Tâm hồn và nghịch cảnh
Cặp đôi Jody và Ira rất phấn khích khi biết mình sẽ có thêm một cặp con trai sinh đôi nhưng niềm vui này không kéo dài. Sau 14 tuần mang thai, Jody trở dạ và bi kịch ập đến sau đó ba ngày. Đứa bé sinh đôi nhỏ con hơn, Ryan, bỗng nhiên bị ngưng tim (cardiac arrest) và các bác sĩ hầu như không thể làm gì để cứu cậu bé. Ryan qua đời ngay sau đó và chỉ sống vỏn vẹn 4 ngày trên cõi đời này. Dù vẫn giữ được đứa bé sinh đôi còn lại Spencer và còn một cô con gái khác (Harley), không có gì khó hiểu, cặp đôi trên chìm đắm trong đau khổ và gần như không thể tìm thấy lối thoát. Và điều này càng nặng nề hơn với trái tim mong manh của người mẹ Jody – khi chứng kiến khúc ruột của mình dần dần lìa xa khỏi trái đất này.
Đây là một ví dụ mà Opraj Windrey đã chia sẻ lại trong bài phỏng vấn người thầy tinh thần của mình Gary Zukav tại đại học UCLA năm 2017 – khiến ông cũng như nhiều khán giả khác xúc động rơi nước mắt. 17 năm trước đó, Gary cũng đã tham gia Oprah Windrey Show (2000) để giới thiệu tới công chúng khái niệm Nhận thức đa chiều của cảm quan (Multi-Sensory Perception) cùng những chia sẻ về góc nhìn tâm hồn (the perspective of the Soul). Qua đó, ông đã giúp cho cặp Jody-Ira tìm lại sức mạnh và niềm vui sống của mình. Phần dưới đây mình sẽ chia sẻ lại một số ý chính trong bài chia sẻ đầy tính suy nghiệm của Gary.
Có hai góc nhìn về một con người: Góc nhìn chuyên biệt – mang tính cá nhân (personality/tính cách) và góc nhìn rộng lớn hơn – tâm hồn (soul), nó bao hàm sự tương tác giữa các cá nhân hay các tính cách khác biệt – điều khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên có ý nghĩa. Khi được Tạo hóa lựa chọn, mỗi một tâm hồn sẽ bước xuống trái đất này một cách kì diệu. Và khi tính cách hay tâm hồn đó rời bỏ trái đất thì một lần nữa cũng hoàn toàn là do sự lựa chọn của Tạo hóa.
Nếu bạn chỉ nhìn vào Ryan như là một tính cách hay con người (personality) chỉ sống một vài ngày, phải đối diện với tình cảnh hiểm nghèo và sau đó qua đời – đó là lúc mà bạn nhìn thế giới theo quan điểm mang tính cá nhân (the perspective of personality) – nhưng nếu bạn nhìn Ryan dưới góc nhìn của tâm hồn – giống như các bạn hay tôi, Ira và Oprah – như nhiều người khác trên thế giới này mà đến một lúc nào đó đều phải rời khỏi trái đất này khi được mời gọi – đó là lúc mà bạn có một góc nhìn khác – bạn sẽ nhìn thấy món quà mà tâm hồn đó mang đến cho bạn chỉ trong một vài ngày ngắn ngủi trên Trái Đất này – bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì tâm hồn đó đã chọn để đến bên bạn bằng sự yêu thương. Nếu không làm như vậy bạn sẽ để cuộc đời bạn chìm đắm trong suy nghĩ giận hờn về bi kịch trên dù năm tháng dần trôi, khi bạn nhìn những đứa con khác dần lớn lên, bạn sẽ trăn trở:” Lẽ ra Ryan phải ở đây”, khi đứa con đó tốt nghiệp bạn lại tiếp tục “Ryan lẽ ra cũng đã tốt nghiệp” – và khi con bạn tìm được người bạn đời, bạn lại băn khoăn “Ryan có lẽ cũng phải kết hôn rồi”. Xuyên suốt những năm tháng nhọc nhằn đó bạn sẽ tạo ra một gánh nặng to lớn đè lên vai những đứa con khác bởi vì cho dù anh ta có thành công như thế nào – anh ta cũng luôn chạm đến nỗi đau sâu thẳm trong lòng mẹ mình.
Nếu như bạn nhìn vào Ryan như một tâm hồn, một tâm hồn tuyệt vời như tất cả các bạn, một người đã tình nguyện tham gia vào trường học trái đất này và sau đó tình nguyện rời đi với mục đích duy nhất để được ở bên bạn và trao cho bạn món quà yêu thương. Bạn sẽ bắt đầu một chu trình thấu hiểu, trân trọng và biết ơn sức mạnh của tương tác mà bạn đã có với tâm hồn đó – và bạn sẽ có khả năng để nhận lãnh món quà mà tâm hồn đó đến Trái đất để trao cho bạn, cho Ira, và cho những người anh em của Ryan. Và nếu bạn không thể, bạn sẽ quay lưng với những món quà đó – bạn sẽ từ chối sự cảm thông và sự thông thái mà tâm hồn đó đem đến cho bạn.
