Suy tư ngày 4 tháng 7
Ray Dalio, bố già của quỹ Bridgewater Assosicate, một trong những hãng đầu cơ lớn nhất thế giới đã dành một số suy tư rất thú vị cho ngày lập quốc của Hoa Kỳ. Ông phân tích câu chữ trong Bảng tuyên ngôn Độc Lập để soi rọi lại các nguyên tắc giúp kết nối quốc gia, bản chất “quyền lực” cùng các mâu thuẫn nội tại của Hoa Kỳ. Mình đã lược dịch bài viết dưới đây, rất đáng đọc:
Hôm nay là ngày 4 tháng 7, thời điểm mà tôi không thể không viết đôi dòng suy tư về năm 1776 (năm lập quốc của Hoa Kỳ) và những nguyên tắc nền tảng giúp người xưa làm nên cuộc cách mạng chống lại hệ thống từng quản trị họ. Những suy tư này dẫn dắt tôi quan sát các hệ thống chính phủ theo thời gian, nó nhắc nhở tôi rằng không có một hệ thống chính phủ nào có thể tồn tại mãi mãi. Chúng ta không nên đi theo xu hướng xem sự tồn tại mãi mãi của hệ thống với tuổi đời gần 250 năm này là hiển nhiên mà nên sử dụng các bài học lịch sử để lý giải tại sao các hệ thống chính quyền, đặc biệt dân chủ, lại thất bại.
Quan sát lịch sử nhắc nhở tôi rằng đại đa số các hệ thống chính quyền thất bại thường từ những mâu thuẫn tồi tệ hơn là các nguyên cớ kinh tế, thứ gây ra sự hỗn loạn to lớn mà trong đó luật lệ bị coi thường, quyền lực “thô sơ” lên ngôi và các cuộc đấu tranh cách mạng diễn ra. Plato có một suy tư thú vị về cách mà một hình thức chính quyền chuyển hóa thành một hình thức khác, lặp đi lặp lại. Có rất nhiều ví dụ mà ta có thể quan sát, những tôi sẽ chia sẻ vào thời điểm khác.
Điều chính yếu tôi muốn làm qua bài viết này là truyền cho các bạn một số nguyên tắc ngôn từ mạnh mẽ mà những người “nổi loạn” góp phần tạo ra nền dân chủ của chúng ta đã viết để giải thích những gì dẫn dắt họ hành động. Đây là nguyên văn: “Chúng ta cần chân nhận một sự thật hiển nhiên rằng mọi người đều được tạo ra bình đẳng, Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền mà không ai có thể xâm phạm, một trong số đó là quyền được Sống, được Tự Do và mưu cầu Hạnh Phúc.”
Những người kí kết Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đã đặt “ý tứ” trên vào một ngôn ngữ hiện đại hơn rằng tất cả mọi người nên có quyền được sống, được tự do (thoát khỏi sự kiểm soát) và mưu cầu hạnh phúc công bằng, dĩ nhiên thời điểm đó họ không có ý bao hàm cả đàn ông và phụ nữ trong đó. Họ chia sẻ:
“Để bảo vệ các quyền trên, chính phủ được trao quyền lực chính đáng dựa trên sự đồng thuận. Và khi hình thái chính quyền nào đó hủy hoại các mục tiêu tối hậu trên, nhân dân có quyền chuyển đổi hoặc loại bỏ nó đi để tạo ra một chính quyền mới dựa trên những nguyên tắc nền tảng và hình thái quyền lực đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc cho họ”
Cha ông chúng ta đã chia sẻ một khi nhân dân xem chính quyền có tính hủy diệt các thành quả quan trọng thì họ sẽ chuyển đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và tạo ra một hệ thống mới mà trong đó họ có thể đặt vào các nguyên tắc và quyền lực liên quan. Tiếp nối sau đó là một ý khác:
“Sự thận trọng, hàm ý một điều rằng chính quyền đã được thiết lập qua một thời gian dài thì không nên bị thay đổi chỉ vì những nguyên cớ đơn giản, nhất thời. Kinh nghiệm cho thấy, khi những điều xấu xa còn trong chừng mực chịu đựng thì nhân loại sẽ chọn cam chịu hơn là dấn thân loại bỏ những thể chế mà họ đã quen thuộc.”
Nói cách khác, chính phủ không thể bị thay thể chỉ bởi những lý do nông cạn, nhất thời.
