Sự bất khoan dung

Sự bất khoan dung

[Chia sẻ] Dưới đây là bài phát biểu rất xúc động của François Reyes (19 tuổi) tại hội nghị One Young World Summit 2015 ở Bangkok, Thái Lan mà mình may mắn có cơ hội tham dự. Francois là giám đốc của Réveil Citoyen, một think tank, được xây dựng để kiến tạo sự thấu hiểu giữa các cộng đồng trong lòng nước Pháp sau các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào tòa soạn Charlie Hebdo và làn sóng bạo lực trả đũa người Hồi Giáo ở Pháp. Mình chia sẻ lại bài lược dịch của “Dịch thuật tự do”

CHÚNG TÔI SẼ CHỐNG LẠI SỰ BẤT KHOAN DUNG MỘT CÁCH ÔN HÒA VÀ KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC

François Reyes

Tôi đã chuẩn bị cho bài phát biểu này hàng nhiều tuần lễ. Cố gắng giải thích cho mọi người hiểu lý do cho công việc tôi đang theo đuổi với hy vọng rằng mọi người có thể chung tay với tổ chức của tôi để chống lại sự bất khoan dung, chống lại bạo lực lạnh lùng, chống lại chủ nghĩa khủng bố, chống lại xung đột.

Nhưng vào cái ngày 13 tháng 11 đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi, như bất kỳ ai chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố. Tôi hy vọng rằng không một ai phải đi qua trải nghiệm tương tự. Đó là trải nghiệm mà khi bạn đặt chân lên máy bay cho một hành trình tưởng rằng là điểm sáng của đời bạn; và khi bạn đến nơi, mở điện thoại lên thì đọc thấy hàng vạn tin nhắn. Từng phút một, ta chợt nhận ra điều gì đã xảy ra.

Dõi theo số lượng người chết cứ tăng lên, bạn không khỏi ích kỷ thầm mong rằng trong số các nạn nhân không có ai mà bạn yêu quý. Nhưng rồi chuyện gì đến nó đến, bạn nhận ra rằng có những người thật sự tuyệt vời với bạn nhưng bạn không còn cơ hội gặp lại họ nữa.

Bị sát hại bởi những tên đốn mạt nhân danh thứ mà chúng tin là tôn giáo, 129 con người, là những người anh người chị, người cha người mẹ, người yêu, đã thiệt mạng dưới làn đạn của sự man rợ.

Trong những giờ phút như vậy, là người Pháp hay không không còn là quan trọng nữa. Tất cả đều là con người với nhau cả. Tất cả chúng đều biết một, hai nạn nhân: đó là anh, và tôi. Bởi vì chúng ta đều đã là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố. Bất kể anh ở Pháp, hay anh ở bất kỳ đâu trên địa cầu.

Cuộc sống thật mong manh. Nó là tất cả. Những nạn nhân đó chỉ đơn giản đang tận hưởng cuộc sống. Họ đang say sưa tại một quán bar, thổi nến mừng sinh nhật trong một nhà hàng, đong đưa theo một buổi hòa nhạc, cổ vũ cho một đội bóng… Đơn giản, họ đang sống.

Đây là lần thứ hai nước Pháp bị tấn công trong năm nay. Có vẻ như cơn ác mộng vẫn chưa chấm dứt. Nhưng không… chúng tôi sẽ không bỏ cuộc. Tin tôi đi, chúng tôi sẽ KHÔNG bỏ cuộc.

Với nhiều người, là người Pháp thì nghe có vẻ trịch thượng. Thậm chí là hơi sến súa… Nhưng người Pháp không phải là những tên hèn nhát. Không một ai trong chúng ta ngồi đây là những tên hèn nhát. Nhưng bọn chúng thì lại là những kẻ hèn nhát. Những tên ác thú đã gây ra tội ác kinh tởm kia.

Vì thế, giờ đây là thời khắc mà xã hội dân sự chúng ta phải chiến đấu mạnh mẽ hơn.

Sau cuộc tấn công đầu tiên vào tháng Một, ta chứng kiến làn sóng bạo lực nhắm vào cộng đồng người đạo Hồi sống tại Pháp. Chỉ trong một tháng, hơn 150 vụ bạo lực đã được thực hiện nhắm vào những người đạo Hồi, bao gồm từ hành hung đến phóng hỏa các đền thờ tự Hồi Giáo. Con số này nhiều hơn những gì chúng ta đã trải qua vào cả năm 2014. Tôi sợ rằng những điều đó sẽ lại diễn ra, và thực tế nó đã bắt đầu từ khi một thanh niên Hồi Giáo bị hành hung.

Sau những cuộc tấn công vào tháng Một, tôi cùng những đồng sự tuyệt vời của tôi đã cho ra đời một tổ chức nghiên cứu tại Pháp có tên là Réveil Citoyen. Cái tên này có nghĩa là “Quốc Dân Tỉnh Thức”. Mục đích của chúng tôi là ngăn chặn những vụ tấn công phi bao dung khác. Bất cứ tầng lớp nào trong xã hội cũng xứng đáng có cơ hội được tranh luận về những vấn đề quan trọng, về những tai ương mà đất nước đang đối mặt, dù là gì đi chăng nữa.

