R.B.G, bình đẳng giới và Opera

R.B.G, bình đẳng giới và Opera

David Rubenstein, chủ tịch quỹ đầu tư tư nhân The Carlyle Group đặt câu hỏi cho thẩm phán Ruth Bader Ginsburg (RBG) tại trung tâm 92nd Street Y (hiệp đoàn Do Thái trẻ) một năm trước khi bà mất:”Nếu có cơ hội thay đổi một điều gì đó trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, bà sẽ làm gì?” RBG trả lời “Tôi sẽ thêm vào Tu chính án Quyền Bình Đẳng (Equal Right Amendments). Khi lấy Hiến Pháp ra khỏi túi của mình để giới thiệu con cháu. Tôi cho thể chỉ cho chúng thấy Tu chính án thứ nhất đảm bảo quyền tự do ngôn luận và báo chí nhưng không thể tìm thấy điều gì thể hiện nam và nữ đều là công dân ngang bằng nhau. Mặc cho rất nhiều Hiến Pháp (ở các nước khác) viết sau năm 1950 đều thể hiện thông điệp bình đẳng nam nữ trước ánh sáng luật. Tôi rất muốn chắt của mình được tận hưởng một Hiến pháp mới nêu rõ điều này vì đây là một điều cơ bản trong xã hội tương tự như sự tự do trong tư tưởng và thể hiện bản thân.” RBG là thẩm phán biểu tượng cho phe tự do cánh tả trong Tòa Tối Cao Hoa Kỳ, người dành cả cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi cho công bình (công bằng và bình đẳng) – đặc biệt là phụ nữ (công bằng nghề nghiệp) và sau này là cộng đồng LGBT+ (như thúc đẩy thông qua Luật hôn nhân Đồng giới tại 50 bang của Mỹ hồi tháng 6/2015).

Vợ chồng R.B.G

Sự nghiệp luật sư của bà gắn liền với quá trình chuyển đổi quan niệm xã hội về “giới” to lớn trong lòng Hoa Kỳ. Bà theo học đại học Cornell năm 17 tuổi (là thành viên của hội Alpha Epsilon Phi), môi trường học thuật có tỷ lệ nam:nữ khi đó là 4:1 (do đó rất nhiều bà mẹ muốn gửi con gái mình đến Cornell để kiếm tấm chồng vừa ý). Ngôi trường đã dẫn dắt bà gặp Martin D. Ginsburg, người đàn ông đầu tiên quan tâm đến việc bà có một trí tuệ sắc sảo. Sau khi tốt nghiệp tấm bằng cử nhân nghệ thuật xuất sắc ở Cornell, bà kết hôn với Martin, sinh con gái đầu lòng năm 1955. Hai vợ chồng bà sau đó đều nhập học trường luật Harvard (Harvard Law School – HLS) – khóa của bà có 500 sinh viên nam nhưng chỉ có 9 nữ, còn khóa của Martin lại chỉ có 4. (Tỷ lệ nữ hiện tại của HLS là 50%). Martin phát hiện ra mình mắc một khối u tinh hoàn vào năm ba đại học, thời điểm mà các phương pháp điều trị ung thư còn rất sơ khai, hóa trị (chemotherapy) còn là một khái niệm xa lạ mà phổ biến là xạ trị (radiation). Do đó khi ông chuyển đến New York làm việc cho một hãng luật, RBG đã xin chuyển từ HLS sang trường luật Columbia để đồng hành gần bên chồng, điều khiến HLS rất nuối tiếc khi mất đi một sinh viên luật suất sắc. Sau khi tốt nghiệp trường luật Columbia, sự nghiệp ban đầu của RBG đứng trước ba lực cản từ danh tính bản thân: người Do Thái (sinh ở Brooklyn), phụ nữ, và thách thức hơn cả – một người mẹ. Phố Wall thập niên 50, 60 cũng chỉ mới bắt đầu chào mừng người Do Thái gia nhập lực lượng lao động. Các nhà tuyển dụng có thể châm chước tuyển dụng phụ nữ có năng lực nhưng một người mẹ chăm con nhỏ bận rộn khó có thể đáp ứng áp lực công việc khắc khe. Giáo sư luật Gerald Gunther tại trường Columbia giới thiệu bà đến làm thư ký cho thẩm phán Edmund Louis Palmieri. Quan ngại công việc bận rộn của tòa Quận Phía Nam New York (Southern District of New York) có lẽ không phù hợp với bà mẹ chăm con nhỏ, Palmieri ngần ngại tuyển RBG nhưng trước áp lực to lớn của Gunther (đe dọa không bao giờ giới thiệu sinh viên nào cho Palmieri nữa), ông đã châm chước. Phụ nữ trong thập niên 60 rất khó kiếm được công việc đầu tiên (trước đó RBG từng bị từ chối vị trí thư ký cho thẩm phán Felix Frankfurter vì lý do giới tính). Sandra Day O’Connor, nữ thẩm phán đầu tiên (1st jurist) trong bộ sậu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (do tổng thống Reagan bổ nhiệm), dù tốt nghiệp vị trí rất cao tại trường luật Stanford nhưng vẫn rất khó tìm được công việc (offer) đầu tiên. Bà chấp nhận tình nguyện làm việc không công bốn tháng cho một công tố viên (a county attorney) để chứng minh năng lực trước khi được trả lương (payroll).

