Sự hồi sinh của tiếng Hebrew

Sự hồi sinh của tiếng Hebrew

Ben-Zion (hay Itamar Ben-Avi), ngay từ lúc sinh ra, đã được cha mình Eliezer Ben-Yehuda đưa vào một thử nghiệm xã hội rộng lớn. Cậu bé lớn lên trong một môi trường tràn ngập tiếng Hebrew “nguyên thủy”, vốn được người Do Thái sử dụng phổ biến thời chúa Jesus cách đó gần 1900 năm. Eliezer hạn chế con mình tiếp xúc với bạn bè xung quanh nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của các ngôn ngữ ngoại lai khác đến nhận thức của cậu bé (thậm chí mẹ cậu còn bị mắng vì ru con bằng một ca khúc Nga) – nhờ vậy Ben-Zion trở thành người bản địa (sinh ra ở vùng đất Israel) nói tiếng Hebrew hay tiếng Do Thái đầu tiên trong thời hiện đại (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỉ 20). Ông trở thành biểu tượng của sự hồi sinh ngôn ngữ nói Hebrew (hiện đang được 9 triệu người Do Thái sử dụng), nhân tố góp phần rất quan trọng trong quá trình phục quốc Do Thái (Zionism) cùng sự ra đời nhà nước Israel hiện đại, một quốc gia hình thành sau Việt Nam một năm (1946 bởi cha già lập quốc David Ben-Gurion) mà mãi tới năm 1959 mới chính thức có bộ từ điển Hebrew đầu tiên.

Eliezer Ben-Yehuda

Khi đế chế La Mã đánh phá đền thờ thứ hai của sắc dân này vào năm 70, đẩy họ tứ tán khắp thế giới, Hebrew như một ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày dần dần bị khai tử. Những người bản địa nói tiếng Hebrew còn sót lại ở Israel, sau đó vài chục năm (135) cũng bị Hoàng đế La Mã Hadrian tiến hành trục xuất, giết bỏ hay ép làm nô lệ sau thất bại của cuộc nổi loạn Bar Kokhba. Hebrew khi đó chỉ còn là một ngôn ngữ kinh viện, dùng trong viết lách hay nghiên cứu kinh Torah (người Do Thái duy trì ngôn ngữ viết này như một sự chống đối về mặt tinh thần với kẻ áp bức La Mã). Thành tựu của Eliezer và Ben-Zion đã nối tiếp nỗ lực của nhiều học giả (rabbi) Do Thái xuyên suốt chiều dài hai nghìn năm lịch sử của nhân loại nhằm duy trì sức sống của một ngôn ngữ cổ xưa trong lòng một thế giới biến động phức tạp (và giữa các thế lực thù ghét Do Thái) cùng sự xâm lấn văn hóa đi kèm ảnh hưởng của các ngôn ngữ khác (như việc Talmud, nền tảng luật Do Thái hình thành ở thế kỷ thứ 6, được viết bằng ngôn ngữ Aramaic chứ không phải Hebrew).

Sứ mệnh đưa ngôn ngữ cổ xưa linh thiêng này vào trong đời sống hàng ngày được thúc đẩy mạnh hơn bởi sự sục sôi học thuật của kỷ nguyên khai sáng châu Âu (The Age of Enlightenment), nơi phong trào nghiên cứu ngôn ngữ diễn ra mạnh mẽ với sự tham gia nghiên cứu của nhiều học giả Công Giáo, họ xem Hebrew cũng giống như ngôn ngữ Latin là cây cầu dẫn về cội nguồn của minh triết nhân loại. Hai người sáng lập nước Mỹ cực kỳ thông thạo tiếng Hebrew là James Madision và Alexander Hamilton (mà mình từng nhắc đến trong note về vở nhạc kịch cùng tên – Bộ trưởng Tài Chính đầu tiên của Mỹ, người được đào tạo ở trường Do Thái khi còn nhỏ).