“Nhưng khi một chuỗi các hành vi lạm quyền và chiếm đoạt thể hiện việc theo đuổi một mục tiêu không thể khác đi là thiết kế một hệ thống nhằm áp chế áp nhân dân dưới ách chuyên quyền độc đoán, thì họ có quyền và có bổn phận phải lật đổ chính quyền đó và bổ nhiệm những người gác đền mới hướng tới sự an toàn trong tương lai”
Cha ông chúng ta tin rằng khi mà sự áp chế duy trì một thời gian nó sẽ tạo ra các nhà lãnh đạo chuyên chế. Nhân dân khi đó sẽ có quyền làm cách mạng. Cuối cùng những người kí kết văn kiện này đã thống nhất trong tinh thần “cách mạng”:
“Vững tin vào sự bảo hộ thiêng liêng của Thượng Đế, chúng ta nguyện cùng hiến dâng tính mạng, tài sản và danh dự thiêng liêng của mình để bảo đảm cho bản tuyên ngôn này.”
Sau cùng, nhu cầu cấp bách đòi hỏi các “cha già lập quốc” phải tìm ra các nguyên tắc hợp nhất cùng những nguyên tắc chia rẽ họ và làm thế nào để vượt qua những nhân tố chia rẽ để tạo ra một hệ thống chính quyền mà đại đa số họ xem là công bằng và nhân dân có thể dựa vào. Họ đã làm điều này nhiều năm sau đó qua nhiều cuộc họp để cho ra đời Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Các Điều Khoản Hợp Bang và Hiến Pháp. Họ là những người có tính thực tiễn và nguyên tắc phi thường.
Sự tôn trọng dành cho các nguyên tắc và luật lệ thay vì quyền lực đã giúp họ gắn kết với nhau và giúp cho cả quốc gia đứng vững xuyên suốt hai thế kỉ cho tới hôm nay. Sự trung thành với luật lệ liên tục được thể hiện theo những cách ấn tượng đến mức chúng ta xem là điều hiển nhiên. Ví dụ như khi có một cuộc bầu cử tổng thống và một ứng cử viên dành thắng lợi ở lá phiếu phổ thông và một ứng cứ viên khác dành thắng lợi ở lá phiếu “đại cử tri”, không ai đấu tranh hay bàn cãi và chỉ có một ít băn khoăn rằng liệu chúng ta có nên đi theo những luật lệ trên. Sự tôn trọng liên tục các nguyên tắc và luật lệ mà mọi người tin tưởng là công bằng thì có một sức mạnh khủng khiếp – thậm chí lớn hơn cả “quyền lực thô sơ” (raw power).
Những suy tư trên thúc dục tôi nhìn lại tầm quan trọng của việc loài người cùng tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau (trong một quốc gia, trong một bang, trong một công ty, trong một câu lạc bộ) nơi các nguyên tắc đã được thiết lập và thể hiện rõ ràng giúp tạo ra sự kết nối, luật lệ nhất quán với nguyên tắc (bao gồm cả những luật lệ dành cho sự bất đồng) cùng sự tin tưởng vào tính công bằng.
Quan sát những gì đang diễn ra hôm nay, tôi nhận thấy một mâu thuẫn lớn lao khác thường cùng một lúc diễn ra ngay chính bên trong đất nước của chúng ta và với các nước khác. Đó là những bất đồng về các nguyên tắc giúp chúng ta cùng tồn tại với nhau và về những luật lệ giúp hóa giải chúng theo cách “công bằng và đồng thuận “. Kết quả cuối cùng là sự gia tăng sử dụng “quyền lực” để giải quyết các bất đồng.
Ngày 4 tháng 7 này đã thôi thúc tôi tưởng tượng về việc tổ chức những cuộc gặp gỡ tương tự như những gì đã diễn ra vài thế kỉ trước nhằm tạo ra Tuyên ngôn Độc Lập, Tuyên Ngôn Nhân Quyền, Các Điều Khoản Hợp Bang và Hiến Pháp để khám phá ra các nguyên tắc kết nối chúng ta với nhau và làm thế nào để có thể vượt qua các “nhân tố chia rẽ” một cách hòa bình. Trong những cuộc gặp gỡ đó, tôi muốn khám phá các hệ thống trông có vẻ bất công với đại đa số mọi người – và nhân dân trong hệ thống đang phải tìm cách cải thiện để nó nhất quán hơn với nguyên tắc đa số và sự cảm nhận công bằng trước khi chuyển hóa thành một hình thái cách mạng nguy hiểm nào đó.
Dĩ nhiên, đó chỉ là những tưởng tượng thuần túy lý thuyết mà tôi sẽ để qua một bên để tận hưởng màn trình diễn pháo hoa cùng thịt nướng ngoài trời.