Không thể nói sự thật nếu không có Ruth

Từ năm 1961 đến 1963, nhờ tham gia dự án nghiên cứu về Tố Tụng Quốc Tế (International Procedure) của trường Columbia, RBG đến Thụy Điển (cụ thể trường đại học Lund) – trải nghiệm tại quốc gia Bắc Âu đã thay đổi nhận thức của bà về bình đẳng giới (nơi phụ nữ chiếm 20 – 25% sinh viên luật), thôi thúc bà đấu tranh mở rộng quyền phụ nữ trong lòng Hoa Kỳ. Bà đồng sáng lập tạp chí Báo Cáo Luật về Quyền Phụ Nữ (Women’s Rights Law Reporter – tờ đầu tiên đề cập đến quyền phụ nữ) khi làm giáo sư tại trường luật Rutgers (1963-1972). Từ 1972-1980, RBG chuyển đến giảng dạy tại Columbia (người phụ nữ đầu tiên trong biên chế – tenured). Bà đồng sáng lập Dự Án Quyền Phụ Nữ vào năm 1972 tại Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (American Civil Liberties Union), nơi cho phép bà tiếp cận với hơn 300 vụ việc (cases) phân biệt đối xử về giới tính đến 1974. Là người điều hành của dự án, bà tranh tụng cho 6 vụ việc và dành chiến thắng năm vụ (từ 1973 đến 1976). RBG dần nổi tiếng vì vào đầu thập niên 70 để chuyển hóa tòa án đi theo hướng công nhận phụ nữ có quyền công dân ngang bằng với nam giới là cực kỳ thách thức. Chuyển đổi nhận thức giới tại Tòa Án Tối Cao bắt nguồn rất lớn từ Tổng thống thứ 29 – Warren G. Harding, người quan ngại nhánh tư pháp trông quá giống mình: toàn là những gã đàn ông da trắng. Sau đó Jimmy Carter (Tổng thống thứ 39) đã quyết tâm đưa thêm nhiều phụ nữ về hệ thống tư pháp (trước đó chỉ có 1 người nữ duy nhất), ông bổ nhiệm 25 nữ luật sư vào tòa án quận (District court judgeships) và 11 vào tòa phúc thẩm (court of appeals) – trong đó có RBG. Bà được bổ nhiệm ngồi vào ghế Tòa phúc thẩm Quận Columbia Circuit vào năm 1980 và giữ vị trí này trong 13 năm. Chuyển đổi nhận thức của các Tổng thống đã tạo nền cho bà sau nay bước chân vào Tòa Tối Cao, trở thành nữ thẩm phán thứ hai trong bộ sậu (sau O’Connor) – do tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm.