Nhiều trường trong hệ thống Ivy League của Mỹ hình thành trong giai đoạn này đã đưa cả hai thứ tiếng này lên logo biểu tượng của trường. Tiếng Hebrew dần được đưa vào cuộc sống thường ngày ở châu Âu qua phong trào Khai sáng Do Thái (Jewish Enlightment) hay Haskalah (nổi tiếng gắn với triết gia Moses Mendelssohn, thuộc gia tộc ngân hàng nổi tiếng ở Đức mà nhà soạn nhạc nổi tiếng Felix Mendelssohn là thành viên).

Bức tường than khóc ở Jerusalem

Tuy nhiên mãi đến thế kỷ 19, việc xem xét đưa Hebrew thành ngôn ngữ nói hàng ngày mới trở thành đề tài bàn tán sôi nổi giữa các nhà Zinonist (những người ủng hộ phong trào phục Quốc Do Thái), họ xem đây là cách duy nhất để trở về với cội nguồn Do Thái cổ đại. Trong giai đoạn này, tiếng Hebrew cổ phải cạnh tranh với một ngôn ngữ khác là Yiddish (nôm na Hebrew pha với tiếng Đức) được người Do Thái sử dụng phổ biến ở châu Âu – nhiều người không mặn mà lắm với việc quay về ngôn ngữ cổ đại (tương tự như việc kêu người Anh nói ngôn ngữ kịch Shakespears trong đời sống hàng ngày). Các phong trào Do Thái chính thống (Orthodox Jews hay Hasidim) thì cho rằng Hebrew chỉ nên sử dụng cho mục đích “thánh linh” tại Giáo đường Do Thái (holy).

Tuy nhiên Eliezer cùng một số nhà lãnh đạo phong trào Phục Quốc, tin rằng tương lai của quốc gia trong mộng tưởng của họ, đòi hỏi không chỉ đất đai mà còn cả ngôn ngữ (thứ gắn với văn hóa, đồng thời là công cụ để kết nối người Do Thái toàn cầu). Do đó, Eliezer đã biến ngôi nhà của mình thành một nơi nói tiếng Hebrew cổ đại nghiêm ngặt sau gần 2000 năm lịch sử của người Do Thái mà Ben-Zion chính là sản phẩm. Nỗ lực của Eliezer, và sau này Ben-Zion tiếp nối, đã dẫn đến việc hình thành các trường dạy ngôn ngữ Hebrew đầu tiên (1899), nơi ngôn ngữ này được dùng để dạy nhiều môn học khác nhau, trở thành cây cầu dẫn dắt tri thức cho nhiều thế hệ người Do Thái sinh ra ở Israel sau này. Năm 1890, Ben-Yehuda giúp hình thành Hội đồng Ngôn Ngữ Israel (Language Council), tổ chức còn tồn tại đến ngày hôm nay với tên gọi mới The Academy of The Hebrew Language – nơi tạo ra các bộ từ điển Hebrew.

Hebrew dần trở thành một công cụ chính trị cho phong trào Phục Quốc Zionism, được nước Anh công nhận là ngôn ngữ của người Do Thái trong vùng đất Palestine và sau này là ngôn ngữ chính thức của tân quốc gia Israel. Người Do Thái hiện đại có thể đọc hiểu những trang sách mà cha ông họ viết cách đó 2000 năm mà không quá chật vật như người Anh lần về các tác phẩm Trung Cổ.

Tất nhiên, nỗ lực trên không chỉ từ gia đình Eliezer, phong trào Hebrew cần một người anh hùng tiêu biểu (tương tự như Alexandre de Rhodes, người tạo ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam) và gia đình ông đã được chọn. Cecil Roth, một sử gia Do Thái nhận xét: “Trước khi có Ben-Yehuda, người Do Thái có thể (could) nói tiếng Hebrew; nhưng nhờ ông, họ mới thực sự làm điều đó (did)”.