Ý tưởng của chúng tôi là nhằm xây dựng sự thấu hiểu. Bởi vì chúng tôi tin rằng chính từ sự không hiểu rõ những người trước mặt chúng ta, hay không hiểu rõ những người ta đang trò chuyện, chính là căn nguyên dẫn đến xung đột. Là căn nguyên hủy diệt sự đoàn kết như một dân tộc của chúng ta.

Trong buổi tranh biện đầu tiên của chúng tôi về chủ nghĩa thế tục có sự xuất hiện của một đảng viên trẻ tuổi của Mặt Trận Dân Tộc. Ý đồ của anh ta chỉ có một, đó là gieo vào cộng đồng sự căm ghét với người ngoại quốc, đặc biệt là cộng đồng Hồi Giáo, những người cũng có mặt tại buổi tranh biện. Trong suốt hai tiếng đồng hồ, những cử tọa Hồi Giáo ngồi lắng nghe anh ta nói, một cách bình thản, bất chấp những gì anh nói không lấy gì đẹp đẽ cho lắm. Tôi bị ấn tượng bởi sự bình tĩnh đó. Vài ngày sau, một trong những cử tọa Hồi Giáo quyết định dẫn anh ta đến đền thờ Hồi Giáo. Ở đó, họ tranh luận, trao đổi, dù rằng chẳng có ai tổ chức những cuộc tranh luận đó một cách chính thức cả. Sau đó, người đảng viên gọi cho tôi và nói rằng hóa ra Hồi Giáo không tệ như những gì truyền thông đang mô tả họ. Anh ta đã trở nên khoan dung hơn. Ngay chính thời điểm đó, tôi biết rằng kể cả khi Reveil Citoyen có phải đóng cửa ngày mai thì chúng ta cũng hài lòng vì đã đạt một thành tựu gì đó. Thành tựu đó, bạn chẳng thể đong đếm được.

Sẽ thật đáng xấu hổ nếu chúng ta lãng quên những ý tưởng mà mọi người đã nghĩ ra. Chúng tôi tập hợp những đề xuất và biến chúng thành các tập tài liệu, và được gửi đến cho tất cả mọi chính khách của đất nước này, khoảng 1000 người. Nhiều người trong số họ trả lời thư của chúng tôi, và thậm chí Tổng thống cũng ngợi khen ý tưởng của chúng tôi. Tôi tin tưởng rằng sau tất cả những gì chúng ta trải qua thì ý tưởng của Dân Tộc chính là động lực cho mọi người.

Đến cuối năm 2016, Reveil Citoyen sẽ có mặt ở 20 thành phố khắp nước Pháp. Chúng tôi đang bắt đầu một trong những phong trào có sức nặng nhất để trao quyền cho xã hội dân sự, với mục tiêu hàn gắn đất nước này. Chúng tôi tin vào khả năng xây dựng một xã hội khoan dung hơn, và lan tỏa giá trị hòa bình giữa các cộng đồng để làm cho nước Pháp và thế giới này tươi đẹp hơn.

Tôi phải thú nhận bản thân cảm thấy có lỗi. Có lỗi vì tôi ở đây, với các bạn, nhìn đất nước của mình đang bị phong tỏa và tan rã. Có lỗi vì phải ở đây và nhìn đám tang của đồng bào tôi qua truyền hình. Vậy mà tôi phải ở đây và chỉ có thể sử dụng ngôn từ. Nhưng nhờ vào gia đình và bạn bè tôi, những người tôi yêu quý, và đặc biệt là nhờ vào các bạn, mà tôi có thể thấy rằng ngôn từ có sức mạnh của nó. Bọn khủng bố có súng và có bom, còn chúng ta sử dụng ngôn từ và hành động. Chúng ta đọc, học hỏi, và chống lại những ý tưởng đối nghịch một cách ôn hòa. Và dù rằng tôi ước bản thân mình đang ở quê nhà để cùng thương khóc cho những người bạn của mình, thì riêng việc có mặt ở đây cũng đã hồi sinh niềm tin và hy vọng vào việc con người có thể vượt qua được sự bất khoan dung. Tôi sẽ quay về quê hương mình và nói với mọi người rằng chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại sự bất khoan dung. Chúng ta sẽ chống lại nó một cách ôn hòa và không bao giờ bỏ cuộc.

Tôi muốn các bạn, những lãnh đạo trẻ tuổi, khát khao, và ham học hỏi, hãy trở về đất nước các bạn và sử dụng mô hình của tổ chức chúng tôi để gây dựng nội lực cho từng công dân, không phân biệt xuất thân, địa vị, hay niềm tin. Để tất cả cùng chung tay hàn gắn xã hội mà ta đang sống.

Link bài gốc:

http://www.huffingtonpost.co.uk/francois-reyes/one-young-world_b_8636698.html?1448368355