Vậy Tâm hồn là gì? Tâm hồn không gì khác chính là bản thân bạn, chẳng phải là một thực thể gì bí ẩn. Tâm hồn là một cảm giác (essense) đầy sức mạnh và đầy tính mục đích. Nó nằm ở trung tâm của việc định vị bạn là con người như thế nào. Nhưng bạn không phải là tất cả của tâm hồn bạn, tâm hồn thì rộng lớn hơn rất nhiều, nó còn tồn tại trước cả khi bạn được sinh ra và sẽ tiếp tục tồn tại sau khi bạn qua đời. Hãy hình dung về một cấu trúc mang tính tâm lý (Psychological Structure) – một tính cách hay cá nhân (personality) – sẽ luôn học hỏi, có cảm xúc, có nhận thức và trực giác – nhưng những thứ này trước sau gì cũng chết, còn tâm hồn thì không như vậy.
Có một diễn giải khá thú vị về tâm hồn (Analogy). Mỗi một đoàn tàu đi trên biển luôn có một con tàu mẹ (mother ship) dẫn đường – một con tàu lớn luôn dõi theo các tàu con của mình xem chúng đang đi đâu và sẽ thiết lập những chỉ dẫn cùng hướng đi đúng cho cả tập thể. Điều này không có nghĩa là tàu mẹ sẽ biết được điều gì sẽ xảy ra với từng đứa con của mình. Sẽ có những cuộc đời trên tàu con rất sung sướng/dễ dàng nhưng cũng sẽ có những nơi gặp khó khăn/bi kịch. Hãy hình dung một con tàu mẹ lớn nhất, kiểu như một thành phố nổi huy hoàng và phần còn lại của bức tranh là những con tàu con – có thể không hẳn là những con tàu, mà chỉ là những chiếc thuyền tí hon- tàu mẹ chính là tâm hồn của bạn và bạn chính là một trong những con thuyền bé nhỏ đó. Tàu mẹ sẽ biết tại sao bạn đang đi trên mặt nước – thứ mà không phải lúc nào bạn cũng để ý. Tàu mẹ sẽ biết tại sao bạn lại đối diện với những cơn bão. Khi đó công việc của bạn – hay đặc quyền của một con thuyền nhỏ – là học cách để giong buồm theo cùng một hướng với tàu mẹ. Ghi nhớ rằng bạn có thể lựa chọn và tạo ra bất cứ điều gì mà bạn muốn. Bạn hoàn toàn có thể giong buồm theo hướng ngược lại, nhưng điều này chắc chắn sẽ dẫn bạn đến vùng nước nguy hiểm. Còn khi bạn đi cùng hướng với tàu mẹ, cuộc sống của bạn sẽ tràn ngập mục đích và tình yêu. Bạn sẽ thấy cực kỳ hưng phấn vì được sống, vui mừng với những người xung quanh bạn và hạnh phúc với những gì bạn làm. Tàu mẹ (Soul) chính là chữ Y bự và tính cách (personality) là chữ y nhỏ trong chữ “you” hay chính bản thân bạn.
Hãy hình dung tâm hồn (soul) bạn chứa đựng trong đó nhiều tính cách (personalities). Bạn là một trong số những tính cách đó và bạn đang ở trong trường học trái đất – một khoảng không vật lý nơi tính cách của bạn sinh ra và sau đó chết đi – bạn là một cơ thể tồn tại trong thế giới vật lý được nhận thức bằng năm giác quan. Cần nhớ, suy nghĩ của bạn có thể được mở rộng ra không giới hạn và chúng ta sẽ phát triển để trở thành các cá nhân có khả năng nhận thức đa cảm quan (multi-sensory). Những gì chúng ta quan sát thấy và các sự kiện xảy đến với chúng ta chính là những trải nghiệm để học hỏi. Và nó không phản ánh tất cả các khía cạnh của vũ trụ này. Khi phát triển khả năng đa cảm quan (multi-sensory) chúng ta sẽ vượt qua giới hạn của năm giác quan cơ bản trong nhận biết về thế giới – chúng ta bắt đầu nhận thức về thế giới không chỉ là những cơ thể và những trí não. Đó là khi chúng ta cảm nhận những tâm hồn, một cái gì đó lớn hơn nữa – không phải đến một cách ngẫu nhiên, kiểu như may mắn hay xui xẻo (good or bad luck) – một trạng thái mà bạn nhận ra nhiều tầng ý nghĩa của sự tồn tại và sự tương tác của bạn với những người xung quanh là hoàn toàn có mục đích ngầm ẩn của tạo hóa, là những cơ hội để bạn phát triển về mặt tinh thần đồng thời tiếp cận những lựa chọn thông thái. Do đó cho dù bất kì điều gì xảy ra với bạn (sự giận dữ hay khổ đau) – nó hoàn toàn đem đến cơ hội để bạn phát triển bản thân ở một mức cao hơn – một sự tiến hóa của bản thân (Personal Evolution).
Nhưng tại sao việc đi theo tàu mẹ không bao giờ là một công việc dễ dàng – câu trả lời nằm ở nỗi sợ (fear). Trong quá trình phát triển bản thân, sẽ có lúc tính cách của bạn dẫn bạn đến một nơi mà bạn không thích (chữ y nhỏ của bạn ngờ vực). Có những lúc bạn cho rằng những thứ xảy đến với bạn là hoàn hảo (tích cực) nhưng cũng có khi nó rất khủng khiếp, mang tính hủy diệt (disruptive) hoặc cực kỳ khó khăn. Đó là vì một phần trong tính cách hay con người của bạn sợ hãi. Nó dẫn bạn đến nhiều trạng thái tiêu cực: sự giận dữ, sự ghen tỵ, sự oán giận, sự coi thường, sợ hãi đặc quyền, sự làm hài lòng, sự thấp kém (inferiority) ,nỗi ám ảnh (obsession), sự cưỡng bách (compulsion) hay nghiện ngập (addiction). Tất cả đều là một phần trải nghiệm của sự sợ hãi (fear). Khi đó, luôn có một phần trong tính cách của chúng ta sẽ đối diện với nghịch cảnh trong tâm thế khổ đau như Jody – hoặc như khi nghe tin ai đó trong gia đình bị ung thư, bệnh hiểm nghèo hay sắp phải chia xa ai đó. Nên nhớ, luôn có một phần khác trong chúng ta được khởi phát từ tình yêu – nó khuyến khích chúng ta đón nhận mọi trải nghiệm với sự biết ơn. Cảm giác trên không xuất phát từ bản chất hay nền tảng của nghịch cảnh mà xuất phát chính yếu từ tính cách và góc nhìn của mỗi chúng ta. Và chúng ta thực sự không đáng để bị kiểm soát bởi chúng. Khi bạn sợ hãi và không biết rằng điều này xuất phát từ tính cách/nhận thức cá nhân của mình – thì thay vì yêu thương và biết ơn, thấu hiểu với vũ trụ hoặc kiên nhẫn hơn – bạn sẽ rơi vào cái bẫy của một môi trường tiêu cực nhỏ (mini-climate) – một địa ngục nho nhỏ, nơi cực kì đau đớn. Nhưng khi bạn hiểu những trải nghiệm từ cuộc đời hay trường trái đất (earth school) đến với bạn là có lý do – nó giúp bạn trải nghiệm đầy đủ các khía cạnh của nghịch cảnh và để thách thức trái tim yêu thương của bạn. Lúc đó bạn sẽ không còn trốn tránh những cảm xúc tiêu cực hay bản chất nghịch cảnh (không chống lại nó) mà sẽ cảm nhận sâu sắc về nó. Hãy chọn những phần khỏe mạnh nhất trong tính cách của bạn để phản ứng lại nghịch cảnh – hãy lựa chọn sự yêu thương và cảm thông.
Bài phỏng vấn của Gary này có rất nhiều ý nghĩa với mình vì nó phóng chiếu đến nhiều điểm chấm trong cuộc đời mình. Bố mẹ mình đến lập nghiệp tại Cao Nguyên Lâm Viên trong những năm tháng khó khăn của thời bao cấp sau giải phóng – cuộc sống của những thầy cô giáo lúc ấy đầy khó khăn với mức lương ba cọc ba đồng – họ phải làm việc quần quật cả ngày – vừa trên giảng đường vừa mưu sinh bên ngoài. Sáng sớm thì đẩy xe hàng ra chợ bán, trưa chiều thì loay hoay trên bục giảng, tối thì nấu rượu, chăm gà vịt và đan len. Khi mẹ mang thai anh trai mình – do lao lực, sức khỏe kém cùng điều kiện chăm sóc y tế của vùng kinh tế mới – anh mình sinh non và không may qua đời (giống như Ryan). Đến lượt mình, mẹ cũng sinh non – cầm trên tay hài nhi chỉ nặng vỏn vẹn 1,7kg (như một con mèo con có thể nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay) – mẹ đã xúc động rơi nước mắt khi mình may mắn sống sót. Cảm ơn Tạo hóa đã cho mình cuộc sống. Trong tâm tưởng, mình luôn hình dung nếu anh trai mình còn sống có lẽ anh đã có gia đình, sinh con cháu cho bố mẹ bế bồng và giúp mình một chỗ dựa tinh thần khi cần. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn – khổ đau như vậy, bố mẹ đã nuôi dạy ba đứa con sau thành những người đàng hoàng tử tế – họ đã đối diện với những năm tháng giao thời khắc nghiệt bằng sự lạc quan nhất có thể. Dù vô tình, có lẽ bố mẹ mình cũng đã đối diện nghịch cảnh dưới góc nhìn của Tâm hồn (the perspective of soul). Đúng như Gary chia sẻ, tâm hồn của những người đã đi qua cuộc đời mình (dù họ không còn tồn tại) là một động lực lớn lao thôi thúc những người ở lại, trong đó có cá nhân mình không ngừng nỗ lực trong mỗi bước đi của cuộc đời.