đó bao gồm chi phí trang trải cho những ngày tôi ở Hoa Kỳ tiêu tốn khoảng 45 cent một ngày của mỗi công dân Hoa Kỳ, tức khoảng 165,9$ một năm – tôi thực sự phải cảm ơn nước Mỹ hào phóng.

Kế hoạch cắt giảm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Quyền lực mềm/soft power của Hoa Kỳ cùng sứ mệnh vô cùng quan trọng của Bộ Ngoại Giao: “Tăng cường sự tự do và bảo đảm ích lợi cho công dân Hoa Kỳ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung thông qua việc thúc đẩy xây dựng và duy trì một thế giới dân chủ, an toàn và thịnh vượng mà các nhà nước trong đó được vận hành hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, xóa đói giảm nghèo và hành động có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế/international system.”

Các nước nghèo bị Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ rất có thể sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Khi ấy vì mối ưu tiên quốc gia mình trước tiên, Hoa Kỳ sẽ để cho phần còn lại của thế giới từ từ chìm trong “địa ngục”. Quyền lực “mềm” lúc này bị thay bằng chi phí tốn kém của quyền lực “cứng” (như tăng ngân sách Lầu Năm Góc 10% và Bộ An Ninh nội địa 7%, Tổng ngân sách Quốc Phòng tăng 52 tỷ $). Thêm nữa vì rời xa các định chế quốc tế, Hoa Kỳ rất có thể sẽ rời bỏ những luật lệ chung của quốc tế về thương mại và an ninh khiến cho trục và hệ thống của thế giới thay đổi hoàn toàn. Mối nguy hại mang “tính toàn cầu” này là vấn đề mà Quốc hội Mỹ sẽ còn tranh cãi trong nhiều tháng sắp tới.

Bức tượng tọa lạc trong khuôn viên trụ sở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ

Ngoại trưởng hiện tại của Bộ là Rex Tillerson, vốn là Giám Đốc điều hành của Công ty dầu khí sừng sỏ Hoa Kỳ Exxonmobil do tổng thống Trump chỉ định. Ông bị chỉ trích là người thiếu rất nhiều kinh nghiệm đối ngoại và với đầu óc “kĩ trị khô cứng” ông sẽ khiến cho cơ cấu hoạt động căn bản cũng bộ như chính sách “đối ngoại” của Hoa Kỳ thay đổi theo những đường hướng rất khó dự đoán.

Người tiền nhiệm của ngài Rex, Ngoại trưởng John Kerry, từng là cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam là một người mà tôi hết sức ngưỡng mộ. Ông có sự gắn bó và quan tâm lớn đến Việt Nam và là mắt xích quan trọng cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. John Kerry thường xuyên công du đến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam nên tôi có cơ hội tham gia các buổi chia sẻ của ông nhiều lần với giới trẻ Asean nói chung và Việt Nam nói riêng, và là người thúc đẩy và truyền cảm hứng khiến tôi quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ hai nước và chiến lược “quyền lực mềm” của Mỹ.
#dos