Tính đến thời điểm Rubenstein phỏng vấn, RBG đã có 26 năm làm việc cho Tòa Tối Cao, 39 năm phục vụ tư pháp liên bang – một người gần đất xa trời nhưng lại cực kỳ sắc sảo, hài hước và thâm hậu – tuổi tác không hề ảnh hưởng cách bà xử lý các câu hỏi. Khi được hỏi về sự phân cực chính trị trong tòa, giữa các thẩm phán do phe Dân Chủ và Cộng Hòa bổ nhiệm, RBG tếu táo – công chúng luôn quan tâm đến các bất đồng (disagreement) bởi nó thú vị hơn sự đồng thuận, mặc dù tỷ lệ phần thứ hai cao hơn nhiều. Bà lý giải sự phức tạp trong hoạt động của Tòa Tối Cao thông qua các công cụ: tranh biện (debate), tóm lược (briefing) và phần nhiều dựa trên sự viết lách (writing) – phân tích (hay nghiên cứu án lệ), điều này khiến việc phát trực tiếp các hoạt động tòa án lên truyền hình có thể gây ra hiểu lầm cho công chúng trong nhiều phán quyết (do họ thiếu hiểu biết sâu sắc về tiến trình tư pháp).

RBG cũng là người hâm mộ nhiệt thành bộ môn nghệ thuật opera, là khán giả VIP của thánh đường âm nhạc Met Opera đồng thời đặc biệt yêu thích hai tác phẩm opera đỉnh cao: Đám cưới Figaro và Don Giovanni với phần âm nhạc mê đắm của của Mozart (một thành viên Hội Tam Điểm) và lời sắc sảo do Lorenzo Da Ponte, một người Do Thái chuyển đạo sang Công Giáo La Mã, viết. Chính bản thân bà cũng từng tham gia một vai diễn “khách mời” trong vở “The Daughter of the Regiment” trong vai nữ bá tước Krakenthorp tại Nhà hát Opera Quốc Gia Washington (Washington National Opera) và là nguồn cảm hứng cho Derrick Wang, nhà soạn nhạc trẻ (đồng thời cũng là luật sư) viết nên vở opera “hài hước” Scalia/Ginsberg mô tả đấu tranh nội tâm và mối quan hệ giữa hai thẩm phán Tối Cao Scalia và RBG – nguồn minh triết “tư pháp” trở thành cảm hứng cho nghệ thuật. Nhờ vở opera của Wang và thương hiệu “Notorious RBG” do Shana Knizhnik – cô sinh viên năm hai tại trường luật NYU (Trường Luật – Đại học New York) tạo ra mà hình ảnh của RBG dần trở nên cực kỳ nổi tiếng. Rebenstein kết thúc bài phỏng vấn bằng câu hỏi: “Theo bà, mối đe dọa lớn nhất đến nền dân chủ chúng ta là gì”. RBG chia sẻ: “Đó là khi công chúng không còn quan tâm bảo vệ các quyền mà họ đang có. Trong bài phát biểu truyền cảm hứng của thẩm phán Learned Hand về Tinh Thần Tự Do năm 1944, ông nói – Tự do nằm trong tim của mỗi công dân; khi nó chết đi, chúng ta sẽ không còn hiến pháp, không còn luật lệ và không còn tòa án. Tôi đặt niềm tin vào sự lan tỏa tinh thần trên trong lòng nước Mỹ.” RBG gửi niềm hy vọng đến tương lai, cụ thể cháu của bà – một luật sư đang tiếp bước hành trình của người bà vĩ đại.

Vở opera “hài hước” Scalia/Ginsberg

RIP RBG

Bài phỏng vấn của David Rubenstein với RBG, rất đang xem: